
Góc biếm họa số 6 (2025)

VNTN - Trong những năm gần đây, việc nghiên cứu khoa học ở Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức. Một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất đó chính là việc đạo văn. Nếu vấn đề này không được giải quyết hoặc có những phương án điều chỉnh, có lẽ nền khoa học nước ta rất khó có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực và trên thế giới. “Đạo văn làm nhiễu loạn thông tin, tri thức…; trí tuệ của nhân loại bị cắt xén, sử dụng một cách bừa bãi. Nếu nạn đạo văn trở thành phổ biến thì chất lượng các công trình nghiên cứu khoa học bị đặt dấu hỏi, tri thức bị rẻ rúng và độ tin cậy của các nghiên cứu bị hạ thấp.” (Nạn đạo văn trong nghiên cứu khoa học: Làm gì để dẹp tận gốc? - Hanoimoi.com.vn). Theo thạc sĩ Hà Đan, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam), chỉ cần điểm qua những vụ đạo văn gần đây chúng ta có thể thấy mức độ nghiêm trọng của vấn nạn này. Đặc biệt là "vụ" Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) với 6 tiến sĩ đạo văn. Nếu tháng 6-2009, trường này mới có TS Mai Thị Hảo Yến bị phanh phui hành vi lấy công trình nghiên cứu về ngôn ngữ của cố GS Đỗ Hữu Châu, GS Diệp Quang Ban rồi đề tên mình vào, nhân bản và bán hàng trăm cuốn cho học trò thì chỉ một thời gian ngắn sau đó, có thêm các ông Lê Văn Trưởng, Hoàng Thanh Hải, Trần Quang Dũng, Vũ Quý Thu, Mai Văn Tùng xuất hiện trên báo với "tội danh" tương tự. Hay, vào tháng 10-2013, ông Hoàng Xuân Quế, Phó Viện trưởng Viện Tài chính - Ngân hàng (Trường ĐH Kinh tế quốc dân) bị thu hồi bằng tiến sĩ và bị kiến nghị tước chức danh phó giáo sư vì luận án tiến sĩ bảo vệ năm 2003 của ông này đã "đạo" tới 30% dung lượng luận án tiến sĩ (bảo vệ năm 2002) của ông Mai Thanh Quế, Học viện Ngân hàng… Việc có nhiều luận án, luận văn và các công trình khoa học gần đây bị phát hiện đạo văn chỉ là phần nổi của tảng bằng chìm. Nếu chúng ta có đủ điều kiện và phương tiện khảo sát hết các công trình nghiên cứu, tỉ lệ đạo văn có lẽ còn cao hơn nhiều. Tại hội thảo "Đạo đức khoa học và trách nhiệm xã hội của cán bộ nghiên cứu trẻ" do Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam tổ chức mới đây tại Hà Nội, thạc sĩ Hà Đan nhận định, ở nước ta trong vòng 3-4 năm trở lại đây, hiện tượng đạo văn xảy ra liên tục. Điều này cho thấy đây là vấn đề cần sự trao đổi và nghiên cứu kỹ lưỡng từ Bộ Giáo dục và các trường Đại học. Hội thảo “Đạo đức khoa học và trách nhiệm xã hội của cán bộ nghiên cứu trẻ” cũng bàn bạc và đưa ra nhiều giải pháp cho vấn đề đạo văn như xử lí nghiêm các hành vi vi phạm, tạo sự răn đe cần thiết hay thay đổi phương thức giáo dục để tạo cho trẻ thói quen tự chủ, không lệ thuộc… Tất nhiên những ý kiến trên đều có lý nhưng có lẽ chưa thật sự đầy đủ. Về cơ bản, sự vi phạm sao chép, mô phỏng công trình của người khác một phần ở việc người nghiên cứu không nhận thức được hết về đạo đức nghiên cứu, như trích dẫn bao nhiêu với một công trình là đủ? Thế nào là diễn giải lại? Thế nào là trích dẫn hay tóm tắt, tổng thuật?... Một phần chính bởi sự không rõ ràng trong xác định các thuật ngữ nên người nghiên cứu dễ rơi vào việc lạm dụng các nguồn tài liệu và dẫn đến đạo văn. Để khắc phục vấn đề đạo văn, ở những trường đại học tiên tiến, tất cả các học viên muốn tốt nghiệp bắt buộc phải vượt qua một khóa học đạo đức nghiên cứu. Việc vượt qua khóa học này không chỉ dạy cho học viên nhận thức thế nào là đạo văn, thế nào là trích dẫn, diễn giải lại, tỉ lệ trích dẫn…, mà còn giúp họ biết cách trình bày văn bản một cách hợp lý, xác nguồn dữ liệu nào được tham khảo, dữ liệu nào là xâm phạm đời sống cá nhân. Bên cạnh đó đối với nhiều ngành thí nghiệm, đạo đức nghiên cứu cũng giúp học viên xác định đạo đức khi thực hiện các thí nghiệm trên con người hay động vật, những chất độc hay những thao tác nào bị cấm… Tất cả chương trình học đều dựa trên những văn bản, công ước, luật quốc tế bao gồm tất cả các khía cạnh của nghiên cứu để đảm bảo sự nghiêm túc trong khoa học và bảo vệ đạo đức của con người. Bởi vậy, việc xử lý vi phạm đạo văn chỉ là một phần của giải pháp. Muốn hạn chế việc vi phạm đạo văn, có lẽ chúng ta cũng cần có những khóa học bắt buộc như vậy để giúp người nghiên cứu trước hết hiểu về quyền, nghĩa vụ và phạm vi của mình trong khoa học cũng như hiểu đúng các thuật ngữ liên quan đến đạo đức nghiên cứu. Việc chấm dứt được hoàn toàn nạn đạo văn là vấn đề vô cùng nan giải, nhưng với việc giáo dục một cách kĩ lưỡng ít nhiều cũng sẽ hạn chế được hành vi vi phạm, định đường cho một nền nghiên cứu sạch sẽ hơn.
Thái Văn
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...