Thứ năm, ngày 19 tháng 09 năm 2024
23:28 (GMT +7)

Đi tìm ý nghĩa theo phường họ ở Nga My

Việc chơi phường họ xưa nay ở nông thôn là để giúp nhau, là việc làm rất tốt, nhưng hiện nay chơi phường, chơi họ ở nhiều nơi trên cả nước đang bị biến tướng. Nhiều người tham lợi trước mắt đã đồng ý chơi phường hụi lấy lãi cao hàng tháng từ 1 - 2 triệu đồng/suất, lợi dụng lòng tin của bà con trong thôn xóm, trong gia đình, dòng tộc, trong buôn bán làm ăn với nhau để lừa đảo, chiếm đoạt tiền, hoặc có thể họ đã dùng tiền góp họ, đóng hụi của người này rồi mang cho người khác thuê lại... để rồi chính họ cũng chỉ vì tham lãi lời cao mà cũng trở thành nạn nhân. Người thì bán lợn, bán gà, người thì giấu chồng rút tiền tiết kiệm ở ngân hàng về, người thì huy động tiền bạc của người thân, con cái trong Nam, ngoài Bắc, ở nước ngoài gửi về nhưng đều công cốc vì chủ phường “bùng” mất tăm mất tích.

Nhưng ở một nơi cách thành phố Thái Nguyên không xa, hiện nay, việc chơi phường họ ở đây vẫn giữ nguyên được ý nghĩa ban đầu từ những người cao tuổi, tăng thêm tình làng nghĩa xóm.

Nga My là một xã nghèo nằm bên con sông Cầu ở huyện Phú Bình, Thái Nguyên. Trước đây, xã có 26 xóm, nay sáp nhập còn 21. Người dân ở đây đa phần làm nông nghiệp. Ngày trước, đường đi lại khó khăn, phương tiện không có, bà con đa phần dùng sức người, sức trâu để vận chuyển ngô lúa và vật liệu xây dựng. Không biết từ bao giờ, nhưng như ông Tạ Văn Dậu (76 tuổi) ở xóm Tam Xuân, xã Nga My kể rằng, hình thức theo phường họ đã có từ khi ông còn nhỏ. Ông bảo: Ngày đó đất rộng, người thưa, chưa biết canh tác nên gia đình nào đông con cũng thường xuyên thiếu ăn từ 4 - 8 tháng trong năm. Để giúp đỡ nhau ngày giáp hạt hoặc đám cưới, đám ma, anh em trong dòng họ Tạ đã thống nhất “óm” một cái phường gạo, trưởng phường là một người có uy tín, nói năng lưu loát nhất trong họ, đặc biệt phải biết chữ nghĩa để viết danh sách những thành viên vào cuốn sổ, số đấu gạo, ngày tháng đóng phường.

Thường thì, ba tháng sẽ đến lượt một người lấy. Ưu tiên theo thứ tự là nhà ai có hiếu, hỉ, dựng vợ gả chồng cho con, làm nhà, tậu ruộng, mua trâu… lần lượt cho đến hết. Sau đó, ông trưởng phường sẽ tổ chức cuộc họp để quay lại từ đầu. Nếu ai khó khăn quá được xin rút. Một phường, mỗi người góp khoảng 5 - 10 đấu gạo nếp (khoảng từ 10 đến 20 kg). Nhà nào lo vợ cho con, trước ngày cưới 1 - 2 hôm, anh em họ hàng gánh bát đũa, xoong nồi tới giúp mổ lợn, thịt gà, dựng rạp. Chủ nhà chuẩn bị sẵn mấy chiếc thúng không để ở thềm cửa, những nhà có người theo phường sẽ đem gạo tới đổ vào thúng tới khi đầy. Một người phụ nữ được phân công ghi lại chi tiết và bàn giao cho chủ nhà.

Chị em, con cháu gặp nhau để hỏi thăm sức khoẻ và nghe những người đi trước chia sẻ kinh nghiệm chơi phường và kinh nghiệm làm ăn

Không chỉ lấy gạo đóng góp thành phường, hụi, những người trong dòng họ cho nhau mượn gạo để lo cho con cháu có cái ăn cái mặc lúc mất mùa, làm ăn thất bát. Khi cho mượn, họ cũng làm giấy hẹn, thậm chí tính lãi thêm một vài đấu gạo. Nhưng khi được hoàn trả đúng hạn, lãi ở nhau mỗi tấm lòng là chén trà xanh hoặc nải chuối chín cây. Theo thời gian, người dân ở Nga My bắt đầu lập phường xi - măng (từ 1 - 2 tấn theo giá cả thị trường thời điểm chốt suất phường đầu tiên). Rồi phường thịt, phường vàng,… tất cả đều quy ra tiền mặt để dễ thu, mua. Nếu chẳng may người theo phường qua đời, các thành viên trong hội sẽ trả lại số tiền mà người đó đã theo cho vợ/chồng, con của họ. Nếu như vợ/ chồng, con của người đó vẫn muốn đóng tiếp thì mọi người đều đồng ý, ngoài ra sẽ trích hoặc đóng góp một khoản tiền đem phúng viếng và mua vòng hoa bày tỏ lòng tiếc thương vô hạn với người đã khuất. Khi thành viên có tứ thân phụ mẫu hoặc bản thân gặp hoạn nạn, ốm đau cũng không ngoại lệ. Người già gọi là nghĩa đồng lần.

Mỗi lần đến lượt lấy phường, chủ nhà sắp sửa vài mâm cơm để anh em trong họ có dịp ngồi với nhau, các cụ cao tuổi thường được mời tới dự.

Bà Nguyễn Thị Liên, ở xóm Núi Ngọc, đi làm dâu tận xã Phúc Thuận, thành phố Phổ Yên cho biết: Năm nào bà cũng về Nga My để theo phường họ. Cứ ba tháng một lần lại được gặp lại người già, anh chị em bên mâm cơm giản dị nhưng ấm áp. Nhờ những lần đi ăn phường họ mà bà đã học được cách nuôi gà thả đồi ít bị dịch bệnh để có kinh tế ổn định. Đã hơn nửa đời người, bà không nhớ mình lấy bao nhiêu suất phường, từ lúc làm cái nhà ra ở riêng đến việc lo đám hiếu bên chồng, dựng vợ cho con trai, mua ruộng, tậu xe máy. Làm nông nghiệp lại thường xuyên ốm đau, đi vay mượn người ngoài không dễ, trông tiền phường anh em trong họ mới có thể một nách lo toan ngần ấy việc lớn của đời người.

Bây giờ, diện mạo xã Nga My đã nhiều thay đổi. Là một vùng quê tiềm năng phát triển kinh tế nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Đường giao thông thuận tiện, quán sá mọc lên. Nhiều người trẻ không chỉ chơi phường họ mà còn theo phường bạn học, phường kinh doanh, phường chị em phụ nữ giúp nhau có vốn làm kinh tế,…

Pháp luật Việt Nam đã có quy định tại Điều 471 Bộ luật Dân sự năm 2015: “Họ, hụi, phường là hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh hụi và quyền, nghĩa vụ của các thành viên…”. Cùng với việc bảo đảm thực hiện các nghĩa vụ, những người tham gia hụi có lãi có quyền đưa ra mức lãi trong mỗi kỳ mở hụi, phường (trừ thành viên đã lĩnh tiền phường, hụi); hưởng lãi từ thành viên được lĩnh phường, hụi; các quyền theo quy định tại Điều 14, Điều 21 và Điều 26 Nghị định 144.

Trước thực trạng cơn bão tín dụng "đen" đang càn quét nhiều xóm làng, làm tan nát nhiều gia đình, gây mất an ninh trật tự, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống thanh bình của người dân thì việc giữ được ý nghĩa ban đầu của phường họ như ở Nga My huyện Phú Bình là điều quý giá.

Hoàng Thị Hiền

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy