Đi trên đất người – Hoàng Đình Quang
Đi trên đất người
Bất chợt nhận ra mình
không còn ở nhà mình nữa
Đi trên đất người
Cái lạnh nhân tạo mờ mờ sương rơi
Mùa đông ơi, em phản bội ta rồi.
Ta cố cắt mình ra làm hai mảnh
Bao giờ còn ghép vào nhau
mảnh bạn bè phập phồng giả dối
mảnh bên này vết cắt đã quá sâu.
Bài thơ năm nào đã chết
Những cánh buồm lặng lẽ đưa tang
Không thể khóc ta một mình tự xót
Trên đất người lang thang...
Viên đá nhỏ
Mỗi lần đau xót quá
Tôi lại về nơi này
Cầm lên viên đá nhỏ
Đặt trong lòng bàn tay.
Có gì trong đáy mắt
Đá ơi, khóc đi nào
Mùa thu đi chậm lắm
Trời nhấp nhô thấp cao.
Gió mùa thu khô xác
Thổi vô tình qua đây
Những gì vừa có được
Đã tan vào với mây!
Dốc lên bờ hun hút
Sau lưng đáy sông buồn
Qua một mùa sôi sục
Lại yên mình cô đơn!
Tôi lặng im nhìn đá
Đá im lặng nhìn trời
Trời thản nhiên sâu thẳm
Mây trắng trôi bời bời.
Có gì mang nặng thế
Không thoát nổi kiếp người?
Có gì đau đớn thế
Kể với mình, đá ơi!
Cổ tích cho hoa hồng
Bông hồng ấy đã đến nơi nó đến
Như một lời giao hẹn thật giản đơn
Những cánh mỏng bỗng thành điều nhắc nhở:
Không phai màu, nhưng cũng chẳng đậm hơn!
Sẽ chẳng có những chiếc gai nào nữa
Có cần không? Tự vệ cũng bằng thừa
Và bông hồng cứ như ngày xưa cũ
Nở tưng bừng trong sớm nắng chiều mưa!
Rồi tất cả sẽ trở thành cổ tích
Rồi thời gian cứ vần vũ trên đầu
Rồi những sợi tóc buồn rơi trước ngực
Chỉ bông hồng, ngơ ngác hỏi: vì đâu?
Trần Huy Minh Phương
Khúc rời với ba…
câu thơ buổi tối có vị trà mặn xát
vệt vàng quấn lưng li
bệt trà thấm thớ gỗ sâu xâu thành vân thành nếp
bàn ghế đây
mây khói lẫn đâu rồi!
câu thơ nửa khuya có dáng nằm nghiêng lệch
thi thoảng tiếng ho chèn giữa giấc ngủ không sâu
mưa ngoài trời đã sâm sấp chậu mai
có bước chân thầm trong khuya
câu thơ sớm mai có Phật hiệu liền hơi thở
vẫn một niềm tin từ độ bước xuống thuyền
người đi!
câu thơ
câu thơ
câu thơ
cháy
từ lâu
mà bệt trà vẫn thấm sâu xâu từng thớ gỗ
bàn ghế chỏng chơ
mây nước trôi về đâu…
Nhật ký sớm mai
Bỗng sáng nay ta vén cõi lòng nghe lại câu thơ
trăng và gió cứ quện vào ngày vắng
bao người xưa trùng phùng
bao người nay hội ngộ
tiếng thơ cất lên
ngỡ cha đang kéo vó
ngỡ mẹ đang cấy lúa
ngỡ cha đang làm vườn
ngỡ anh đang ngoài biên đảo
hát cùng muôn trùng con sóng
mắt sáng ngời như sao
bỗng sáng nay từ trời cao tiếng chim rơi
trong vòm lá thắm
nghe lại lòng
như loài chim biền biệt giữa vòm trời
chiếc tổ nào cũng rách
vòm tổ nào cũng nhỏ
cánh cứ sải giữa tầng tầng mây xám
mặc kệ nắng mưa
tiếng hót giữa thinh không
bỗng câu thơ mặn đắng
rướm lệ nhớ người
bỗng câu thơ ngọt lắm
thêm rơi lệ yêu người
bỗng tròng trành câu chữ
chiếc xuồng nào ai đi…
một ngày cùng nhau qua bờ lạ
cánh đồng bên đây tươi hơn
cỏ bên đây non hơn
ngày bên đây dịu dàng hơn
soi lại mình
không còn mình.
Thạch Đà
Mưa
Mưa làm cho cây cối xanh tươi
Mặt đất mềm và thanh thản
Hạt thức dậy sau ngủ đông băng giá
Hừng hực hồi sinh
Những cánh đồng tràn đầy thanh âm
Những con đường tung tăng chân trẻ
Xanh nụ cười con gái
Dịu mát tầm nhìn những người già
Mưa là cuộc chạy đua giữa gió và nước
Giữa sấm và ánh sáng, giữa đất và mùa màng
Cho người tích lũy cho đời sinh sôi
Cho ai hồn nhiên hơn với cuộc đời
Cho những cơm áo lặng dần
Cho những nhọc nhằn ngủ quên
trên đôi vai thiên nhiên
Cho người ta thật hiền
Để đi về những miền tươi xanh
Mưa! Mưa! Mưa! Mưa!
Từng cung đàn nối trời và đất.
Tô Hoàn
Cánh đồng làng
Cánh đồng làng ta từng thẳng cánh cò
Nay cò đậu đâu để cánh đồng hẹp lại
Vẫn màu mạ non
Lúa thì con gái
Đêm trăng ai đọc ca dao?
Mưa ào ào
Gió ào ào
Chỉ vẫn nắng ban trưa tròn bóng đợi.
Rạ rơm không cùng quang gánh về làng
Đốt mình thành khói
Khói trắng đồng nhòe mắt trẻ chăn trâu.
Đàn sáo cánh trắng
Đàn sẻ mỏ nâu
Nháo nhác bay về nơi xa ngái
Chỉ có mẹ ta và em ta vụng dại
Vẫn tối ngày trên mảnh ruộng lo toan.
Cánh đồng làng ơi!
Ơi cánh đồng làng!
Lê Thanh My
Nhớ
em nhớ anh
loanh quanh
dường như không thoát được
anh quăng lưới vào ý nghĩ
trói buộc em
khi thở cũng thơm mùi khói thuốc
nhìn mây tưởng tượng bồng bềnh
ngày xa
tháng xa
năm xa…
chẵn và lẻ xếp hàng trong chăn gối
em sờ quanh có chín mươi chín triệu thiên hà
miền nào cũng lạ
con kiến bò
loanh quanh
không đường về
ừ, có lẽ đã điên vì nhớ!
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...