Thứ năm, ngày 09 tháng 05 năm 2024
18:58 (GMT +7)

Để di sản trở thành tài sản

Du lịch vùng Tây Nguyên đầu năm 2023 này được đánh giá khởi sắc vượt bậc so với những năm trước đó. Theo thống kê của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, lượng khách đổ về Tây Nguyên (gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng) đông gấp 3 - 4 lần cùng kỳ năm trước, đặc biệt vào tháng Ba - tháng của hoa thơm trái ngọt, tháng của mùa con ong hút mật và đặc biệt tháng Ba này, Lễ hội Cà phê lần thứ 8 được tổ chức tại thành phố Buôn Ma Thuột.

Tây Nguyên còn có vô vàn cảnh sắc xinh đẹp và huyền bí khác. Như Biển Hồ mênh mông, là “đôi mắt” của thành phố Plâyku (Gia Lai). Như hồ Tà Đùng (Đắk Nông) với hàng trăm hòn đảo mờ ảo trong sương. Như làng Cà phê Trung Nguyên (Đắk Lắk) với những mái nhà uốn mềm lấy cảm hứng từ tiếng chiêng ngân. Như Măng Đen (Kon Tum) thơ mộng và bí ẩn…

Khách du lịch nghe kể Khan
Khách du lịch nghe kể Khan

Mỗi tỉnh của Tây Nguyên đều có vô số thứ níu chân du khách. Nhưng điều khiến du khách đắm say, muốn quay trở lại nhiều lần dường như không chỉ bởi “đại cảnh” núi non hùng vĩ, hồ nước mênh mông… mà còn ở những giây phút sâu lắng cùng dân bản trò chuyện bên bếp lửa; ăn cơm nướng với cà đắng, mắm Trố, uống rượu cần và nghe kể Khan.

Nằm ngay trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), buôn AKo Dhong được thành lập gần 70 năm trước bởi già làng Ama Hrin. Năm 1955, chàng trai Ê Đê tay cầm giáo, vai khoác cung đưa vợ con từ Cao nguyên Madrak đi tìm miền đất mới và dừng chân tại buôn AKo Dhong. Trước khi mất (2012), ông dặn dân làng: Dù giàu hay nghèo cũng phải giữ bản sắc dân tộc mình.

Trong buôn Ako Dhong, anh Ama Nhiên, 43 tuổi, nghệ nhân kể Khan trẻ nhất vùng đất Tây Nguyên, tự tay làm chiếc nhà sàn trong 2 năm liền. Anh mong muốn đón khách thập phương đến nhà mình để nói về văn hóa của dân tộc Ê Đê và kể Khan cho khách nghe.

Kể Khan (hát sử thi) là kể nối vần cuối của câu trên với vần đầu của câu tiếp sau, tạo thành bài chặt chẽ, dường như không bao giờ hết. Người Ê Đê có câu: “Thiếu tiếng Khan, tiếng Khứt, tiếng Chiêng/ Như cuộc sống thiếu cơm, thiếu muối”. Bên bếp lửa hồng, anh Ama Nhiên cất giọng trầm hùng kể về cuộc đời chàng dũng sĩ giàu có M'Drong Dam đã chiến đấu bảo vệ buôn làng, bảo vệ người Ê Đê. Từ nhà anh, các thành viên đội văn nghệ buôn AKo Dhong tỏa đi các nơi. Họ là những chàng trai cô gái trẻ đẹp, vừa nấu ăn giới thiệu văn hóa ẩm thực, vừa hát múa và sử dụng thành thạo các nhạc cụ: Đàn guitar, sáo, đàn t.rưng, chiêng nứa, chiêng đồng… Có thu nhập từ hoạt động du lịch, họ mời các nghệ sĩ nổi tiếng về dạy đàn dạy hát và dành thời gian luyện tập, vì thế dù là văn nghệ quần chúng nhưng họ biểu diễn không thua kém nghệ sĩ chuyên nghiệp.

Dân làng luôn nhắc nhớ về già làng Ama Hrin
Dân làng luôn nhắc nhớ về già làng Ama Hrin

Không riêng Tây Nguyên, nhiều nơi đã biến di sản văn hóa của dân tộc mình thành tài sản, thành sinh kế làm giàu cho người dân sinh sống ở nơi đó. Điển hình như các làng du lịch vùng Tây Bắc với di sản Múa Xòe của người Thái. Khi Xòe Thái chính thức được UNESCO ghi vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (2022) thì các đội Xòe tăng lên và thu hút lượng lớn khách du lịch về các bản, làng. Hay như ở tỉnh Phú Thọ, nghệ thuật hát Xoan đã trở thành sản phẩm du lịch, thành thương hiệu của văn hóa đất Tổ.

Thái Nguyên ngoài phong cảnh đẹp, con người hiền hòa thân thiện, còn có nhiều sản phẩm văn hóa độc đáo được ghi vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Như nghệ thuật Khèn của người Mông; múa Tắc Xình, hát Sấng Cọ của người Sán Chay; hát Soọng Cô của người Sán Dìu; lễ Cấp sắc - dân tộc Dao; nghi lễ Then của người Tày… Cùng với ghi danh di sản là các Nghệ nhân Ưu tú được Chủ tịch Nước phong tặng. Họ được coi là linh hồn, lực lượng nòng cốt bảo vệ di sản, có nhiệm vụ truyền dạy, góp phần giữ gìn và phát triển di sản.

Tuy nhiên, hầu hết các di sản văn hóa của Thái Nguyên còn mang nặng giá trị tinh thần, chưa trở thành tài sản vật chất, chưa tạo sinh kế và thu nhập bền vững cho người dân nơi có di sản. Thành viên các câu lạc bộ trình diễn ở các bản, làng đa phần là người có tuổi, họ không được luyện tập bài bản kỹ càng, nên biểu diễn chưa thực sự cuốn hút khán giả. Hầu hết các Nghệ nhân và Nghệ nhân ưu tú chưa phát huy hết tiềm năng và vai trò trách nhiệm. Việc khai thác để di sản trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn của địa phương cũng chưa rõ nét.

Theo các chuyên gia thì di sản văn hóa đang trở thành một dạng tài nguyên vô giá nếu chúng ta khai thác khoa học. Để di sản biến thành tài sản, tài nguyên thành tài chính, văn hóa thành hàng hóa thì cần gắn kết di sản với phát triển kinh tế du lịch và khai thác dựa vào cộng đồng.

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Chuyện tặng sách

Xem tin nổi bật 2 tuần trước

Việc kiêm nhiệm và vị trí việc làm

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Hãy là hình ảnh đẹp trong mắt du khách

Xem tin nổi bật 4 tháng trước

Về chuyện lương giáo viên

Xem tin nổi bật 5 tháng trước

Chê thế nào cho đúng?

Xem tin nổi bật 5 tháng trước

Quyền tác giả và hiện tượng buôn bán luận văn

Chuyện người chuyện ta 6 tháng trước