Thứ năm, ngày 02 tháng 01 năm 2025
03:34 (GMT +7)

Dành chỗ cho người làm việc vì dân

VNTN - Được có tên trong danh sách biên chế của cơ quan, bấy lâu nay và hiện tại vẫn là mơ ước của nhiều người. Vì sao vậy? Vì so với người chỉ được ký hợp đồng (dài và ngắn hạn) thì người “biên chế” được nhiều bổng lộc hơn hẳn. Họ được lĩnh lương hằng tháng theo ngạch bậc; được tăng lương theo thâm niên công tác tùy theo bằng cấp và trình độ; được thi chuyển ngạch bậc lương; được hưởng đầy đủ thu nhập tăng thêm, được cử đi học, đi đào tạo bằng các nguồn kinh phí của nhà nước; được quy hoạch cán bộ để đề bạt vào các vị trí cao hơn… Tóm lại, họ được “bầu sữa” ngân sách nhà nước nuôi nấng đến cuối đời, nếu trong quá trình công tác họ không có sai phạm gì lớn đến mức phải đi tù.

Trong khi đó, nhân viên hợp đồng so với họ thì thiệt thòi đủ thứ. Những người này chỉ được hưởng chế độ đãi ngộ theo hợp đồng đã ký (phải ký lại sau khi hết hạn), các chế độ đãi ngộ khác cơ quan có thể có nhưng không bắt buộc và thường chỉ được bằng 50% người trong biên chế. So với lực lượng biên chế, lực lượng lao động hợp đồng chỉ là “công dân hạng 2” trong cơ quan.

Thông thường lãnh đạo cơ quan là người đề xuất “xin” biên chế, căn cứ vào chức năng nhiệm vụ được giao. Nhưng quyết “cho” bao nhiêu lại do cơ quan nhà nước có thẩm quyền (hiện nay là Bộ Nội vụ và các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương) phê duyệt và giao chỉ tiêu, làm căn cứ cấp kinh phí hoạt động thường xuyên hàng năm. Giữa con số “xin” và “cho” thường có khoảng cách rất lớn. “Xin” thì nhiều, “cho” thường ít. Thậm chí có cơ quan biên chế được giao chỉ bằng 50% con số yêu cầu. Nên thủ trưởng các đơn vị này sử dụng nhiều lao động hợp đồng ngắn và dài hạn trong thẩm quyền họ được ký nhận.

“Miếng bánh” biên chế ngọt và hiếm như vậy nên là đích ngắm của nhiều người. Để “lọt” vào danh sách công chức nhà nước này, họ đã đi bằng nhiều con đường: Thẳng có, cong có, sáng có, tối có. Và mặc dù, Đảng và Nhà nước luôn đưa ra nhiều giải pháp để tinh giản bộ máy, hòng giảm bớt số người hưởng lương và chế độ đãi ngộ khác từ ngân sách nhà nước, nhưng lực lượng trong biên chế vẫn tiếp tục “phình to”. Hiện nay, chưa kể tổ chức biên chế trong công an, quân đội, khu vực doanh nghiệp nhà nước, thì cả nước có khoảng 58.000 đơn vị sự nghiệp công lập với 2,5 triệu biên chế. Tính ra 40 người nuôi 1 công chức. Trong khi ở Mỹ, dân số gấp Việt Nam 4 lần, diện tích gấp 30 lần, chỉ có 2,1 triệu công chức, 160 người dân Mỹ mới phải nuôi 1 công chức.

Lực lượng trong biên chế đông như vậy nhưng chất lượng đội ngũ công chức thì hết sức đáng buồn. Theo đánh giá của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thì chỉ có “30% đáp ứng yêu cầu công việc”. Đồng nghĩa với 70% còn lại “sáng cắp ô đi tối cắp ô về”, tệ hại hơn, không ít người trong số đó còn làm những việc tổn hại cho dân, cho nước.

Trước tình trạng bộ máy cồng kềnh, nhiều tầng nấc lại kém hiệu lực hiệu quả đã ở mức báo động, ngày 4-10-2017, Hội nghị Trung ương 6, khóa XII đã khai mạc trong sự quan tâm đặc biệt của đông đảo người dân cả nước. Một trong những nội dung quan trọng của Hội nghị là bàn về việc đổi mới và sắp xếp bộ máy của toàn bộ hệ thống chính trị cũng như các tổ chức cụ thể của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội. Việc làm này cũng nhằm đạt tới mục tiêu Nghị quyết số 39 ngày 7-4-2015 của Bộ Chính trị, về “tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức” đặt ra là: “Từng cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập phải xác định tỉ lệ tinh giản biên chế đến năm 2021 tối thiểu là 10%...”.

Liệu rằng những “thanh củi mục” nằm trong biên chế có được tiêu hủy trong “lò tinh giản”? Chúng ta có quyền hy vọng bộ máy nhà nước sẽ rộng chỗ dành cho những người có trình độ chuyên môn cao, có đạo đức công vụ trong sáng, thực sự làm việc vì nhân dân.

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tinh giản… nghệ thuật

Xem tin nổi bật 4 ngày trước

Luật pháp có vô tình?

Xem tin nổi bật 2 tuần trước

Một cuộc cách mạng chưa từng có

Xem tin nổi bật 4 tuần trước

Sống chung với lũ

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Người dẫn đường và con đường đã mở

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Chủ nhật yên tĩnh – nghĩ và mong…

Xem tin nổi bật 4 tháng trước

Nhà văn và xuất bản sách

Xem tin nổi bật 5 tháng trước