Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
08:33 (GMT +7)

Đi qua những hủ tục

VNTN- Không biết tự bao giờ cái tên làng “Hũ Đại” chẳng còn ai nhắc đến mỗi khi nói về làng.

Múa Tắc Xình của người Sán Chay (Phú Lương, Thái Nguyên) được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Ảnh minh họa, nguồn: daidoi915.vn.

Trải dài chừng bốn cây số dọc theo bờ Sông Cầu, con sông đã từng đi vào thơ ca, sử sách. Bên kia không xa mấy đường Quốc lộ 3, đường mới Thái Nguyên – Bắc Kạn. Chỉ chừng chục cây số là tới trung tâm thành phố Thái Nguyên. Làng đang chuyển mình vươn lên thành đô thị. Đường làng đã được bê tông hóa. Nhà cách nhà không còn là những hàng rào dong tre được đóng cọc đan cài mà là những bức tường xây chắc chắn. Những mái nhà rơm rạ, nhà cấp 4 tường rêu hoen ố đã được thay bằng những ngôi nhà mái bằng, nhà kiểu mới hiện đại. Nhìn tổng thể làng đang khoác trên mình một bức tranh đô thị dần hoàn chỉnh.

Mới đấy mà đã ngót bốn chục năm!

Tôi lấy chồng, theo anh về quê. Về làm dâu nhà anh ở làng “Hũ Đại” (nay là xóm Đồng Xa, xã Sơn Cẩm), một ngôi làng thuần nông, nơi hầu hết là người Sán Dìu sinh sống.

Sau tiệc cưới, người làng nghiêng ngả ra về, tôi phải thực hiện nghi lễ nhận họ: Bưng nước, mời trầu kính mẹ cha, ông bà, cô bác,…

Tôi bước vào cuộc sống mới. Làm vợ, làm dâu, làm nông dân. Tất cả mới và lạ!

Dạo ấy, bắt đầu nhà nước ta xóa bỏ bao cấp. Nông thôn xóa bỏ hợp tác xã. Ruộng đất được chia về hộ, theo lao động, theo nhân khẩu. Cha chồng tôi: “Con chuyển khẩu về để được chia ruộng”. Tôi: “ Con còn phải đi dạy học mà bố”. Mẹ chồng: “Nhà này lấy người về ở chứ không phải để đi. Dâu cả là phải phụng dưỡng cha mẹ, gánh vác công việc nhà chồng…”. Tôi lặng người. Thôi xong, thế là hết!

Học việc nhà nông. Từ một cô giáo tôi trở thành nông dân. Cũng cày bừa, cấy hái,…như ai.

Những năm đầu của thời kỳ đổi mới đầy  khó khăn. Công nhân thì “bù giá vào lương”. Nông dân thì tự lo, tự liệu. Thiếu đói thường trực trong mỗi gia đình, nhất là những gia đình đông con, nheo nhóc. Ngày ấy nhà nào chẳng đông con. Nhà ít cũng năm, sáu, nhiều thì bẩy, tám, thậm chí còn hơn. Nhà chồng tôi phúc đức được chín người con. Gái trai đủ cả. Nhà đông người, ruộng đất nhiều. Làm tối ngày không hết việc.

Ở làng, nhà nào cũng tảo tần mà cái cửa, cái nhà vẫn lụp xụp. Bữa ăn chẳng đủ no lấy đâu có ăn ngon. Thì giáp hạt, mọi người rủ nhau xuôi ngược buôn bán kiếm thêm bơ gạo đổ nồi nuôi con.

Bao nhiêu năm, cứ đói, cứ nghèo. Tại trời? Tại người? Bao nhiêu cái tại? Mà có tại gì thì cái tục, lệ ở làng nhà nào cũng nhất nhất phải theo. Chẳng biết từ bao giờ, đời nào mà cái việc cưới hỏi, ma chay đình đám nó nặng nề đến vậy. Nhà nào dư dả còn đỡ. Nhà nghèo lấy được vợ cho con còn đủ mà nợ nần. Thách cưới đã thành lệ. Bình thường thì cũng đôi ba chục chai rượu trắng, dăm chục cân thịt lợn móc, vài đôi gà thiến đã dậy năm, dăm nồi gạo. Còn tiền mặt,…Trăm thứ bà dằn. Thiếu thì bị ỉ eo chê cười. Thôi, phải cố!

Đám cưới ăn ba ngày: Bắc rạp, chính đám, lại mặt. Rượu uống như sáo tắm. Chúc tụng, khóc, cười..!

Còn đám ma? Anh em, con cháu, họ mạc, hàng xóm… đủ cả. Người nhà chịu tang. Xóm làng đến chia buồn, giúp việc tang gia. Cỗ bàn ăn uống cũng ba ngày đẫy. Phường kèn trống khóc mướn cả ngày đêm. Con cháu cứ ra tiền là khóc! Tiền ít khóc ít, tiền nhiều khóc nhiều. Đứa nào khóc nhiều làng khen có hiếu. Hát chèo đò cả đêm để đưa linh hồn người chết du ngoạn tiên cảnh. Thầy thay nhau hát. Con cháu chắp tay chạy quanh, thả tiền. Gần sáng, thầy ngưng hát thu tiền. Con cháu rã rời. Sang ngày thứ ba, đến giờ di quan lại lăn lộn “bắc cầu “. Gào khóc thê thảm!

Chôn cất xong, làm nhà mồ, lại lo làm ma để đưa vong về nhập tiên tổ. Phải tìm thầy cao tay bắt được ma, trừ được tà. Lễ lạt khăn ấn đến để thầy xem ngày sắp lịch. Sau lo sắm lễ theo thầy chỉ dẫn. Dăm ba con lợn, vài chục con gà, xôi, oản, hoa quả, vàng mã, giấy mầu,… Cứ mà liệt kê cả trang giấy không đủ. Phải có vài ba người thạo việc ma chay đi sắm đồ mới ổn. Anh em người làng đến giúp việc.

Từ sớm hôm trước, đoàn trên chục thầy tụ về viết sớ, lập đàn, sửa lễ, cúng ma,… Kèn trống thâu đêm. Đến khi đưa được vong về nhập bát hương tiên tổ cũng phải sang đến nửa ngày hôm sau. Xong việc, người nhà lo gói gém khăn ấn, rượu thịt, tiền mặt tạ thầy. Bao nhiêu thầy đã định giá, định lượng cả rồi. Cứ thế mà gói, mà trao. Không thêm bớt, mặc cả.

Làm ma, phải nhà khó khăn thì đành ngậm tủi coi như chưa trọn chữ hiếu với bậc sinh thành, chịu tiếng với tổ tiên, với làng.

Người Sán Dìu ở đây hàng năm ngoài Tết Nguyên đán còn ối cái tết con: Kỳ yên, Thanh minh, Đông chí… Mỗi dịp lễ tết con cháu tụ về đủ cả. Nhà chồng tôi cứ là bốn mâm chật. Vui, sướng bởi được quây quần ăn ngon, ăn no! Làm gì ra nhiều tiền. Thôi thì sẵn có gà, có gạo, có con lợn đang nuôi thoai thoai cũng ngả ra bày mâm cho bõ, miễn cả nhà được thỏa thuê, hỉ hả.

Người làng sống có nhau lắm. Có gì cũng mời, gọi. Rượu trở thành cầu nối thân thiện. Dần dà, đàn ông đến nhà nhau họ mời rượu thay nước. Kiếm được tý tiền mời nhau. Không có tiền cũng mời. Trả nợ miệng mà. Vui có rượu. Buồn cũng rượu. Chúc mừng… say. Đám ma cũng… say. Và cái tên làng “Hũ Đại” từ đó được sinh ra. Bao nhiêu người vợ, bao nhiêu đứa trẻ đã trở thành nạn nhân của những con sâu rượu. Phụ nữ làng tôi hầu hết cam chịu. Đã mang cái thiên chức làm vợ, làm mẹ còn phải gánh thêm cái trọng trách người chồng. Con trẻ đa phần học được mấy lớp lại bỏ để rồi cũng… lam lũ, lấm lem. Các anh chồng thì cứ rảnh rang kiếm tiền, xã giao. Họ vắng nhà khi cả tháng, vài tháng. Về lại hỉ hả anh em, bầu bạn. Lại rượu, lại say. Lâu rồi cũng thành quen, các chị vợ cũng chẳng mấy khi cằn nhằn, ca thán.

Đau lòng nỗi nhiều anh đã phải ra đi quá sớm. Làng lắm cảnh vợ góa con côi. Có lẽ số còn lại thấy sợ. Và họ đã biết bảo nhau gì đó.

Rồi chủ trương  “Xây dựng nông thôn mới “ về tới làng. Nhà nhà thực hiện sinh đẻ có kế hoạch. Dồn điền, đổi thửa. Kênh mương hóa nội đồng. Cây con giống mới được đưa vào thay thế. Khoa học kỹ thuật được áp dụng, có kỹ sư, kỹ thuật viên hướng dẫn. Sản lượng cây trồng vật nuôi tăng cao. Đời sống được nâng lên. Nhận thức người dân thay đổi. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã làm thay đổi diện mạo làng tôi. Những hủ tục mất dần.

Người dân quê tôi vốn chịu thương chịu khó, nay càng tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, chấp hành chính sách pháp luật của Nhà nước, những quy định của địa phương. Con trẻ được đầu tư học hành, có công ăn việc làm tốt. Nhiều đứa đã phấn đấu có vị trí quan trọng trong xã hội. Làng không còn cái tên “ Hũ Đại “. Điệu nhảy Tắc Xình và hát Soọng Cô của người Sán Dìu quê tôi cũng đã được công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia”

Hạnh phúc thế cũng là mãn nguyện. Chưa ngơi nghỉ, khi Đảng và nhân dân vẫn cần, chúng tôi vẫn tiếp tục đoàn kết xây dựng quê hương thêm phồn thịnh.

Hy vọng một ngày không xa nước sạch sẽ về với Sơn Cẩm quê tôi. Hệ thống thu gom và xử lý rác thải cũng sẽ được hoàn tất. Làng thực sự trở thành đô thị.

Ngô Thúy Hương

Xã Sơn Cẩm, TP. Thái Nguyên

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Một cánh chim bằng

Xem tin nổi bật 4 ngày trước

Mái trường của tôi

Tôi và Thái Nguyên 1 tuần trước

Dọc miền kí ức

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Vẳng tiếng chuông chùa

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Xóm Đồi yêu dấu

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Vó Ngựa, mảnh đất tôi yêu

Xem tin nổi bật 5 tháng trước