Thứ sáu, ngày 27 tháng 12 năm 2024
12:46 (GMT +7)

Dạy và học “thể thao cao cấp”

VNTN - Câu chuyện đang thu hút sự quan tâm với nhiều ý kiến trái chiều của cộng đồng xã hội thời gian qua, liên quan đến việc Đại học Quốc gia Hà Nội ra thông báo sẽ đưa môn golf vào giảng dạy cho sinh viên bắt đầu từ năm học 2021 - 2022.

 

Golf - môn học đáng được thử nghiệm và kỳ vọng, nếu các trường có chính sách và hướng đi phù hợp! (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet).

Nhận định đây là một bước đi mới, phù hợp với chủ trương của Chính phủ về việc tạo điều kiện cho các sân golf phát triển; đồng thời đề cao thu hút du lịch golf, tạo cơ chế chính sách mở đường cho ngành công nghiệp golf Việt Nam phát triển. Lý do để dạy và học bộ môn này, được lý giải khá “bắt tai”: “Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, học golf giúp sinh viên tiếp cận bộ môn thể thao hiện đại, nhiều lợi ích với “văn hóa golf” rất đặc biệt”; “việc tiếp cận môn thể thao cao cấp này ngay khi ngồi trên ghế nhà trường sẽ giúp sinh viên tự tin hơn. Nếu như các môn thể thao khác thi đấu cần có sự ganh đua lẫn nhau, thì môn golf chủ yếu tính điểm so với bản thân, sẽ xây dựng cho người học sự vượt lên chính mình”.

Trên các diễn đàn mạng xã hội, ít nhiều có ý kiến bày tỏ sự lạc quan và đồng thuận khi cho rằng: “Giáo dục thể chất là toàn diện, đưa được nhiều môn thể thao vào dạy trong trường đại học là tốt. Bởi nếu có sinh viên thích bóng đá, bóng chuyền, bơi lội, thì chắc cũng sẽ có người thích đánh golf”; “biết đâu trong những sinh viên theo học môn golf, có thể phát hiện ra những hạt nhân năng khiếu, có thể đầu tư đào tạo, thành vận động viên quốc gia”; hay “môn golf cũng sẽ là phương tiện hữu ích cho tương lai, giúp sinh viên có thể giao tiếp và mở rộng các mối quan hệ xã hội”…

 

Trang phục, giày, gậy tập golf có chi phí cả chục triệu (rẻ nhất), thậm chí hàng trăm triệu đồng. (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet).

Tuy nhiên, lượng ý kiến “phản đối” đang áp đảo “đồng tình”. Nhiều người có chung quan điểm, xem golf là một môn học xa vời. Chưa biết nó hay ho, lợi ích đến đâu, chỉ nghe tên đã thấy hiện lên chất quý tộc và đắt đỏ. Chơi golf không đòi hỏi sức khỏe, sức bền như môn khác, song nó lại rất tốn kém cả thời gian và tiền bạc. Trong khi đa phần sinh viên được gia đình trợ cấp, lo chuyện ăn ở, học tập đã khó khăn, thì tiền đâu để mua sắm trang phục, giày, gậy tập golf với chi phí cả chục triệu (rẻ nhất), thậm chí hàng trăm triệu đồng? Tính chất của bộ môn này phù hợp cho một số đối tượng thuộc hàng khá giả hơn, sợ rằng nó sẽ tạo nên khoảng cách giàu nghèo ngay trong trường học. Sinh viên của chúng ta, nhìn chung còn thiếu nhiều kỹ năng sống cần thiết như bơi lội, thoát hiểm, an toàn giao thông, thậm chí là lười vận động… Giáo dục thể chất vẫn cần/nên, nhất là tăng cường nâng cao sức khỏe sinh viên.

 

 

Học golf vẫn là bài toán về kinh tế khá khó nhằn đối với sinh viên. (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet).

Ở góc độ chuyên môn, có ý kiến phân tích rằng, người mới làm quen với golf chỉ cần một bộ gậy mini 5 cây, dựa trên ba khu vực cơ bản của một đường golf gồm khu phát bóng (tee box), đáp bóng (fairway) và gạt bóng (green). Cơ cấu gậy này áp dụng cho cả tập lẫn chơi sân lớn được, sẽ giúp giảm đáng kể vốn đầu tư dụng cụ. Mặt khác, việc tập golf cũng có thể được thực hiện kiểu “bình dân”, với một gậy và thảm tập mini gắn bóng nhựa (tầm 600 nghìn đồng) là có thể luyện đánh bóng. Ngoài ra còn có loại lều tập cơ động phân khúc bình dân giá chưa đến một triệu đồng. Nếu tập ở các sân golf, mức phí sẽ tính theo giờ hoặc số lượng bóng (50 hoặc 100 quả), với giá dao động trong tầm 120 - 200 nghìn đồng.

Nói là bình dân, nhưng “học” thì phải “hành” mới có chất lượng. Mà “hành” ở thảm mini thì như kiểu vui là chính, còn ở sân golf chuyên nghiệp (với chi phí nêu trên), đâu chỉ một vài lần là có thể giỏi. Thế nên đó vẫn là bài toán về kinh tế khá khó nhằn đối với sinh viên.

Đồng ý là, nhà trường xếp đây là môn học sinh viên có thể lựa chọn tương tự như các môn bóng đá, bơi lội, cầu lông, bóng bàn,… nhưng cụ thể mức học phí thế nào, sẽ tính như tín chỉ bình thường khác hay có phát sinh các loại phí bổ sung nào không? Nhà trường có thể sắm sửa trang thiết bị, bố trí không gian tập luyện nhằm phục vụ môn học, nhưng đó cũng chỉ là giải pháp ngắn hạn. Việc xây dựng sân golf cho học sinh, hiện tại có vẻ bất khả thi khi trường còn chưa có sân chơi cho học sinh đúng nghĩa. Dạy và học trong điều kiện “eo hẹp” như thế, thì cũng chỉ là kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”.

 

Từ năm 2021, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ đưa môn golf vào dạy thử nghiệm. Ảnh: VNU.

Đánh giá về sự “thành - bại” ngay lúc này, e là chủ quan và vội vã. Song nhìn từ thực tiễn của một số trường đại học ở phía Nam và nhiều trường đại học tư thục khác khi đưa môn thể thao golf vào giảng dạy, thấy rằng những quan ngại của mọi người không phải là cảm tính. Thực tế cho thấy, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM), tính từ thời điểm công bố sẽ dạy môn golf trong chương trình đào tạo (2017), đến nay đã qua 3 năm vẫn không có thí sinh ứng tuyển. Thậm chí, nhà trường còn đưa golf vào danh mục môn tự chọn trong chương trình giáo dục thể chất cho sinh viên hai năm đầu, dự kiến tổng cộng 10 buổi, nhưng cũng không có người đăng kí. Hai máy tập golf giả lập cho việc đào tạo theo tầm nhìn ban đầu, hiện để bám đầy bụi (theo VnExpress).

Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại. Việc “khả thi” hay “bất khả thi”, còn tùy thuộc rất lớn vào cách thức thực hiện của nhà trường. Muốn thu hút thì phải có lực hấp dẫn. Liệu nhà trường có chấp nhận giải bài toán kinh tế mà bước đầu mình chịu thiệt? Đó là, không chỉ đầu tư toàn bộ trang thiết bị, tập luyện cho sinh viên, trường nên có các quỹ học bổng về golf, liên kết các học viện tài trợ, đào tạo cho sinh viên có khả năng. Tính toán mức học phí phù hợp, sao cho có thể tương đương với các môn thể thao khác để sinh viên không gặp trở ngại về kinh tế. Thêm nữa, nhà trường hoàn toàn có thể vận động các nhà tài trợ cung cấp gậy, sân tập để sinh viên có điều kiện luyện tập…

So thực tế và chủ trương, rõ ràng thấy sự “lệch pha”. Song nhìn ở góc độ tích cực thì, việc được học một môn thể thao đẳng cấp như golf cũng tạo cơ hội để sinh viên khám phá không chỉ về luật golf, sân golf, mà còn là văn hóa ứng xử… Môn học đáng được thử nghiệm và kỳ vọng, nếu các trường có chính sách và hướng đi phù hợp!

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Luật pháp có vô tình?

Xem tin nổi bật 1 tuần trước

Một cuộc cách mạng chưa từng có

Xem tin nổi bật 3 tuần trước

Sống chung với lũ

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Người dẫn đường và con đường đã mở

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Chủ nhật yên tĩnh – nghĩ và mong…

Xem tin nổi bật 4 tháng trước

Nhà văn và xuất bản sách

Xem tin nổi bật 5 tháng trước

Đạo đức người làm báo

Xem tin nổi bật 6 tháng trước