Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
14:10 (GMT +7)

Đọc “chợ” hay “rợ” trong bài thơ Qua đèo Ngang

VNTN - Trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 7, tập 1, câu thứ tư của bài thơ Qua đèo Ngang được trích dẫn như sau: “Lác đác bên sông chợ mấy nhà” và ở phần chú thích từ “chợ” có viết “Có người nói “rợ mấy nhà” vì ở Đèo Ngang heo hút, không phải là nơi đông dân cư. Nhưng cũng có ý kiến bác lại.” (tr.102). Vậy “rợ” hay “chợ” mới đúng? Để giải quyết vấn đề này cần chú ý đến văn tự và âm đọc.

Minh họa (Nguồn Internet)

Qua đèo Ngang là bài thơ chữ Nôm do đó điều đầu tiên cần chú ý đến là văn tự. Theo khảo sát của nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ, trong các bản chữ Nôm, bản AB.620 ghi chữ thứ 5 trong câu thơ thứ 4 này bằng tự dạng có bộ nhân đứng (亻) bên cạnh chữ trợ (助) và theo ông chữ này chắc chắn phải đọc là rợ, tức là chỉ người, không phải chợ - chỉ sự vật. Bên cạnh đó, thời bà Huyện Thanh Quan cũng đã có chữ âm trợ 助 bỏ tính chất quặt lưỡi, đọc thành chợ, và chữ thị 市 biểu thị ý nghĩa là “cái chợ”. Vì thế nếu muốn nhắc đến “cái chợ”, tác giả hoàn toàn có thể dùng chữ .Phải chăng tác giả dùng chữ này để chỉ người?

Trong vấn đề âm đọc, theo GS.TS Nguyễn Ngọc San, ở thời điểm sáng tác bài thơ Qua đèo Ngang, từ chợ có thể dùng âm xuất phát trợ trong Hán Việt vì lúc này, trong tiếng Việt, sự đối lập tr >< ch đã bị xóa nhãn, cùng với sự đối lập gi >< d >< r vì vậy chữ rợ cũng có thể ghi bằng trợ.

Như vậy, từ những cứ liệu về văn tự và âm Nôm, có thể thấy chữ chợ trong bài thơ Qua đèo Ngang phải đọc là rợ mới đúng.

Nhưng chữ rợ liệu có mang ý xấu? Cũng theo GS.TS Nguyễn Ngọc San, chữ rợ thực tình chỉ là cách gọi xưa đối với các dân tộc ngoài Hoa Hạ của người Hán. Theo đó, người Hán quan niệm 東夷,西戎,南蠻,北狄 đông Di, tây Nhung, nam Man, bắc Địch (phía đông có người Di, phía tây có người Nhung, phía nam có người Man, phía bắc có người Địch). Và cũng theo GS San, rợ là âm đọc Hán thượng cổ của chữ di. Trong quá trình biến âm, một số chữ có âm đầu r, sau này biến thành l và d. Ví dụ: 龍 Rồng  Long; 歟 Ru  Dư. Và cũng trong quá trình biến âm từ Hán Thượng cổ sang Hán Trung cổ, các âm [ơ], [iơ], [iơi] sẽ chuyển thành [i]. Ví dụ: 旗 cờ  kì; 絲 tơ  ti; 疑 ngờnghi. Do đó, việc biến đổi âm đọc 夷 rợ di là hoàn toàn hợp lí trong lịch sử biến âm.

Trở lại với ý nghĩa của chữ di (rợ). Trong từ điển Từ hải của Trung Quốc, chữ 夷 di được giải thích như sau “Di còn gọi là 'đông Di' thời Trung Quốc cổ đại dùng để phiếm chỉ các tộc người ở phương đông. Chẳng hạn từ thời nhà Hạ đến nhà Chu còn gọi là 'cửu Di'… lại phiếm chỉ dân tộc thiểu số ở bốn phương”. Và trong tất cả các từ điển, không hề thấy nhắc đến chữ di với hàm ý khinh miệt, di dùng để chỉ các dân tộc thiểu số vùng biên cương nói chung hoặc dân tộc thiểu số phía đông của Trung Quốc nói riêng, dân tộc này khác với tộc Hán ở Hoa Hạ.

Như vậy có thể thấy chữ rợ không mang ý xấu hay khinh miệt (hàm ý khinh miệt là do người đời sau thêm vào), trong trường hợp này tác giả dùng để chỉ các dân tộc thiểu số sống ở chân núi quanh đèo Ngang. Và trong bài thơ Qua đèo Ngang của bà Huyện Thanh Quan, câu thơ thứ 4 cần được đọc lại là: Lác đác bên sông rợ mấy nhà*.

* Có ý kiến cho rằng câu này cần đọc là “Lác đác bên sông rợ mấy bà”. Tuy nhiên, người viết chưa tìm được luận cứ cho quan điểm này nên không đưa vào bài này.

Như Châu

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy
  • Đinh Ngọc Tư dinh****@gmail.com

    Rất hay