Đọc thơ Văn nghệ Thái Nguyên 2017
VNTN - Có lẽ chúng ta dễ thống nhất với nhau một thực tế rằng hiện nay thơ đang ngày càng nhiều lên, nhưng điều đó lại ít khi tỉ lệ thuận với sự đón nhận và đánh giá của bạn đọc. Giữa tình hình hàng loạt tập thơ được in đều đặn hằng năm, rất nhiều các trang báo thơ phát hành đều đặn hằng tháng hằng tuần, dày đặc các trang mạng thơ ca cập nhật hằng giờ hằng phút, để bạn đọc có ấn tượng và đón đọc một trang thơ nào đó là một điều rất khó hiện nay. Trong bối cảnh như thế, những trang thơ nghiêm túc và kĩ lưỡng của Văn nghệ Thái Nguyên xứng đáng được bạn đọc tin cậy và trân trọng.
Những niềm thơ giàu sắc điệu
Bàn về thơ hay có lẽ cũng khó không kém việc viết được một bài thơ hay. Có người cho rằng thơ hay là thơ có đóng góp sáng tạo nhất định nào đó, thể hiện ở một số phương diện quan trọng như tư tưởng, lời thơ, giọng thơ, hình tượng, cấu trúc, cú pháp.v.v.. Có người lại quan niệm rằng nếu như giá trị của văn nằm trong ý tưởng, thì giá trị của thơ nằm trong mỗi chữ, mỗi vần, không cần qua trung gian của ý tưởng, tức là thơ chỉ cần hay thôi, ngoài ra không phải mang vác sứ mệnh nào khác. Thế nào là hay và hay như thế nào, đó sẽ còn là cuộc bàn thảo không bao giờ hoàn kết. Cho nên ở đây, người viết chỉ dám tỏ bày những cảm nhận mang tính cá nhân của mình.
Theo góc nhìn chủ quan, tôi cho rằng năm 2017 vừa qua, Văn nghệ Thái Nguyên đã xây dựng và duy trì được một trang thơ ấn tượng. Cái ấn tượng ở đây không chỉ đến từ những bài thơ hay, mà còn bởi sự đan hòa giữa nhiều phong cách thơ giữa các tác giả tỉnh nhà với các tác giả trong cả nước.
Với thơ của các tác giả Thái Nguyên, dường như sắc điệu chính vẫn là sự nền nã truyền thống. Điều đó giúp cho mảng thơ này đậm sâu về tình, khơi gợi về xúc cảm, dễ cộng cảm. (Tất nhiên, đó cũng chính là đầu mối dẫn đến sự mất mát về tính mới, về sự riêng khác). Xin lấy ra đây một số ấn tượng như thế.
Nhà thơ Phan Thái ngày càng định vị mình rõ ràng hơn với tâm thế thường trực của một người luôn hoài vọng truyền thống, quay về tìm lại người quê - làng quê trong mình, nhất là trong thế giới của lục bát:
Về làng nhang nhác người dưng
Lơ ngơ chả biết nên mừng hay lo.
Mom sông thưa thớt cánh cò
Trâu nằm nghếch gió co ro nhai chiều.
(Tản mạn bên làng)
Nhà thơ Nguyễn Đức Hạnh vẫn thể hiện sự tài hoa ở ngôn từ, đồng thời đã tiết chế chứ không bị mạch chữ kéo đi, để ngày càng trở nên lắng đằm hơn:
Ở đây không có sóng điện thoại
Chỉ có sóng đại dương
Đành gọi thầm qua ngàn cây số
Biển làm mặn từng tiếng yêu thương
Biết là em đang mong
Bởi trăng khuyết mà sáng trời sáng bể
Biết là em đang khóc
Bởi đêm nay mưa biển cắn vào môi
(Nhớ ở Trường Sa)
Nhà thơ Trần Cầu đem lại những ngạc nhiên khi đang ngoại bát tuần nhưng tình thơ ngày càng thêm đượm nồng, sắc thơ ngày càng thêm trong khiết:
Lắng tiếng chiều xuân
Tre trúc ấm lời ươm chữ
Cây vối già trổ nụ
Tinh khôi xanh đến ngại ngần
(Một thoáng vườn Bùi)
Nhà thơ HIền Mặc Chất vẫn giữ được chất hào hoa và bay bổng cùng sự duyên dáng của mình trong kiểu thơ năm chữ sở trường:
Lời đẹp gieo xuống đất
Mong manh dễ bị nhàu
Nước trong đừng khuấy đục
Xót thương đời bể dâu
Lặng lẽ nhìn giun dế
Nỉ non suy tôn nhau…
Sống, viết thật nào dễ
Gửi nỗi niềm thẳm sâu…
(Mai ngày khi giã biệt)
Bên cạnh đó là các tác phẩm cho thấy sự bền bỉ đáng trân trọng của những người đã đóng góp tích cực để làm nên diện mạo thơ Thái Nguyên nhiều năm qua như Nguyễn Hữu Bài, Nguyễn Ngọc Minh; và gần đây hơn là sự xuất hiện nhiều hơn của các tác giả Nguyễn Hồng Phượng, Nguyễn Minh Trọng, Doãn Long.v.v..
Điều đáng chú ý là trên trang thơ Văn nghệ Thái Nguyên năm qua, các tác giả trẻ xuất hiện nhiều hơn, thường xuyên hơn. Họ có sự mới mẻ trong cái nhìn để chung góp những tiếng nói riêng.
Đó là một Trần Nhung mà từng lời thơ thường ánh lên niềm tha thiết của lòng người:
Trăng cuối năm
Lăn bóng tròn tím đêm.
Thương mẹ vò võ.
Sớm nay con về
Mưa xuân háo hức bám trên tay
như đứa trẻ
Vệt mùng tơi chẳng thể nào xóa
Tím nỗi nhớ như búp hoa.
(Xuân tím)
Đó là một Hoàng Thị Hiền quẫy cựa mãnh liệt đến độ lúc nào cũng như sẵn sàng bùng cháy, nhưng đồng thời lại cũng vẫn luôn giữ lại điều gì sâu thẳm riêng mình:
Vết sẹo giật từng cơn tháng ngày
em làm vợ
Nỗi buồn bó gối đêm sương
Rõ ràng càng cời than, ngọn lửa
càng cháy đượm
Và em ước tuổi xuân mình nổi bão
(Dựng lại nhà)
Đó là một Nguyễn Nhật Huy với tiếng nói tự nhiên, phần nhiều vọng ra từ vô thức, với những câu chuyện rất đỗi riêng tư nhưng lại dẫn sang các vấn đề mang tính thế hệ - nơi mà anh can dự đến từng hơi thở:
Có một sự nhầm lẫn nào đó khi
đêm ánh sáng
lóe lên từ màn hình
linh hồn mình từ lâu nằm sau vỏ nhựa
cựa quậy thành từng chữ
còn cơ thể mình thì đầy những
vết bầm mã vạch
Tôi vẫn yêu chiếc điện thoại
như điều bí mật nhất của mình
dù nó đã nuốt mất linh hồn
và rất nhiều kỉ niệm.
(Bộ nhớ)
Không có gì là quá trẻ hay quá sớm nữa, tôi nghĩ họ đã thực sự nhập cuộc và đang trên hành trình rồi. Họ đang cùng những người đi trước mở ra thêm những cánh cửa mới, những ngả đưởng mới.
Trong khi đó, có thể thấy thơ của các tác giả trong nước lại đem đến những sắc điệu thực sự tươi mới. Một số trường hợp, bài thơ đi đến nấc thang mới, giới hạn mới, phiêu lưu mới.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đang đi xa hơn đến phía những trầm tưởng về sự sống, mỗi lời thơ ý thơ là một sự nâng niu cái đẹp:
Khi con mười tám tuổi, mẹ nói:
Bền vững hơn vàng là kim cương
Khi con năm mươi tuổi, mẹ nói:
Bền vững hơn kim cương là hạt cây
Dưới tán cây chiều nay
hai người im lặng
Những hạt cây bên nhau
chuẩn bị khai mùa
Và bầy chim mỏ vàng từ trời xanh
đậu xuống
Tán cây vàng
Nhặt họ
Bay đi
(Những hạt cây)
Nhà thơ Thạch Quỳ đau đáu nỗi người, trong một chiều kích vừa gắn chặt với thực tại vừa tỏa lan về phía vĩnh cửu:
Tôi về thăm mộ cụ
Lẻ bước giữa chiều hoang
Chỉ thấy bóng kê vàng
Mọc trùm lên bãi cát
Cụ không về trong mắt
Cụ không nằm trong thơ
Muốn hỏi hồn dưới đất
Đã ngủ yên nấm mồ?
(Nguyễn Du)
Nhà thơ Lê Vĩnh Tài tiết chế tối đa trong giọng điệu cũng như biểu lộ cảm xúc, vượt qua hiện thực khách quan để tiến gần đến hiện thực của tâm tưởng, tập trung tâm ý cho những suy tưởng vạm vỡ về đời sống và phận người.
Đừng cầu nguyện cho cái chết
hãy cầu nguyện cho phần còn lại
của thế giới
họ vẫn còn sống
như hơi thở của bạn
Đừng cầu nguyện cho sự trả thù
hãy cầu nguyện cho sự bình tĩnh
Đừng cầu nguyện cho sự nổi tiếng
Chúa chỉ cần cái tên của bạn.
(Bài thơ nguyện cầu)
Bên cạnh đó còn là sự trình hiện ấn tượng của nhiều chùm thơ hay từ những nhà thơ như Trần Nhuận Minh, Nguyễn Minh Khiêm, Vũ Quần Phương, Nguyễn Hữu Quý, Trương Đăng Dung, Phan Hoàng, Hoàng Xuân Tuyền.v.v..
Sự xuất hiện của nhiều nhà thơ tài năng của Việt Nam cũng như nhiều tác giả trên mọi miền đất nước trên Văn nghệ Thái Nguyên có lẽ nói lên khá nhiều điều. Trước hết, nó cho thấy sự yêu quý của nhiều người viết dành cho diễn đàn này, bởi lẽ người ta phải thấy yêu, thấy vui, thấy tự hào, thấy “được” thì mới tin cậy gửi công bố tác phẩm. Đồng thời, nó cũng tạo ra sự khích lệ để các tác giả tỉnh nhà có tinh thần sẵn sàng gặp gỡ - đón nhận những phong cách và xu thế mới, để nhập cuộc và đồng hành trên đại lộ văn chương hôm nay. Và cuối cùng, cũng phải nói rằng, đây là một sự “cạnh tranh” rất bình thường, mang tính tất yếu, để tất cả cùng thôi thúc nhau hơn trên con đường sáng tạo.
Thiếu vắng tính đột khởi
Đúng là chúng ta đã có một diễn đàn thơ ấn tượng, nhiều tác phẩm hay. Nhưng hình như nó chưa đến độ, chưa được đẩy đến cùng những mạch nguồn hay những giới hạn khám phá. Nói gọn lại thì nó vẫn chưa có sự đột khởi.
Thơ trên Văn nghệ Thái Nguyên năm qua có sự dồi dào của ý tưởng nhưng rất thiếu sức mạnh của tưởng tượng. Hình như sức mạnh của thơ không chỉ ở vấn đề nó đặt ra, mà nhiều khi là ở cảm giác mãnh liệt mà nó vẫy gọi người đọc. Ở đây, đọc [phần] nhiều bài thơ, chúng ta nghĩ nhiều chứ chưa được cảm nhiều. Nó là những câu trả lời chứ chưa phải những câu hỏi, là những nấc thang chứ chưa phải những tầng trời, là những cánh cửa chứ chưa phải những thế giới.
Trong chuyên luận Thơ hay, thơ dở, cái hay của thơ dở và cái dở của thơ hay, nhà nghiên cứu - phê bình Nguyễn Hưng Quốc có những phân tích rất đáng chú ý. Ông cho rằng: “…Thứ nhất, về những bài thơ được xem là lớn. Lớn ở đây có nghĩa là vượt quá cái tiêu chuẩn thông thường và bình thường của một hệ mỹ học. Quá ở một trong hai, hoặc họa hoằn hơn, ở cả hai phương diện: ở trục tung, nó đạt đến một độ cao hơn hẳn vô số các bài thơ khác để trở thành một ngọn đỉnh cao chất ngất trên cái đồng bằng thơ bao la chung quanh; ở trục hoành, nó làm rạn nứt khuôn khổ của hệ mỹ cũ, để, ở mức độ tối ưu, tạo hẳn ra một nền mỹ học mới, và từ đó, một truyền thống mới cho thơ”.
Có được một bài thơ hay đã khó, có một bài thơ “lớn” như nói trên đây thì lại càng thậm khó. Nhưng nếu chúng ta chấp nhận hoặc không đủ nội lực bật ra khỏi vùng an toàn, thì lại khó có hi vọng về sự đột khởi. Mà sự chuyển động không ngừng, sự thôi thúc không ngừng - đó dường như mới là bản chất của sáng tạo nói chung, của thơ nói riêng. Cho nên, tôi vẫn nghĩ, thơ cần phải có tham vọng đột khởi.
Hẳn đó là một chờ đợi và một đòi hỏi chính đáng.
Phạm Văn Vũ
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...