Đề tài chiến tranh và người lính trong văn xuôi Việt Nam những năm gần đây
1. Trong giới hạn sự đọc của tôi thì những tác phẩm văn xuôi (ở bài viết này chỉ đề cập đến hai thể loại là tiểu thuyết và truyện ngắn) Việt Nam viết về đề tài chiến tranh và người lính những năm gần đây đa phần là “thâm canh” quá khứ, một quá khứ chiến tranh bộn bề, mặc dù đã im tiếng súng hơn bốn mươi năm nhưng vẫn còn dang dở. Đến đây, tôi nhớ tên một truyện ngắn của nhà văn Bảo Ninh - Chuyện xưa kết đi, được chưa?1. Câu trả lời là, câu chuyện về cuộc chiến tranh chống lại đế quốc Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ hai mươi chưa thể “kết” được, nó còn “ám” rất lâu những ai can dự vào nó, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp. Vậy nên, đề tài chiến tranh và người lính trong văn học Việt Nam chưa thể hoàn tất, nó vẫn là mảnh đất phong nhiêu, dung chứa nhiều nguồn “chưa ai khơi”, nhiều câu chuyện chưa ai kể và nhiều kỹ thuật tự sự chưa ai thể nghiệm. Cũng nhà văn Bảo Ninh, trong một bài viết của mình, chia sẻ: “Ngay cả nếu như vốn cùng là lính, có thể là cả cùng đơn vị, thì mỗi nhà văn cũng vẫn có suy nghĩ riêng, tâm trạng riêng, cách nhìn riêng về chiến tranh và rồi sẽ viết về chiến tranh không giống nhau, thậm chí trái ngược nhau. Bởi vì, thế mới là văn chương. Mới là nhà văn. Mới là con người”2. Mà, viết về chiến tranh, kể, khơi lại, dựng dậy những câu chuyện vừa cũ xưa lại vừa bi thảm, suy cho cùng là viết về hòa bình, là viết về số phận con người với tất cả chiều kích hiện sinh của nó.
Gần đây, văn đàn Việt Nam chứng kiến sự trở lại một cách ấn tượng của đề tài chiến tranh và người lính với loạt tác phẩm như các tiểu thuyết Đối chiến của Khuất Quang Thụy, Chân trời mùa hạ của Hữu Phương, Đỉnh máu của Nguyễn Bảo, Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 của Trần Mai Hạnh, Sống được là may của Từ Nguyên Tĩnh, Trang trại hoa hồng của Đỗ Kim Cuông, Rừng đói của Nguyễn Trọng Luân, Thư về quá khứ của Nguyễn Trọng Tân, Đỉnh cao hoang vắng của Khuất Quang Thụy, Mưa đỏ của Chu Lai, Lính trận của Trung Trung Đỉnh, Triền dâu xanh ngát của Châu La Việt, Mộ phần tuổi trẻ của Huỳnh Trọng Khang; truyện dài Cơ bản là buồn của Nguyễn Ngọc Thuần; tập truyện ngắn Đỉnh khói của Nguyễn Thị Kim Hòa; các truyện ngắn Những bóng người trên đất, Sóng gió Ô Cấp của Trịnh Sơn… Ngoài ra, có thể kể thêm những tác phẩm có yếu tố chiến tranh tham gia vào mạch tự sự như các tiểu thuyết Thoạt kỳ thủy, Kể xong rồi đi của Nguyễn Bình Phương, tiểu thuyết Con chim joong bay từ A đến Z của Đỗ Tiến Thụy, các truyện ngắn Bụi trúc cuối vườn, Trầm tích ao làng của Trương Anh Quốc… Những tác phẩm này, với mức độ đậm nhạt khác nhau, đã khai thác những tầng vỉa mới mẻ, phản tư, bổ khuyết, nới giãn đường biên của đề tài chiến tranh và người lính trong văn học Việt Nam đương đại.
Hữu Phương, với tiểu thuyết Chân trời mùa hạ (Nhà xuất bản Công an nhân dân, 2011), đã không chỉ tái kiến tạo quy mô sử thi về cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, mà còn phát lộ các giá trị văn hóa - lịch sử, các giá trị tinh thần nhân văn trầm tích ngàn đời, được phát tiết, thăng hoa trong cuộc sống chiến đấu và lao động sản xuất của một vùng đất, một vùng văn hóa. Hiện thực chiến tranh trong tác phẩm không chỉ gồm những diễn biến cụ thể, hết sức phức tạp, đa dạng trong tiếng máy bay gầm rít điên loạn, tiếng bom đạn réo sôi…, nghĩa là tất cả những gì ta nhìn thấy, nghe thấy, mà còn bao gồm cả những âm hưởng, vẻ đẹp độc đáo và nhịp điệu tinh thần của con người và của cuộc sống trong chiến tranh, nghĩa là những gì ta cảm thấy. Sự nghiệp giữ nước của dân tộc đã được tạo dựng bằng cả chiều sâu văn hóa. Đây là một hướng đào sâu, tìm tòi đáng kể của Hữu Phương. Chân trời mùa hạ day dứt, ám ảnh, đắng xót linh hồn người đọc bởi thân phận của những con người trong chiến tranh, nhất là thân phận những người phụ nữ, những người đã phải hứng chịu quá nhiều đau thương, mất mát. Hữu Phương nghiêng về việc lấy số phận con người để dựng lại sự kiện lịch sử. Đây là một cách nhìn thẳng nói thật vừa nhằm đề cao, tri ân sâu sắc những con người đã dầm mình trong chiến tranh để làm nên chiến thắng, vừa nhằm cảm thông cho mọi lỡ lầm, sa ngã của những con người không chiến thắng được bản thân và hoàn cảnh. Với việc đi sâu vào phương diện thân phận những con người trong chiến tranh, bi tráng hóa cảm hứng anh hùng nguyên khối như trước đây, đặt ra vấn đề nhân quyền nói chung, nữ quyền nói riêng, Chân trời mùa hạ đã mang một tầm tư tưởng, tầm nhân văn cần thiết.
Mới đây nhất, nhà văn Chu Lai trình làng cuốn tiểu thuyết Mưa đỏ (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 2016), viết về cuộc huyết chiến tám mươi mốt ngày đêm ở Thành cổ Quảng Trị mùa hè rực lửa 1972. Đáy sông Thạch Hãn đâu chỉ có “bạn ta nằm”, mà còn có cả những đồng bào, đồng loại nhưng không đồng chiến tuyến nằm. Chủ ý của nhà văn khi viết cuốn sách này là muốn trình hiện thêm một tiếng nói quyền lực của văn chương, trong việc lay thức con người nỗ lực phòng tránh chiến tranh cũng như hòa hợp, hòa giải dân tộc, chiến truyến.
Truyện dài Cơ bản là buồn (Nhà xuất bản Trẻ, 2014) của Nguyễn Ngọc Thuần có thể coi là một khúc vỹ thanh đầy ám gợi về chiến tranh. Nhà văn 7x này cũng chọn lập trường là “phe nước mắt” để góp phần làm sứ giả hòa bình, sứ giả hòa giải, hóa giải dân tộc, chiến tuyến. Từ câu chuyện có vẻ riêng tư về mối quan hệ ly tán bi lụy trong chiến tranh Việt Nam của hai nhân vật ông John và bà Huệ, về cuộc sống của vợ chồng ông bà John trên đất Mỹ sau cuộc chiến, tác phẩm đã khái quát thành câu chuyện xã hội, câu chuyện chung của thế hệ những người cầm súng tại Việt Nam, rộng hơn nữa, đã đặt ra vấn đề mang tầm phổ quát, mang tính nhân loại: nỗi-buồn-chiến-tranh, mang đến một tiếng nói văn chương phản chiến lay động và thức tỉnh. Cái tình, cái khả năng lắng nghe, thông hiểu nơi Cơ bản là buồn không giới hạn trong khuôn khổ đồng chiến tuyến, đồng bào, mà cởi mở ra vô biên đồng loài đồng khổ.
Nguyễn Thị Kim Hòa, một tác giả 8x, đến tập truyện ngắn Đỉnh khói (Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ, 2015) đã bung thoát khỏi chu diện cá nhân để thử sức với đề tài chiến tranh. Một số truyện ngắn trong tập truyện này đã chinh phục được người đọc bởi thứ hiện-thực-chiến-tranh-bên-trong mà tác giả kiến tạo. Truyện ngắn Giấc mơ đá vỡ là câu chuyện ma mị, ám ảnh về chiến tranh. Bộ mặt của một cuộc chiến không biết ngày kết thúc dẫu đã được ảo hóa, mờ hóa bởi giấc mơ đàn bướm nhưng vẫn hiện ra tàn khốc, hãi hùng như nó vốn dĩ. Nước mắt tuôn trên những lặng phắc nghìn năm của núi đá, những rì rào muôn đời của biển, những biến động xoay vần của thời cuộc, của những phận người. Truyện ngắn Đỉnh khói là một nỗ lực dấn thân nhận diện bộ mặt của chiến tranh, từ một điểm nhìn, lăng kính khác. Câu chuyện xoay quanh những bất lực run rẩy của một người con gái lầm đường lạc lối mất hút đường về. Những mảng ký ức cứ lung linh thức giữa nồng nặc mùi khói, giữa nhàu nhò rỗng rượi ê hề. Gò ngực đứa gái hành nghề phấn son có ai ngờ lại là nơi hứng bao tiếng thở dài, bao tiếng khóc của những người đàn ông thuộc “phía bên kia”, những cánh thiêu thân đã lao vào cuộc chiến. Sức thuyết phục của truyện ngắn Nguyễn Thị Kim Hòa nằm ở dung lượng cảm hứng, ở cường độ cảm xúc, ở dòng thác ngôn từ óng chuốt, ở cái nhìn nhân văn, nhân ái trước con người. Hiện thực truyện ngắn Nguyễn Thị Kim Hòa là thứ hiện thực được đan dệt bằng nức nở thân phận đàn bà. Do vậy, những mảnh vỡ thân phận nơi trang viết run rẩy trắc ẩn của cây bút nữ này có khả năng làm rỉ máu ngay cả những con tim và cái đầu lạnh lùng nhất, chứa nhiều định kiến, phân biệt đối xử nhất.
Trịnh Sơn, một tác giả 8x khác, cũng mang đến một tiếng nói văn chương giàu cá tính. Truyện ngắn Những bóng người trên đất* đưa người đọc đến với một rẻo đất heo hút miền Nam Việt Nam những ngày trước Giải phóng. Đạn bom cứ chồm lên, dữ dội và tàn khốc. Cái chiến tuyến địch - ta được phân định rạch ròi ngay trong một gia đình. Bằng kỹ thuật tự sự, trước hết là kỹ thuật dựng truyện, khá chắc tay, truyện ngắn này là một cách diễn ngôn về “nỗi buồn chiến tranh”, về nhân quyền nói chung, nữ quyền nói riêng giàu tính nhân văn, nhân bản. Truyện ngắn Sóng gió Ô Cấp*, với bối cảnh truyện là Bà Rịa - Long Khánh - Vũng Tàu trước và sau 1975, dẫn dụ người đọc cùng nhìn lại và ngẫm suy về một thời đoạn ly loạn chưa xa của lịch sử dân tộc. Chiến tuyến “bên này” - “bên kia” vô hình mà vững chãi đã cướp đi sự hồn nhiên trong sáng của những đầu xanh tuổi trẻ, đẩy bao nhiêu số phận vào ngõ bi kịch.
Nguyễn Bình Phương, trong tiểu thuyết Thoạt kỳ thủy (Nhà xuất bản Trẻ, 2004) xây dựng Tính là một nhân vật bản-năng-nguyên-khối. Câu chuyện mà Tính say mê đầu đời không phải là một bài học, một truyện cổ tích mà là những chuyện “khoặp”, “cắn cổ” Mỹ, cảnh đốt trại tù binh “lửa cao như cái lưỡi, liếm từ bẹn đổ lên” của Hưng - một người lính đào ngũ, là cảnh Tây thu từng đống người chúng tàn sát “đem ra rừng lấp hờ. Tối hổ xuống bới lên ăn bằng hết. Chừa độc cái đầu” của ông Thụy… Mặc dầu đã lấy vợ nhưng Tính không biết “làm chồng”, chỉ mải mê giết kiến, giết công cống, mắt cứ rực lên mỗi khi nhìn thấy con dao chọc tiết lợn sáng quắc của ông Điện. Giấc mơ nào của Tính cũng ngập ngụa máu. Tính ngày nay là sự phản chiếu mang tính nhân quả hành động của những con người mà căn nguyên từ thói bất nhân, vô trách nhiệm, sự u tối bản năng. Bằng lối viết đa thanh, Nguyễn Bình Phương đã ám dụ được người đọc vào trường đối thoại. Chiến tranh, ở phương diện trực quan sinh động nhất, là trò “khoặp”, “cắn cổ”, “chọc tiết” lẫn nhau. Chiến tranh là ngọn gió thổi bùng ngọn lửa bản năng thú tính, sức hủy diệt của ngọn lửa này là bất tận. Hãy nói không với chiến tranh. Thượng đế đã chết (Fridrich Nietzsche). Chỉ có tình người may ra có thể cứu sống được tính người.
Đỗ Tiến Thuỵ, một nhà văn 7x, với tiểu thuyết Con chim joong bay từ A đến Z, (Nhà xuất bản Trẻ, 2017) đã chọn chiến tranh làm bàn đạp, làm bệ đỡ, làm tia hồi quang để cuốn tiểu thuyết này phóng chiếu cái nhìn trực diện lên bức tranh hòa bình đương đại, nơi đang hàng ngày hàng giờ diễn ra câu chuyện xung đột thế hệ, đứt gãy giá trị, câu chuyện tiến hóa ngược của những trí thức giang hồ. Tác giả cuốn tiểu thuyết đã khôn ngoan khi chọn nhân vật tự sự là con chim và khẩu đại liên, nhờ vậy, câu chuyện được kể trở nên khách quan, sắc thái biểu cảm trở nên trung tính. Đặc biệt, qua tự sự của khẩu súng, tính chất rùng rợn, kinh hãi của chiến tranh tự nó phô bày một cách chân xác, sống động, tác giả trở nên ngoại cuộc, vô can. Và vì chim và súng không thể là những người trần thuật “toàn tri” (“biết tuốt”), nên cuốn tiểu thuyết mở ra những điểm trắng, khơi vẫy đồng sáng tạo từ phía cộng đồng diễn giải. Đi hết cuốn tiểu thuyết, người đọc được phản tỉnh, từ đó biết trân quý hơn cái giá của độc lập, hòa bình, hướng đến “sống tử tế chân thành”, kiến tạo “căn cốt vững chãi” cho bản thân, gia đình, xã hội.
Ngoài việc “thâm canh” quá khứ chiến tranh Việt - Mỹ giai đoạn 1954 - 1975 với những tác phẩm như đã điểm, văn xuôi Việt Nam đương đại những năm gần đây xuất hiện những tác phẩm “khai hoang” đề tài chiến tranh biên giới phía Tây Nam của quân tình nguyện Việt Nam ở Lào, ở Campuchia và chiến tranh biên giới phía Bắc những năm sau 1975. Có thể kể là các tiểu thuyết Hoang tâm, Xác phàm của Nguyễn Đình Tú, Mình và họ của Nguyễn Bình Phương, Miền hoang của Sương Nguyệt Minh; các truyện ngắn Âm thanh của ký ức và Chuyện Nguyên Phong của Doãn Dũng, Trên núi Tưk-cot của Hồ Kiên Giang, Hoài niệm U Đôm Xay của Lê Mạnh Thường, Vì sao tuổi thơ của Phùng Kim Trọng, Hành trình của gió của Vũ Văn Song Toàn, Chiếc áo màu hồng ngọc của Trần Văn Đẳng, Tiếng đò của Tạ Ngọc Dũng, Tia nắng cuối cùng của Dương Phượng Toại… Nhà văn Chu Lai cho rằng, chiến tranh biên giới là một mảng đề tài nhạy cảm lâu nay nhiều người muốn viết nhưng không tiện viết, chưa thể viết. Đã đến lúc mảng đề tài này cần được thể hiện thao thiết, công khai như tất cả những mảng đề tài khác. “Lâu lắm rồi ta mới có những dòng văn mô tả trực diện về cuộc xung đột này để vỡ ra rằng, nó cũng bi kịch, đau thương, mất mát ghê gớm như mọi cuộc chiến tranh sinh tử khác. Đáng quý ở chỗ, các tác giả đã biết dừng lại ở sự chừng mực có thể để không gào thét, chửi váng, riết róng, ám chỉ cái này, đổ tại cái kia mà cứ từ từ, dung dị mặc cho các nhân vật nói lên cái điều sâu xa cần nói”3 “Theo Wikipedia, một nguồn trung lập, thì cụm từ Chiến tranh Việt Nam được định nghĩa ngắn gọn và súc tích” (Cơ bản là buồn - trang 121). Nhưng văn chương là thứ bất trị nhất, luôn không hài lòng với mọi định nghĩa. Bản chất của văn chương là truy vấn, là khơi vẫy đối thoại. Do vậy, đề tài chiến tranh sẽ còn tồn hiện, can dự rất lâu vào bức tranh đời sống văn học Việt Nam. Những tác phẩm thành công viết về đề tài chiến tranh của những cây bút thế hệ 7x, 8x, 9x củng cố trong người đọc niềm tin, rằng thế hệ nhà văn không trực tiếp can dự vào chiến tranh vẫn hoàn toàn có thể viết thuyết phục về nó theo cách của mình, nếu họ đủ độ sâu của suy tư day trở, độ lịch duyệt của văn hóa, và độ duyên, độ khéo của cách kể chuyện.
2. Viết trực diện về đời sống của người lính thời bình hôm nay, ngoài tiểu thuyết Biển xanh màu lá của Nguyễn Xuân Thủy và tiểu thuyết Khoảng trống của Phùng Kim Trọng, thì có thể kể đến các truyện ngắn như Những chàng trai sống cùng hoa sắng đắng, Võ công binh nhì, Chuyện lính, Cánh rừng không yên ả của Nguyễn Đình Tú, Mùa hoa bạch đàn của Trung Phương, Triền sim tím của Nguyễn Mạnh Hùng, Lính cậu của Trần Đức Tĩnh, Khu độc thân của Nguyễn Thế Hùng, Đảo mù sương của Phùng Văn Khai, Chốt gió của Trần Mạnh Hà, Sóng trên đỉnh núi của Lê Mạnh Thường, Nỗi niềm Trường Sa của An Bình Minh, Mùa này mía chẳng trổ bông, Lính mới, Những đêm mất ngủ của Hồ Kiên Giang, Trên đỉnh Pà Vầy Sủ, Gió trên đỉnh Chư Lầu Thúy của Nguyễn Phú, Mây không bay về trời của Tống Ngọc Hân, Lòng biển của Kiều Bích Hậu...
Truyện ngắn Những đêm mất ngủ* của Hồ Kiên Giang không màu mè, không lên gân, không kỹ thuật tự sự tân kỳ, mà giản dị, mà thật. Phải am tường về môi trường quân ngũ, phải trân quý tình đồng chí đồng đội, phải đứng về phe nước mắt (chữ của nhà thơ Dương Tường) thì tác giả mới có thể làm cho người đọc… mất ngủ đến thế khi đọc truyện ngắn này. Những chàng trai mười tám đôi mươi thời bình, mỗi người một hoàn cảnh xuất thân, một động cơ đi bộ đội, một lý tưởng hoài bão, một uẩn khúc, nỗi niềm. Ấy vậy mà, dần dà, tình đồng đội, môi trường rèn luyện đã xóa nhòa mọi ranh giới, “đẳng cấp”. Chỉ còn lại là những đồng chí, đồng đội, chỉ còn lại là những tấm lòng, chung khát vọng tương lai, chung “những đêm mất ngủ” vì ăm ắp, quặn thắt tâm tư, nỗi niềm hướng về gia đình, người thân. Những đêm “sinh nhật đồng đội” (anh em nào sinh cùng một tháng thì được đơn vị tổ chức cùng một lần) nồng ấm. Người thì từ nhỏ đến lớn hằng năm đều được tổ chức sinh nhật tưng bừng, bội thực quà, lênh láng bia rượu, lắc lả sàn nhảy, nhưng đêm nay, trong vòng vây đồng đội, lại “nghèn nghẹn” bởi sinh nhật đầu tiên nhận được “những tình cảm chân thành như thế này”; người thì lần đầu trong đời biết đến cái gọi là tổ chức mừng “ngày sinh tháng đẻ năm chào đời” nên vui lắm, xúc động lắm. Rồi những buổi hành quân mang vác nặng, công tử bột được anh em trong tiểu đội thay nhau chia sẻ khẩu súng và ba lô. Những ngày toàn đơn vị dầm mình giúp dân thu hoạch lúa chạy lũ, những chàng lính kiểng xót ngứa, mẩn đỏ toàn thân, nhưng tất cả đều phấn chấn, đùa giỡn như… đi chơi tết. Và đặc biệt là sức thuyết phục tỏa ra từ người tiểu đội trưởng như Biển. Với phong cách tự tin, phương pháp quản lý vừa nghiêm khắc vừa ân cần, Biển là chỗ dựa tinh thần tin cậy, vững chãi, là gương sáng để anh em soi vào mà hoặc bớt kênh kiệu, hoặc bớt mặc cảm, mà phấn đấu, mà đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau trong học tập, rèn luyện cũng như sinh hoạt. Nghệ thuật không phải và không thể là thứ ánh trăng lừa dối (Nam Cao). Với cảm hứng nhìn thẳng nói thực, tác giả đã không ngại khi nói ra cái động cơ đăng ký nhập ngũ hoặc rất thực dụng hoặc rất không đâu của những chàng trai mười tám đôi mươi thời bình. Có sao đâu. Quan trọng là chất lượng đầu ra của quãng thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự. Hồ Kiên Giang đã tỏ ra bản lĩnh, chắc tay khi làm chủ được ngòi bút, không rơi vào tự nhiên chủ nghĩa. Và phải chăng, cái tâm, cái tình của người viết, trong nhiều trường hợp, quyết định cái tài? Làm sao người đọc có thể không “nghèn nghẹn” cho được khi đọc truyện ngắn này, nhất là chứng kiến cuộc kết nối điện thoại đứt quãng, tắc nghẹn của má con Đức ở đoạn gần cuối truyện (người mẹ đã không kiềm chế được khi biết tiền hàng tháng con trai gửi về “để má mua thuốc trị bệnh đau khớp và mua thịt cá ăn cho có sức khỏe” là… tiền phụ cấp lính). Giản dị, chân thực, gần gũi, xúc động, truyện ngắn này đã chạm đến sâu thẳm tâm tư lính.
Truyện ngắn Nỗi niềm Trường Sa* thông qua cái nhìn của một nữ phóng viên truyền hình đã khắc họa chân thực, sinh động hình ảnh những người lính trẻ xuất thân thành phố đang mỗi ngày tự hoàn thiện nhân cách nơi điệp trùng sóng gió Trường Sa. Tuy kỹ thuật tự sự còn có phần đơn giản nhưng truyện ngắn này là một đóng góp nhất định vào mảng đề tài người lính hôm nay, đặc biệt là các chiến sỹ nơi biên giới, hải đảo.
Truyện ngắn Lòng biển* của Kiều Bích Hậu mở ra một không gian vùng vịnh thanh sạch, phóng khoáng, lãng đãng, nơi có câu chuyện tình nén bung bung nén như những lớp sóng đại dương giữa cô trợ lý ngôn ngữ láu lỉnh, duyên dáng với vị thuyền trưởng tàu ngầm đầy hấp lực trong thời gian có chuyên gia nước ngoài đến hợp tác. Truyện ngắn lan tỏa sâu sắc và mãnh liệt sang người đọc hơi ấm chở che từ vòm ngực biển cả dưới lớp áo lính hải quân vằn sóng xanh…
Truyện ngắn Gió trên đỉnh Chư Lầu Thúy* của Nguyễn Phú ghi lại một cách tự nhiên, xúc động tâm trạng ngổn ngang bộn bề của một chiến sỹ biên phòng tuổi hai mươi trong sáng, thánh thiện, run rẩy trắc ẩn trước thời khắc hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Phía sau là núi rừng, là đồng đội ăm ắp tình đất tình người. Phía trước là xứ Hàn, là người mẹ lạc trôi vào vòng xoáy cạm bẫy, đang rất cần được giải cứu…
Như vậy, dễ nhận thấy rằng, mặc dầu đã xuất hiện những tác phẩm gây ấn tượng về người lính thời bình như đã điểm, tuy nhiên, viết trực diện về người lính hôm nay chưa phải là thế mạnh, là nguồn mạch cảm hứng lớn của các nhà văn đương đại. Những tác phẩm dài hơi, đầy đặn, vạm vỡ, phản ánh một cách chân thực, sinh động người lính ở thì-hiện-tại đang nằm đâu đó ở… phía trước.
1 Truyện ngắn Chuyện xưa kết đi, được chưa? in trong tập truyện ngắn cùng tên của Bảo Ninh, Nxb Văn học, 2009.
2 Xem Bảo Ninh (2015), Đường đến văn chương, Tạp chí Văn nghệ quân đội số 823.
3 Xem “Tác giả trẻ được đánh giá cao”, nhà văn Chu Lai trả lời phóng viên Chuyên trang Văn học Quê nhà - Báo điện tử Tổ quốc, đăng ngày 30/12/2014.
* Truyện ngắn được đăng trên tạp chí Văn nghệ quân đội.
Hoàng Đăng Khoa
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...