Thứ năm, ngày 09 tháng 05 năm 2024
10:21 (GMT +7)

Đầu cấp và nỗi lo quá tải

Vài năm trở lại đây, thời điểm kết thúc năm học cũng là lúc các ngành chức năng của thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh phải đối mặt với việc tìm lời giải cho tình trạng quá tải trường lớp, nhất là với các khối đầu cấp. Nhiều người khi đó đã từng lo ngại, với tốc độ đô thị hoá hiện nay, liệu Thái Nguyên có rơi vào tình cảnh này. Và đến nay những lo ngại ấy đã hiện hữu.

Dư luận đã từng “choáng” khi chứng kiến nhiều lớp học hệ công lập ở Hà Nội sĩ số lên tới 65 - 70 em/lớp. Hay trong giờ thể dục vì học sinh quá đông, nên chỉ một nửa số em được xuống sân tập trung, số còn lại phải đứng trên ban công và trong các lớp tập. Nhiều bậc phụ huynh cũng từng bất lực, bức xúc khi con em của họ phải nghỉ học luân phiên mỗi tuần vài ba buổi do nhà trường không bố trí được đủ lớp học.

Không ít người cũng từng ngao ngán khi chứng kiến cảnh vì điều kiện cơ sở vật chất của các trường không đủ đáp ứng nên phụ huynh phải trải qua 2 vòng bốc thăm may rủi để xem con mình có được vào trường công lập không. Chúng ta cũng không còn lạ khi nghe những thông tin phụ huynh phải thức xuyên đêm xếp hàng để mua hồ sơ cho con… đối với học sinh đầu cấp.

Nhiều trường học ở thành phố chịu áp lực lớn hơn cả về sự “quá tải” sĩ số học sinh (ảnh chỉ có tính chất minh họa)
Nhiều trường học ở thành phố chịu áp lực lớn hơn cả về sự “quá tải” sĩ số học sinh (ảnh chỉ có tính chất minh họa)

Sự gia tăng dân số và tập trung dân cư là những nguyên nhân chính dẫn đến nhu cầu về trường lớp tăng mạnh, trong khi hệ thống giáo dục công lập chưa kịp đáp ứng đủ nhu cầu này. Ai cũng biết những lớp học quá đông không chỉ gây khó khăn cho quá trình giảng dạy mà còn ảnh hưởng đến việc tiếp thu bài của học sinh. Ngay cả những quy định về trường, lớp chuẩn cũng bị phá vỡ khi trong lớp vượt tới vài chục học sinh so với sĩ số quy định.

Dù chưa phải đối mặt với những áp lực lớn như các thành phố lớn song tình trạng phụ huynh phải tất tả, lo lắng khi có con chuyển cấp gần đây cũng đang trở nên phổ biến ở Thái Nguyên, nhất là khu vực TP. Thái Nguyên.

Hẳn chúng ta còn nhớ, công tác tuyển sinh vào lớp 10 của các trường THPT trên địa bàn tỉnh năm học 2022 - 2023 đã trở thành vấn đề khiến nhiều bậc phụ huynh bất an đến “mất ăn mất ngủ”, thậm chí có phần bức xúc. Nguyên nhân do số lượng học sinh vào lớp 10 được duyệt trúng tuyển chỉ chiếm 67,8% tổng số học sinh tốt nghiệp THCS trên địa bàn. Điều này đồng nghĩa với việc có tới gần 6.200 học sinh không thể theo học tại các trường THPT công lập.

Trước thực tế đó, UBND tỉnh đã phải phê duyệt phương án tuyển sinh bổ sung chỉ tiêu vào các trường THPT, đạt tỷ lệ trên 80% học sinh đăng ký dự thi tuyển sinh vào lớp 10 và đạt 69,82% trên số học sinh tốt nghiệp THCS. Đồng thời tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 THPT cho Trường THPT Thái Nguyên thuộc Đại học Thái Nguyên và các trường ngoài công lập. Hơn 4.300 học sinh còn lại đã vào học hệ GDTX tại các trung tâm GDNN-GDTX, các trường dạy nghề trên địa bàn tỉnh.

Đó là chuyện của năm học vừa khép lại. Thế nhưng đây cũng lại là thời điểm mở ra vấn đề “nóng” liên quan đến tuyển sinh đầu cấp, không chỉ là đối với lớp 10 của năm học sắp tới.

Công tác tuyển sinh đầu cấp đối với lớp 1 và lớp 6 tại địa bàn TP. Thái Nguyên hiện đang gặp nhiều khó khăn do số lượng học sinh tăng so với năm học trước. Chỉ tiêu tuyển sinh đối với cấp Mầm non của thành phố là 221 lớp, 4.888 trẻ (tăng 82 lớp với 754 trẻ); lớp 1 là 183 lớp, 6.120 học sinh (tăng 21 lớp với 817 học sinh); lớp 6 là 170 lớp, 7.140 học sinh (tăng 31 lớp với 1.293 học sinh).

Việc phải tăng chỉ tiêu năm học 2023 - 2024 ở cả 3 cấp học so với năm học trước khiến việc bố trí đảm bảo các lớp học, phòng học của các nhà trường gặp nhiều khó khăn. Nếu thực hiện đúng quy định về sĩ số học sinh trên lớp thì số phòng học thiếu nhiều.

Tương tự công tác tuyển sinh vào lớp 10 cũng đang “tăng nhiệt”. Năm nay toàn tỉnh có trên 19.000 học sinh lớp 9, trong khi tổng số chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 THPT là 14.000. Như vậy có khoảng 5.000 học sinh không thể vào học tại các trường công lập.

Tình trạng thiếu trường lớp đã và đang tạo ra áp lực không chỉ cho các thành phố lớn. Mặc dù, bên cạnh các trường công lập, hiện nay hệ thống các trường tư cũng phát triển nhanh chóng. Điều này không những tạo ra môi trường giáo dục đa dạng mà còn có thể chia sẻ áp lực cho hệ thống giáo dục công. Thế nhưng, không phải phụ huynh nào cũng có điều kiện để con theo học các trường tư thục. Vì thế phụ huynh mới phải xếp hàng xuyên đêm, phải dựa vào lá thăm may rủi hay khẩn thiết gửi kiến nghị lên các diễn đàn Hội đồng nhân dân các cấp…

Bên cạnh đó, cũng có thể sẽ có ý kiến cho rằng kết quả này là sự tất yếu và phù hợp với định hướng phân luồng trong giáo dục hiện nay. Những em học sinh có khả năng học tập không cao sẽ biết lượng sức mình để đăng ký vào các trường nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp. Thế nhưng trong số vài nghìn em tham gia học tại các trường nghề kia sẽ có rất nhiều em mong muốn được theo học ở các trường công lập nếu có cơ hội. Hay, sĩ số lớp học quá đông sẽ khiến các em khó có thể có được điều kiện học tập tốt nhất cũng như nhà trường khó có thể áp dụng được các phương pháp giáo dục hiện đại.

“Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”, đây là chủ trương xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta. Đối với tỉnh ta, hàng loạt chính sách đầu tư cho giáo dục và đào tạo đã được ban hành và thực thi. Tuy nhiên, việc liên tục xảy ra tình trạng quá tải đối với học sinh đầu cấp đã đặt ra vấn đề rằng sự đầu tư ấy đã thật sự thoả đáng hay chưa. Khi mà các khu công nghiệp trên địa bàn không ngừng phát triển, thu hút số lượng lớn lao động; khi mà các khu chung cư liên tục được mọc lên nhưng không đi liền với việc xây dựng trường học, lớp học; thì tình trạng quá tải học sinh ở những khu vực này là hoàn toàn dễ hiểu.

Chúng ta đang ở trong giai đoạn đô thị hoá nhanh chóng, định hướng phát triển công nghiệp mạnh mẽ. Nếu không có các giải pháp để tháo gỡ những khó khăn hiện nay thì liệu chúng ta có tránh được tình cảnh quá khổ vì quá tải như các thành phố lớn hiện nay đang phải đối mặt hay không?

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Chuyện tặng sách

Xem tin nổi bật 2 tuần trước

Việc kiêm nhiệm và vị trí việc làm

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Hãy là hình ảnh đẹp trong mắt du khách

Xem tin nổi bật 4 tháng trước

Về chuyện lương giáo viên

Xem tin nổi bật 5 tháng trước

Chê thế nào cho đúng?

Xem tin nổi bật 5 tháng trước

Quyền tác giả và hiện tượng buôn bán luận văn

Chuyện người chuyện ta 6 tháng trước