Thứ năm, ngày 02 tháng 05 năm 2024
14:54 (GMT +7)

Đọc diễn từ nhận giải Nobel văn học 2016 của Bob Dylan

VNTN - Ngày 13/10/2016, Viện Hàn lâm Thụy Điển công bố chủ nhân giải thưởng Nobel văn học năm 2016 là một nhạc sỹ.

Vậy mà một tuần sau, Viện Hàn Lâm Thụy Điển vẫn chưa thể liên lạc được với chủ nhân của giải thưởng danh giá này.

Một ngày cuối tháng 10/2016, người Mỹ có tên Bob Dylan (bỗng dưng được những người yêu văn chương toàn thế giới biết đến), đã không còn im lặng: “Tin về giải Nobel khiến tôi không nói lên lời”.

Cuối cùng, trong lễ trao giải thưởng danh giá, ông vẫn không có mặt nhưng những lời sâu sắc trong diễn từ nhận giải mà ông gửi đến vẫn đủ nói lên một nhân cách sáng tạo, tất cả đọng lại trong một câu hỏi: “Chưa lần nào tôi dành thời gian để hỏi bản thân mình, “Các ca khúc của mình có phải là văn chương?”.

Từ lâu, giải thưởng Nobel văn học của Viện Hàn lâm Thụy Điển được coi là một danh hiệu danh giá nhất thế giới dành cho những người cầm bút. Tôi đã lướt qua những con số thống kê. Kể từ năm 1901, có tới 26 tác giả sử dụng tiếng Anh, 14 tác giả sử dụng tiếng Pháp, 13 tác giả dùng tiếng Đức, 10 người dùng tiếng Tây Ban Nha… đó là những ngôn ngữ lớn. Cũng như những ngôn ngữ nhỏ như tiếng Yiddish, tiếng Hebrew, tiếng Serbia, tiếng Iceland… đã từng một lần được nhà văn của dân tộc họ đưa đến đỉnh cao bằng giải thưởng này. Với Bob Dylan, mọi thứ dường như chưa có tiền lệ. Hay nói cách khác, mọi quy ước về văn chương đang bị rạn nứt.

Trở lại với câu hỏi của chủ nhân giải thưởng Nobel văn học năm nay, nếu ông là một người viết văn, câu hỏi đó sẽ bị nghi ngờ là sự làm dáng. Nếu câu hỏi này được thốt lên từ một nhạc sỹ bình thường, đó là sự ngộ nhận. Nhưng với Bob Dylan, sự dửng dưng ấy dường như là bản chất của sự sáng tạo khi mà ông đã “tạo ra những biểu đạt thi ca mới bên trong truyền thống âm nhạc vĩ đại của Mỹ".

Còn khá nhiều rào cản để người yêu văn chương Việt được tiếp cận với những cống hiến mới mẻ này của Bob Dylan, cụ thể như: Cần có sự am hiểu về âm nhạc, vốn từ và khả năng đọc hiểu tiếng Anh để nắm bắt được phần ca từ, hiểu về truyền thống âm nhạc vĩ đại của Mỹ, sự biểu đạt thi ca mới… Nhưng, qua bài diễn từ này, có một vài điều thú vị mà ta có thể nhận ra.

Trước hết, diễn từ chính là sự lên tiếng đầy đủ nhất của người được tôn vinh trước danh hiệu cao quý nhất. Quả tình, sau hơn một thế kỉ tồn tại giải thưởng này, cách đây hơn 40 năm, Jean-Paul Sartre đã thẳng thắn khước từ giải thưởng này: “Nếu tôi kí tên mình Jean-Paul Sartre, nó chẳng giống như cách tôi ký, giả dụ như Jean-Paul Sartre, một nhà văn đoạt giải Nobel.”, “Một nhà văn, vì thế, phải khước từ, để bản thân mình khỏi mang lấy danh của một thiết chế nào đấy, ngay cả khi việc này xảy ra trong những cảnh huống vinh hạnh nhất, như trường hợp của tôi”. Hay gần đây, trong diễn từ của mình, nhà văn Mạc Ngôn khẳng định: “Cách phát ngôn tốt nhất của một nhà văn là sáng tác. Những gì tôi cần nói đều được viết vào trong tác phẩm của mình. Lời nói gió bay, còn câu chữ viết ra thì mãi mãi không phai mờ. Tôi mong rằng quý vị sẽ có thể chịu khó đọc sách của tôi. Dĩ nhiên tôi không có tư cách buộc các vị phải làm việc ấy. Và dù rằng mọi người đã đọc, tôi cũng không hy vọng quý vị có thể thay đổi được cách nhìn nhận về tôi. Trên thế gian này chưa hề có nhà văn nào được tất cả bạn đọc đều yêu thích. Trong thời đại như ngày nay lại càng như vậy”. Sự “gặp gỡ” của các văn hào ở sự dửng dưng với giải thưởng, với danh xưng đã đưa họ đến với thành công vĩ đại. Ở khía cạnh này Bod Dylan cũng có sự tương đồng: “Nhưng, cũng như Shakespeare, tôi thường bận rộn với việc theo đuổi những nỗ lực sáng tạo và giải quyết mọi khía cạnh trần tục của cuộc sống”. Đó là điều không mới mẻ nhưng là cứ liệu hùng hồn nhất để chứng minh: sáng tạo là công việc vĩ đại mà cũng bình dị, đó là cái giá để đánh đổi nhưng cũng là bí kíp, là chìa khóa đạt đến sự thành công.

Với Bod Dylan, nghệ thuật là sự dân chủ, đối thoại không dễ dãi và có tính lựa chọn. Việc không thể có một tác phẩm trùng khít với “gu” thẩm mỹ của tất cả công chúng là điều xác đáng. Mạc Ngôn cho rằng: “Trên thế gian này chưa hề có nhà văn nào được tất cả bạn đọc đều yêu thích”, nhưng với nhạc sĩ người Mỹ, ông có một so sánh thú vị hơn: “Là một người biểu diễn, tôi từng chơi trước 50.000 người và từng chơi trước 50 người. Tôi có thể nói với bạn rằng chơi cho 50 người là điều khó khăn hơn. 50.000 người có ít cá tính hơn, không như 50”. Vậy 50 người ấy là sự đông đảo hơn về chất lượng cá tính, thị hiếu thẩm mỹ hơn con số 50.000 kia. Cách so sánh của nhạc sĩ thật thú vị, trong văn chương tuy không có sự tiếp nhận công khai đó nhưng cũng khá tương đồng. Sự lựa chọn số đông đôi khi không đủ sức phát hiện ra chân giá trị của tác phẩm. Thật lạ khi nhà văn nổi tiếng người Nhật, Haruki Murakami luôn có lượng độc giả đông đảo lại chưa một lần được xướng danh nhận giải thưởng văn học này. Có thể hiểu rằng, xu thế, trào lưu chưa phải là sự đánh giá khắt khe nhất với một sáng tác, nó đòi hỏi sự tiếp nhận sâu sắc, chủ động, độc lập và dân chủ.

Với Bod Dylan, giải thưởng chính là “câu trả lời tuyệt vời” cho câu hỏi mà ông còn chưa có khi nào tự hỏi mình: “Các ca khúc của mình có phải là văn chương?”, Phải nói rằng, ông đã thừa nhận loại hình nghệ thuật đầu tiên mà ông tiếp cận trong đời là văn chương, đọc và thấm nhuần tác phẩm của những tác giả xứng đáng với danh hiệu như thế: Kipling, Shaw, Thomas Mann, Pearl Buck, Albert Camus, Hemingway. Nhưng rồi khi lớn lên, ông viết các ca khúc và dần trở thành một nhạc sĩ có tên tuổi. Văn chương là căn cốt của hành trình sáng tạo? Văn chương vẫn âm thầm chảy trong tâm hồn ông như dòng sông quên lãng? Hay đi đến tận cùng của sáng tạo âm nhạc ông đã gặp được văn chương? Những câu hỏi mới lại nảy sinh trong đầu người yêu văn học.

Diễn từ nhận giải không phải là tác phẩm văn chương ở những tiêu chí cơ bản. Nhưng chúng ta luôn chờ đợi hàng năm, những tên tuổi mới được xướng danh, chờ đợi người đó chấp nhận và lên tiếng. Cớ sao một giải thưởng danh giá lại luôn chờ đợi những chủ nhân đón nhận và đã không chỉ một lần bị chối từ? Chỉ có thể giải thích một điều là, giải thưởng luôn dành cho những nhà văn vẫn chưa có định tự nhìn lại bản thân mình. Bởi thế, những nhà văn được tôn vinh như Svetlana Alexievich (2015) gần như không nhắc tới giải thưởng, trong khi Patrick Modiano (2014) lại rất thận trọng: “Một tiểu thuyết gia chẳng bao giờ có thể là người đọc của chính mình, ngoại trừ để chỉnh sửa trong bản thảo những lỗi về cú pháp, những sự lặp lại, hoặc để hủy đi một đoạn văn thừa. Y chỉ có một sự thể hiện hỗn tạp và một phần về những sách của mình, giống như một hoạ sĩ đang mắc vẽ một bức bích họa trên trần nhà và, nằm soài trên giàn giáo, làm việc trong những chi tiết, quá gần, không có cái nhìn toàn cục.”. Họ luôn như thế, vội vã như sắp sửa lên đường để chinh phục những thử thách hay duổi dong trên hành trình sáng tạo bất tận? Chỉ biết là, nhờ thế, văn chương luôn sống được trong lòng người đọc.

Bùi Việt Phương

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy