Dấu ấn Chủ nghĩa nhân văn của Erasmus trong tiểu thuyết Don Quixote
VNTN - Tiểu thuyết lớn đầu tiên của nhân loại, Don Quixote (Đôn Ki-hô-tê, 1605) của nhà văn Miguel de Cervantes ra đời trong bối cảnh Đế chế Tây Ban Nha vừa lên đến đỉnh cao huy hoàng và cũng bắt đầu tuột dốc. Đó cũng là lúc bắt đầu Kỷ nguyên vàng trong văn học Tây Ban Nha. Thời đại với sự giao tranh quyết liệt giữa cái Cũ và cái Mới, trong cả hình thái kinh tế xã hội và trong mỗi con người ấy đã tạo nên tính phức tạp trong tư tưởng của tác phẩm. Trong mạng lưới phức tạp ấy, Chủ nghĩa nhân văn Phục hưng của nhà tư tưởng Hà Lan Erasmus là một trong những nguồn tác động rõ rệt nhất tới Don Quixote.
Hoàn cảnh lịch sử của Chủ nghĩa nhân văn Phục hưng
Hãy thử lật lại lịch sử để thấy qua gương mặt của châu Âu trong thời Trung cổ. Từ khi người Giécmanh xâm chiếm La Mã vào thế kỷ thứ V, thời kỳ ảnh hưởng chói lọi của văn hóa Hy Lạp - La Mã lên các nước châu Âu chấm dứt. Châu Âu bị xé lẻ bởi các tập đoàn phong kiến cát cứ. Thời kỳ này, các thành phố đều có trung tâm là một pháo đài vây quanh lâu đài của quý tộc và tăng lữ; dân cư chủ yếu sinh sống bằng nghề nông, thủ công nghiệp hay buôn bán và phải nộp tô thuế nặng nề để nuôi cái dạ dày tham lam của cả giới quý tộc và tăng lữ. Sự bắt tay giữa hai giới này nhằm nô dịch dân chúng cả về vật chất và tinh thần đã dẫn đến sự lũng đoạn quyền lực của Giáo hội Thiên Chúa và sự chậm chạp, trì trệ của xã hội châu Âu Trung cổ trên tất cả các phương diện.
Không phải ngẫu nhiên mà cuộc đấu tranh giữa Chủ nghĩa nhân văn với xã hội cũ - xã hội phong kiến trì trệ lại biểu hiện thành cuộc đấu tranh của những nhà lý thuyết nhân văn chủ nghĩa với Giáo hội Thiên Chúa. Lúc này, khi châu Âu đã trải qua gần nghìn năm đêm trường Trung cổ, từ một công cụ của chế độ phong kiến cát cứ, nhà thờ đã trở thành một thế lực lũng đoạn phản động. Thuế nuôi nhà thờ cùng hàng loạt những lễ nghi, quy định nặng nề, đặc biệt là chương trình giáo dục nặng tính hình thức, từ chương (chủ yếu là nghiên cứu thần học) đã kìm hãm sự phát triển của khoa học nói riêng và cả xã hội nói chung. Cả một xã hội đang ngột ngạt bức bối đòi phá tung những bức tường chật hẹp ấy. Những cuộc Thánh chiến (giữa quân đội Thiên Chúa giáo với những đội quân bị coi là dị giáo) trong thời Trung cổ và cuộc Cải cách đạo Thiên Chúa do mục sư Tin Lành Martin Luther lãnh đạo vào giai đoạn cuối thế kỷ XV, đầu thế kỷ XVI là những xu hướng tất yếu của lịch sử.
Những mâu thuẫn giai cấp trong xã hội Tây Ban Nha thời Cervantes cũng được biểu hiện qua trận chiến tôn giáo. Mô hình xã hội Tây Ban Nha thời Cervantes sống có thể coi là một trong những mô hình kì cục nhất bấy giờ. Trong thời Trung cổ, cũng giống như các vương quốc châu Âu khác, Tây Ban Nha cũng phân chia xã hội thành ba tầng theo chiều dọc: cao nhất là vua, thứ hai là quý tộc, tăng lữ và cuối cùng là dân thường. Nhưng có điểm độc đáo là xã hội Tây Ban Nha còn có thể phân chia theo chiều ngang - dựa trên đặc điểm dân tộc - tôn giáo: những người Thiên Chúa giáo, dân Hồi giáo (người Moor) và dân Do Thái. Người Thiên Chúa giáo giữ các phẩm hàm quý tộc và các địa vị chính trị quan trọng, hoặc là các chúa đất nhỏ hay nông dân, coi khinh việc tài chính, buôn bán. Người Hồi giáo thông thạo các công việc kĩ thuật, thường đảm nhiệm nghề kiến trúc và thủ công nghiệp. Dân Do Thái có kinh nghiệm và năng lực trong lĩnh vực tài chính, thường là các nhà buôn, người cho vay nặng lãi và các nhà triết học, khoa học. Những lực lượng sản xuất này chính là đội ngũ tiềm tàng của giai cấp tư sản đang hình thành. Bởi vậy, đến thời của Cervantes, khi bắt đầu ý thức được những nguy hiểm tiềm tàng từ sự nổi lên của lực lượng mới này, triều đình phong kiến đã một lần nữa dùng nhà thờ để đàn áp: phong trào chống Dị giáo bắt đầu bùng lên quyết liệt sau năm 1492, sau khi chiếm được vương quốc Hồi giáo Granada, loại bỏ quyền lực chính trị của người Hồi giáo, vốn khá lớn trên đất Tây Ban Nha, ông hoàng Ferdinand xứ Aragon và vợ là nữ hoàng Isabel xứ Castile (khi đó Đế chế Tây Ban Nha chia thành nhiều vương quốc nhỏ, trong đó có hai xứ lớn là Aragon và Castile, cuộc hôn nhân giữa hai người đứng đầu này đã mở đầu cho sự thống nhất Tây Ban Nha) tuyên bố thống nhất tất cả các tôn giáo trong lãnh thổ của họ dưới một tôn giáo độc tôn - Thiên Chúa giáo.
Chủ trương tàn nhẫn này buộc những người Moor theo đạo Hồi phải cải đạo, nếu không sẽ bị khép tội là Dị giáo và hành hình trên giàn thiêu. Những người Do Thái được “ưu tiên” hơn, có thể lựa chọn giữa việc cải đạo với việc giữ nguyên đạo, nhưng bị trục xuất khỏi nước. Tòa án Dị giáo được thành lập với đội ngũ đông đảo những người điều tra chuyên lần về quê quán của từng người bị nghi ngờ để điều tra tung tích đã trở thành một công cụ khủng khiếp, một cơn ác mộng. Để bảo toàn cuộc sống, nhiều người Moor và người Do Thái phải chịu cải sang đạo Thiên Chúa. Những người Moor cải đạo bị gọi là những người morisco, người Do Thái cải đạo là converso. Trong số những người cải đạo, bên cạnh những người chỉ thay đổi tôn giáo một cách hình thức, vẫn có một bộ phận trở thành những tín đồ Thiên Chúa thành tâm. Nhưng những người này bức bối vì một mặt nhận ra những lề luật ngặt nghèo của Thiên Chúa giáo hình thành trong nghìn năm Trung cổ ngột ngạt, mặt khác còn bởi bị phân biệt đối xử với những người Thiên Chúa giáo chính gốc (xã hội phân chia thành hai lực lượng Cũ - những cựu tín đồ Thiên Chúa giáo và Mới - những morisco và converso). Cái nhìn kì thị dân tộc trước đây đã có (hẳn chúng ta còn nhớ, trong Othelo, vở kịch của Shakespeare, nhà văn cùng thời với Cervantes, những chiến công của chàng dũng tướng người Moor Othelo cũng chẳng đủ để khiến triều đình thôi nhìn trộm chàng như nhìn một con quái vật), bây giờ càng thêm nặng nề. Bởi vậy, dễ hiểu rằng vì sao những tín đồ Thiên Chúa giáo mới lại khao khát một thứ tôn giáo dung hòa, độ lượng và có chiều sâu hơn.
Trong thời đại của Cervantes, những mâu thuẫn ấy lên đến đỉnh cao. Năm ông được sinh ra cũng là năm ban hành Danh sách những cuốn sách bị cấm và sắc lệnh Máu Tinh tuyền (thanh lọc nhà thờ bằng cách trục xuất tất cả những người morisco, converso ra khỏi những vị trí trong Giáo hội, giáo đoàn). Khi Cervantes bắt đầu bước sang tuổi thanh niên, ở Tây Ban Nha, một người phải chứng minh được là người Thiên Chúa giáo chính gốc mới có thể phục vụ cho triều đình, làm sĩ quan quân đội trong những đơn vị danh giá, làm việc cho Tòa án Dị giáo, Giáo hội hay được di cư tới châu Mỹ.
Và như vậy, nếu sự bức bách ngột ngạt của xã hội Trung cổ là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự ra đời của phong trào Phục hưng trên toàn châu Âu, với linh hồn của nó là Chủ nghĩa nhân văn nói chung thì hoàn cảnh xã hội đặc biệt của Tây Ban Nha lại hướng con người của đất nước này, trong đó có nhà văn của chúng ta, tới Chủ nghĩa nhân văn Thiên Chúa giáo của nhà nhân văn xứ Rotterdam, Hà Lan: Desiderius Erasmus.
Chủ nghĩa nhân văn Thiên chúa giáo của Erasmus
Chủ nghĩa nhân văn là một trào lưu khởi nguồn trên đất Florence, Ý vào cuối thế kỷ XIV. Đến thế kỷ XV khái niệm này vẫn chưa mang ý nghĩa trọn vẹn như thế kỷ XX - một trường phái triết học xoay quanh vấn đề phẩm hạnh, tiềm năng và vị trí của con người trong tự nhiên mà chủ yếu chỉ một khung chương trình giáo dục bao gồm ngữ pháp, từ vựng, đạo đức học, lịch sử và nghiên cứu các tác gia cổ điển, như một cách phản đối nền giáo dục mang tính kinh viện do nhà thờ chủ trương, nặng về thần học. Mục đích của những nhà nhân văn chủ nghĩa đó là phác ra một con đường đi tới chân lý và kiến thức: con đường thực chứng, khoa học, phản bác lại con đường tư biện của chủ nghĩa Kinh viện, vốn đã giam hãm châu Âu suốt đêm trường Trung cổ.
Các nhà Phục hưng chủ nghĩa tìm về với quá khứ - ca ngợi các kiệt tác điêu khắc, thơ ca, kiến trúc Hy Lạp - La Mã cổ đại như một con đường để xác lập các giá trị mới, cổ súy con người có niềm tin ở chính vẻ đẹp, năng lực và quyền được quyết định cá tính, con đường, vận mệnh của chính mình. Hình ảnh mới của Cái đẹp đó là Tự nhiên, Phụ nữ và Tình yêu; thay cho Chúa và sự chiêm ngưỡng tâm hồn trên con đường đến với Chúa.
Bên cạnh đó, việc nghiên cứu các văn bản cổ mà các nhà nhân văn say sưa tiến hành dựa trên khoa học về lịch sử ngôn ngữ cũng là một biểu hiện của con đường thực chứng trong khoa học. Chính vì vậy, thứ Tân học mà chủ nghĩa nhân văn Phục hưng đề xướng đã trở thành một mối đe dọa lớn với Cựu học của nhà thờ, và nhiều nhà tiên phong của trào lưu mới mẻ này đã bị khoác cho cái mác Dị giáo. Thí dụ trường hợp của Lorenzo de Valla. Dựa trên kiến thức về lịch sử ngôn ngữ Latin cổ, ông đã đưa ra được những cứ liệu chứng minh văn bản cổ được coi là lệnh ban đặc quyền tối cao cho các Giáo hoàng của hoàng đế Constantine vĩ đại từ thế kỷ thứ IV là giả. Kết luận này là một đòn đánh mạnh vào Giáo hội Thiên chúa bởi nó đã làm lung lay niềm tin vào quyền lực của Giáo hoàng. Nhưng ngược lại, cũng có không ít những nhà thần học, giám mục nổi tiếng của đạo Thiên Chúa lại là những nhà nhân văn tích cực, chủ trương cải cách lại giáo lý nhà thờ, thí dụ như Giáo hoàng Aeneas Silvius Piccolomini Pius II.
Desiderius Erasmus Roterodamus (1466 - 1536) là một nhà thần học người Hà Lan, cũng là một người hết sức ngưỡng mộ Lorenzo de Valla và có kiến thức uyên bác về lịch sử tiếng Latin. Giống như ông, Erasmus muốn thay đổi truyền thống giáo dục cứng nhắc và nặng về hình thức của châu Âu thời đó. Tuy rất khâm phục người đề xướng phong trào Cải cách tôn giáo là mục sư Tin Lành người Đức Martin Luther (1483-1546) song Erasmus đã từ chối lời mời gia nhập phong trào này của Luther để tránh bị khép tội là Dị giáo, việc theo ông có thể gây cản trở đến con đường thay đổi một thể chế đã sâu rễ bền gốc. Ông đã đưa ra một thứ tôn giáo mới từ chính tôn giáo đang chiếm ưu thế bấy giờ: đạo Thiên Chúa. Đi từ việc khảo sát những văn bản Thiên Chúa giáo cổ, Erasmus cho rằng khởi nguyên Thiên Chúa giáo là một thứ tôn giáo hướng nội, dựa trên kinh nghiệm cá nhân chứ không phải những hoạt động nghi lễ tập thể mang nặng tính hình thức như diễu hành, lễ misa, xưng tội hay lặp đi lặp lại những lời cầu nguyện dài lê thê... Cũng từ đó, ông phát hiện không có cơ sở nào trong Kinh Thánh chứng minh sự tồn tại của Giáo hội là cần thiết.
Chủ nghĩa nhân văn Thiên Chúa giáo của Erasmus thực sự là một luồng tư tưởng mới mẻ thổi vào tâm hồn những người dân Tây Ban Nha, đặc biệt là những tín đồ Thiên Chúa giáo mới, những con người đang ngột ngạt và bất bình trước một xã hội bị những bức tường nặng nề của Giáo hội vây bủa, những con người đã bao lần phải nhỏ máu vì những cuộc Thánh chiến phi nghĩa, phải trốn chạy khỏi bàn tay sắt của Tòa án Dị giáo, phải từ bỏ cả tôn giáo gốc của mình để giữ được mạng sống và mưu sinh. Thứ tôn giáo hướng vào chiều sâu của Erasmus là tín ngưỡng đích thực mà họ mong chờ, bởi nó đưa đến cho họ sự hòa giải với xã hội, và với chính bản thân mình. Ảnh hưởng của Erasmus vì thế nhanh chóng trở nên rất lớn và còn tỏa bóng mãi về sau lên châu Âu nói chung và Tây Ban Nha nói riêng. Sự lớn mạnh của Thanh giáo (Puritanism), một chủ trương đơn giản hóa Thiên Chúa giáo, ở nước Anh vào thế kỉ mười sáu và mười bẩy, ngoài tư tưởng Tin Lành của Martin Luther và Calvin, cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ từ tư tưởng của Erasmus.
Ra đời chỉ cách ngày Erasmus tạ thế gần mười năm, chàng trai say mê khám phá thế giới và say đắm với Chủ nghĩa nhân văn Phục hưng Cervantes có rất nhiều điều kiện để tiếp xúc và chịu ảnh hưởng của Erasmus. Nhất là bởi vì có thể gia đình Cervantes cũng xuất thân từ giới tín đồ Thiên Chúa giáo mới - người Do Thái cải đạo, những converso điển hình. Nhưng nếu như nguyên nhân của những ảnh hưởng ấy còn chưa xác định, thì dấu vết của tư tưởng Erasmus lại rất rõ ràng trong đứa con ruột của nhà văn: Don Quixote.
Dấu vết của Chủ nghĩa nhân văn Phục hưng và Erasmus trong Don Quixote
Trước sự kiểm duyệt gắt gao của Tòa án Dị giáo, những nhà văn Tân học ắt phải tìm những lối đi đảm bảo được cho sự xuất bản tác phẩm của mình. Ảnh hưởng trước tiên có thể nhìn thấy được của Erasmus lên Cervantes là một chiến lược tu từ thông minh, dựa trên sự mơ hồ với cái hài làm vỏ bọc. Văn bản tạo thành có thể được giải nghĩa theo nhiều cách khác nhau, tùy theo ý thức hệ của người tiếp nhận.
Từ hoàn cảnh thời đại và từ nội dung tư tưởng nhân văn của Erasmus, có thể thấy rằng hình tượng nhân vật chàng hiệp sĩ điên rồ Don Quixote, với những hành động khác người khiến cả xã hội quanh chàng cười nhạo là hiện thân của những lực lượng Mới trong xã hội Tây Ban Nha lúc đó, đơn độc và liều lĩnh chống lại cả một trật tự kiên cố, bảo thủ đã xác lập trước đó. Bởi vậy, những sự lầm lẫn liên tục của Don Quixote trong những chuyến phiêu lưu không thuần túy là những thủ pháp gây cười nông cạn mà tiềm tàng những ý nghĩa ẩn dụ, phản ánh chân thực tình trạng xã hội Tây Ban Nha bấy giờ.
Thí dụ, trong phần một, Don Quixote đã gặp một nhóm thương gia từ Toledo đi mua lụa. Chàng đã chặn họ lại và yêu cầu họ phải tuyên bố nàng Dulcinea của chàng là người đẹp nhất, cao quý nhất. Các thương gia (hiển nhiên, họ là những converso điển hình, bởi chỉ có người Do Thái mới làm các công việc dính đến buôn bán, tài chính) đã thưa lại rằng họ rất vui lòng làm điều đó, chỉ có điều họ chưa từng gặp Dulcinea thì làm sao có căn cứ được. Don Quixote đã khăng khăng bắt họ phải “tin, thừa nhận, khẳng định, thề và bảo vệ đến cùng” điều đó dầu họ không được nhìn thấy nàng. Rõ ràng đây là lời lẽ của nhà thờ Thiên Chúa giáo chứ không phải lời lẽ của giới hiệp sĩ, Cervantes đã nhại lại một cách có dụng ý. Và dĩ nhiên, những thương gia converso trong tiểu thuyết của Cervantes đã hành động giống hệt ngoài đời: họ chấp nhận dễ dàng.
Hay cũng trong phần một, khi Don Quixote lánh vào nơi hoang vu để một lòng thờ phượng bà chúa của lòng chàng, nàng Dulcinea làng Toboso, vì thiếu tràng hạt, chàng đã xé vạt áo, buộc nút để đủ nghi thức cầu nguyện. Nếu không biết rằng thời đó, thứ mà chàng Quixote sơ cua cho nghi lễ thiêng liêng ấy lại hay được người ta dùng thay cho giấy vệ sinh bây giờ, người đọc sẽ không thể hiểu được ngụ ý trào lộng của Cervantes trong lúc đó: giống như Erasmus, ông muốn châm biếm lối tín ngưỡng nặng về hình thức bề ngoài của giới tín đồ Thiên Chúa giáo thủ cựu.
Đặc biệt, trong phần II, câu chuyện ngài công tước bất chấp danh dự, phớt lờ việc trừng phạt gã trai đã quyến rũ rồi bỏ rơi con gái ông ta chỉ vì một lí do, bố hắn, dẫu là kẻ bề dưới, nhưng lại là một nông dân giàu có, một chủ nợ lớn của chính ngài công tước. Danh dự hiệp sĩ đã bị vật chất chi phối, đây là một điều có thật trong xã hội phong kiến Tây Ban Nha đang trên đà xuống dốc và một lực lượng xã hội nắm trong tay thực lực kinh tế của đất nước đang lớn mạnh: giai cấp tư sản. Cervantes đã gửi qua những cuộc phiêu lưu có vẻ ngẫu nhiên, đầy hài hước ấy những bức tranh hiện thực xã hội sắc nét, phơi bày sự mâu thuẫn trong bản thân một thể chế xã hội đã trở nên cũ kĩ, lỗi thời, rỗng ruễnh từ bên trong, chỉ còn một cái vỏ hào nhoáng.
Những dấu ấn như thế của những tư tưởng mới mẻ Chủ nghĩa nhân văn Phục hưng mà tiêu biểu là tư tưởng nhà nhân văn Hà Lan Erasmus mang lại còn có thể gặp khắp nơi trong cả tác phẩm, đem lại chiều sâu triết học cho tiếng cười trong Don Quixote.
Linh Lan
Tư liệu tham khảo:
1. Aubrey F. G. Bell. (1934).“Cervantes and the Renaissance”, Hispanic Review, Tập 2, Số 2, 89-101.
2. Ronald Hilton. (1947).“Four centuries of Cervantes: The Historical Anatomy of a Best-Selling Masterpiece”,Hispania, Tập 30, Số 3, 310-320.
3. Carroll B. Johnson. (1990).Don Quixote - The Quest for Modern Fiction(Twayne's Masterwork studies). Twayne Pub.
4. Sarah and Tom Pendergast, Reference Guide to World Literature (Authors), St. James Press, 2003.
5. Rudolph Schevil.(1933).“The Education and Culture of Cervantes”, Hispanic Review, Tập 1, Số 1, 24-36.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...