Thứ tư, ngày 23 tháng 10 năm 2024
23:21 (GMT +7)

Danh hiệu “nhà thơ”

VNTN - Khoảng mươi, mười lăm năm nay đã có không ít bài viết trên các báo chí tỏ ra lo ngại về việc nước ta có quá nhiều người làm thơ và ở bất cứ một tỉnh thành, thậm chí phường xã nào cũng có ít nhất một hoặc vài câu lạc bộ thơ. Hiện tượng ấy có người chê nhưng cũng không ít người khen. Chê là bởi lo không biết rồi đây tương lai nền thi ca Việt Nam sẽ đi đến đâu với một tình hình thơ con cóc đang lan tràn khắp đất nước, và nếu không thận trọng sẽ dẫn đến tình trạng loạn thơ vì khó phân biệt thật giả. Người khen thì bảo, việc một đất nước sản sinh ra nhiều thơ là điều mừng, sẽ làm cho cuộc sống tinh thần được cải thiện, lương tâm con người được thanh sạch, bởi làm thơ cũng là hình thức làm con người trở nên lương thiện. Thôi, thì trăm người trăm ý, cũng chưa thể khẳng định đúng/ sai. Cần phải chờ thời gian trả lời.

Trên thực tế, nếu như các câu lạc bộ thơ được mở ra là nhằm để thư giãn tâm hồn và giải trí bằng trí tuệ cho những người về hưu, hoặc những người yêu thơ, lấy thơ làm niềm vui thì cũng chẳng có hại gì đến nền thơ của cả nước. Tuy nhiên, hiện nay ở một vài câu lạc bộ thơ đã thấy có một vấn đề đáng phải bàn thảo. Đó là tình trạng lạm dụng danh hiệu nhà thơ. ở một số câu lạc bộ người ta đã bắt đầu gọi tất cả những thành viên là nhà thơ. Rất nghiêm túc và long trọng, người ta giới thiệu nhà thơ A lên đọc thơ, nhà thơ B lên bình thơ, nhà thơ C lên ngâm thơ… Rồi mãi thành quen. Người được tôn vinh là nhà thơ, đầu tiên cũng thấy hơi ngượng ngập, nhưng chỉ vài ba tháng sau là cũng liền tự phong danh hiệu nhà thơ cho mình. Đi đâu cũng giới thiệu mình là nhà thơ. Ai không gọi mình là nhà thơ thì…hãy coi chừng đấy! Cũng đã thấy ít nhiều hiện tượng xích mích, cay cú, thậm chí cạch mặt nhau chỉ vì các danh hiệu nhà thơ phù phiếm ấy.

Thực ra, danh hiệu nhà thơ cũng chẳng có gì là to tát. Nó chỉ là một nghề. Cũng như nhà giáo, nhà thiết kế, nhà buôn, y, bác sĩ, cầu thủ, kế toán, nhà nông…Nhưng nghề nào cũng cần có chuẩn mực của nghề ấy. Chỉ ê a dạy trẻ đôi ba chữ tại gia mà lại nhận mình là nhà giáo; chỉ võ vẽ biết cầm bơm tiêm mà nhận là bác sĩ; chỉ cầm vợt chơi vài séc bóng mang tính mua vui, giải trí mà lại nhận mình là vận động viên bóng bàn thì đâu có tiện. Cũng vậy, chỉ mới vài bài thơ đọc chơi ở các câu lạc bộ hoặc có đôi ba bài thơ in ở các báo chí địa phương mà nhận mình là nhà thơ thì nghe cũng hơi kì. Ngược lại, có một số người làm thơ có uy tín thực sự trong nền thơ đất nước, nhưng chưa bao giờ thấy họ tự giới thiệu là nhà thơ.

Có một câu chuyện thiết nghĩ đáng nêu ra ở đây. ở một hội nghị của một công ty nọ, để thắt chặt tình hữu hảo với địa phương, họ có mời một câu lạc bộ thơ của huyện đến dự và góp vui. Đến khi giới thiệu các đại biểu để giao lưu, người làm công tác tổ chức giới thiệu đủ tên ba mươi “nhà thơ” của thành viên câu lạc bộ. Thực ra chuyện cũng chẳng có gì đáng nói nếu như trong hội nghị hôm ấy không có một chuyên gia người Nga ngồi dự. Lúc giới thiệu về sự có mặt của ba mươi “nhà thơ', ông chuyên gia Nga nọ há hốc mồm, cặp mắt xanh trợn tròn vì bất ngờ và kinh ngạc.

Rồi ông chuyên gia đứng dậy phát biểu một cách đầy kính cẩn và thán phục:

- Suốt gần năm mươi năm ở Nga, tôi chỉ duy nhất một lần được vinh dự gặp một nhà thơ ở Mátxcơva, vậy mà ở huyện này tôi đã hân hạnh được gặp ba mươi nhà thơ Việt Nam. Vinh dự! Vinh dự lắm lắm!

Chắc là người Nga người ta nói thật lòng, chứ không có kiểu nói “móc” như dân Việt ta.

Vâng! Nhưng những ai là người Việt Nam có mặt trong hội nghị ấy, chắc hẳn là…toát mồ hôi hột

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy