Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
17:42 (GMT +7)

Để cho kỳ thi là… kỳ thi

VNTN - Trong những năm gần đây, những bất cập trong lĩnh vực giáo dục nói chung đang diễn ra với chiều hướng ngày càng phức tạp hơn. Trong bối cảnh đó, câu chuyện tiêu cực trong các kỳ thi nói riêng càng trở thành tâm điểm để xã hội soi xét và đánh giá.Không biết từ bao giờ mà chuyện thi cử đã trở nên nặng nề đến như thế. Hơn lúc nào hết, những mùa hè đang thực sự trở nên “nóng bỏng”.

Nước mắt có đáng rơi?

Như thường lệ, cứ đến mùa thi, những gì diễn ra trong phòng thi lẫn ngoài cổng trường cũng như biển thông tin trên báo chí lại làm cho cộng đồng như bị hút cả vào nó. Cũng như vậy, những ngày vừa qua, dễ dàng nhận thấy đâu đâu cũng là những thông tin về kỳ thiTrung học phổ thông quốc gia, với những câu chuyện bi hài, rơi nước mắt cả nghĩa thực lẫn ẩn dụ.

Trước hết, sự căng thẳng thể hiện ngay ở phía các nhà trường. Có trường bố trí đội tình nguyện hỗ trợ phân làn giao thông, đó là điều cần thiết. Nhưng việc cho các “áo xanh” ra đứng ở các ngã ba ngã tư để chỉ đường thì quả là khó hiểu, bởi học sinh thi ở trường mình học, tại địa phương mình, chứ có phải ở đâu xa lạ? Việc các cổng trường có để sẵn nước uống cho thí sinh thì dễ hiểu trong những ngày nắng nóng này. Nhưng chuẩn bị cả sữa để đó cho thí sinh thì chứng tỏ rằng nỗi lo sợ về sự suy kiệt sức khỏe cho các em là có thật?

Ở phía các phụ huynh học sinh, câu chuyện cũng vô cùng mệt mỏi, nặng nề. Nhiều bố mẹ đã bỏ việc, nghỉ làm để trực tiếp đưa con đi thi, mà điểm thi là ngôi trường con vẫn hằng ngày đến học. Họ đứng ngồi cả buổi ngoài cổng trường, thể hiện sự quan tâm lo lắng và cũng là động viên khích lệ tinh thần cho con, nhưng thực ra càng làm như thế lại càng khiến các em chẳng yên lòng mà ngồi thi. Câu chuyện có vẻ còn đi xa hơn khi mà nhiều cặp bố/mẹ - con nắm chặt tay nhau rồi bật khóc trước khi con bước vào phòng thi, khiến cho kì thi trở thành điều gì đó giống như một cuộc sinh tử đời người. Nước mắt có đáng rơi?

Có phải vì áp lực các phía như thế, rất nhiều học sinh đã hoang mang đến bất an, mất tự chủ và không tin vào chính mình, tìm đến các đình chùa miếu mạo để cầu xin may mắn?

Báo chí thì dường như luôn sẵn sàng dành cho lĩnh vực thi cử sự sát sao đặc biệt. Vào thời điểm ngày 27/6/2019 (ngày thi cuối cùng), gõ từ khóa “kỳ thi THPT quốc gia năm 2019”, Google thông báo tìm kiếm được hơn 58 triệu kết quả trong vòng 0,6 giây. Đọc vào một số nội dung cụ thể và được truy cập nhiều, mới thấy thông tin “sống động” đến thế nào. Có những bài báo phân tích về nhiệt độ, thể hiện sự lo lắng và thương cảm cho học trò vì phải đi thi trong điều kiện thời tiết nóng nực. Một số bài báo đề cập việc có buổi thi trời đổ mưa to, thí sinh đi lại bị ướt. Ngay cả việc các đoàn giáo viên lên đường làm nhiệm vụ kì thi với không khí và tâm trạng như thế nào, trang phục của họ như thế nào, họ ăn ở và di chuyển ra sao, cũng được cập nhập. Sự quan tâm và lo lắng thái quá này có cần thiết hay không? Việc dự thi của học sinh cũng như việc coi thi và chấm thi của giáo viên đương nhiên là những chuyện hoàn toàn… bình thường. Chuyện các giáo viên đi lại hay ăn mặc như thế nào liệu có phản ánh nội dung dạy học hay tính chất đề thi hay không? Học sinh khi đã đủ 18 tuổi thì vấn đề của họ là chuẩn bị - lựa chọn tương lai, hay là chuyện nắng nóng và mưa ướt?

Nhiều thí sinh và gia đình đến Văn Miếu thắp hương cầu xin may mắn. Ảnh: Internet

Giữa quay cuồng những căng thẳng và lo sợ, nhiều chuyện đáng tiếc và khó tin đã diễn ra. Có thí sinh vì thức đêm ôn luyện, mệt quá nên ngủ quên cả giờ đi thi, lực lượng công an phải tức tốc tìm đến tận nhà đón đến trường thi. Có thí sinh cũng do học ôn khuya quá nên bị sốt, chẳng hiểu mệt mỏi, luống cuống, đãng trí thế nào mà đến nhầm trường, phải nhờ tình nguyện viên chở đến đúng điểm thi. Có thí sinh đến đúng trước ngày thi thì phải phẫu thuật ruột thừa, dù là học sinh giỏi và đủ điều kiện xét đặc cách tốt nghiệp mà không cần thi nhưng vì áp lực vào đại học nên em vẫn cố gắng và quyết tâm xin đi thi, hôm trước mổ thì hôm sau nằm trên xe cứu thương của bệnh viện đến trường thi. Những câu chuyện như vậy cho thấy, dường như các em đang bị đẩy đến thế gồng mình chống chọi?

Đáng giật mình hơn nữa, liên tục xảy ra các vụ thí sinh đi thi và cả người nhà bị tai nạn giao thông mức nghiêm trọng (chưa có thống kê chính thức và đầy đủ, chỉ theo những thông tin trên báo chí nêu thì trong ba ngày thi vừa rồi đã có đến vài chục vụ). Điều này liệu có phải chỉ là do ngẫu nhiên, hay còn do vấn đề tâm lí và sức khỏe của các thí sinh?

Điều gì đang diễn ra xung quanh một kỳ thi lẽ ra rất bình thường nhưng lại khiến cả xã hội bị cuốn vào đến mức sục sôi như thế?

Kiểm tra kiến thức hay đánh giá tư duy?

Để khắc phục những bất cập của những kỳ thi những năm trước nói chung và đặc biệt là sai phạm trong thi cử năm 2018 nói riêng, Bộ Giáo dục Đào tạo cũng như các địa phương đã đưa ra những điều chỉnh cụ thể và khá quyết liệt trong kỳ thi năm nay. Chỉ trong mấy ngày thi vừa qua, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã đến kiểm tra công tác thi của khắp các nơi từ Hà Nội đến Đắk Lắk, Long An, vừa trao đổi với giám thị và thí sinh, vừa kiểm tra đến từng chi tiết như phòng thi, máy móc, hòm đựng bài, tủ đựng tài liệu.v.v.. Ở một số địa phương, thay vì để một Phó chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban chỉ đạo kỳ thi như những năm trước, thì năm nay Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp làm việc này.

Một số nhóm giải pháp cũng được Bộ đưa ra cho kỳ thi năm nay, như: Thứ nhất: chú trọng kỹ thuật niêm phong, lưu trữ, bảo quản bài thi, đề thi để tăng cường bảo mật; đặt camera giám sát phòng chứa tủ đựng đề thi, bài thi 24 giờ/ngày và tăng cường trách nhiệm của các đối tượng có liên quan trong bảo quản đề thi, bài thi tại điểm thi, hội đồng thi.Thứ hai: sửa đổi, nâng cấp, hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng tăng cường tính bảo mật và chức năng giám sát để ngăn ngừa các can thiệp trái phép; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát của Bộ và của các trường đại học, cao đẳng đối với việc chấm bài thi tự luận do Sở Giáo dục Đào tạo chủ trì. Thứ ba: phối hợp với các cơ quan, nhất là cơ quan công an để tập huấn kỹ về nghiệp vụ tổ chức thi cũng như kỹ năng phòng chống, phát hiện gian lận, nhất là gian lận sử dụng công nghệ cao.

Dường như những giải pháp này vẫn chỉ thuộc về kĩ thuật, bề ngoài, cho nên không dễ để việc thi cử có được những “thay đổi”. Vấn đề có lẽ không nằm ở những chiếc chìa khóa hòm thi phòng thi, mà chìa khóa của vấn đề phải là giải quyết từ ngoài phòng thi.Tức là giải quyết từ trong quá trình dạy học, chứ không phải trong mấy ngày thi.

Trong quá trình dạy học,câu hỏi cốt lõi cần trả lời là: dạy bài tập hay dạy vấn đề? Bài tập đòi hỏi tri thức - thứ có thể tổng hợp tích lũy được. Vấn đề đòi hỏi tư duy - thứ mà phải tự thân chủ động suy nghĩ, phân tích, đúc kết mới có được. Vì thế xét cho cùng thì việc đưa ra các bài tập là không mấy ý nghĩa, quan trọng là việc đặt ra và giải quyết các vấn đề. Quá trình dạy học và nội dung thi của chúng ta hiện nay chủ yếu vẫn dừng lại là các bài tập. Tức là chúng ta vẫn đang nặng nề về dạy kiến thức mà chưa chú trọng vào dạy cách tư duy cho người học, kéo theo đó thì tất nhiên các kì thi cũng hướng vào kiểm tra kiến thức chứ chưa đánh giá được tư duy. Đây là những nguyên do khiến cho phần nhiều học sinh hiện nay dù có ra sức ôn luyện kiến thức thì vẫn vô cùng thụ động, lúng túng, sợ hãi khi dự thi; và cùng với đó là các kì thi khá máy móc, rất dễ bị làm sai lệch bởi các yếu tố mang tính kĩ thuật.Vậy, bắt đầu giải quyết từ kỳ thi là làm ngược, giải quyết ngay từ quá trình dạy học mới là gốc rễ vấn đề.

Sau bao nhiêu hệ lụy nhiều năm về thi cử, có lẽ đã đến lúc chúng ta cần bình tĩnh nhìn lại, để cho kỳ thi là… kỳ thi. Điều chúng ta cần quan tâm nhất sau một quá trình dạy học là những gì người học sẽ đạt được về tư duy, phẩm cách, chứ không phải về những điểm số. Câu chuyện giáo dục không phải là câu chuyện thi cử. Mãi loay hoay tìm lời giải về thi cử, chúng ta sẽ bỏ quên mất “đề bài” quan trọng nhất - học để trở thành con người như thế nào?

Phạm Văn Vũ

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy