Thứ tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024
21:27 (GMT +7)

Đôi điều cảm nghĩ về thể thơ lục bát và thơ lục bát của các nhà thơ Thái Nguyên*

1. Hầu như ai làm thơ đều có chung một cảm nghĩ: lục bát là thể thơ dễ làm và rất khó hay. Nhưng tại sao lại như vậy thì không phải ai cũng lí giải được cặn kẽ và tường minh. Theo tôi, thể thơ lục bát dễ làm bởi nhiều nguyên nhân, trước hết tiếng Việt là ngôn ngữ giàu nhạc điệu với 6 thanh, nói đã nghe trầm bổng véo von như hát (đặc biệt với người nước ngoài học tiếng Việt thì cảm nhận này càng rõ). Tiếp nữa, từ bé thơ, ai trong chúng ta chẳng từng nghe ông bà, cha mẹ hoặc hát ru hoặc đọc ca dao cho chúng ta nghe. Những câu thơ có vế 6 chữ và vế 8 chữ, gắn bó với nhau bằng vần “chân” hoặc vần “lưng” đã thấm vào trái tim, khối óc, tự nhiên như không khí ta đang thở, để rồi ta yêu nhớ và có khả năng gieo vần, ghép chữ từ lúc nào không rõ nữa. Ví dụ như những câu cao dao này tôi đã “uống” vào tim mình cùng sữa mẹ từ thủa ấu thơ: “Gió sao gió mát sau lưng Dạ sao dạ nhớ người dưng thế này” Hay là: “ Thấy anh như thấy mặt trời Chói chang khó ngó trao lời khó trao” Có lẽ vì thế, cậu bé Trần Đăng Khoa thủa nào, chả ai dạy, đã làm thơ lục bát từ 7 -8 tuổi, đầu tiên là vụng dại: “Nhà em treo ảnh Bác Hồ Bên dưới có một bàn thờ đỏ tươi” Câu văn vần vụng dại, tả thực này sau đó được Xuân Diệu sửa lại thành một câu lục bát trung bình: “Nhà em treo ảnh Bác Hồ Bên trên có một lá cờ đỏ tươi” Nhưng phải đi từ những câu lục bát vụng dại ấy, Trần Đăng Khoa mới có những câu lục bát rất hay sau này: “ Ngoài thềm rơi chiếc lá đa Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng” Hay là: “Mái gianh ơi hỡi mái gianh Ngấm bao mưa nắng mà thành quê hương” Chỉ từ một vài ví dụ kể trên, soi vào thơ lục bát mà mình đã viết, chắc hẳn chúng ta cũng đã thấy: thơ lục bát rất dễ viết, rất dễ ghép vần nhưng để thành thơ thực sự hoặc cao hơn trở thành thơ hay thì khó biết chừng nào. Tôi xin dẫn thêm một vài ví dụ về thơ văn vần, câu 6/ câu 8, đọc rất nhịp nhàng, trầm bổng mà vẫn không thành thơ lục bát đích thực: “Con mèo, con chó có lông Cây tre có đốt, nồi đồng có quai” Hoặc là: “ Em về thưa với mẹ cha Trầu cau anh đã mang ra ngoài đồng Yêu em gửi nhớ gửi mong Yêu em gửi cả tấm lòng phì nhiêu” Vậy, để viết được thơ lục bát hay thì phải có những điều kiện gì? Tôi cũng viết thơ lục bát nhưng chưa hay, có lẽ mới đạt mức trung bình nhưng ở góc độ một nhà Lí luận - phê bình văn học xin đưa ra vài ý kiến sau để quý vị tham khảo. Mỗi nhà thơ, ngoài vốn sống giàu có, tầm văn hóa cao, tài năng thơ ca thì còn cần có những điều kiện khác. Bởi rất nhiều nhà thơ nổi tiếng như Chế Lan Viên, Hoàng Trung Thông, Nguyễn Khoa Điềm, Việt Phương, Chính Hữu, Quang Dũng…thành công ở thể thơ tự do, thơ 4 chữ, thơ 5 chữ… nhưng không thành công ở thể lục bát. Ngược lại, nhớ đến Nguyễn Bính, Tố Hữu, Lê Đình Cánh, Đồng Đức Bốn, Phạm Công Trứ… người đọc nhớ ngay đến những vần thơ lục bát có thể gọi là tuyệt bút của họ. Đây là sự tài hoa của Đồng Đức Bốn: “Đừng gieo giọt mắt xuống sông Anh về dẫu chỉ đò không cũng chìm” Còn đây là Phạm Công Trứ đã làm người đọc thương nhớ mãi với “Lời thề cỏ may” của mình: “Trăng vàng đêm ấy bờ đê Có người ngồi gỡ lời thề cỏ may” Vậy điều kiện nào mang lại thành công ở thể thơ lục bát cho một nhà thơ, cho người làm thơ? Với câu hỏi rất khó đã khiến nhiều nhà lý luận phê bình, nhiều nhà thơ lúng túng khi trả lời này, tôi cũng chỉ xin phép đưa ra một vài ý kiến của riêng mình: Thứ nhất: Phải có năng khiếu đặc biệt, tình yêu đặc biệt dành cho thể thơ lục bát. Các thể thơ cũng như các cô gái đẹp, cùng một lúc chia sẻ tình yêu cho nhiều cô gái, trong đó có “cô gái” lục bát thì rất khó có được kết quả thực sự tốt đẹp với một cô gái nào. Còn năng lực đặc biệt với thể thơ lục bát thì có gì đó giống như một năng lực “Thiên tiên”, một công năng trời cho, có nét huyền bí giống như tình yêu nam nữ, cảm nhận được mà rất khó lí giải rạch ròi. Thứ hai: Không thể thơ nào đòi hỏi nhà thơ phải có một “nội lực” văn hóa Việt, tinh hoa văn hóa Việt thấm nhuần đến độ vi diệu trong tâm hồn và trí tuệ như thể thơ lục bát. Tinh hoa văn hóa ấy như “vật liệu” quý báu chờ sẵn, xếp đầy, tài năng thơ có xu thế đam mê với lục bát sẽ sử dụng “vật liệu” ấy để làm nên thi phẩm của mình, bao giờ cũng giàu có “màu sắc” văn hóa Việt ở hình thức tác phẩm. Đây là một đoạn trong bài “Đường rừng chiều” của Nguyễn Bính viết ở Thái Nguyên năm 1939: “ Lữ khách bắt gặp quán cơm Đàn ong bắt gặp mùi thơm hoa rừng Đèo cao cho suối ngập ngừng Nắng thoai thoải nắng chiều lưng lửng chiều” Thơ lục bát Việt Nam cũng viết về những đề tài hiện đại như chống tham nhũng, ô nhiễm môi trường, sự tàn phá tự nhiên… nhưng thành công chưa nhiều. Ví dụ: “AQ túm tóc Chí Phèo Khổ cho hai chú nhà nghèo đánh nhau” (Nguyễn Duy) Hình như khi thơ lục bát viết về những gì ẩn sâu, gắn bó máu thịt, nằm trong tâm thức sâu thẳm nhất của người Việt như quê hương, lòng mẹ, sự hoài niệm và tiếc nuối “linh hồn” văn hóa Làng của người Việt…thì thành công hơn, dễ đi vào trái tim người đọc hơn. Thứ ba: Bài thơ lục bát hay là bài thơ có tứ thơ hay, thi ảnh lạ và đẹp, câu chữ hàm xúc tối đa, không thêm được và cũng không bớt được. Vậy tứ thơ hay là gì? Ai cũng nghĩ đây là một vấn đề đơn giản nhưng thực ra không hề đơn giản. Xuân Diệu quan niệm “Tứ thơ là ý được hóa thân trong một hình tượng cụ thể”. Nhà thơ Phạm Quốc Ca lại đưa ra một định nghĩa khá phức tạp: “Tứ thơ là cách liên kết cấu trúc của các ý thơ và mọi yếu tố cấu thành của bài thơ nhằm tập trung thể hiện có hiệu quả nhất chủ đề trữ tình” (Thơ và mấy vấn đề văn học, trang 17). Theo tôi, tứ thơ trước hết phải là suy nghĩ, cảm xúc, tư tưởng có giá trị nhân văn, có tính độc đáo xuất hiện trong sự vật, hiện tượng quanh ta, nó được khơi gợi lên khi ta quan sát hiện thực đời sống, rồi đòi hỏi phải có một hệ thống hình ảnh, hình tượng phù hợp với nó để thể hiện ra thành thơ. Tứ thơ của bài Việt Bắc (Tố Hữu) là cuộc chia tay giữa Việt Bắc với người cán bộ cách mạng, với Bác Hồ về thủ đô Hà Nội. Cuộc chia tay ấy có thật, nó là một tứ thơ được gợi lên từ hiện thực bấy giờ. Nó đòi hỏi Tố Hữu phải tổ chức và xây dựng được ba kết cấu đối đáp “Mình - Ta” gồm: Việt Bắc với người cán bộ cách mạng về xuôi; Người cán bộ cách mạng về xuôi với Việt Bắc; Việt Bắc với Bác Hồ. Từ ba kết cấu đối đáp ấy, các thi ảnh mới được chọn lựa, sắp xếp để bài thơ ra đời. Hình thức nghệ thuật ấy có đặc sắc, đẹp và ám ảnh hay không phụ thuộc vào tài năng và tâm huyết của nhà thơ. Với bài “Tâm sự nàng Thúy Vân” (Trương Nam Hương) thì tứ thơ bắt nguồn từ truyện sách vở chỉ khen và thương Thúy Kiều, chê Thúy Vân sống đơn giản, vô vị, hưởng hạnh phúc do Thúy Kiều “Trao duyên”. Nhà thơ muốn “lật ngược” quan niệm một chiều ấy: có mấy ai biết được bao đau buồn, giằng xé trong tâm hồn Thúy Vân? Nàng cũng đáng thương và đáng trọng biết bao? Tên bài thơ “Tâm sự của nàng Thúy Vân” là sự “gói ghém” thật cô đọng tứ thơ trên. Còn trong hình thức nghệ thuật của bài thơ, ngôn ngữ, thi ảnh vẫn phải sử dụng tài sản chung của dân tộc làm sao tránh hết được sự lặp lại, mà đã lặp lại thì sẽ thành sáo mòn, nhạt nhẽo (đây cũng là “căn bệnh” của nhiều người làm thơ đã và đang mắc phải). Bởi vậy, đọc thật nhiều để tránh “lối mòn” nhiều nhà thơ khác đã đi, cố gắng tìm ra một vài chữ mới, thi ảnh mới độc đáo và đẹp. Đó là thi ảnh mới trong “Mời rượu thanh minh” của Lê Quốc Hán: “Rượu hồng tưới ngọn cỏ non Mai sau trăm quả Bồ Hòn ngậm chung” Cái mới trong bài “Chia” của Nguyễn Trọng Tạo: “Tôi còn cái xác không hồn Cái chai không rượu tôi còn vỏ chai” Và đây là sự tìm tòi của Hồ Thủy Giang trong bài “Người và ta”: “Người mơ lấp biển vá trời Còn ta mong hiểu giếng khơi nói gì” Còn đặc điểm hàm súc tối đa cho ngôn ngữ thơ thì đây là yêu cầu sống còn không chỉ với thơ lục bát mà còn với các thể thơ nói chung. 2. Đánh giá về thơ đã khó, về thơ lục bát còn khó hơn bởi nếu Việt Nam là một “thi quốc” thì lục bát là “quốc hồn” của “thi quốc” ấy. Vả lại, có ai làm thơ mà không thấy thơ mình hay? Chỉ có điều, ai khen ta là kẻ thù, ai chê ta là bạn ta, ai chê đúng thì là thầy của ta, tôi luôn tâm niệm điều này và mong chia sẻ điều ấy cùng quý vị. Thái Nguyên là tỉnh có một nền thơ mạnh mẽ, sung sức ở khu vực miền núi phía Bắc. Có một số gương mặt sáng giá về thơ lục bát như Võ Sa Hà, Phan Thái, Hồ Thủy Giang, Nguyễn Hữu Bài, Phan Thức, Trần Cầu, Mai Thắng, ngay tác giả trẻ Hồng Phượng cũng có những câu thơ lục bát xuất thần… Nhưng đâu là câu thơ vừa đọc đã nhớ? Đâu là bài lục bát được bạn đọc cả nước nhớ và đọc, dù quên tên tác giả? Như khi chúng ta nhớ đến: “Lá ngô lay ở bờ sông Bờ sông vẫn gió người không thấy về” Hay là: “Lấy khăn mà gói bơ vơ Tay cầm nước mắt bao giờ sang sông” Vẫn còn rất nhiều tín hiệu vui để hi vọng như: Thái Nguyên có một môi trường văn hóa cao, nhiều tác giả xuất sắc, đông đảo công chúng yêu và sành sỏi về văn học, một đội ngũ đông đảo nhà thơ say mê và làm thơ lục bát, trong đó có nhiều câu hay, đoạn hay của nhiều tác giả đầy hứa hẹn như: Nguyễn Việt Bắc với “Con về lỗi cũ”, Dương Ngọc Bẩy với “Cây tre làng quê”, Nguyễn Ngọc Bút với “Mùa hè trên quê hương”, Vũ Chiến với “Chiến khu”, Nguyễn Năng Đắc với “Bóng mẹ”, Hoàng Trọng Hiếu với “Viếng mộ thi hào Nguyễn Du”, Nguyễn Anh Hòa với “Bóng mẹ”, Hứa Ngọc Quyến với “Vu Lan nhớ mẹ”, Xuân Tác với “Thương”, Nguyễn Khắc Tới với “Lục bát”… và còn rất nhiều câu thơ hay của nhiều tác giả trong tập “Lục bát Thái Nguyên” mà tôi không thể kể hết. Thơ lục bát Thái Nguyên như ngôi nhà đã có “nền móng” tuyệt vời, tường xây vững chắc nhưng mái nhà mới cao vừa phải. Nhưng chừng đó cũng đã đủ cho chúng ta vui mừng, hi vọng và tin tưởng vào tương lai tươi sáng cho thơ Thái Nguyên nói chung và thơ lục bát Thái Nguyên nói riêng. Thay lời kết: Đọc thơ bạn, đọc thơ ta Nửa đêm Lục Bát bóng hoa đáy hồ Vòng tay ôm vỡ sóng mơ Gần - xa, đuổi - bắt là thơ với người Lục Bát trong tóc mẹ tôi Sợi Lục ngắn, sợi Bát dài xót xa.

* Tham luận tại Hội thảo “Thơ lục bát Thái Nguyên” do Chi hội Thơ (Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên) và CLB thơ Lục bát Thái Nguyên phối hợp tổ chức, 05/7/2019

Nguyễn Đức Hạnh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy