Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024
18:50 (GMT +7)

Định kiến và nhạy cảm giới trong phê bình thơ nữ

Những giả định tiềm ẩn

Thơ nữ và phê bình thơ nữ sau đổi mới là những thực thể chưa hoàn thành. Bởi vậy, những mô tả, bình luận, đánh giá đều có tính tương đối trong các ngữ cảnh cụ thể. Vấn đề là: liệu trong nội dung, từ ngữ, những diễn ngôn phê bình thơ nữ sau đổi mới (đến giờ) có định kiến giới? Phê bình thơ nữ sau đổi mới có nhạy cảm giới hay không? Nguyên nhân, hậu quả của định kiến giới trong phê bình thơ nữ sau đổi mới? Giải pháp nào tiến tới cải thiện và nâng cao nhạy cảm giới trong phê bình thơ nữ đương đại? Khảo sát các diễn ngôn phê bình, bài viết này tập trung phân tích, nhận diện định kiến giới, nhạy cảm giới trong các diễn ngôn phê bình thơ nữ Việt Nam sau đổi mới. Từ đó đánh giá hiệu quả và những ảnh hưởng của định kiến giới, nhạy cảm giới, đưa ra kiến nghị và đề xuất giải pháp tăng cường nhạy cảm giới trong phê bình thơ nữ sau đổi mới.

 

Ảnh minh họa (nguồn: internet)

Nhạy cảm giới được hiểu “là nhận thức được các nhu cầu, vai trò, trách nhiệm mang tính xã hội của phụ nữ và nam giới nảy sinh từ những đặc điểm sinh học vốn có của họ. Đồng thời hiểu được điều này dẫn đến khác biệt giới về khả năng tiếp cận, kiểm soát nguồn lực và mức độ tham gia, hưởng lợi trong quá trình phát triển của nam và nữ”(1).

Cũng tại đây, khái niệm định kiến giới được nêu rõ: “là nhận thức, thái độ và đánh giá thiên lệch, tiêu cực về đặc điểm, vị trí, vai trò và năng lực của nam hoặc nữ. Định kiến giới: là suy nghĩ của mọi người về những gì mà phụ nữ và nam giới có khả năng làm và loại công việc mà họ có thể làm và nên làm; là tập hợp các đặc điểm mà một nhóm người, một cộng đồng cụ thể nào đó gán cho là thuộc tính của nam giới hay nữ giới. Các định kiến giới thường theo xu hướng nhìn nhận ít tích cực, không phản ánh đúng khả năng thực tế của từng cá nhân dẫn đến việc làm sai lệch và hạn chế những điều mà một cá nhân nam, nữ có thể làm, cần làm hoặc nên làm”(2).

Trong đời sống của chúng ta, bất bình đẳng giới, định kiến giới là vấn đề phổ biến. Chính vì thế, có thể đặt ra một giả định tiềm ẩn rằng: bất bình đẳng giới đang tồn tại trong phê bình văn học. Phê bình thơ nữ Việt Nam sau đổi mới còn thiếu nhạy cảm giới. Tác giả phê bình thơ nữ: là các nhà phê bình nam giới mang định kiến giới (đôi khi vô thức). Thơ nữ, tác giả nữ, cái tôi trữ tình trong thơ nữ bị quy định bởi các tri thức mang định kiến giới: dịu dàng, kín đáo, hi sinh, khao khát, yếu đuối, cần được che chở, phụ thuộc, bị động, kẻ dưới,... Không gian nữ: hướng nội, gắn với gia đình, con cái, tình yêu của người nam, không gian riêng tư nhỏ hẹp của cá nhân,... Tư thế, hành động của người nữ: đón nhận, chờ đợi, hướng về, gìn giữ, sự nuôi dưỡng,... Những điều được cho là không thuộc về, cấm kỵ, hoặc không được cổ súy đối với người nữ: hoạt động chính trị, xã hội, cộng đồng, cách mạng, tình dục,... Hậu quả là: thiếu nhạy cảm giới đôi khi làm tăng định kiến giới hoặc tạo nên các “bẫy” về giới khiến cho những nỗ lực bình đẳng giới bị giảm sút hiệu quả. Thiếu nhạy cảm giới trong phê bình văn học khiến cho những kết luận, đánh giá về đối tượng thiếu đi sự thỏa đáng cần thiết.

Tác giả của những phê bình thơ nữ: Họ là ai?

Tác giả của những phê bình thơ nữ sau đổi mới chủ yếu là nam giới. Ví dụ trường hợp Vi Thùy Linh, các nhà phê bình nam giới: Nguyễn Trọng Tạo, Dương Tường, Nguyễn Huy Thiệp, Trần Đăng Khoa, Vũ Mão, Phạm Xuân Nguyên, Thanh Thảo, Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Đăng Điệp, Chu Văn Sơn, Văn Giá, Trần Thiện Khanh, Nhụy Nguyên, Nguyễn Hoàng Đức, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Thanh Sơn, Nguyễn Trọng Bình, Nguyễn Mạnh Trinh, Hoàng Anh Tuấn, Trần Wũ Khang, Đỗ Nguyên Phong,... Các nhà phê bình nữ: Thụy Khuê, Chu Thị Thơm, Lưu Khánh Thơ, Thái Phan Vàng Anh, Hoàng Thụy Anh,...

Sự chênh lệch này cũng có thể nhận thấy trong các diễn ngôn phê bình thơ Phan Thị Vàng Anh, Đinh Thị Như Thúy, Nguyễn Phan Quế Mai, Vi Thùy Linh, Lữ Thị Mai, Nguyễn Thị Thúy Hạnh,... Các tên tuổi chủ yếu trong các phê bình này là: Inrasara, Phan Hoàng, Nguyễn Đăng Điệp, Chu Văn Sơn, Vân Long, Nguyễn Thụy Kha, Đào Duy Hiệp, Lê Thiếu Nhơn, Khổng Đức, Nguyễn Đức Tùng, Dương Tử Thành, Hoài Nam, Đoàn Ánh Dương, Trần Thiện Khanh, Ngô Hương Giang,...

Trong phạm vi khảo sát của chúng tôi, sự chênh lệch này thể hiện thực trạng mất cân bằng về giới trong hoạt động phê bình (sự mất cân bằng này lại có nguyên nhân sâu xa từ chính định kiến giới đối với công việc xã hội, văn chương, nghệ thuật. Ở đó, trong lịch sử, người nữ không phải là nhân vật chính). Lực lượng phê bình nam giới này tạo nên một trường các vấn đề liên quan đến giới, định kiến giới trong việc phê bình thơ nữ sau đổi mới. Một trong những vấn đề trọng yếu chính là người nữ đã bị quy chiếu bởi quan niệm, tưởng tượng của nam giới có bề dày trong lịch sử, bề rộng trong không gian. Bản thân các tác giả phê bình nam giới đã mang trong mình những “tiền giả định” về người nữ. Chính vì thế, khi phê bình thơ nữ, sự ràng buộc của các tiền niệm đó đã khiến cho định hướng phê bình, ngôn ngữ, cách thức diễn đạt, những quy chiếu giá trị, cái đẹp, cái tôi trữ tình, hình tượng, cảm xúc, giọng điệu, âm điệu trong thơ dường như bị một thế lực tiên thiên thao túng.

Hình ảnh người nữ trong định kiến giới

Nguyễn Đức Tùng trong bài viết Đinh Thị Như Thúy: sinh ra là tự do, đặt câu hỏi cho nhà thơ: “Tôi cũng thường tự hỏi: thơ của các nhà thơ nữ hiền lành, dịu dàng cũng như tính cách của họ trong cuộc đời. Họ có thể làm mới mà không “nổi loạn” được chăng?”. Một câu hỏi khác: “Là một thứ thơ trữ tình mà có tư tưởng, duyên dáng nữ tính mà cứng cỏi. Thơ của chị đầy những nhận diện, chị có sẽ đi đến tận cùng quá trình nhận diện ấy trong thơ chăng?”(3).

Nguyễn Trọng Bình trong bài Thơ Vi Thùy Linh: Những trận bạo động tình cho rằng: “Trước hết, Vi Thùy Linh bao giờ cũng vậy rất chân thành và luôn luôn khát khao, luôn luôn mong muốn làm sao để cho “những cơn khát tình” của mình đạt đến “tuyệt đỉnh” đến “cao trào” và “tận cùng”. Tuy đây là mong muốn rất chính đáng, mang đầy tính nhân bản, nhân văn nhưng có lẽ theo tôi, Vi Thùy Linh đôi lúc lại quên mất một điều đã là phụ nữ thì mãi mãi vẫn chỉ là… phụ nữ; đã là phụ nữ thì trước hết phải nhớ những gì thuộc về…“tính nữ”; đã là phụ nữ thì đương nhiên phải thuộc về “âm”. Cho nên, phải chăng vì quá “hưng phấn” trong xúc cảm nhằm “chống lại những  gì được gọi là giáo điều, hèn nhát, đạo đức giả, nửa vời, tẻ nhạt trong tình yêu, và rộng hơn, trong đời sống” nên thơ Linh ít nhiều vô tình đánh mất chất “nữ tính”, cái “âm tính” của người phụ nữ trong bất kỳ mối quan hệ nào của cuộc sống. Người phụ nữ trong thơ Linh vì thế lại thiên về yếu tố “dương” (“dương - nữ”); là phụ nữ mà lúc nào cũng muốn độc hành, lang thang, cuồng điên, ào tung, run, nấc, trĩu nặng, đè lên, đâm, trầy xước, thấm xót, rớm máu, cài then, thượng đẳng, tung phấn hoa, cuồng nhiệt vũ điệu, sốt hoàng hôn, rên nóng, tưới, cường năng, dồn kết, bạt ngàn, ngập dòng dòng, liếm, vang lộng, mê đắm, vít lưng trời, ghì bao la, tan chảy, ngùn ngụt, bão cuốn hết, đày đọa, giày vò, giải phóng, tự do… Nói cách khác, cái hạn chế lớn nhất trong thơ Vi Thùy Linh là sự không tiết chế cảm xúc khi thể hiện tình cảm của người phụ nữ trong các mối quan hệ của cuộc sống vốn cần lắm những sự tinh tế và “nhã nhặn”. Vì thế, đọc thơ tình Vi Thùy Linh có đôi lúc làm cho người đọc có cảm giác như đang trót lỡ “leo lên lưng cọp”, “thú vị” thì cũng có đấy nhưng mà ở trên lưng chúa sơn lâm thì sự lo âu có khi lại nhiều hơn. Âu lo vì lẽ, khi nhìn lại xung quanh sao chẳng thấy ai giống mình và mình sao cũng chẳng giống ai! Cụ thể hơn, do không biết tiết chế cảm xúc, tình cảm của mình nên đôi khi những “trận bạo động… tình” trong thơ Linh rất khó tạo được sự đồng cảm nơi người đọc; làm người đọc cảm thấy bị “choáng ngợp” và ái ngại. Ngoài ra, vì thơ Linh là “những cơn lốc chữ”, “thơ Vi Thùy Linh bời bời những chữ, mỗi bài thơ là mỗi trận mưa lũ ngôn từ xối xả, cuồng hứng” nên có khi chính “những cơn lốc”, những “trận mưa lũ” ấy đã vô tình cuốn phăng đi tất cả những dịu dàng, đằm thắm vốn có của người phụ nữ trong lúc thụ hưởng tình yêu và ái ân”(4).

Trần Thiện Khanh trong bài viết Cấu trúc nhịp thơ và nhạc âm của thơ, nhận định về thơ Vi Thùy Linh: “Bề ngoài thiếu phụ nguôi quên niềm yêu rộn rã, song thực chất lại mong ngóng nó, muốn băng mình về phía nó. Sự đối lập giữa hiện thực và mơ ước tạo nên tâm thức chông chênh và thái độ lưỡng lự khá đặc trưng cho tính cách phụ nữ”(5).

Ngô Hương Giang trong bài Một vài gương mặt thơ nữ đương đại miền Trung cho rằng: “Cái thật thà, chất phác, dịu dàng trong phẩm tính người phụ nữ miền Trung đã hạn chế ý thức chủ động tìm kiếm khát vọng sống riêng biệt. Nhưng điều ấy không có nghĩa, ý thức về mình trong người thơ của họ bị quy giản về độ không chiều sâu văn hóa, ở mặt khuất nào đó, thơ họ đang dự cảm sự phá cách triệt để vào một ngày không xa”(6).

Nguyễn Thụy Kha trong bài Thơ Phan Huyền Thư - Nằm nghiêng về cách tân, nhận định: “Cái cách giải phóng mình, phái yếu trong đó có mình của Phan Huyền Thư là sự độ lượng với cũ kỹ, là mỉa mai sự nửa vời, là quyết liệt lặng lẽ vươn tới cách tân theo một thế của “Nằm nghiêng”(7).

Phan Hoàng trong bài viết Giấc mơ từ khu vườn Đinh Thị Như Thúy, nhận định: “Và giữa đông đảo những nhà thơ nữ xuất hiện cuối thế kỷ XX đầu XXI, tôi chú ý đến những bài thơ ký tên Đinh Thị Như Thúy. Những bài thơ mới lạ, giàu nữ tính, tạo dựng không gian thẩm mỹ riêng, ít lặp lại lối mòn của thơ những đàn chị đi trước”(8).

Trần Hoài Anh trong bài Ám ảnh đêm trong thơ Ly Hoàng Ly, cũng khẳng định: “Bởi lẽ, trong tình yêu bao giờ người con gái cũng gánh chịu những thiệt thòi, những mất mát, hy sinh nhiều khi như là sự lựa chọn của định mệnh”(9)...

Từ các ghi nhận định kiến giới trên, có thể thấy, hình ảnh người nữ được hiện lên trong các diễn ngôn phê bình thơ nữ sau đổi mới được mô tả: hiền lành, dịu dàng, duyên dáng, nữ tính, đằm thắm, tinh tế, nhã nhặn, không “nổi loạn”, phái yếu, tòng thuộc, dâng hiến, thụ hưởng, âu lo, sợ hãi, bị bỏ rơi, chờ đợi, khao khát, thiên chức, bổn phận,...

Những hình ảnh được mô tả này, rõ ràng là những khuôn mẫu giới, đã mang định kiến đối với người nữ, khoét sâu thêm định kiến, vô tình tạo nên các “bẫy” về giới. Bởi thế mà hiệu quả phê bình trong ý đồ tạo nên các diễn ngôn mang bình đẳng giới chưa thực hiện được hoặc có thể đã được diễn dịch theo cách không hẳn là như nó vốn có. Chẳng hạn, bản thân Vi Thùy Linh đã xác tín rằng, “Tôi là tôi/ Một bản thể đầy mâu thuẫn”. Vì vậy, việc đánh giá một cách cứng nhắc theo định kiến đôi lúc có thể đã rơi vào lầm lạc.

Nguyên nhân của định kiến giới trong phê bình thơ nữ sau đổi mới

Từ thực trạng phê bình thơ nữ mang đầy định kiến, lần tìm lại những nguyên nhân chi phối diễn ngôn phê bình mang định kiến, khuôn mẫu giới, chúng tôi cho rằng:

Thứ nhất: Định kiến giới được kiến tạo và duy trì bởi hệ thống đạo đức xã hội Nho giáo - đối với cả nam và nữ. Truyền thống bản địa Việt Nam là truyền thống trọng âm, mang thiên tính nữ, do vậy, định kiến giới chỉ có thể diễn biến trong không gian Nho giáo vốn đã hằn sâu trong ký ức tinh thần con người phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng. Người ta hoàn toàn có thể vẫy gọi về ngay lập tức trong tư duy của mình những định kiến: nữ tính, thiên tính, thiên chức… khi nhắc đến thơ nữ.

Thứ hai: Tình trạng/ nguy cơ bị “sập bẫy” do sở hữu hay sử dụng ngôn ngữ, tri thức vốn đã tiềm ẩn định kiến.

Thứ ba: Sự thiếu nhạy cảm giới, thiếu tầm nhìn trong hoạt động phê bình. Nghĩa là, nhạy cảm giới chưa trở thành chiến lược phê bình trong các diễn ngôn phê bình thơ đương đại.

Thứ tư: Bản thân thơ nữ chưa thoát khỏi định kiến giới. Nguyên nhân này được hình dung từ việc các tác giả nữ vẫn bị chi phối bởi tri thức mang đặc tính nam quyền về người nữ. Họ trở thành phụ nữ chính vì thế.

Nhạy cảm giới trong phê bình thơ nữ sau đổi mới

Hình ảnh người nữ trong thơ Phạm Thị Ngọc Liên, Dư Thị Hoàn, Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư, Định Thị Như Thúy, Nguyễn Phan Quế Mai,... được các nhà phê bình chú ý như là sự hiện diện của những tiếng nói phản kháng, chống lại các hệ giá trị lỗi thời, các quan niệm bảo thủ về người nữ, không gian, công việc, cảm xúc, thái độ, ứng xử của nữ giới, khả năng tham gia, kiểm soát, thụ hưởng các lợi ích cộng đồng, cá nhân,...

Nhìn chung, trong một số bài phê bình đã có sự chú ý vấn đề giới trong tương quan Nam - Nữ, đã có sự thách thức đối với các hình ảnh Nam - Nữ truyền thống (Chu Văn Sơn - Vi Thùy Linh: thi sĩ ái quyền, Nguyễn Đăng Điệp - Mầu yêu trong đồng tử thơ Linh, Trần Thiện Khanh - Vi Thùy Linh và một kiểu tư duy về lời, Nguyễn Thụy Kha - Thơ Phan Huyền Thư nằm nghiêng về cách tân, Nguyễn Đức Tùng - Nhà thơ Đinh Thị Như Thúy: sinh ra là tự do,... ).

Từ phương diện sáng tác, một số ghi nhận hình ảnh người nữ trong thơ đương đại gắn với không gian Tổ quốc, xã hội, những không gian rộng lớn vượt qua biên giới, những vấn đề thời sự và trách nhiệm công dân (thơ Nguyễn Phan Quế Mai - Tổ quốc gọi tên), phá bỏ các quan niệm truyền thống về tình yêu, tình dục đối với nữ giới (thơ Phạm Ngọc Liên, Dư Thị Hoàn, Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư, Nguyễn Thị Thúy Hạnh...).

Phê bình đã chú ý đến những phương diện này trong quá trình thách thức các hình ảnh truyền thống về nữ giới, nhấn mạnh đến khía cạnh giới trong diễn ngôn thơ nữ. Những cách tân, bất quy thuộc, nổi loạn, giải phóng, xưng tụng hay phá bỏ định kiến, hình thức, mức độ và hiệu quả của những động thái đó trong thơ nữ,... bước đầu đã được các nhà phê bình chú ý.

Nhã Thuyên (Đỗ Thị Thoan) trong bài viết Thơ nữ: giới là một vấn đề cho rằng: “Các nhà thơ đòi người nữ được là người nữ như họ cảm thấy, không phải như xã hội hay người nam áp đặt lên”(10).

Nguyễn Thanh Sơn trong bài viết Phan Huyền Thư nằm nghiêng cho rằng: “Nói gì thì nói, chừng nào những người viết nữ còn thờ phụng những chân dung đàn ông, còn ru ngủ thái độ tự tín của họ, chừng đó họ vẫn là những mẫu vật đáng được ưu ái”(11).

Trần Thiện Khanh trong bài ViLi là ai? cho rằng: “Quen đọc ViLi bằng cơ chế áp đặt những luật lệ của đàn ông hiển nhiên sẽ thiếu công bằng, bởi vì cách đọc này thường tạo ra những chuẩn mực đạo đức, những ngưỡng biểu thị, diễn đạt cho người viết”(12).

Trần Hoài Anh trong bài Ám ảnh đêm trong thơ Ly Hoàng Ly viết: “Đêm là của chúng mình/ sao nỡ ngủ hở anh, câu thơ như một tuyên ngôn hiện sinh cháy bỏng khao khát yêu đương của người phụ nữ. Điều ấy có thể “gây sốc” với những phụ nữ chịu ảnh hưởng sâu nặng của quan niệm đạo đức truyền thống nhuốm màu sắc Nho gia. Nhưng lại phù hợp với những người phụ nữ hiện đại khi họ luôn ý thức rằng người phụ nữ vẫn có quyền được yêu và được thụ hưởng tất cả những giá trị của tình yêu, kể cả những giá trị về phương diện nhục cảm mà đã có thời được xem như một điều cấm kỵ trong cuộc sống lẫn trong văn học”(13).

Những hình ảnh người nữ trong các phê bình này đã được kiến tạo từ lăng kính nhạy cảm giới. Khi nhìn nhận đối tượng bằng lăng kính này, định kiến giới, khuôn mẫu giới được giải trừ, thay vào đó là chân dung người nữ hiện lên đúng với những gì thuộc về họ trong tư cách là một nhân thể tự nhiên và xã hội, bình đẳng với nam giới.

***

Sự đông đảo của lực lượng phê bình nam giới trong hoạt động phê bình là một thực trạng tiềm ẩn định kiến (ngay cả những nhà phê bình nữ cũng không tránh được định kiến này, tức là, họ vẫn nghĩ bằng cái đầu của đàn ông, bằng tri thức nam quyền). Trong phê bình thơ nữ sau đổi mới, tồn tại những định kiến giới rất rõ (cả trong ý thức và vô thức). Khuôn mẫu giới như là một tri thức tiên nghiệm để nhà phê bình khảo sát thơ nữ. Phê bình thơ nữ sau đổi mới ghi nhận có nhạy cảm giới nhưng còn khá hạn chế, nhiều khi các nhà phê bình không ý thức điều này. Khi ý thức được, những phân tích lại tập trung vào khía cạnh “bất bình thường”, xem đó là những hành vi, động thái phá cách, cách tân,... Như thế vô hình trung lại khoét sâu định kiến giới. Các nhà phê bình đã chỉ ra có sự thách thức với các quan niệm truyền thống về giới trong thơ nữ. Tuy nhiên, các phân tích mới dừng lại ở việc mô tả hình thái, sự biểu hiện của những vận động đó trong thơ nữ mà chưa chỉ ra nguyên nhân thuộc cấu trúc sinh học, kinh nghiệm, văn hóa, xã hội tạo nên những hình thái đó. Bởi thế, phê bình thơ nữ sau đổi mới vẫn duy trì khuôn mẫu giới, định kiến giới, thiếu nhạy cảm trong phân tích, đánh giá. Điều này còn xuất phát từ một nguyên nhân bi đát là bản thân thơ nữ sau đổi mới chưa thoát khỏi khuôn mẫu giới. Nữ giới và thơ nữ vẫn vận động trong trường giá trị, mỹ học của nam giới. Để giải quyết vấn đề này cần nâng cao ý thức bình đẳng giới trong lực lượng sáng tác, phê bình và toàn xã hội, sự cất tiếng của các nhà phê bình nữ, tăng cường nhạy cảm giới trong hoạt động phê bình, sử dụng lăng kính giới như một chiến lược phê bình,… Chỉ có như thế các diễn ngôn phê bình thơ nữ mới giải trừ được định kiến, khuôn mẫu giới, hướng tới cái nhìn gần hơn vào “bản sắc nữ tính”, để những lời nói ra, không phải là “những lời nói dối to lớn” (Betty Friedan).

Chú thích

(1) Hội liên hiệp Phụ Nữ Việt Nam, “Một số khái niệm cơ bản liên quan về giới”, http://hoilhpn.org.vn, cập nhật: 15/9/2010.

(2) Hội liên hiệp Phụ Nữ Việt Nam, “Một số khái niệm cơ bản liên quan về giới”, http://hoilhpn.org.vn, cập nhật: 15/9/2010.

(3) Nguyễn Đức Tùng, “Đinh Thị Như Thúy: sinh ra là tự do” http://tapchisonghuong.com.vn, cập nhật: 14/12/2010.

(4) Nguyễn Trọng Bình, “Thơ Vi Thùy Linh: Những trận bạo động tình”, http://www.viet-studies.info, cập nhật: 25/6/2012.

(5) Trần Thiện Khanh, “Cấu trúc nhịp thơ và nhạc âm của thơ”, http://tapchisonghuong.com.vn, cập nhật: 20/01/2009.

(6) Ngô Hương Giang, “Một vài gương mặt thơ nữ đương đại miền Trung”, http://tonvinhvanhoadoc.vn, cập nhật: 12/11/2011.

(7) Nguyễn Thụy Kha, “Thơ Phan Huyền Thư – Nằm nghiêng về cách tân”, http://tapchisonghuong.com.vn, cập nhật: 5/5/2009.

(8) Phan Hoàng, “Giấc mơ từ khu vườn Đinh Thị Như Thúy”, htttp://nhavantphcm.com.vn, cập nhật: 3/11/2013.

(9) Trần Hoài Anh, “Ám ảnh đêm trong thơ Ly Hoàng Ly”, http://www.vanchuongviet.org, cập nhật: 24/11/2009.

(10) Đỗ Thị Thoan, “Thơ nữ: giới là một vấn đề”, http://nguvan.hnue.edu.vn, cập nhật: 13/6/2013.

 (11) Nguyễn Thanh Sơn, “Phan Huyền Thư nằm nghiêng”, http://www.talawas.org, cập nhật: 11/11/2002.

 (12) Trần Thiện Khanh, “ViLi là ai?”, http://phebinhvanhoc.com.vn, cập nhật: 16/4/2012.

 (13) Trần Hoài Anh, “Ám ảnh đêm trong thơ Ly Hoàng Ly”, nguồn đã dẫn.

 

 Nguyễn Thanh Tâm

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy