Thứ năm, ngày 02 tháng 05 năm 2024
06:40 (GMT +7)

Đồi Chị Tuyết

Vào những năm 2006 đến 2010, PGS. Lê Thị Nhâm Tuyết nhiều lần có kế hoạch trở lại xã Văn Yên, huyện Đại Từ (Thái Nguyên) để thăm lại nơi những năm tháng trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Quân Nhu cục (Bộ Quốc phòng) đóng quân ở đó từ cuối năm 1946 đến 1951. Nhưng vì nhiều lý do, nên dự định không thực hiện được.

 Nhà bia lưu niệm nơi Cục Quân nhu đóng quân giai đoạn 1946 - 1951 (xã Văn Yên, Đại Từ, Thái Nguyên)

Ngày 25/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 34/NV về việc thành lập các cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng, bao gồm Văn phòng (với 4 Phòng: Hành chính, Chính trị, Mật mã, Báo chí) và các cục chuyên môn (10 cục, trong đó có Quân nhu cục). Theo điều 15 của Sắc lệnh này Quân nhu cục có nhiệm vụ “mua bán hoặc tập trung, và tiếp tế quân giới, quân lương, quân trang cho bộ đội”. Sau đó, ngày 19/3/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 36 cử ông Trần Dụ Châu là Cục trưởng Cục Quân nhu.

Trong một số lần kể về những năm tháng không thể quên này, PGS. Lê Thị Nhâm Tuyết có nhắc đến câu chuyện ngày xưa bà con ở Văn Yên gọi nơi đóng quân của đơn vị chị là “Đồi Chị Tuyết”.

Ngày 9/3/2022, tôi quyết định trở lại mảnh đất năm xưa, nơi PGS. Lê Thị Nhâm Tuyết cùng đồng đội từng đóng quân, với hy vọng có thêm thông tin về nhà khoa học, người thầy mà tôi mãi mãi yêu quý, kính trọng.

Chuyện kể của người 100 tuổi

Cụ Lý Văn Hinh năm nay vừa tròn 100 tuổi. Người đảng viên có hơn 70 năm tuổi đảng, sức khỏe đã yếu, đi lại khó khăn, mắt kém, nặng tai, nhưng đầu óc còn khá minh mẫn. Đang nằm nghỉ trên giường, thấy có khách, cụ ngồi dậy và tiếp chuyện chúng tôi. Theo cụ Lý Văn Hinh, năm 1947, Nha Quân nhu – theo cách gọi cũ mà cụ Hinh dùng (sau này là Cục Quân nhu) sơ tán từ Bắc Kạn về, sau đợt quân Pháp nhảy dù, đánh chiếm Nha Quân nhu, quân ta tổn thất nhiều tiền của, vị phó thủ trưởng Nha Quân nhu bị địch bắt.

Vào thời gian Nha Quân nhu đến xóm Núi, cụ Hinh ngày đó là Trưởng xóm, kiêm Tổ trưởng tình báo của xã Vân Khánh (như cách gọi hiện nay là Trưởng Công an xã), sau này đổi tên thành xã Văn Yên.

Theo cụ Hinh, trước khi đến Văn Yên, Nha quân nhu đã từng dự định đến sáu, bảy nơi khác. Với số lượng hàng trăm người[1], Nha quân nhu khi đó gồm có các ty: Ty Chế tạo, Ty Tiếp liệu, Ty Tích liệu, đóng quân ở xóm Núi, ngày đó có 47 hộ gia đình.

Nhắc đến chị Nhâm Tuyết, người dân ở xóm Núi thường gọi là chị Hương (cách gọi theo tên chồng của người Việt Nam). Cụ Hinh nhớ rất rõ: Chị Tuyết là em ông Tân (khi đó ông Nguyễn Tân là Trưởng ty Tiếp liệu của Nha Quân nhu), là người xinh đẹp, giỏi giang. Khi tôi hỏi đến tên “đồi Chị Tuyết”, cụ Hinh nói: đồi chị Tuyết cũng chính là trại[2] chị Hương. Đồi chị Tuyết là nơi mà ban lãnh đạo Cục Quân nhu đóng trên triền đồi thoai thoải, là ngôi nhà gỗ ba gian của ông Thu (một đảng viên ở địa phương) nhường cho Cục trưởng Cục Quân nhu làm việc, bên dưới ngọn đồi này là Đầm Đơn.

Theo Lịch sử Đảng bộ xã Văn Yên (1947 - 2012), tại nơi này “Tháng 7 năm 1947, Bác Hồ về làm việc với Quân nhu cục đóng tại xã Văn Yên, cùng với các đồng chí Tạ Quang Bửu (Bộ trưởng Bộ Quốc phòng), đồng chí Trường Chinh, tổ chức hội nghị quan trọng”[3].Giờ đây, trên mảnh đất đồi chị Tuyết (còn gọi là trại chị Hương) Cục Quân nhu (Bộ Quốc phòng) đã xây Nhà bia lưu niệm rất khang trang và đẹp.

Nhà bia lưu niệm Cục Quân nhu

Trên ngọn đồi chị Tuyết thoai thoải với những cây mua, cây sim hoa tím biếc mọc san sát, ở phần đất cao ráo, bằng phẳng và đẹp nhất, được chọn xây Nhà bia lưu niệm Cục Quân nhu. Sát bên dưới, triền dốc thoai thoải là vườn cây keo đang vươn lên xanh mướt. Nơi này trước là ngôi nhà làm việc Cục trưởng Cục Quân nhu những năm 1946 - 1951.

Nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập Cục Quân nhu (Tổng cục Hậu cần), ngày 26/9/2005, Cục Quân nhu khởi công xây dựng Nhà bia lưu niệm do Cục Hậu cần Quân khu I thi công. Theo lời cụ Hinh, thì ông Nguyễn Tân (anh trai PGS. Lê Thị Nhâm Tuyết) là người có công đầu cho việc thiết kế và xây dựng nhà bia lưu niệm này. Nhà bia lưu niệm được khánh thành vào dịp kỷ niệm Ngày Thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và Ngày Quốc phòng toàn dân (22/12/2005).

Nhà bia lưu niệm được xây theo hướng chính Đông ghé Nam (90 độ Đông và 7 độ Nam), phía trước là ngọn đồi với những cây sim, cây mua mọc san sát, phía sau lưng là Đầm Đơn, cũng mướt xanh những cây keo, cây mua.

Vĩ thanh

Lần đầu tiên đến xã Văn Yên, dù mới biết tôi qua điện thoại trao đổi hôm trước, nhưng tôi được anh Vũ Quyết Tiến (Chủ tịch UBND xã Văn Yên giai đoạn từ năm 2004 đến tháng 6 năm 2016) nhiệt tình tiếp đón, giới thiệu với lãnh đạo xã, đưa tôi đến gặp cụ Lý Văn Hinh để hỏi chuyện, rồi dẫn đường đến thăm Nhà bia lưu niệm Cục Quân nhu.

Ảnh: PGS. Lê Thị Nhâm Tuyết (đứng giữa), TS. Annika Johanson (Viện nghiên cứu Karolinska, Thụy Điển) và tác giả bài viết trong chuyến đi nghiên cứu tại Quảng Ninh.

Văn Yên là mảnh đất nghĩa tình, đất và người nơi đây thật đáng mến, đáng yêu. Mùa xuân này đến thăm mảnh đất năm xưa mà cách đây 76 năm về trước PGS Lê Thị Nhâm Tuyết (nữ đại đội phó trẻ nhất toàn quân ngày đó) đã có 5 năm sống và làm việc trong tình yêu thương, giúp đỡ, đùm bọc của người dân xóm Núi, tôi hiểu thêm vì sao cô Nhâm Tuyết thường nhắc về kỷ niệm những năm tháng đóng quân ở nơi này.

Ngày nay, những người dân, cán bộ thuộc thế hệ 5X, 6X và 7X khi được hỏi về Cục Quân nhu đều có thể kể cho khách phương xa nghe về những câu chuyện, những kỷ niệm một thời không thể quên. Trong câu chuyện ấy, mọi người đều nhắc đến đồi Chị Tuyết (trại Chị Hương). Thế hệ cán bộ lãnh đạo xã những năm 1990, 2000 đến 2006 thường kể về những lần PGS. Lê Thị Nhâm Tuyết và các cán bộ cao tuổi của Cục Quân nhu đến thăm xóm Núi và hỗ trợ cho người dân ở nơi đây.

 “Đồi Chị Tuyết” – nơi đóng quân của Cục Quân nhu, Tổng Cục Hậu cần nay trở thành di tích lịch sử cấp tỉnh của Thái Nguyên. Tên người nữ đại đội phó trẻ nhất toàn quân ngày nào đã đi vào lịch sử trong câu chuyện của người dân địa phương xóm Núi, xã Văn Yên (đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống thực dân Pháp). Cái tên gọi mộc mạc “Đồi Chị Tuyết” vẫn lưu lại trong lòng dân với một tình cảm rất gần gũi, thân thiết và bền vững theo thời gian.

-----------------

[1] Theo Lịch sử Quân nhu, thì quân số của Quân nhu cục năm đó khoảng vài trăm người.

[2] Trại: tên gọi người dân chỉ nơi ở không phải là trong xóm làng, nó cũng được dùng để chỉ nơi ở mới của những  gia đình mới tách hộ, lập nên nơi cư trú mới: trại mới. Trong những năm chiến tranh phá hoại miền Bắc, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội sơ tán về Văn Yên, những lán trại sinh viên ở cũng được người dân gọi là trại. Hiện nay, người dân Văn Yên vẫn gọi trại là những mảnh vườn, đồi chè, nơi họ trồng trọt, chăn nuôi.

[3] Ban Chấp hành Đảng bộ xã Văn Yên. 2012. Lịch sử Đảng bộ xã Văn Yên (1947-2012), Nxb Hồng Đức, 2015, tr.41.

Hoàng Bá Thịnh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Đồi Dung

Xem tin nổi bật 1 tuần trước

Chã - nơi ấy có mẹ chồng tôi

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

“Người Gang Thép!”

Xem tin nổi bật 5 tháng trước

Một miền quê yêu dấu

Tôi và Thái Nguyên 9 tháng trước

Tiếng gọi điều công

Tôi và Thái Nguyên 9 tháng trước

Lũng Luông kỉ niệm

Tôi và Thái Nguyên 10 tháng trước

Phúc Lộc – làng quê êm đềm tuổi thơ tôi

Tôi và Thái Nguyên 10 tháng trước