Đề nghị khôi phục Gang thép Thái Nguyên giai đoạn II
"Với ý nghĩa lịch sử, với nền móng vững chắc của Gang thép Thái Nguyên, thay mặt cử tri tỉnh Thái Nguyên, tôi trân trọng đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm, có các giải pháp khôi phục lại Gang thép Thái Nguyên giai đoạn II", đại biểu Đoàn Thị Hảo phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội chiều 1/6.
Các đại biểu thảo luận tại Hội trường Diên Hồng
Nội dung phiên thảo luận là đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022; việc tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017.
Phiên thảo luận được truyền hình trực tiếp để cử tri cả nước cùng theo dõi.
Chỉ chọn một vấn đề liên quan đến nội dung đổi mới, sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, đại biểu Đoàn Thị Hảo (Thái Nguyên) trình bày, Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn II, Gang thép Thái Nguyên được khởi công năm 2007, đến 2013 dự án phải tạm dừng thi công do gặp khó khăn trong thu xếp nguồn vốn. Tổng mức đầu tư điều chỉnh tăng cao. Mặt khác, hợp đồng ký kết với nhà thầu nước ngoài đã phát sinh tranh chấp phức tạp, vượt quá thẩm quyền xử lý của Gang thép Thái Nguyên và Tổng Công ty Thép Việt Nam.
Vị đại biểu Thái Nguyên cũng cho biết, Gang thép Thái Nguyên giai đoạn I được cổ phần hóa năm 2009, đến nay đang hoạt động rất hiệu quả, duy trì việc làm ổn định cho 4.000 lao động. Năm 2021, mức lương bình quân của người lao động đạt gần 13 triệu đồng/người/tháng. Nộp ngân sách đạt trên 453 tỷ đồng, vượt 71% so với kế hoạch năm, lợi nhuận trước thuế đạt trên 150 tỷ đồng, bằng 3 lần kế hoạch năm. Tuy nhiên, hiện nay một phần lợi nhuận từ hoạt động sản xuất của Gang thép Thái Nguyên giai đoạn I vẫn đang phải sử dụng để thực hiện việc cân đối các khoản vay của dự án mở rộng giai đoạn II, trong đó có các khoản nợ quá hạn, có khoản vay đã chuyển nhóm 5, tính lãi phạt và lãi trên lãi.
Theo đại biểu, Khu công nghiệp Gang thép Thái Nguyên là công trình trọng điểm để thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II. Ngày 4/6/1959, Hội đồng Chính phủ ra quyết định thành lập Công trường xây dựng Khu Gang thép Thái Nguyên và chỉ sau đó 4 ngày Bác Hồ đã trực tiếp về Thái Nguyên chỉ đạo xây dựng công trường. Bác nhắc nhở mọi người “phải ra sức đoàn kết, thi đua nhanh chóng hoàn thành kế hoạch”. Khắc ghi lời Bác, hơn 2,2 vạn cán bộ, chiến sĩ và nam, nữ thanh niên từ nhiều tỉnh thành trong cả nước đã nỗ lực lao động ngày đêm san đồi, bạt núi, biến một vùng đồi núi hoang sơ thành khu công nghiệp đồ sộ, rộng gần 160 ha. Đây chính là nôi của ngành công nghiệp luyện kim Việt Nam.
Từ sau khi chia tay đồng bào Việt Bắc về Thủ đô (1954), Bác Hồ đã 7 lần trở lại thăm Thái Nguyên, trong đó có 2 lần (1959 và 1964) Người trực tiếp đến kiểm tra, chỉ đạo việc xây dựng, hoạt động của Gang thép Thái Nguyên. Bác nói: "Chính sách của Đảng ta là làm cho miền núi tiến kịp miền xuôi, ngày nay chính sách đó đã bước đầu được thực hiện. Với Khu Gang thép đồng bào ta có thể tự hào rằng về công nghiệp nặng thì miền xuôi cần thi đua với miền núi".
"Với ý nghĩa lịch sử, với nền móng vững chắc của Gang thép Thái Nguyên, thay mặt cử tri tỉnh Thái Nguyên, tôi trân trọng đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm, có các giải pháp khôi phục lại Gang thép Thái Nguyên giai đoạn II", bà Hảo phát biểu.
Đại biểu Đoàn Thị Hảo (Thái Nguyên) phát biểu
Cụ thể hơn, đối với Quốc hội, đại biểu đề nghị tổ chức khảo sát quá trình đổi mới, sắp xếp lại doanh nghiệp tại Công ty Gang thép Thái Nguyên. Bởi vì, một số khó khăn chủ yếu của Gang thép Thái Nguyên có thể không phải là phổ biến nên rất cần có cơ chế, chính sách đặc thù. Đối với Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, đề nghị từ đại biểu là xử lý dứt điểm các tồn tại, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ đầu tư với phương châm "sớm nhất, hiệu quả nhất" như quan điểm Nghị quyết 68 của Chính phủ ngày 12/5 vừa qua.
"Tôi đề nghị với Gang thép Thái Nguyên cần xử lý dứt điểm các tranh chấp hợp đồng với nhà thầu nước ngoài, xem xét việc tái cơ cấu các khoản nợ, tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất cho vay khi dự án đi vào sản xuất để bảo toàn nguồn vốn và giá trị tài sản Nhà nước đã đầu tư, cùng với đó là ổn định đời sống của 4.000 lao động và hàng nghìn gia đình".
Bà Hảo cũng giải thích, lý do đề xuất vấn đề này vì hiện tại Gang thép Thái Nguyên đang có một hệ thống cơ sở vật chất nhà xưởng, dây chuyền sản xuất đồng bộ đã được đầu tư từ giai đoạn I hiện đang hoạt động có hiệu quả. Tại đây có nguồn tài nguyên khoáng sản tại chỗ phong phú là các mỏ than mỡ, quặng sắt với trữ lượng cho phép khai thác lâu dài, giúp chủ động được nguồn nguyên liệu cho sản xuất. Gang thép Thái Nguyên còn có nguồn nhân lực hết sức quan trọng, với một lực lượng, các chuyên gia, kỹ sư, người lao động lành nghề, giàu kinh nghiệm, trong đó có hơn 1.700 đảng viên.
"Việc khôi phục xây dựng Gang thép Thái Nguyên phát triển vững mạnh, xứng tầm là cánh chim đầu đàn của nền công nghiệp nặng Việt Nam, đó là mong muốn, là niềm tin của cử tri, nhân dân Thái Nguyên và đồng bào các dân tộc Việt Bắc đối với công cuộc đổi mới, đồng thời cũng là trách nhiệm với một công trình mang ý nghĩa lịch sử đã có nhiều đóng góp quan trọng trong tiến trình xây dựng, phát triển đất nước", đại biểu Đoàn Thị Hảo phát biểu.
Vĩnh An
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...