Thứ tư, ngày 23 tháng 10 năm 2024
07:34 (GMT +7)

Đầu tư công và vấn đề giải ngân

VNTN - Từ khi Luật Đầu tư công ra đời, các quy trình, quy định và thủ tục bắt buộc trong phân bổ vốn, thẩm định, quyết toán, giải ngân các nguồn vốn được siết chặt hơn. Và thực tế, việc triển khai trong giai đoạn đầu đang gặp những trở ngại nhất định. Nhà quản lý, chủ đầu tư đang quen với cách làm cũ giờ tiếp nhận cái mới dường như còn nhiều bỡ ngỡ. Cũng bởi vậy mà chưa bao giờ tiến độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh lại đạt thấp như thời điểm này.


Chậm - không nằm ngoài dự báo

Kho bạc Nhà nước là đơn vị theo dõi và cùng thực hiện tiến trình giải ngân các nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn. Tại một diễn đàn kiểm điểm về nội dung này mới đây, chúng tôi thấy rất rõ vẻ không vui trên gương mặt của người đứng đầu Kho bạc Nhà nước tỉnh. Mọi người cho rằng, đó là hiển nhiên bởi vui sao được khi kết thúc 6 tháng đầu năm nay, tiến độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư công của tỉnh mới đạt gần 35% kế hoạch vốn giao, thấp hơn khoảng 14% so với cùng kỳ năm trước. Trong 10 hạng mục vốn đầu tư công có tới 7 hạng mục giải ngân vốn đạt thấp và rất thấp, chỉ có 3 hạng mục vốn giải ngân đạt trên 50% kế hoạch là vốn Trái phiếu Chính phủ, vốn xổ số kiến thiết và vốn ngân sách cấp xã. Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh, ông Nguyễn Mạnh Tiến thông tin: Kiểm điểm mới đây của Chính phủ cho thấy, tiến độ giải ngân của Thái Nguyên đang đứng vị trí thứ 30/63 tỉnh, thành phố của cả nước. Dù so với nhiều địa phương khác, chúng ta vẫn xếp nhỉnh hơn song so với chính kết quả đạt được cùng kỳ năm trước, tiến độ giải ngân 6 tháng đầu năm nay của tỉnh lại thấp hơn.

Dự án xây mới cống số 1, số 6 đê Chã trên địa bàn thị xã Phổ Yên và

cống số 8 đê Sông Công có kế hoạch giải ngân vốn năm 2016 là 1 tỷ

đồng, nhưng đến nay vẫn chưa được giải ngân.

Trên cương vị là người đứng đầu ngành quản lý và tham mưu cho tỉnh về vấn đề này, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, ông Hoàng Thái Cương đánh giá: Không chỉ kém hơn năm ngoái, tỷ lệ giải ngân những tháng đầu năm nay còn được xem là đạt thấp nhất so với các năm trước. Đây là điều đã được dự báo ngay từ khi chúng ta chính thức triển khai thực hiện Luật Đầu tư công.

Cũng theo ông Cương, hiện tại, một số nguồn vốn chương trình chưa được giải ngân, chưa giao kế hoạch chi tiết để thực hiện. Điển hình là Dự án đường Hòa Khê I - La Đàn thuộc xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ. Mặc dù đã hoàn thành đầu tư từ năm trước, theo kế hoạch vốn năm nay phải giải ngân 2 tỷ đồng, nhưng đến nay Dự án này chưa được giải ngân. Đây là dự án nằm trong nguồn vốn Hỗ trợ đầu tư các xã ATK của tỉnh. Cùng sử dụng nguồn vốn trên, Dự án hồ Suối Diễu, xã Khôi Kỳ (Đại Từ) được hoàn thành từ năm trước với kế hoạch vốn phải trả năm nay là 4,8 tỷ đồng, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa được giải ngân. Tương tự, giai đoạn II Dự án đường Chợ Chu đi Kim Phượng, Lam Vỹ (Định Hóa) - dự án chuyển tiếp từ năm trước sang - có số vốn phải thực hiện năm 2016 là 5 tỷ đồng, đến nay cũng chưa giải ngân được đồng vốn nào.

Đánh giá của ngành chuyên môn cho thấy, riêng nguồn vốn Hỗ trợ đầu tư các xã ATK của tỉnh, kế hoạch giải ngân năm nay phải đạt là 124 tỷ đồng, trong đó nhiều nhất là huyện Định Hóa và huyện Đại Từ, mỗi địa phương 48 tỷ đồng. Các địa phương còn lại gồm thị xã Phổ Yên và các huyện Võ Nhai, Đồng Hỷ, Phú Lương, Phú Bình với số vốn giải ngân mỗi địa phương từ 2 tỷ đồng đến 14 tỷ đồng. Tuy vậy, kết thúc 6 tháng đầu năm, tiến độ giải ngân nguồn vốn này mới đạt trên 26,6 tỷ đồng, bằng 21,5% kế hoạch. Trong đó, ngoài một số dự án của hai huyện Định Hóa, Võ Nhai đã và đang giải ngân, còn lại toàn bộ các địa phương khác hầu như chưa có dự án nào được giải ngân.

Thực tế hiện nay cho thấy, vẫn còn không ít dự án nằm trong các nguồn vốn đầu tư công khác cũng chưa được giải ngân dù đã triển khai hoặc hoàn thành. Đơn cử, Dự án đường giao thông liên xã từ Quốc lộ 3 đi Khe Mát, xã Phấn Mễ thuộc nguồn vốn Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các vùng do UBND huyện Phú Lương làm chủ đầu tư, kế hoạch vốn năm 2016 là 5 tỷ đồng, nhưng nay vẫn chưa thể giải ngân. Hay như Dự án củng cố nâng cấp tuyến đê Chã trên địa bàn T.X Phổ Yên thuộc vốn Chương trình mục tiêu Tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp do Chi cục Thủy lợi làm chủ đầu tư có kế hoạch vốn phải thành toán là 9 tỷ đồng nhưng cũng chưa giải ngân được đồng nào...

Khó - lỗi do đâu?

Lý giải tại sao tiến độ giải ngân vốn chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội các vùng đạt rất thấp, lãnh đạo Kho bạc Nhà nước tỉnh cho rằng, do các dự án khởi công mới đang hoàn thiện các thủ tục lập dự toán, bản vẽ thiết kế, kế hoạch đấu thầu nên hết tháng 6 vẫn chưa thể khởi công công trình nào. 6 tháng qua, việc giải ngân đối với nguồn vốn này đạt được 11,76% kế hoạch chủ yếu là do có các dự án chuyển tiếp, hoàn thành từ năm trước. Đối với vốn từ Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững, lý do tại sao chỉ đạt trên 32%, đại diện Kho bạc Nhà nước cho rằng, bởi vốn giải ngân tập trung nhiều cho trả nợ các dự án đầu tư xây dựng cơ bản nên mới đạt thấp. Hơn nữa, do phải thực hiện các thủ tục nghiệm thu diện tích rừng trồng khá nhiều và phức tạp. Về việc chỉ giải ngân đạt 11,33% đối với vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo, đại diện Kho bạc Nhà nước thừa nhận, các dự án khởi công mới chưa được giao kế hoạch chi tiết do phải thực hiện thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn danh mục dự án quy mô nhỏ theo quy định mới. Hơn nữa, văn bản hướng dẫn thẩm định chính thức của các bộ, ngành liên quan chưa ban hành nên chưa có cơ sở để phê duyệt dự án và giao kế hoạch...

Như vậy có thể thấy, ngoài do một vài yếu tố khách quan như Trung ương chưa ban hành đầy đủ các quy định, hướng dẫn thực hiện Luật Đầu tư công, đặc biệt là chưa phê duyệt hai chương trình mục tiêu Quốc gia, việc hướng dẫn các địa phương còn chưa thống nhất thì nguyên nhân chủ yếu thuộc về yếu tố chủ quan. Các chủ đầu tư, các ngành, địa phương vẫn còn lúng túng, chậm triển khai các thủ tục đầu tư theo quy định. Hơn nữa, chưa có sự phối hợp chặt chẽ để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thủ tục đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng còn chưa đáp ứng yêu cầu. Việc ban hành kế hoạch giao vốn chi tiết để các đơn vị thực hiện của cấp thẩm quyền còn chậm. Việc phân cấp, phân quyền về vốn đầu tư đối với cấp huyện theo Luật Đầu tư công vẫn chưa được triển khai kịp thời...

Theo các ngành chức năng, việc đảm bảo tiến độ giải ngân theo kế hoạch năm 2016 là tương đối khó. Tuy nhiên, để hạn chế việc giải ngân chậm, rất cần các sở, ngành, địa phương, các chủ đầu tư tăng cường công tác giám sát, đánh giá đầu tư thường xuyên, thực hiện đầy đủ các báo cáo để việc quản lý đầu tư xây dựng cơ bản được kịp thời, đúng quy định. Tăng cường đôn đốc việc quyết toán dự án theo tiến độ đối với các dự án đã hoàn thành, đưa vào sử dụng cũng là việc làm cần thiết. Cần có chế tài mạnh tay hơn đối với các công trình, dự án có khối lượng nợ lớn song không giải ngân, có thể điều chuyển nguồn vốn đó sang dự án, công trình khác đã có khối lượng, có tỉ lệ giải ngân cao, đủ điều kiện để giải ngân hết kế hoạch vốn được bổ sung.

Có ý kiến trực tiếp về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Hồng Bắc khẳng định: Từ nay đến cuối năm, các cấp, ngành của tỉnh phải coi công tác giải ngân các nguồn vốn đầu tư trên địa bàn là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, quyết tâm khắc phục tình trạng giải ngân chậm. Việc giải ngân chậm các nguồn vốn, nhất là vốn đầu tư công sẽ là tác nhân kìm hãm sự phát triển, ảnh hưởng xấu đến hệ thống lưu thông tài chính, tiền tệ, tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế - xã hội chung của tỉnh. Mặc dù giải ngân chậm đang là tình trạng chung của cả nước, song với tỉnh ta cần phải quyết tâm khắc phục sớm.

Nguyễn Nguyễn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy