Thứ ba, ngày 07 tháng 05 năm 2024
18:59 (GMT +7)

Điện ảnh Việt Nam nhọc nhằn ra “biển lớn”

Hội nghị - Hội thảo Tổng kết 7 năm thực hiện “Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” giai đoạn từ năm 2013 - 2020 trong bối cảnh Luật Điện ảnh (sửa đổi) vừa được trình xin ý kiến Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV vào tháng 10 vừa qua; đồng thời “Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kèm theo Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12/11/2021 xác định mục tiêu cụ thể đến năm 2030, trong đó bao gồm lĩnh vực Điện ảnh.

“Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” là cơ sở hoạch định quy hoạch, kế hoạch để từng bước xây dựng thành công nền Điện ảnh Việt Nam (ĐAVN), tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Qua 7 năm thực hiện Chiến lược, đã có một số kết quả khả quan, nhưng để đạt được mục tiêu đề ra trong Tầm nhìn, ĐAVN muốn ra “biển lớn” hòa vào dòng chảy chung điện ảnh thế giới, vẫn còn gặp khá nhiều khiếm khuyết, mà 9 năm nữa liệu có hoàn thành?

Những chuyển biến

Từ năm 2013 – 2020, ĐAVN có nhiều chuyển biến mới, gia tăng số lượng các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tham gia vào hoạt động sản xuất, phát hành và phổ biến phim tại Việt Nam. Đồng thời quá trình hội nhập quốc tế về điện ảnh đã góp phần thúc đẩy vốn đầu tư nước ngoài đổ vào thị trường ĐAVN.

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặc biệt sự phát triển của Internet và các nền tảng mạng xã hội như: Facebook, Youtube, Instagram, Twitter… đã làm tăng khả năng tiếp cận của khán giả hội nhập sâu rộng hơn vào điện ảnh thế giới. Khi đại dịch COVID-19 bao trùm toàn cầu, các rạp chiếu phim ngừng hoạt động, thị phần phổ biến phim trên các nền tảng ứng dụng trực tuyến phát triển mạnh như: Netflix, Amazone, Disney đã thu hút khán giả Việt.

ĐAVN đóng vai trò hàng đầu trong công tác truyền thông quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Năm 2015, phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” công chiếu, mở ra thị trường du lịch thông qua sản phẩm điện ảnh. Hay như phim “Kong: Đảo đầu lâu” hợp tác với điện ảnh Hollywood năm 2017, được thực hiện khoảng 70% các cảnh quay tại các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Ninh và Ninh Bình, và phim trường trở thành điểm du lịch thu hút hàng trăm nghìn khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan.

Số lượng phim Việt Nam được sản xuất tăng về số lượng và chất lượng, đa dạng hóa các thể loại. Trong 5 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm số lượng phim Việt Nam được sản xuất và cấp phép phổ biến đạt từ 35 - 40 phim truyện điện ảnh, từ 20 - 45 phim tài liệu - khoa học và từ 10 - 20 phim hoạt hình... Chất lượng phim ngày càng tiến bộ về nội dung, nghệ thuật, đáp ứng yêu cầu đa dạng của thị trường điện ảnh, một số phim đoạt giải cao tại các kỳ Liên hoan Phim trong nước và quốc tế.

Phim Việt đã xuất hiện những phim có doanh thu trên trăm tỉ. Đứng đầu doanh thu là “Bố già” năm 2021 thu 400 tỷ đồng, tiếp sau năm 2019 là “Hai Phượng” 200 tỷ, “Cua lại vợ bầu” 191,8 tỷ, “Mắt biếc” 180 tỷ…

Tính đến hết năm 2020, số phim Việt Nam được cấp phép chiếu tại rạp có xu hướng tăng. Số lượng phim Việt Nam chiếm khoảng 20,5% tổng số phim được cấp phép phát hành tại rạp năm 2020, mang về hơn 40% tổng doanh thu phim chiếu rạp.

Hệ thống rạp chiếu phim đạt tiêu chuẩn có sự tăng trưởng mạnh mẽ, năm 2015 cả nước có 138 rạp/cụm rạp, gồm: 80 rạp/cụm rạp doanh nghiệp tư nhân, 58 rạp/cụm rạp nhà nước quản lý; trong đó 457 phòng chiếu phim được trang bị hệ thống máy chiếu kỹ thuật số 2K. Đến năm 2020, đạt 210 rạp, gồm 166 rạp/cụm rạp tư nhân, 44 rạp/cụm rạp nhà nước. Tính đến ngày 30/12/2020, cả nước có 228 đội chiếu phim lưu động (phục vụ được gần 25 nghìn buổi chiếu, gần 6 triệu lượt người xem/năm).

Ngoài hai cơ sở giáo dục đại học thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đào tạo các ngành, chuyên ngành điện ảnh là Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội và Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh, còn có gần 10 cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng đào tạo một số chuyên ngành điện ảnh.

Về kỹ thuật, đã chuyển đổi từ công nghệ sản xuất, phổ biến, lưu trữ phim nhựa 35 mm sang công nghệ số phù hợp với xu hướng phát triển của điện ảnh thế giới. Theo đó, từ đầu vào gồm công đoạn “quay kỹ thuật số” tới các công đoạn tiếp theo cho tới sau cùng: Lưu trữ bản master số nguồn liên quan đến đầu ra bản master phân phối rạp chiếu số... Việc phổ biến phim tại các rạp chiếu phim cũng được trang bị máy chiếu phim kỹ thuật số chuẩn 2K, 4K, âm thanh surround 7.1.

Với mục tiêu giới thiệu ĐAVN ra quốc tế, từ năm 2010 đến nay ĐAVN đã tham gia 148 Liên hoan Phim quốc tế với 330 lượt đầu phim; tổ chức 48 chương trình với 186 phim Việt Nam ra nước ngoài. Việt Nam tổ chức Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội thường kỳ, lần thứ nhất tổ chức tháng 10/2010 với 67 phim từ 25 quốc gia được trình chiếu trong năm chương trình phim. Lần thứ hai gồm 117 bộ phim từ 35 nước trên thế giới, đến nay đã tổ chức được 5 kỳ.

Những tồn tại đầy thách thức

Qua 7 năm thực hiện Chiến lược, nhìn lại Luật Điện ảnh (năm 2006), Luật Sửa đổi một số điều của Luật Điện ảnh (năm 2009) và các văn bản liên quan chưa bắt kịp tốc độ thay đổi của điện ảnh thế giới. Đã có những lúng túng khi giải quyết việc phân loại phim, như ở nước ngoài có loại 21+, nhưng với ĐAVN chỉ có 18+, nên một số phim nếu không cắt bỏ một số đoạn thì đành không cho chiếu.

Luật cũng chưa quy định cụ thể phương thức quản lý sản xuất, phát hành, phổ biến phim trên môi trường Internet, nên hiện việc phim drama “loạn” mạng đang làm các nhà quản lý “rối”, vì chưa có Luật để xử lý. Luật Điện ảnh hiện hành cũng chưa quy định được chính sách (hay hàng rào kỹ thuật) để bảo hộ các doanh nghiệp điện ảnh trong nước. Vẫn cứ để doanh nghiệp tự sinh, tự sống, tự tồn tại, yếu thì “tự tử” - phá sản.

Về phía Nhà nước, chưa xây dựng được các cơ chế, chính sách phù hợp và đồng bộ để phát triển công nghiệp điện ảnh giữa các bộ - ngành, ví dụ ngành Tài chính, hiện có rất nhiều hạng mục đã quá lạc hậu trong xu thế khi Việt Nam gia nhập các tổ chức kinh tế toàn cầu như WTO, EVFTA, CPTPP. Chưa có những quy định phù hợp khi hoạt động điện ảnh chuyển sang công nghệ số ở cả ba lĩnh vực sản xuất, phát hành và phổ biến phim, đặc biệt phổ biến phim trên không gian mạng. Chưa đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động điện ảnh thu hút các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia. Vấn đề vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực điện ảnh xảy ra rất nhiều nhưng chưa giải quyết thấu đáo.

Một thực tế, phim do doanh nghiệp ĐAVN sản xuất có vốn đầu tư nhỏ, đầu tư quảng bá phim khiêm tốn. Về phần Nhà nước thì đầu tư ít, nên mặt nào phim Nhà nước đặt hàng ngày càng giảm về số lượng và yếu về chất lượng, đã từng có 2 Liên hoan phim Việt Nam liên tiếp không có phim của Nhà nước tham gia, và được biết năm 2021 này cũng không có phim nào do Nhà nước đặt hàng.

Hoạt động sản xuất và phát hành phim tại Việt Nam vẫn chưa bắt kịp với xu hướng công nghệ của thế giới, thiếu phương tiện, thiết bị để có sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế, hạn chế việc giới thiệu phim Việt ra nước ngoài. Việc quảng bá phim Việt Nam trên thị trường quốc tế cũng rất hạn chế, chưa được coi trọng và thiếu chuyên nghiệp, và quan trọng là thiếu những tác phẩm nổi bật, thiếu những phim hay về nội dung, tư tưởng, góc nhìn độc đáo hay tính hiện thực, đem lại sự độc đáo và cảm xúc cho người xem.

Nguồn nhân lực chất lượng cao như đạo diễn, biên kịch, quay phim rời bỏ các Hãng phim Nhà nước quản lý hoặc nắm giữ cổ phần, làm việc cho các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài, vì ở đó thì họ không thể làm nghề do không có phim làm. Trong khi công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở lĩnh vực điện ảnh vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu đề ra.

Sự chiếm lĩnh thị trường của các doanh nghiệp phát hành, phổ biến phim có vốn đầu tư nước ngoài tạo nên sự thiếu bình đẳng, là rào cản cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong nước. 85% các cụm rạp của nước ngoài, chỉ có 25% của các doanh nghiệp trong nước. Cuộc chiến giờ vàng và tỷ lệ ăn chia bị doanh nghiệp nước ngoài chiếm thế thượng phong. Phim ngoại nhập nhiều, phim Việt không cạnh tranh nổi với các phim “bom tấn” nước ngoài…

Nguồn: tuyengiao.vn

Những ý kiến tâm huyết gợi ý giải pháp

Từ hàng loạt tồn tại và thách thức trên, những người tâm huyết với ĐAVN đã gửi về Hội nghị - Hội thảo tổng kết 7 năm Chiến lược và Tầm nhìn, rất nhiều ý kiến về giải pháp, gỡ cho ĐAVN những khó khăn hiện tại và để có một tương lai tốt hơn.

Trước tiên muốn thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ, thì cần phải có đầu tư. Đã từng có kinh nghiệm về việc Nhà nước đầu tư cho điện ảnh của các quốc gia lân bang khu vực như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan,… nên Nhà nước cũng cần đầu tư cho xứng tầm. Xây dựng các cơ chế pháp lý nhằm khuyến khích đầu tư, thu hút đa dạng các nguồn vốn đầu tư vào thị trường điện ảnh. Cần có những chính sách ưu đãi về các loại thuế cho đầu ra của phim; cơ chế ưu đãi khi Nhà nước mua bản quyền những bộ phim chất lượng cao.

Việc đẩy mạnh công tác hội nhập với điện ảnh thế giới, kết hợp chặt chẽ giữa điện ảnh với quảng bá du lịch Việt Nam trong và ngoài nước cũng cần phải thực hiện sao cho đồng bộ giữa các ngành, không để manh mún, ăn xổi, thiếu bền vững. Ví dụ như việc tạo sản phẩm du lịch phim trường các phim Hollywood thực hiện ở Việt Nam, chỉ được thời gian đầu, sau nhạt dần, thậm chí bay màu. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất phim trong nước khai thác tiềm năng bối cảnh về di tích lịch sử - văn hóa, cảnh quan thiên nhiên Việt Nam, để làm “nguyên liệu” cho các sản phẩm du lịch tiếp theo sau. Tập trung nghiên cứu nâng cao chất lượng sản phẩm, hình thành và phát triển hoạt động xuất khẩu tác phẩm điện ảnh mang bản sắc văn hóa Việt Nam. Đầu tư các dự án sản xuất phim mang bản sắc văn hóa Việt Nam, lịch sử truyền thống dân tộc kết hợp giới thiệu du lịch tại các địa phương.

Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động điện ảnh, khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, phát triển nguồn nhân lực cho ngành điện ảnh, ngoài việc phù hợp với quy định pháp luật hiện hành, cũng rất cần phải có những “đặc quyền đặc lợi” ưu đãi cho họ. Ví dụ về thuế, tỉ lệ lợi nhuận, các điều kiện “mở”, tạo niềm tin bền vững để họ yên tâm đầu tư “làm ăn”. Để tránh việc lũng đoạn thị trường của hệ thống rạp tư nhân, Nhà nước cần củng cố và đầu tư cho hệ thống phát hành, phổ biến phim cho các doanh nghiệp, đơn vị của Việt Nam, có những chế độ ưu đãi, hỗ trợ, bảo trợ.

Khuyến khích đầu tư xây dựng các phim trường với cơ sở vật chất, trang thiết bị và công nghệ hiện đại, đạt chuẩn kỹ thuật quốc gia phục vụ khu vực, vùng. Trước mắt Nhà nước cần hoàn thiện một cách toàn diện phim trường Cổ Loa, đã bị bỏ hoang, xuống cấp, thiếu thốn trăm bề suốt mấy chục năm qua. Đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng phim trường, như một tổ hợp đa năng, phục vụ cho các thể loại phim khác nhau.

Nghiên cứu công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đầu tư chương trình đào tạo chuyên sâu, thông qua chính sách học bổng. Tạo điều kiện cho các nhà làm phim trẻ, phim đầu tay, hoạt động chuyên đề thường xuyên, chia sẻ các thông tin, cập nhật các xu hướng điện ảnh mới, giao lưu trình chiếu các bộ phim nghệ thuật, phim thể nghiệm, tài liệu, khoa học, môi trường...

Tranh thủ nguồn vốn, kỹ thuật và công nghệ, kinh nghiệm quản lý, tiếp cận thị trường khu vực và quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh trong hội nhập quốc tế ở lĩnh vực điện ảnh. Mở rộng, giao lưu, hợp tác sản xuất và cung cấp dịch vụ làm phim với nước ngoài, tổ chức giới thiệu, mua bán phim, các thiết bị vật tư kỹ thuật của ngành điện ảnh; mở đường cho việc xuất khẩu phim bằng con đường thương mại...

Xây dựng bộ Luật Điện ảnh (sửa đổi) sao cho phù hợp với sự phát triển của ĐAVN và thế giới trong xu thế Điện ảnh là ngành công nghiệp văn hóa. Tăng cường công tác bảo hộ quyền tác giả và quyền sở hữu tác phẩm điện ảnh, đề phòng và ngăn chặn tình trạng vi phạm bản quyền, thực hiện cam kết quốc tế về bản quyền…

Mục tiêu của tầm nhìn trong thời hạn 9 năm tới được đề cập: “Đến năm 2030, phấn đấu xây dựng ĐAVN trở thành nền điện ảnh có bản sắc và uy tín ở châu á, có những tác phẩm đạt giải thưởng Quốc tế cao và tài năng điện ảnh tầm cỡ trong khu vực và thế giới” - Trích Báo cáo Tổng kết 7 năm thực hiện “Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” của Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch. Nhưng khi nhìn thẳng vào thực tế ĐAVN sau 7 năm thực hiện Chiến lược vẫn còn ngổn ngang đầy những thách thức khó khăn, trong khi Nhà nước vẫn chưa coi điện ảnh là một “sức mạnh mềm” kinh tế, để xây dựng những bước phát triển, tập trung đầu tư có tính toàn diện và liên tục về các mặt. Vì thế ĐAVN vẫn còn khá nhọc nhằn để có thể ra được “biển lớn”.

Minh Châu

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Phim ngắn: Có phải là vấn nạn?

Điện ảnh - Truyền hình 2 tuần trước