Thứ tư, ngày 30 tháng 10 năm 2024
16:26 (GMT +7)

Đọc Ông Ké thượng cấp của Ma Trường Nguyên, bàn thêm về đặc trưng thể loại tiểu thuyết lịch sử

VNTN - 1. Cuốn tiểu thuyết Ông Ké thượng cấp (NXB Hồng Đức ấn hành, 2016) của nhà văn Ma Trường Nguyên có thể coi như một cách để trả “món nợ” với đồng bào Việt Bắc - một vùng “địa lợi, nhân hòa”, đã góp công sức đáng kể cho thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp.

Ngoài phần Khai bút - như lời mở đầu và phần Vĩ thanh - như đoạn kết, Ông Ké thượng cấp có mười chương, tổng cộng 224 trang.

Tác phẩm bắt đầu với việc kể về những năm tháng “Ông Ké thượng cấp” hoạt động ở Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc, liên lạc được với các tổ chức bí mật của Đảng Cộng sản ở Cao Bằng. Các đồng chí Mai Trung Lâm, Bùi Thanh Bình, Hoàng Hồng Việt được cử sang Long Châu (Trung Quốc) để gặp anh em ở hải ngoại do Ông Ké dìu dắt, huấn luyện. Vì phải giữ bí mật tuyệt đối nên những cán bộ trong nước mới sang, chỉ gặp một ông già cao dong dỏng, để râu dài và còn đen, thường có chiếc khăn che mặt, hé lộ ra đôi mắt sáng, và được giới thiệu là “Ông Ké thượng cấp”, nghĩa là ông già đứng đầu - cấp cao nhất của một tổ chức cách mạng. Sau một thời gian, có một đoàn cán bộ cùng Ông Ké vượt biên giới về Việt Nam. Đoàn có 5 người, 3 người gánh hàng, một phụ nữ đeo túi thuốc và Ông Ké. Khi qua một làng của người Trung Quốc, đoàn nghỉ tạm một đêm rồi lại tiếp tục đi. Đến Kẹp Mia, địa danh đối diện với Pác Bó, có trạm đón tiếp bí mật do cán bộ của Đảng Cộng sản Trung Quốc và Việt Nam phụ trách, Ông Ké gặp đồng chí Mai Trung Lâm, Nam Long và Đinh Đại Toàn trong niềm vui sắp được đặt chân lên mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc. Người nói: “Tôi về đến đây là ổn rồi! Ba đồng chí quay lại Trịnh Tây tiếp tục học tập cho tốt”.

 

Ông  Ké về sống ở hang Cốc Bó, Pác Bó, huyện Trường Hà, tỉnh Cao Bằng vào đầu năm 1941. Tại đây, Ông vẫn giữ bí mật tuyệt đối khi tuyên truyền vận động cách mạng và huấn luyện cán bộ. Dương Đại Lâm và Dương Đại Phong là hai anh em được Ông Ké gần gũi, chỉ bảo tận tình, và những thanh niên này vừa là người tiếp lương, vừa là liên lạc viên cho Ông Ké mà cũng không biết ông đích thực tên gì. Thế rồi, chẳng bao lâu, Ông Ké lại sang Trung Quốc có việc quan trọng. Và rủi ro thay, Ông bị Tưởng Giới Thạch bắt, giam trong nhà tù hơn một năm trời, phải sống bức bách về tinh thần, thiếu thốn, cực khổ về vật chất, trong khi phong trào cách mạng ở Việt Nam đang rất cần sự dẫn dắt của Ông. Năm 1944, sau khi ra tù, Ông Ké trở lại Cao Bằng, gặp lại bà con dân bản, tổ chức cuộc sống nền nếp, vệ sinh cho họ, chăm sóc trẻ em và cử cán bộ tiếp tục ở lại duy trì, phát triển phong trào ở vùng rẻo cao này.

Sự phát triển của phong trào cách mạng trong nước và những chuyển biến mau lẹ của tình hình thế giới những năm 1944 - 1945 đã đưa Ông Ké về Tân Trào, Tuyên Quang, nơi tiếp giáp với vùng trung du và đồng bằng rộng lớn của đất nước. Đoạn đường từ “đầu nguồn” cách mạng (Cao Bằng) đến ATK Tân Trào quả là xa xôi, gập ghềnh, vất vả. Ông Ké cùng với ba mươi người, gọi là “bộ đội ông Ké” đi bộ, tuy có vài con ngựa, lúc dành cho Ông Ké, lúc nhường cho người ốm, mệt nhưng cũng chỉ dắt ngựa theo người là chính. Qua nhiều xóm, bản với tên gọi mới lạ ở vùng núi Ngân Sơn, Chợ Đồn, Định Hóa, đoàn Ông Ké mới về đến  đình Hồng Thái, Tân Trào thuộc Châu Sơn Dương - Châu Tự do.

Ở Tân Trào, Ông Ké bị một trận sốt rét nặng, thuốc men lúc đó rất thiếu thốn, chỉ có vài viên ký ninh, tưởng như không còn cách cứu chữa. Đồng chí Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp cũng có mặt tại đây lo chữa bệnh cho Ông Ké và chuẩn bị gấp để Quốc dân đại hội sớm được khai mạc. Vừa dứt cơn sốt, tỉnh táo một chút, Ông Ké dặn người phụ trách đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân: “Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập”. Rất may, nhờ một người địa phương tìm cho liều thuốc Nam, Ông Ké khỏi bệnh và tiếp tục điều hành công việc. Đội quân của Võ Nguyên Giáp từ Tân Trào tiến về Thái Nguyên lúc 13h ngày 16/8/1945. Kết hợp với các đội tự vệ địa phương và 6 người Mỹ do thiếu tá Tô-mát chỉ huy, lực lượng cách mạng đã đánh tan quân Nhật ở thị xã Thái Nguyên, giải phóng các vùng phụ cận như Phú Lương, Phổ Yên rồi tiến về Hà Nội.

Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời chưa được bao lâu thì thực dân Pháp trở mặt tấn công ta, cuộc toàn quốc kháng chiến chống Pháp chính thức bắt đầu từ ngày 19/12/1946. Ông Ké trở lại Tân Trào, rồi chuyển sang Định Hóa sống, làm việc trong nhiều năm trường kỳ kháng chiến gian khổ cho đến khi chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi (1954). Trong thời gian ở ATK Định Hóa (Thái Nguyên), có vài ba sự kiện đáng ghi nhớ: Ông Ké tiếp Pôn-muýt, cố vấn đại diện cho Cao ủy Pháp ở Đông Dương tại thị xã Thái Nguyên, khi nơi đây vừa được “tiêu thổ kháng chiến”; Ông Ké đi thăm xưởng quân giới do kỹ sư Trần Đại Nghĩa làm Chủ nhiệm; Ông Ké giao nhiệm vụ chỉ huy chiến dịch Điên Biên Phủ cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, với lời chỉ thị: “Tướng quân tại ngoại, trận này rất quan trọng, chắc thắng mới đánh!”.

Trong phần Khai bút (mở đầu) và đoạn Vĩ thanh (kết), tác giả kể một vài kỷ niệm của mình về ông, bà, bố mẹ, về đoàn người, ngựa của Ông Ké thượng cấp đi trong rừng và về người chú coi kho vũ khí, lương thực ở ATK. Ở trang cuối cùng tiểu thuyết, người cha giải thích về Ông Ké thượng cấp:

- Thượng cấp là người đứng đầu trên cao nhất, to nhất. Ông Ké ấy là Cụ Hồ đấy. Cụ Hồ đã về quê ta để lãnh đạo toàn dân ta đánh Tây đuổi Nhật, mang lại hạnh phúc cho mọi người.

Bà mẹ đang sao chè cũng góp chuyện:

- Cả nhà ta là sung sướng nhất đấy! Ai cũng được gặp Ông Ké thượng cấp mà.

Và câu chuyện về Ông Ké được kết thúc tại đây.

2. Ông Ké thượng cấp của Ma Trường Nguyên thuộc thể loại tiểu thuyết lịch sử. Những biến cố, những sự kiện gắn với nhân vật trong truyện này được diễn ra cách đây hơn sáu, bảy mươi năm, nghĩa là đủ độ giãn cách về thời gian cho người sáng tác “vùng vẫy” khi thể hiện. Về sử liệu hay là sử kiện, Ma Trường Nguyên có rất nhiều lợi thế, vì từ lâu đã có những công trình nghiên cứu lịch sử, văn - sử, về cách mạng Việt Nam, về Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh… được công bố. Cuối tập tiểu thuyết, tác giả có liệt kê 12 tài liệu tham khảo, với những tư liệu lịch sử, hồi ký, chuyện kể… coi như những chứng cứ liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến nội dung cuốn tiểu thuyết. Đó là một thuận lợi đáng kể, vì có nhà tiểu thuyết lịch sử đã phải mất rất nhiều công sức mà chỉ tìm được mấy dòng sử liệu từ sách cũ. Dựa vào những tư liệu phong phú ấy, tác giả Ma Trường Nguyên dường như dễ dàng có sẵn một nội dung câu chuyện. Phần “Mục lục” ghi tên từ chương I đến chương X ở cuối tập sách đều gắn với sự kiện và địa danh liên quan đến bước đường hoạt động cách mạng của Ông Ké, nghĩa là người kể chuyện (tác giả) theo sát, bám sát lịch sử của nhân vật, đã được nhiều người biết. Lại cũng do đặt tên chương như thế mà tiểu thuyết bị giảm đi sự hấp dẫn, vì người đọc đã đoán trước sự việc sắp xảy ra trong các chương, ví như: “Ông Ké về Pác Bó”, “Ông Ké trên đường về Tân Trào”, “Ông Ké về ATK Định Hóa”… Theo tôi, không nên đặt tên cho từng chương như thế, mà thay vào đó là các chữ số, theo thứ tự câu chuyện kể, để người đọc dễ theo dõi hơn mà cũng hấp dẫn hơn.

Trong tiểu thuyết lịch sử, việc kết hợp nhuần nhị giữa sự kiệnhư cấu với cái nhìn của thế hệ sau để rút ra những vấn đề khái quát có ý nghĩa triết lý nhân sinh là rất quan trọng. Yếu tố hư cấu ở đây, trước hết là: trên cơ sở sử liệu, sử kiện về một vấn đề, một nhân vật nào đó, bằng trí tưởng tượng phong phú, sáng tạo của mình, nhà văn sắp xếp lại, diễn tả lại một cách sinh động như đã diễn ra trong cuộc sống quá khứ. Đây là bước đầu tiên để tiểu thuyết lịch sử thoát khỏi mô hình kể chuyện lịch sử khô khan. Bước thứ hai của hư cấu là nhà văn dùng quyền tưởng tượng sáng tạo của mình để bổ sung những chi tiết, phục dựng lại những cái có thể có theo lôgic hợp lý nào đó mà sách vở, sử liệu không nói đến. Chẳng hạn, đời sống riêng, tâm tư riêng của nhân vật không được nhắc đến trong tư liệu lịch sử nhưng nhà tiểu thuyết có thể phát huy tối đa năng lực tưởng tượng để bổ sung, lấp đầy những khoảng trống này, khiến cho lịch sử trở nên đầy đặn hơn, sinh động hơn. Trong Đại Việt sử ký toàn thư chỉ có vẻn vẹn mấy dòng: “Mùa hạ, tháng 6, gả công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm Thành là Chế Mân, vì trước đây Thượng Hoàng đi chơi các địa phương, sang nước Chiêm đã trót hứa gả con gái cho. Các văn sĩ trong triều ngoài nội nhiều người mượn điển vua nhà Hán đem Chiêu Quân gả cho Hung Nô làm lời thơ bằng quốc ngữ để chê cười”, thế mà Hoàng Quốc Hải đã hư cấu, tưởng tượng để viết thành tiểu thuyết Huyền Trân công chúa 300 trang rất sinh động và hấp dẫn. Đặc biệt, nhà văn miêu tả diễn biến tâm lý của Huyền Trân từ lúc nghe tin mình được gả sang Chiêm Thành cho tới khi trở thành vợ của vua Chiêm là Chế Mân. Bên ngoài ai cũng nghĩ nàng là người con thuận hảo, ý thức được trọng trách đối với quốc gia, nhưng trong sâu thẳm của lòng mình, việc đó còn là một sự trả thù, nàng cố vùi nén, quên đi tình yêu với người anh hùng đã lớn tuổi Trần Khắc Chung. Mặc dù vậy, khi làm vợ Chế Mân, Huyền Trân là người phụ nữ biết hy sinh vì nghĩa cả, có trí tuệ sáng suốt, biết khuyên chồng khuyên vua lo việc trị nước an dân… Huyền Trân thực sự trở thành nhân vật sống động, đầy sức thuyết phục trước độc giả chứ không phải là cái tên trong sử sách. Ở đây, nhà văn đã làm cho nhân vật quá khứ sống lại, như đang vận động.

Thành công trong việc diễn tả nhuần nhị giữa hai yếu tố sử kiệnhư cấu có thể tham khảo nhận xét sau đây về tiểu thuyết Hồ Quý Ly: “Phải thừa nhận rằng, Hồ Quý Ly của Nguyễn Xuân Khánh mang tính chính xác của sử liệu, bám sát chính sử, tôn trọng các sự kiện chính của lịch sử. Nhưng mặt khác, tác phẩm mang sự bay bổng, phóng khoáng trong hư cấu sáng tạo tự do, trong đó đáng chú ý là hư cấu về không gian lịch sử. Đặc biệt, nhân vật lịch sử Hồ Qúy Ly được nhà văn miêu tả khá sắc nét” (Xem bài của Nguyễn Thị Tuyết Minh ở Tạp chí Văn học số 4/2009, tr.63). Rõ ràng là, dưới hình thức tiểu thuyết, lịch sử được phục sinh - lịch sử trở nên cụ thể hóa, sinh động hóa - lịch sử đã được tái hiện là lịch sử sống động của cõi nhân sinh. Và được như thế, tiểu thuyết lịch sử có sức hấp dẫn riêng so với những trang lịch sử.

Tiểu thuyết Ông Ké thượng cấp của Ma Trường Nguyên chưa có sự kết hợp nhuần nhị giữa sử kiệnhư cấu vì ở đó chủ yếu là sự lắp ghép tư liệu lịch sử đã có sẵn. Ông Ké chưa thể hiện được vai trò là nhân vật trung tâm sống động trong môi trường, hoàn cảnh sống cụ thể và cả trong mối quan hệ thân thiết, gắn bó với các nhân vật khác.

Kết cấu của tiểu thuyết Ông Ké thượng cấp thiếu chặt chẽ và thiếu lô-gic, thể hiện ngay ở tiêu đề của mười chương. Chẳng hạn, ở các chương I, II, III, IV có các tên gọi: “Ông Ké qua bản Khâu đưa về Khuôn Tát” (trong nước), tiếp theo, “Ông Ké ở khách sạn Bách Nhạn Lữ Điếm” (Trung Quốc), sau đó là “Ông Ké về Pác Bó”, rồi “Ông Ké trên đường về Tân Trào”, bốn chương ghi theo hệ thống địa danh, địa lý. Đến chương V, VI, VII, VIII, lại không theo hệ thống ấy, mà trích từ câu nói, lời dặn, là chuyến thăm, việc tiếp khách. Đến chương IX lại nói về địa điểm, nơi làm việc: “Ông Ké ở An toàn khu Định Hóa”, và chương cuối cùng là lời chỉ thị: “Tướng quân tại ngoại…”.

Tóm lại, Ông Ké thượng cấp còn mờ nhạt chất tiểu thuyết, nhân vật tác giả đóng vai người dẫn chuyện gần như là nhân vật chính, cho nên ở một số chương, ít nhiều chưa thoát khỏi mô hình kể chuyện lịch sử khô khan. Tác giả chưa thực sự “tiểu thuyết hóa” lịch sử, nghĩa là chưa biến những sử liệu chính xác, phong phú đã có thành tiểu thuyết, thành sản phẩm hư cấu, tưởng tượng của cá nhân nhà văn. Lịch sử nhìn từ góc độ khoa học là cái đã có, đã xong xuôi, tất yếu, còn tiểu thuyết lại chú trọng sự sáng tạo, lại quan tâm đến những khả năng có thể của lịch sử. Đạt đến mức độ “tiểu thuyết hóa lịch sử” thì mới có thể đáp ứng được yêu cầu cơ bản của người đọc. Người ta cần và muốn đọc tiểu thuyết lịch sử, chính là ở sự hấp dẫn của nó, do tài năng hư cấu - tưởng tượng sáng tạo của nhà văn tạo nên.

Nguyễn Huy Quát

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy