Thứ tư, ngày 18 tháng 09 năm 2024
11:29 (GMT +7)

Đôi điều trao đổi về hình tượng nghệ thuật trong truyện ngắn

VNTN - LTS: Tác giả Phạm Quý, hội viên Chi hội Văn xuôi - Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên vừa gửi đến Tòa soạn bài viết trao đổi một số vấn đề về “hình tượng nghệ thuật” trong truyện ngắn. Dưới góc độ của một người sáng tác, có thể thấy đây là những trao đổi thể hiện sự cầu thị, tâm huyết và trách nhiệm. Văn nghệ Thái Nguyên kỳ này trân trọng giới thiệu bài viết đến quý độc giả.

1. Phải nói thật là khi tôi cầm bút say mê viết truyện ngắn đầu tay, và sau này viết thêm được mấy chục cái nữa, tôi không hề chú tâm đến hình tượng nghệ thuật của truyện là gì. Cũng chẳng để ý xem nó ở thể loại bút pháp nào. Viết theo cảm hứng, viết theo ý tưởng chợt lóe lên cùng vốn sống đã có trong mình. Có người khuyên cứ thế mà làm, cứ để cảm xúc nó tự chảy theo cái mạch của nó, đừng để ý đến lý luận làm gì, có khi lại mất đi cái sự trong trẻo, hồn nhiên của cảm xúc. Người lại bảo, dù sao cũng phải hiểu những kiến thức cơ bản về lý luận thì sự viết mới tránh được những điều non nớt hơn. Ý kiến nào cũng đều có lý cả, nhưng tôi nghiêng về ý thứ hai, bởi muốn xây một ngôi nhà ít ra cũng phải nắm được những cái cơ bản về kiến trúc. Điều trước tiên là phải đạt tiêu chuẩn về một ngôi nhà vững chãi đã. Việc thông thoáng, tiện ích và đẹp đẽ còn tùy thuộc tài năng và sự học hỏi, tiếp thu của mỗi người.

 

 

 

 

Bài viết này tôi muốn mạnh dạn nêu lên một vấn đề để trao đổi, đó là làm thế nào để phân biệt rõ một truyện ngắn và một câu chuyện kể. Đây là tâm huyết cùng trao đổi, bởi tôi thấy trong Chi hội Văn xuôi cũng không ít ý kiến về vấn đề này. Bản thân tôi cũng chưa viết được gì ra tấm ra món, kiến thức lý luận còn chưa có. Những điều tôi mạnh dạn trao đổi sau đây chỉ là suy nghĩ cá nhân, có thể sẽ còn non nớt, sai sót, nhưng hy vọng sẽ là chủ đề khơi gợi, mời gọi mọi người cùng luận bàn.

Trong in ấn, xuất bản tôi chưa thấy đâu in định rõ là truyện ngắn hay truyện kể, bởi chính truyện ngắn thì tác giả cũng đang kể một câu chuyện rồi, nhưng nhiều người khi đọc một truyện lại nhận xét, đây mới chỉ là một câu chuyện kể. Cái ranh giới này mong manh lắm, và theo tôi sự phân biệt này chỉ có thể dựa trên hình tượng nghệ thuật của truyện để nhận ra. Một truyện ngắn sẽ hiện lên hình dạng khi hình tượng nghệ thuật được tác giả tìm tòi suy ngẫm từ một góc nhìn hiện thực nào đó, nó được lóe lên như người ta tìm được tứ thơ. Bài thơ tìm được tứ, người viết như khơi được mạch nguồn để cảm xúc tuôn trào. Truyện ngắn tìm ra được hình tượng nghệ thuật thì những chi tiết của hiện thực ùa về quay quanh cái trục nghệ thuật ấy mà phát triển. Như vậy, trong truyện ngắn, theo ý kiến cá nhân tôi, hình tượng nghệ thuật có thể gọi nôm na là cái tứ của truyện.

Tứ của truyện chỉ lóe lên khi người viết đang ấp ủ, nghiền ngẫm một hiện tượng, một vấn đề gì đó trong đời sống xã hội. Có thể bất chợt nghe một bài hát, đọc một bài thơ, thậm chí đọc một truyện của người khác, hay phát hiện ra trong chính đời sống vẫn diễn ra hàng ngày mà bật ra tứ truyện. Chính bước tìm tòi tứ truyện này tôi cho là tài năng của từng người. Họ đã tìm ra cái không bình thường trong cái bình thường nhất đang diễn ra trước mắt. Cái không bình thường ấy là sự tìm tòi, nâng hiện thực lên một tầm nghệ thuật. Chính vì thế mà nó không xa rời hiện thực, nhưng nó lại có hình ảnh nghệ thuật chi phối suốt câu chuyện, tạo nên sức ám ảnh, gợi suy nghĩ cho người đọc. Tôi thấy thường xuất hiện hai hình thức thể hiện hình tượng nghệ thuật. Một là người đọc nhận ra ngay khi đọc truyện. Trường hợp này thường thấy ở những truyện có bút pháp hiện thực, tác giả cần phơi bày trạng thái hiện thực đời sống, cần cắt nghĩa, lý giải, nhận thức về thực tại. Trường hợp thứ hai là người đọc không thể nhận ra hình tượng nghệ thuật trong truyện mà chỉ mơ hồ nhận thấy qua sự ám ảnh về cảm xúc. Hình tượng nghệ thuật nó ẩn rất sâu, nó không hiện lên mà chỉ tạo cho không khí của truyện từ đầu đến cuối. Đây thường là những truyện của các tác giả viết ở bút pháp trữ tình. Những sự kiện, biến cố chỉ là cái cớ để họ biểu hiện nội tâm. Để minh họa cho các điều trên, tôi xin dẫn chứng bằng một vài truyện ngắn.

2. Trước hết là một số truyện trong tập truyện ngắn “Mưa giông” (Nhà xuất bản Hồng Đức, 2020) của 9 tác giả trong Chi hội Văn xuôi - Hội Văn học nghệ thuật tỉnh. Cả tập sách có 12 truyện, tôi xin chọn ra 4 truyện nổi rõ nhất về hình tượng nghệ thuật, hay có thể nói là tôi thích nhất, nó để dư âm nhiều nhất sau khi tôi đã đọc cả tập truyện.

“Vòng vía” (Bùi Như Lan) là một truyện ngắn đầy ám ảnh. Tôi nhận ra hình tượng nghệ thuật chính là cái vòng vía. Truyện bắt đầu từ tình huống một người phụ nữ câm đang bụng mang dạ chửa bị quăng xuống đường, không tung tích tên tuổi, quê quán, người thân, chỉ có đôi vòng vía và tấm ảnh bị xé một nửa trong bọc quần áo. Rồi một mối tình dị lạ, hiếm có trong cuộc đời này nảy nở. Người đàn ông bị tật nguyền do bỏng từ bé, mặt mũi biến dạng đến kinh sợ. Người đàn bà thì câm lặng. Họ sống trong cùng một ngôi nhà do sự cưu mang bất đắc dĩ của người đàn ông. Không khí trong ngôi nhà ấy tưởng như lúc nào cũng bị kìm nén bởi hai con người tính cách khác biệt nhau, nhưng lại luôn khát khao những gì thuộc bản năng trong mỗi con người. Chính cái không khí ấy tạo cho người đọc cảm giác có một điều bí ẩn đang ẩn chứa trong ngôi nhà này, trong đôi vòng vía và nửa bức ảnh mà người đàn bà đang giữ. Đến lúc cái gã phụ bạc kia sau khi đã mất hết cơ nghiệp tìm đến, thì người đàn bà ấy bỗng dưng bật ra một câu chửi cùng một thái độ giận dữ. Chi tiết chị ném nửa bức ảnh ra như sự giải thoát thân phận mình đã giải tỏa sự kìm nén cảm xúc của người đọc. Đồng thời người ta cũng thấy một sự phát thoát của đôi vòng vía kia, xác định một vị trí rõ ràng cho người cha tật nguyền bấy lâu nay đã cưu mang hai mẹ con họ trong ngôi nhà này. Hình ảnh chiếc vòng vía chỉ xuất hiện hai lần trong câu chuyện, nhưng nó lại là cái trục để các tình huống, các chi tiết truyện phát triển xoay quanh nó, gây dồn nén rồi lại giải tỏa cảm xúc người đọc. Nó xuất hiện để giấu bí mật một con người bị rơi vào cảnh sống vô gia cư không nơi bấu víu. Rồi nó lại xuất hiện để mở ra lai lịch gốc tích con người này, để xác định vị trí xứng đáng cho người cha nuôi tật nguyền. Ý tưởng tác giả thật nhân văn khi cho hai thân phận trớ trêu phải gắn bó với nhau trong tình huống bất đắc dĩ, và quy luật nhân quả cho những kẻ táng tận lương tâm sống như dã thú. Hai nhân vật ấy coi như đã an bài số phận, người con được đẻ ra kia mới là cái nút để định rõ tương lai của cả gia đình này. Và, chiếc vòng vía đã sáng lên để giải thoát việc này một cách đầy nhân văn.

Ở truyện ngắn “Khoảng cách” (Hồ Thủy Giang) thì hình tượng nghệ thuật chính là cái khoảng cách không gian luôn hiện hình đâu đó trong cuộc sống này. Một con đường khi còn nhỏ bé, gồ ghề thì tốc độ của chiếc xe đạp chỉ 15 km/h. Khi đó, người làm bên đường và người đi còn nhìn rõ nhau ở khoảng cách mấy chục mét, còn chào hỏi nhau thường xuyên. Rồi xã hội phát triển, đường rộng và rải nhựa phẳng lỳ thì người ta đã ngồi trong ô tô mà phóng với tốc độ hàng trăm km/h. Chỉ đến khi lốp xe bị thủng giữa đường, họ mới có cơ hội gặp nhau và người ngồi trong ô tô mới cố nhớ lại chuyện cũ. Một chi tiết thật khôi hài, nhưng là tiếng chuông cảnh tỉnh về tình người trong một xã hội phát triển. Đó là người ta vẫn nhận ra người làng mình thường xuyên xuất hiện trên vô tuyến. Cái khoảng cách chỉ một mét rưỡi thôi nhưng lại là một khoảng cách người xa khỏi làng không nhận ra nổi người ở quê mình. Truyện rất ngắn nhưng cái khoảng cách vô hình ấy là cái lõi để các tình huống, chi tiết đắt xuất hiện, thông điệp của nó để lại suy ngẫm trong lòng người đọc.

Truyện “Cáy tắc” (Hoàng Thị Hiền) viết về đề tài miền núi. “Cáy tắc” là con gà con và cũng là hình tượng nghệ thuật của truyện. Từ con gà con bị mồ côi được bà ngoại cho này, mọi tâm trạng của cô bé bảy tám tuổi khi ở với mẹ kế đã được hiện lên. Người bạn gần gũi nhất với em cũng bị chia cắt, đày đọa. Rồi một ngày em chỉ còn nhìn thấy túm lông con gà sót lại nơi vại nước. Đỉnh điểm là em đã bị người mẹ kế âm mưu hãm hại bằng bả chuột. May mà em thoát nạn. Người mẹ kế bỏ trốn và bị pháp luật truy lùng. Một người bạn cùng lớp đã cho em con gà khác. Nó lại cùng em bước vào cuộc sống mới khi bố đẻ em đã nhận ra mặt thật của người vợ kế. Hình tượng nghệ thuật của câu chuyện này chỉ là một con gà con, nhưng nó cũng là trung tâm, là cái trục để các chi tiết, các tình huống xoay quanh nó mà phát triển. Nó như cái cớ để vạch trần cái ác vẫn đâu đó trong cuộc sống này.

Đến truyện trữ tình “Mùa trút lá” (Trần Nhung) thì hình tượng nghệ thuật lại ẩn rất sâu trong tâm trạng người kể chuyện. Hình tượng nghệ thuật chính là mùa tre trút lá. Cái hình ảnh ấy nó ám vào câu chuyện từ đầu đến cuối, nhưng cốt truyện lại không hề nổi rõ lên hình tượng ấy. Đó là nỗi dày vò tâm trạng của nhân vật người kể chuyện thông qua nhân vật thím Sỹ. Một người con gái có sự nhạy cảm rất riêng với cảnh sắc mùa tre trút lá. Trong không gian ảm đạm cuối đông, nổi lên sự xào xạc của bao chiếc lá tre khô trút xuống rời cành. Cô thích ngồi trên thảm lá tre khô cùng người thím chuyện trò. Cô liên tưởng một điều gì xa xăm khi hình ảnh lá tre đỏ úa, xác xơ luôn ám ảnh tuổi thơ mình. Điều đó như báo hiệu về cuộc đời người thím, nỗi buồn chồng chất nỗi buồn, lấy chồng mà không có tình yêu, luôn bị chồng phụ bạc. Những tập tục làng quê giống như lũy tre bao bọc kín làng, trói buộc bao thân phận con người. Hình tượng chiếc lá tre khô chỉ xuất hiện thoáng qua mấy lần trong suốt câu chuyện. Lần cuối cùng, nhân vật người kể chuyện chỉ còn biết thả quyển nhật ký của thím và một chiếc lá tre vào quan tài trước khi đóng nắp. Ở truyện này, như tôi đã đánh giá ban đầu là hình tượng nghệ thuật nằm sâu trong tâm trạng nhân vật. Nó tạo nên không khí truyện một sự ám ảnh từ đầu đến cuối, còn các tình huống, chi tiết truyện chỉ là phần nổi chuyển tải những tâm trạng kia thôi.

Tôi xin dẫn chứng thêm một truyện đã đăng ở Báo Văn nghệ Thái Nguyên, đó là truyện “Lửa cười lửa khóc” của Tống Ngọc Hân (số 27 ra ngày 7/7/2020). Tôi đã đọc khá nhiều tác phẩm của chị trên các báo và trên mạng. Hầu như chị tham gia thi ở đâu thì đều có giải. Truyện nào của chị cũng có dấu ấn riêng. Tôi cho rằng tài năng của chị ngoài vốn sống, phông văn hóa thì sự nhạy bén, sắc xảo trong việc tìm ra tứ truyện là quan trọng nhất. Một hiện tượng, một chi tiết nhỏ trong đời sống xung quanh luôn là quan trọng nhất. Một hiện tượng, một chi tiết nhỏ trong đời sống xung quanh luôn là những khơi gợi tứ truyện cho chị, khi muốn gửi vào đó một thông điệp gì. Truyện “Lửa cười lửa khóc” là một ví dụ. Chị đã có vốn sống miền núi nhiều năm, chuyện những tập tục, buồn vui, tốt xấu trong một gia đình, dòng họ hay một dân tộc chắc chị đã quá rõ, nhưng làm thế nào để câu chuyện đó được nâng lên một tầm nghệ thuật lại đòi hỏi phải trăn trở, tìm tòi. Và chị đã chọn cái bếp lửa trong một gia đình dân tộc làm cái tứ cho truyện. Hay chính cái bếp lửa ấy là hình tượng nghệ thuật của truyện. Từ cái bếp ấy, hiện ra cả một câu chuyện dài về những tập tục cha truyền con nối trong một dòng tộc; từ cái bếp ấy thân phận người phụ nữ dân tộc được khắc họa rõ nét trong bức tranh một gia đình tứ đại đồng đường. Nó cũng đưa ra một thông điệp, có những nếp văn hóa cần giữ gìn, nhưng có những tập tục cần được giải phóng.

Vậy là tôi đã phân tích sơ lược qua 5 truyện ngắn để thấy tầm quan trọng của hình tượng nghệ thuật, nó đã giúp nhà văn làm nên hình hài của truyện như thế nào. Nó là cảm xúc, là mạch văn, là cái hồn để các tình huống và chi tiết nghệ thuật nảy nở, phát triển. Theo thiển nghĩ của tôi, ai viết truyện ngắn cũng phải có ý tưởng trước. Ý tưởng tức là đã có thông điệp mình đang hướng tới. Nhưng nếu không tìm được tứ truyện mang cá tính cảm thụ của riêng mình, hay nói cách khác không tìm ra được hình tượng nghệ thuật thật riêng, thật độc đáo và sâu sắc trong diễn biến hiện thực mà mình đang suy ngẫm, thì truyện sẽ chỉ là câu chuyện kể hiện thực thôi. Nó vẫn có cốt truyện, có tình huống và chi tiết truyện, nhưng vẫn chỉ là những vật liệu của đời sống mà chưa được nâng lên một tầm nghệ thuật. Truyện sẽ thiếu đi cái linh hồn cứ âm thầm dẫn dắt, xuyên suốt trong truyện - người đọc cảm thấy truyện hay hay không chính là ở chỗ này. Tất nhiên, để có một truyện hay thì còn nhiều yếu tố, nhưng cũng như người làm thơ, đã tìm tòi được tứ độc và lạ thì cảm xúc dễ thăng hoa và thường sẽ có được bài thơ nhiều người đồng cảm.

Tôi cũng nhận thấy một điều này nữa: nếu đã tìm ra hình tượng nghệ thuật, hay tạm gọi là “cái tứ cho truyện” thì tên truyện cứ thế nó cùng lúc hiện ra. 5 truyện tôi vừa dẫn chứng của 5 tác giả là một ví dụ. Có lẽ ở thơ cũng thế. Và điều này càng minh chứng cho một điều: hình tượng nghệ thuật là điều cốt lõi để làm nên hình hài một truyện được gọi tên truyện ngắn, dù nó ở trạng thái nổi rõ hay ẩn sâu trong truyện.

Trên đây chỉ là những nhận thức của cá nhân, tôi mạnh dạn chia sẻ, mong mọi người quan tâm và trao đổi để chúng ta cùng nhau rút ra một điều gì đó có ích cho việc viết.

 

Phạm Quý

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy