Thứ tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024
19:39 (GMT +7)

Đặt tên đường phố

VNTN - Cách đây không lâu, người dân quận Nam Từ Liêm thành phố Hà Nội khá bất ngờ khi thấy con đường quen thuộc chạy qua nhà máy đông lạnh được gắn biển tên “Đường Ướp Lạnh”. Ngay lập tức, những bức ảnh về tấm biển này đã hiện diện trên mạng xã hội, nhờ đó cư dân mạng lại thêm câu chuyện thú vị bên ly cà phê sáng. Có người tỏ vẻ tán thành, thích thú, bởi cái tên dân dã hàng ngày nay đã được chính thức hóa; nhưng cũng không ít lời chê trách, rằng chính quyền thành phố không thể kiếm ra một cái tên ý nghĩa hơn ư? Nước Việt Nam thiếu gì danh nhân cần được tôn vinh mà lại đặt tên con đường một cách kỳ quái, “rờn rợn” như vậy…? Sự phản ứng với đủ hỉ, nộ, ái, ố, đến mức Công ty cổ phần Công trình giao thông Số 2 - đơn vị trực tiếp nâng cấp và gắn tên con đường này phải cho người tới gỡ tấm biển xuống và chờ đợi một cái tên khác.

Không phủ nhận việc gắn biển tên đường khi chưa được cấp phép là động tác tùy tiện, mang phong cách “làng xã”, nhưng suy cho cùng, cách làm trên được coi như một cuộc “trắc nghiệm lòng dân”. Tên địa danh không chỉ là sản phẩm của chính quyền mà còn là tấm bia của lịch sử, văn hóa. Nếu cách đặt tên đường phố theo kiểu Tây phương là đánh thứ tự 1, 2, 3, 4 đem đến sự thuận tiện khi tìm đường, tra phố; đặt tên theo danh nhân là sự tôn vinh anh hùng dân tộc thì việc lấy tên chính thức theo cách gọi dân gian lại gợi ra những bức tranh văn hóa sinh động. Nhìn vào hệ thống địa danh dân gian, hậu thế có thể đoán biết được nhiều thông tin về địa hình, nghề nghiệp, phong tục tập quán hay những truyền thuyết lịch sử, giai thoại văn hóa trên mảnh đất đó.

Ở Thái Nguyên có một địa danh dân dã, cũ kĩ phía nam thành phố, là đồi Vó Ngựa. Người ta truyền miệng nhau, rằng Vó Ngựa là bãi huấn luyện ngựa chiến thời cụ Dương Tự Minh; lời đồn khác thì nói vùng này xưa là đồng cỏ rộng lớn chăn thả gia súc… “tích thoại” không sáng tỏ, song người dân sinh sống ở địa danh Vó Ngựa hàng trăm năm nay vẫn chung thủy với tên gọi không mĩ miều này, giống như ở một số nơi khác trong tỉnh vẫn giữ những cái tên dốc Âm Hồn, phố Quan Tài, chợ Gốc Bàng, đường Xì Dầu Nước Mắm…

 

Dưới góc nhìn văn minh đô thị, việc đặt tên đường phố theo quy hoạch có những ưu điểm riêng và dẫu còn vấn vương thì những cái tên nôm na như khu Tư San Nền, đường Vỡ, cầu Bóng Tối… đã và đang phải làm quen với những tên gọi mới, chính thức lưu hành trong văn bản Nhà nước. Tuy nhiên, nhiều con đường nhỏ, những ngõ hẻm chật hẹp, tối tăm lổn nhổn gạch đá lại đã vội vàng khoác lên mình tên của những danh nhân lớn… Nhiều nghiên cứu lịch sử được công bố gần đây đã khẳng định, quê gốc của vua Lý Nam Đế ở xã Tiên Phong (thị xã Phổ Yên); để tri ân công lao nhà vua, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh cùng chính quyền thị xã Phổ Yên đã quyết định gắn biển tên đường Lý Nam Đế nối Quốc lộ 3 tới quê hương của Người. Nhưng rồi sau đó có ý kiến nghi ngại, bởi không nhiều người đủ am hiểu về lịch sử để biết về Phạm Tu, Triệu Túc (hai vị hiền tướng phò tá cho Lý Nam Đế) nay cũng được lấy tên để đặt cho những con đường tại thị xã mới thành lập này.

Thêm một ví dụ nữa, là dù đã cất công tìm hiểu trên internet và tham khảo ý kiến của nhiều người về nguồn gốc địa danh Trịnh Bá - con phố nối cung chắn đường sắt Phố Hương với chợ Khu Nam (phường Hương Sơn), nhưng tới nay chưa thể tìm thấy câu trả lời, mặc dù nói ra điều này thấy có lỗi bội phần với danh nhân Trịnh Bá.

Thiển nghĩ, bên cạnh tấm biển tên đường, đơn vị thi công nên gắn thêm vào đó một bảng nhỏ thuyết minh về tên địa danh thì hẳn con đường sẽ có hồn hơn, đó cũng là một cách giáo dục lịch sử cho thế hệ trẻ. Việc gắn tên đường phố cũng cần cung đường ấy khang trang, sạch đẹp, có sự công bố đặt biển tên đường. Làm vậy danh nhân sẽ không chạnh lòng, còn nhân dân hẳn cũng bớt sửng sốt khi sớm mai tỉnh dậy, thấy con đường quen thuộc trước cửa đã sừng sững một tên gọi mới.

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy