Đầu tư và bẫy nợ
VNTN - Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông được VOV cho rằng là một “bảo tàng” về kinh nghiệm thất bại. Tất nhiên, sự thất bại này quá rõ ràng nhưng để chỉ ra nó thất bại ở đâu chúng ta cần một cái nhìn toàn cảnh về chiến lược toàn cầu của Trung Quốc và bẫy nợ đối với các nước đang phát triển như Việt Nam: “Liên tục đưa ra lời hứa rồi lại lỗi hẹn vận hành, giờ đây, người dân đã thực sự thấy mệt mỏi với "công trình thế kỷ" nằm chềnh ềnh như một cái gai trước mắt hàng triệu người dân Thủ đô và người có dịp về Thủ đô. Từ khi khởi công xây dựng đến nay, công trình này đã gây biết bao phiền toái, bàn luận, nó trở thành "biểu tượng" cho rất nhiều thiếu sót, hạn chế trong quản lý và sử dụng vốn vay phát triển hạ tầng.” (Đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Một “bảo tàng” về kinh nghiệm thất bại - Annhi/vov.vn) Theo tác giả Dylan Gerstel tại trung tâm chiến lược và nghiên cứu thế giới (center for strategic and international study), chiến lược toàn cầu của Trung Quốc mang tên “một vành đai một con đường” (one belt one road) nhằm hướng đến sự kết nối toàn cầu, đặc biệt là sự chú trọng vào đầu tư cơ sở hạ tầng cho các nước đang phát triển như: cầu đường, cảng biển… thông qua các khoản vay. Đánh vào “cơn khát” phát triển cơ sở hạ tầng của các nước nghèo, tỉ lệ tham nhũng cao tạo nên nguy cơ mắc vào bẫy nợ của Trung Quốc. Để phục vụ cho ý tưởng của Tổng Bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình, nước này còn cấp những học bổng “con đường tơ lụa” với giá trị cao cho lực lượng trí thức thuộc các nước đang phát triển để phục vụ cho tư tưởng này. Bản chất của ý đồ này chính là sự tiếp nối “con đường tơ lụa” thời trung đại của đế chế Trung Hoa. Trong sự quyến rũ của phát triển, nhiều quốc gia dễ rơi vào vòng xoáy này. Vậy điều gì thực sự nằm sau chiến lược trên? Xoay quanh vấn đề này còn nhiều tranh cãi. Một phía cho rằng chiến lược “một vành đai một con đường” của Trung Quốc tạo cơ hội cho các nước đang phát triển hoàn thiện cơ sở hạ tầng và bắt kịp các nước phát triển dựa trên cơ sở đôi bên cùng có lợi. Một bên lại cho rằng đây là “kẹo đắng” mà các nước nghèo phải đối mặt khi tham gia vào chiến lược này. Cụ thể hơn, việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho các nước đang phát triển tạo điều kiện cho Trung Quốc tiếp cận các nguồn tài nguyên chưa khai thác, nguồn nhân công của các nước đang phát triển. Mạng lưới cầu đường xuyên quốc gia tạo điều kiện để vận chuyển các nguồn tài nguyên đó về Trung Quốc. Chưa kể các khoản nợ tạo ra áp lực chính trị quân sự lên các quốc gia này. Theo issafrica.org, một trong những ví dụ được trích dẫn nhiều nhất về ngoại giao bẫy nợ của Trung Quốc là một khoản vay được trao cho chính phủ Sri Lanka của Ngân hàng Exim Trung Quốc, nhằm để xây dựng Cảng Magampura Mahinda Rajapaksa và Sân bay quốc tế Mattala Rajapaksa. Các công ty nhà nước Trung Quốc China Harbor Company Company và Sinohydro Corporation đã được thuê để xây dựng Cảng Magampura với chi phí 361 triệu USD, được tài trợ bởi Ngân hàng Xuất nhập khẩu thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc với lãi suất hàng năm là 6,3%. Do Sri Lanka không có khả năng hoàn trả khoản nợ trên, nó đã được cho Công ty China Merchants Port Holdings Company Limited của Trung Quốc thuê trong hợp đồng thuê 99 năm vào năm 2017. Điều này gây ra mối lo ngại ở Hoa Kỳ, Nhật Bản, và Ấn Độ, rằng cảng có thể được sử dụng làm căn cứ hải quân Trung Quốc để chống lại các đối thủ địa chính trị của Trung Quốc. Trước tình hình phức tạp của chính trị thế giới, nhiều quốc gia như Malaysia hay Indonesia đã nói không với những khoản vay nợ để phát triển cơ sở hạ tầng. Bởi vậy, mặc dù sự phát triển quốc gia là cần thiết nhưng những khoản đầu tư vay nợ cần hết sức thận trọng khi nguy cơ ăn “kẹo đắng” rất có thể xảy ra với các nước đang phát triển như Việt Nam.
Thái Văn0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...