Dạy học văn bản đa phương thức trong nhà trường phổ thông
LTS: Sự phát triển của đời sống và xã hội nghe, nhìn đã tạo ra thực tiễn văn bản sinh động, đa dạng; phạm vi và cách thức giao tiếp của con người cũng ngày càng mở rộng. Văn bản đa phương thức có mặt ở mọi lĩnh vực khác nhau trong đời sống và học tập.
Nhằm giúp người dạy và người học tăng thêm những hiểu biết về loại văn bản này để thực hiện hiệu quả chương trình và sách giáo khoa Ngữ văn mới, Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên giới thiệu chùm 3 bài nghiên cứu của Tiến sỹ Trần Thị Ngọc (giảng viên bộ môn Phương pháp dạy học Ngữ văn, khoa Ngữ văn, trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên) về vấn đề này. Đó là những nét khái quát về văn bản đa phương thức và vai trò của loại văn bản này trong học tập và cuộc sống; Xu thế dạy đọc hiểu văn bản đa phương thức trong chương trình, sách giáo khoa ngôn ngữ và văn học của một số quốc gia trên thế giới; Yêu cầu và một số biện pháp dạy đọc hiểu văn bản thông tin đa phương thức.
TS. Trần Thị Ngọc
Thuật ngữ “văn bản đa phương thức” xuất hiện trong nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới từ khá sớm. Theo nghiên cứu của Anthony Baldry và Paul J. Thibault (2006), “việc nghiên cứu văn bản đa phương thức và việc thực hành tạo nghĩa văn bản đa phương thức (multimodal meaning-making practices) đã được phát triển từ trước những năm 1990”. Đến nay, đã có nhiều công trình, bài viết nghiên cứu về loại văn bản này. Các nhà biên soạn chương trình ngôn ngữ ở Úc quan niệm “Văn bản đa phương thức là sự kết hợp của hai hay nhiều phương thức truyền thông trong cùng một văn bản”. Trong cuốn Visual Approaches to Teaching Writing Multimodal Literacy 5-11, hai tác giả Bearne, E. và Wolstencroft, H. đã nhận xét: “Bất kỳ văn bản đa phương thức nào đều có sự kết hợp của những thành phần dưới đây: Cử chỉ, chuyển động, điệu bộ, các biểu hiện trên gương mặt; Hình ảnh: tĩnh, động, thực tế hoặc vẽ; Âm thanh: từ ngữ được phát ngôn, hiệu ứng âm thanh, âm nhạc; Văn bản bao gồm chữ và kiểu chữ”. Thống nhất với các ý kiến trên, trong bài viết Literature in a digital environment, Maureen Walsh đã đưa ra cách hiểu về văn bản đa phương thức như sau: “Văn bản đa phương thức là một thuật ngữ được sử dụng trong giáo dục để giải thích cách giao tiếp xảy ra thông qua các phương tiện khác nhau như: ngôn ngữ, hình ảnh, đồ họa, chuyển động, cử chỉ, kết cấu, âm nhạc, âm thanh. Ví dụ: truyện tranh, sách thông tin, phim…”. Như vậy, các nhà nghiên cứu ở nước ngoài đều thống nhất cho rằng: Văn bản đa phương thức là loại văn bản có sự kết hợp của hai hay nhiều phương thức thể hiện khác nhau.
Bìa sách giáo khoa Ngữ văn 7, Mĩ, năm 2008, NXB McDougal-Littell (Ảnh do tác giả cung cấp).
Ở các nước có nền giáo dục tiên tiến, văn bản đa phương thức đã được đưa vào chương trình giảng dạy ở phổ thông, đặc biệt, ở Australia, Mỹ, Hàn Quốc, dạy đọc hiểu văn bản đa phương thức trong môn Ngữ văn đã trở thành một yêu cầu bắt buộc.
Ở Việt Nam, tuy học sinh chưa được học cách tiếp nhận văn bản đa phương thức nhưng đã phải tiếp xúc với rất nhiều văn bản đa phương thức ở các môn học khác nhau. Trong khi đó, môn Ngữ văn là môn học công cụ có nhiệm vụ hình thành và phát triển cho học sinh năng lực giao tiếp, trong đó có giao tiếp đa phương thức thì chưa dạy cho học sinh cách đọc hiểu loại văn bản này. Các tài liệu hỗ trợ giáo viên và học sinh trong quá trình dạy học cũng chưa chú ý khai thác văn bản đa phương thức. Với yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn mới, văn bản đa phương thức rất được chú ý.
Khái niệm về văn bản đa phương thức được đề cập đến trong một số bài viết của tác giả Đỗ Ngọc Thống, Lê Thị Minh Nguyệt, Nguyễn Thế Hưng. Trong bài viết Phát triển năng lực đọc viết cho học sinh phổ thông, tác giả Đỗ Ngọc Thống đã khẳng định “Văn bản trong dạy học đọc không chỉ là văn bản chỉ toàn kênh chữ mà còn đan xen kênh hình với những kí hiệu, sơ đồ, biểu tượng, đồ thị, bảng biểu, minh họa, ảnh nghệ thuật… thậm chí cả âm thanh. Đó chính là văn bản đa phương thức”. Với quan điểm trên, tác giả cho rằng văn bản đa phương thức là sự kết hợp của nhiều phương thức biểu đạt khác nhau gồm kênh chữ, kênh hình và kênh âm thanh. Trong bài viết Dạy học văn bản đa phương thức nhằm phát triển năng lực giao tiếp của học sinh ở nhà trường phổ thông, Lê Thị Minh Nguyệt cho rằng: “Văn bản đa phương thức là loại văn bản kết nối ngôn ngữ với các phương tiện giao tiếp khác (như tranh ảnh, âm thanh, phim, trang web…)”. Như vậy, theo tác giả dù có kết hợp nhiều phương thức thể hiện khác nhau, văn bản đa phương thức vẫn cần gắn với ngôn ngữ như một phương tiện giao tiếp không thể thiếu. Tuy nhiên, Nguyễn Thế Hưng cho rằng “trong văn bản đa phương thức, ngôn ngữ không nhất thiết phải đóng vai trò thiết yếu. Văn bản chỉ cần đáp ứng tiêu chí có sự kết hợp chặt chẽ của các kênh kí hiệu khác nhau đều có thể được xếp là văn bản đa phương thức”. Theo đó, tác giả đã đưa ra định nghĩa về văn bản đa phương thức như sau: “Văn bản đa phương thức (trong sự phân biệt với văn bản đơn phương thức về số lượng dạng thức kí hiệu của văn bản) là văn bản có sự phối hợp chặt chẽ từ hai dạng thức kí hiệu trở lên (ngôn ngữ, hình ảnh, âm thanh, video, hoạt động, đường dẫn - liên kết, tương tác thực tế,…) tạo thành một chỉnh thể thống nhất nhằm đạt mục đích giao tiếp nhất định”.
Bên cạnh những đặc điểm của văn bản nói chung, văn bản đa phương thức có những đặc điểm nổi bật sau:
Văn bản đa phương thức cung cấp thông tin một cách trực quan, sinh động bằng nhiều phương thức thể hiện (kênh biểu đạt/dạng thức kí hiệu) khác nhau
Văn bản đa phương thức là loại văn bản có sự kết hợp đa dạng của nhiều phương thức thể hiện khác nhau. Mỗi kênh biểu đạt đều có vai trò nhất định trong việc thể hiện thông tin của văn bản. Vì vậy, dù cùng sử dụng kênh chữ nhưng ngôn ngữ trong văn bản đơn phương thức và đa phương thức vẫn có sự khác biệt. Ở văn bản đa phương thức, kênh ngôn ngữ được nhấn mạnh về sự khác biệt ở không gian mà nó chiếm giữ (ngôn ngữ được trình bày với một kích thước và phông chữ khác nhau, gây ấn tượng với người xem), thực chất kênh ngôn ngữ đó được biểu đạt bởi chức năng của kênh hình ảnh. Như vậy, có thể thấy, trong văn bản đa phương thức, việc sử dụng các yếu tố về cách trình bày của kênh chữ (kiểu chữ, cỡ chữ, in nghiêng, in đậm, tô màu, gạch dưới…) theo những cách khác nhau đều hướng tới mục đích trình bày thông tin một cách hiệu quả nhất. Thông tin của văn bản đa phương thức không chỉ được cung cấp qua kênh chữ mà còn truyền tải đến người đọc thông qua hình ảnh, âm thanh, liên kết, hoạt động…
Từ sự suy luận dựa trên các siêu chức năng của ngôn ngữ học chức năng hệ thống của Halliday và Matthiessen, 2004, Kress và van Leeuwen (2001/2006) đã giải thích tầm quan trọng của nghĩa thông tin (nghĩa biểu trưng/nghĩa biểu hiện) luôn phải có trong tất cả các hình ảnh. Khi phân loại các yếu tố của ngữ pháp hình ảnh, chương trình tiếng Anh của Australia đã chỉ rõ “Nghĩa biểu hiện (representational meanings) là thành tố thể hiện chủ đề. Nó vẽ nên ai hoặc cái gì tham gia vào hình ảnh, kiểu hoạt động hoặc quá trình trong một cảnh huống. Nghĩa biểu hiện được nhận biết qua những yếu tố: thành phần tham dự, đường hướng, quá trình tác động, hình khối, biểu tượng, màu sắc…”. Như vậy, có thể thấy ngoài kênh chữ, văn bản đa phương thức sẽ cung cấp thông tin cho người đọc thông qua các yếu tố trực quan như: đường nét, màu sắc, hình ảnh, hình khối, biểu tượng, sơ đồ, biểu đồ, bảng biểu, lược đồ, đường hướng của tiến trình, sự sắp xếp khung hình, sự sắp đặt vật thể… Cụ thể, sơ đồ cung cấp các thông tin đã được đơn giản hóa, giúp người đọc hiểu các bước, quá trình cấu tạo hay hoạt động của sự vật, hiểu trình tự của sự kiện; biểu đồ, đồ thị, bảng biểu cung cấp các số liệu, giúp người đọc hiểu mối quan hệ giữa các yếu tố, dễ dàng tóm tắt và so sánh các thông tin; các đường chỉ dẫn giúp người đọc hiểu được đúng trình tự phát triển của sự vật, hiện tượng… Nhờ đó, người đọc sẽ hình dung chính xác nhất về đối tượng hay tiến trình hoạt động nào đó. Nói cách khác, hình ảnh kết hợp với ngôn ngữ sẽ có khả năng cụ thể hóa cao hơn so với kênh ngôn ngữ đơn thuần. Ví dụ: tờ rơi, sách ảnh, truyện tranh, tạp chí, văn bản khoa học, văn bản thông tin…(ví dụ như Hình 1)
(Hình 1) Một trang truyện tranh “Đừng để trái đất vào túi ni lông” của Nguyễn Xuân Khánh Vy, Ngô Bửu Nguyên (đoạt giải Nhất cuộc thi sáng tác kịch bản truyện tranh tuyên truyền giảm sử dụng túi ni lông của Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh. Thông tin được trình bày một cách sinh động thông qua kênh chữ và hình ảnh (màu sắc, đường nét, hình khối…).
Với kênh âm thanh, thông tin của văn bản sẽ được cung cấp thông qua các yếu tố: tiếng động, âm nhạc, hiệu ứng âm thanh,… với các thành phần cụ thể như: cao độ, cường độ, trường độ, âm sắc, các khoảng lặng,… Đối với kênh hình động, người đọc cần quan tâm đến các chuyển động của hình ảnh. Theo đó, thông tin sẽ được thể hiện qua các hoạt động cụ thể như: cử chỉ, điệu bộ, tư thế, giao tiếp, ánh mắt, biểu cảm gương mặt, ngôn ngữ cơ thể,… Với các kênh liên kết, thông tin sẽ được cung cấp thông qua các đường liên kết (link), thanh công cụ, tốc độ truyền tải thông tin, hiệu ứng chuyển động,… Điều này tạo nên giá trị độc đáo, sự khác biệt giữa văn bản đa phương thức và văn bản đơn phương thức. Ví dụ như quảng cáo, phim hoạt hình, một bộ phim, một vở kịch có thể do các nghệ sĩ đóng hoặc do học sinh chuyển thể từ tác phẩm văn học (sân khấu hóa tác phẩm văn học và diễn xuất), các trang web, email, blog, sách điện tử v.v..
Văn bản đa phương thức tác động mạnh mẽ đến nhận thức, tình cảm của người đọc
Với văn bản đơn phương thức được thể hiện bằng kênh chữ, người đọc cần phá bỏ lớp vỏ bọc của ngôn ngữ để giải mã văn bản, từ đó mới có thể hiểu ý đồ, tư tưởng mà người viết gửi gắm. Nói cách khác “kênh ngôn ngữ yêu cầu người đọc cần có thời gian tiếp nhận ý nghĩa các kí tự, tuân thủ những quy định của ngữ pháp,… do đó việc huy động trí tưởng tượng, kích thích hứng thú không nhanh nhạy như kênh hình ảnh”. Nhận xét trên của Nguyễn Thế Hưng đã khẳng định sự tác động mạnh mẽ, nhanh chóng của kênh hình trong văn bản đa phương thức đến nhận thức, cảm xúc, liên tưởng của người đọc. Cụ thể, khi xem các hình ảnh xuất hiện trong văn bản đa phương thức, nó sẽ tác động trực tiếp tới cảm xúc giúp người đọc hình dung, tưởng tưởng về sự vật, hiện tượng được đề cập tới một cách nhanh chóng, cụ thể, rõ ràng. Theo tâm lí học giác quan, hình ảnh có vai trò mạnh mẽ trong việc tạo ấn tượng cho người xem. Vì vậy, người đọc tiếp nhận thông tin từ văn bản kết hợp cả hình ảnh và ngôn ngữ sẽ nhanh chóng và hứng thú hơn việc tiếp nhận thông tin từ văn bản chỉ đơn thuần sử dụng ngôn ngữ.
Những hình ảnh trong văn bản đa phương thức trên đây không chỉ giúp người đọc hiểu thông tin một cách nhanh chóng mà còn tác động mạnh mẽ đến nhận thức, cảm xúc, liên tưởng của người đọc. Mỗi người đọc đều cảm thấy lo lắng trước lượng rác thải khổng lồ đổ ra biển hiện nay bởi nó sẽ hủy diệt rất nhiều hệ động, thực vật; ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái biển, từ đó ảnh hưởng mạnh mẽ đến cuộc sống của con người. Để rồi, mỗi người đều phải suy nghĩ cần làm gì để góp phần cải thiện thực trạng trên.
Bên cạnh hình ảnh, âm thanh cũng là một loại kí hiệu có sự tác động mạnh mẽ đến người đọc. Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng âm thanh mà chúng ta nghe được sẽ ảnh hưởng lên vùng não, điều khiển mối liên hệ giữa âm thanh, kí ức và cảm xúc ở vỏ não trước. Các yếu tố khác nhau của âm thanh như: tiếng động, âm nhạc, hiệu ứng âm thanh,… đều có tác động đến cảm xúc, liên tưởng tưởng tượng của người nghe. Ví dụ, những âm thanh tích cực sẽ “tác động mạnh mẽ và sâu sắc đến cảm xúc của con người. Nó làm rung động tình cảm lắng đọng trong tâm hồn; chắp cánh cho sức tưởng tượng được bay bổng; giúp mọi người nhận thức, yêu đời và yêu cuộc sống hơn; đem lại cho con người các cảm xúc về thẩm mĩ và sự tinh tế” (1). Sự tác động đó là tích cực hay tiêu cực còn phụ thuộc vào các thành phần cụ thể của âm thanh như cao độ, trường độ, âm sắc, các khoảng lặng…
Theo Nguyễn Thế Hưng, văn bản số hóa (digital texts) - một tiểu loại của văn bản đa phương thức “là loại văn bản đem đến nhiều tương tác cho người đọc… Đối với văn bản số hóa, người dùng có thể tương tác với văn bản một cách linh hoạt và nhanh chóng (do tận dụng lợi thế của các đường link)”. Qua đó, có thể nhận thấy, các văn bản đa phương thức có sự kết hợp chặt chẽ giữa kênh chữ và kênh hình hay kết hợp giữa các kênh ngôn ngữ, âm thanh, liên kết… đều có sự tác động mạnh mẽ đến đến nhận thức, cảm xúc, liên tưởng của người đọc thông qua các phương thức thể hiện cụ thể.
Các kênh biểu đạt trong văn bản đa phương thức được tổ chức, sắp xếp theo một ý đồ nhất định để đạt hiệu quả biểu đạt cao.
(Hình 2) Infographic: Rác thải nhựa đang hủy diệt trái đất như thế nào? Nguồn: dainam.edu.vn/vi/tin-tuc/
Việc lựa chọn các kênh biểu đạt trong một văn bản đa phương thức luôn được tác giả xem xét kĩ lưỡng. Bởi việc lựa chọn kiểu chữ nào (viết thường, viết in hoa), cỡ chữ bao nhiêu (to, nhỏ); vị trí của các khối chữ; hình ảnh nào được lựa chọn, số lượng bao nhiêu, kích thước hình ảnh như thế nào, vị trí hình ảnh đặt ở đâu (trên, dưới, bên trái, bên phải, trung tâm); loại âm thanh nào được sử dụng, được đưa vào thời điểm nào… đều phải làm nổi bật được vai trò và tác dụng của kênh biểu đạt đó trong việc tạo ra tính chỉnh thể cho văn bản. Vì vậy, để hiểu được trọn vẹn nội dung của văn bản đa phương thức, người đọc cần hiểu được việc tổ chức, sắp xếp các kênh biểu đạt trong văn bản hay nói cách khác là hiểu được bố cục của văn bản. Theo Kress và van Leeuwen (1996), nghĩa tổng thể (chung cho cả kết cấu, bố cục) là một trong ba ý nghĩa không thể thiếu trong “ngữ pháp của thiết kế hình ảnh”. Nó “liên quan đến sự sắp xếp giá trị thông tin hoặc điểm nhấn mà liên quan đến mối quan hệ giữa những yếu tố thuộc phần chữ và hình ảnh”. Cùng quan điểm với Kress và van Leeuwen, Len Unworth và Ngô Thị Bích Thu (2014) đã chỉ ra nội dung cụ thể của nghĩa bố cục “bao gồm việc dùng khung và sử dụng các đường viền của các loại khác nhau trên toàn màn hình hoặc trang ảnh nói chung và xung quanh hình ảnh hoặc khối văn bản trong màn hình hoặc trang. Chúng cũng bao gồm các tài nguyên để chỉ ra tầm quan trọng hoặc độ nổi bật của các yếu tố khác nhau (như màu sắc hoặc kích thước) và tác động của việc đặt các yếu tố ở bên trái hoặc bên phải và trên cùng hoặc dưới cùng của màn hình bức tranh. Việc sử dụng các cấu trúc đường viền rất khác biệt. Nếu khung hình đậm rõ, các phần tử được đánh dấu bằng khung đó đã được tối đa hóa sự không gắn kết/ tách biệt với nhau. Ngược lại, khung hình mờ ngụ ý tích hợp tối đa các yếu tố bố cục và kết nối lớn hơn nhiều giữa hình ảnh và văn bản”.(Ví dụ như Hình 3)
(Hình 3) Truyện “Thiện và Ác và Cổ tích” của tác giả Thủy Nguyên là một ví dụ cho sự lựa chọn, sắp xếp các yếu tố hình ảnh và ngôn ngữ nhằm thể hiện rõ dụng ý của tác giả. Nguồn: nxbkimdong.com.vn
Cùng với hình ảnh tĩnh, các loại kí hiệu khác trong văn bản đa phương thức như âm thanh, hoạt động, liên kết, siêu liên kết… luôn được tác giả/người thiết kế cân nhắc kĩ càng trước khi lựa chọn. Căn cứ vào nội dung của văn bản đa phương thức, tác giả sẽ xác định vị trí, thời điểm, mức độ sử dụng từng loại kí hiệu trong văn bản. Ví dụ, âm thanh trong quảng cáo sẽ khác với âm thanh trong một bộ phim hoạt hình hay phim ca nhạc; các đường liên kết trong một văn bản điện tử sẽ khác với các đường liên kết trong một văn bản in…
Với những đặc điểm nêu trên, văn bản đa phương thức có vai trò quan trọng với đời sống và giáo dục hiện nay. Cụ thể, những biến đổi mạnh mẽ của mọi yếu tố cấu thành xã hội, đặc biệt là khoa học kĩ thuật và công nghệ đã tạo ra môi trường học tập khác hẳn truyền thống. Không gian lớp học ngày càng được mở rộng, học sinh không còn quanh năm chỉ học trong bốn bức tường mà việc học diễn ra ở mọi nơi, mọi lúc; học thông qua trải nghiệm, nghiên cứu khoa học… Việc giao tiếp của giáo viên và học sinh không chỉ thực hiện một cách truyền thống thông qua văn bản viết mà còn được thực hiện qua máy tính, internet, email, các phương tiện nghe nhìn như radio, tivi, video hay DVD. Những phương tiện giao tiếp không chỉ riêng lẻ một kênh, các văn bản chỉ mình chữ và chữ mà luôn có sự kết hợp của rất nhiều phương thức thể hiện trong cùng một văn bản. Để thích ứng được với những thay đổi đó, tác giả Nguyễn Thế Hưng cho rằng “hình thành và phát triển năng lực giao tiếp đa phương thức trở thành một yêu cầu để phát triển toàn diện cho học sinh trong bối cảnh thay đổi quan niệm về giao tiếp hiện tại. Việc đưa văn bản đa phương thức vào nội dung giảng dạy là vô cùng quan trọng, phù hợp với định hướng phát triển năng lực của học sinh, đặc biệt là năng lực giao tiếp (nghe hiểu đa phương thức, đọc hiểu đa phương thức, tạo lập văn bản đa phương thức, trình bày đa phương thức”.
Ngay ở bậc học mầm non, văn bản đa phương thức đã có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển của trẻ. Vũ Hương Giang trong bài viết Sử dụng truyện tranh để phát triển khả năng tiền đọc - viết cho trẻ mẫu giáo lớn 5 - 6 tuổi đã nhấn mạnh: “cho trẻ xem tranh truyện là một biện pháp rất hữu hiệu để phát triển khả năng tiền đọc - viết, đặc biệt đối với trẻ 5 - 6 tuổi. Xem tranh truyện giúp trẻ phát triển nhiều mặt: thẩm mĩ, trí tuệ, ngôn ngữ, mở rộng vốn từ của trẻ”. Càng lên các bậc học cao, học sinh phải học lượng kiến thức nặng hơn, khó hơn và trừu tượng hơn. Việc đưa văn bản đa phương thức vào giảng dạy không chỉ là cơ sở giúp học sinh học tốt môn Ngữ Văn mà còn là cơ sở giúp học sinh học tập tốt các môn học khác (các môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội). Bởi lẽ, với những hiểu biết về văn bản đa phương thức, học sinh có thể đọc được những dạng văn bản khác nhau với những mục đích khác nhau, từ đó tiếp nhận nguồn thông tin rộng rãi và phong phú hơn. Đồng thời, việc sử dụng các loại văn bản có sự kết hợp giữa ngôn ngữ với các phương tiện khác như hình ảnh, âm thanh, kí hiệu, sơ đồ, bảng biểu,… ở nhà trường phổ thông sẽ có tác dụng tạo được sự chú ý của người học, thúc đẩy ham mê học tập, phát triển trí tưởng tượng, sáng tạo ở học sinh. Đây là điểm quan trọng giúp phát huy tính tích cực, chủ động của người học, tạo cơ sở giúp các em tiếp nhận một cách nhanh chóng và dễ dàng với các văn bản đa phương thức được sử dụng trong đời sống xã hội.
---------------------------
(1)https://dangcongsan.vn/ted-saigon-noi-gap-go-nhung-tai-nang/dien-dan-va-trao-doi/am-nhac-la-gi-tac-dung-cua-am-nhac-trong-cuoc-song-543970.html
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...