Đắng ngọt quê nhà…
VNTN - Hôm chia tay chú Cơ dưới miền Tây, chú đưa cho cái cạc, và dặn: “Về Sè Gòong có rỗi qua chơi chỗ con Anh Thư chút nha.”
Ngồi trên xe tôi mới lấy danh thiếp ra xem: “Tiến sĩ Phan Anh Thư, giảng viên đại học Đô Thành. Mobile: 090xxxxxxx. Nhà riêng: 123 ABC, P1,Q3, HCM city.
Anh Thư là con gái đầu của chú Cơ với cô Hồng.
Hồi tôi học ở trường cấp ba thì đang nhỏ xíu xíu, quãng mấy tuổi gì đó. Ngồi trên xe quay lại thành phố, tôi cố nặn óc nhớ xem cái cô bé con sống ở khu tập thể giáo viên xưa là đứa nào trong đám lít nhít, thỉnh thoảng nhìn thấy mỗi khi có việc phải xuống phòng ở của các thày cô. Nhưng tôi chịu chết. Không có một tia sáng ký ức nào lóe lên trong trí não tôi. Cái cạc có địa chỉ, số điện thoại của Anh Thư mà chú Cơ đưa cho lúc chia tay tôi để vào trong ví cẩn thận, như là lời hứa ngầm với chú là tôi sẽ tới thăm em. Thế nhưng khi xe về đến thành phố thì đã sáu giờ. Mà 9h tối chuyến bay của tôi trở ra Bắc đã bắt đầu. Tôi nghĩ mình đành âm thầm xù hẹn thôi...
Cà phê và ăn nhanh bữa tối trên đường rồi mấy ông bạn đưa thẳng tôi ra sân bay. Chia tay hẹn ngày gặp lại, tôi vào nhà ga quốc nội làm thủ tục. Thì được thông báo: “Vì lý do bất khả kháng, chuyến bay VZ00NX của quý khách delay 4h. Đến 1h00 ngày hôm sau mới có tàu bay cất cánh!”. Tôi nhìn đồng hồ. Mới 7h15! Tôi làm gì trong cái nhà ga ồn ào này từ giờ cho đến rạng sáng ngày hôm sau đây? Bạn bè thì vừa chào chia tay rồi. Vả lại sau mấy ngày lang thang rong ruổi chiều chuộng đưa tôi đi khắp miền Tây, giờ này chắc cũng đang mệt mỏi cần được nghỉ ngơi. Tôi không dám nghĩ đến chuyện làm phiền hơn nữa. Ghé vào quầy mua chai nước suối, rút ví ra trả tiền, nhìn thấy cái cạc, tôi chợt nảy ra một ý...
“A lô. Đây có phải Anh Thư không ạ?”
“Vâng tôi đây. Ai gọi tôi vậy?”
“Anh là Văn, ở phố Hồ. Chiều nay vừa ngồi nhậu với ba em.”
“Ôi. Ba em vừa gọi điện, hỏi anh có ghé qua chơi không. Anh đang ở đâu?”
Một giọng đàn bà có âm sắc rất lạ. Không nghe ra hẳn thổ ngữ của một vùng miền nào. Nhưng dịu dàng. Qua lại Sài Gòn nhiều lần tôi nhận ra, đàn bà con gái trong này nói năng dịu dàng hơn ngoài Bắc.
Khi Anh Thư bước vào quán cà phê ở con phố khá gần phi trường, tôi không nhận ra ngay. Đến lúc em cầm máy bấm vào số của mình, tôi mới biết để đứng lên ra đón. Hơi bàng hoàng. Một thiếu phụ trẻ xinh thon thả, hầu như không có vẻ gì của một người đàn bà như trong lứa tuổi mà tiềm thức của tôi đã mặc định.
Ngồi đối diện, tôi nhận ra em có nhiều nét khá giống chú Cơ.
“Gái giống cha giàu ba đụn”! Tôi bảo em vậy khi nghe kể nhanh về hiện tại cuộc sống, gia đình, sản nghiệp trên thành phố này. Em cười, nói: “Anh không tưởng tượng nổi em đã trải qua những gì kể từ khi theo mẹ dời phố Hồ trở về quê cha đâu!”. “Thì chiều nay anh nghe chú kể cả buổi rồi mà”. “Đó mới chỉ là phần nổi thôi! Ba em lúc đó một mình gánh cả hai vai, mải đi buôn bán kiếm cái nuôi con, ổng chỉ biết đại thể thôi. Còn những cái cụ thể mình trải qua thì ổng sao rõ được... Nghe ba em nói giờ anh là nhà văn, em tò mò muốn gặp xem một cái người quê mình xưa tên Văn mà sao lại thành ra thiệt như vầy”. “Hihi... em coi nhà văn là một thứ gì lạ lắm sao? Mà em vẫn xem phố Hồ là quê mình à?”. “Vâng anh!”. “Thế bao năm qua em có trở lại lần nào không?”. “Em không anh à. Khi em dời xa con phố nhỏ êm đềm đó thì em đã hơn chục tuổi. Đã khá lớn. Và hầu như quãng đời tuổi thơ tươi đẹp nhất của em đã diễn ra ở nơi đó...”. “Thế thì lúc nào em trở lại phố Hồ đi!”. “Vâng. Em sẽ trở lại. Dịp gần đây em hay nhớ lại thời đó. Em muốn được thăm lại mảnh vườn, trước cửa dãy nhà tập thể nơi mấy chị em em tha thẩn chơi với nhau mỗi khi ba mẹ lên lớp...”
Mảnh vườn đó thì tôi nhớ. Nó là khoảng đất trống từ trước cái sân nhỏ của khu tập thể giáo viên ra đến cái rãnh khá sâu ngăn cách trường với con đường quốc lộ bên ngoài. Khoảnh vườn đó hệt như những mảnh vườn sau nhà ở thôn xóm, phố tôi. Người ta gọi là vườn tạp. Nghĩa là trồng hoặc mọc tự phát rất nhiều thứ cây tạp nham. Tre được trồng thành búi, thành dãy làm luôn bờ rào. Vài cây xoan để sau này lấy gỗ. Cây bưởi, cây ổi, cây mít, cây thị, cây vả... đứng kế nhau. Mấy khóm chuối đứng riêng rẽ vẫy vờn những tàu lá to xanh loang loáng đùa giỡn cùng gió bốn mùa. Dưới tán là những bụi dong riềng, gừng, sả, hành húng rau thơm mùa nào thức ấy...
“Bây giờ đang là tháng hai âm, mùa hoa xoan anh nhỉ. Em nhớ mấy cây xoan ở vườn trường ra hoa tím ngắt. Hoa rụng tơi bời dưới mưa xuân như trong thơ Nguyễn Bính ấy, nhìn buồn buồn là. Còn cây bưởi ngay trước cửa phòng nhà em thì hoa trắng nhụy vàng thơm lừng. Bọn chim chào mào, chích chòe, liếu điếu hay bay về chuyền nhảy cãi nhau ỏm tỏi trên đó. Bọn chim sâu thì ít lời, chỉ chích chích thôi... Cơ mà nghe vui lắm. Có lần em bị lên sởi, nằm sốt mê man trong phòng, nhìn ra cửa sổ thấy hoa xoan hoa bưởi bời bời. Nghe lũ chim đấu hót ríu ran, em tưởng như là chúng nó nói chuyện với mình. Em bảo mẹ, bọn liếu điếu ngoài kia đang rủ con đi chơi... Mẹ em sợ quá, ôm con chạy bộ một mạch sang bệnh viện cấp cứu”.
Tôi định nói cho Anh Thư biết, cái mảnh vườn tuổi thơ của em nay đã không còn. Nơi đó vẫn là trường cấp ba nhưng người ta đã xây lên ở đó một ngôi nhà bốn tầng. Không còn chỗ cho xoan cho bưởi nở hoa mỗi dịp xuân về. Nhưng nhìn nét mặt cô em mơ màng quá, không nỡ. Tôi đành ngồi nhấp những ngụm cà phê sữa đá thơm lừng mát lạnh. Và kín đáo ngắm Anh Thư. Khuôn mặt trái xoan trắng hồng trang điểm nhẹ. Hầu như không có một vết nhăn. Khi cười nói, môi mắt vẫn ánh lên rạng rỡ. Cái rạng rỡ tự nhiên của nhan sắc đàn bà mà không mỹ phẩm nào tạo được. Còn thân hình, lúc đi ra ngoài cửa quán đón em vào bàn, tôi đã kịp quan sát rất nhanh. Thì mắt đàn ông mà lại! Óng ả và nuột nà trong bộ đầm thiên thanh bó sát người. Từ những đường cong mơ hồ bí ẩn dịu dàng được làn vải mềm bó lấy, xoải từ trên xuống như trình bày vào thị giác người ta điểm nhấn là một cặp chân trắng muốt thon thả gọn gàng, khiến người khác giới không thể không ngắm nhìn. Mà tôi là nhà văn, cái sự quan sát cuộc đời, con người như lẽ dĩ nhiên. Còn điều này nữa tôi phải thực thà thú nhận thêm, tôi vốn mê gái đẹp từ bé. Mỗi khi nhìn thấy một người con gái đẹp, hoặc có nét đẹp là kiểu gì cũng phải ngắm nhìn. Hoặc công khai. Hoặc kín đáo. Tôi luôn mê mẩn những vẻ đẹp đẽ yêu kiều của phái nữ và thưởng thức như những tinh túy của đất trời. Như một khách lãng du trên con đường bất tận của thiên nhiên, ngắm muôn vàn những bông hoa dịu dàng, rực rỡ, nồng nàn đang trổ hết sắc màu hương hoa khoe sắc với cuộc đời. Mà tạo hóa sinh ra những sắc màu, hương thơm của muôn hồng ngàn tía kia là để cho người ta ngắm. Để tạo cho ta cảm xúc. Và rồi cảm xúc ấy lên men, thăng hoa. Và rồi thành ra những gì thì ai mà biết được...
Ngồi nói chuyện với Anh Thư trong quán cà phê mang một cái tên rất gợi. Tôi thấy thời gian trôi nhanh. Có lẽ cũng như với chú Cơ hồi chiều, một mối liên hệ mơ hồ nhưng khá thân thiết bền chặt nào đó giữa tôi và Anh Thư đã được thiết lập. Chúng tôi chả cùng nơi chôn nhau cắt rốn, cùng lớn lên trên con phố nhỏ ngoại ô êm đềm đó sao? Thế nên hầu như không có e ngại xã giao thường tình. Và câu chuyện lại loanh quanh về quê hương, bản quán xưa. Anh Thư kể cho tôi nghe câu chuyện cuộc đời một cô gái bé nhỏ sinh ra trên một vùng quê Kinh Bắc êm đềm. Theo cha về miền Tây khi đang tuổi hoa niên. Và hình như tuổi thơ của em chấm dứt từ đó. Từ khi em phải về quê ở với người vợ đầu của ba...
“Mặc dù về lý trí, em hiểu là miền Tây là quê ba em. Em lại đã có gần chục năm sống ở đó trước khi lên thành phố học. Nhưng về tình cảm thì... Thực sự em vẫn không coi được đó là quê mình”. Anh Thư thở dài nhè nhẹ khi nói với tôi như vậy. Em ngước mắt lên nhìn tôi. Hơi hoang mang. Tôi cũng nhìn thẳng vào mắt em. Một đôi mắt to, đen, sâu thẳm dưới hàng mi dài.
“Thế thì em nghĩ đâu là quê em? Phố Hồ chăng?”
“Em cũng không dám chắc. Thế nhưng thỉnh thoảng trong những giấc mơ, em vẫn thấy nơi đó...”
“Vậy mà em chưa từng quay lại từ khi ra đi?”
“Em cũng chưa cả một lần quay lại ấp Cái Lá, kể từ khi bước chân lên thành phố cho đến nay kia!”
Ấp Cái Lá là nơi sinh ra lớn lên của chú Cơ. Chú đi kháng chiến chín năm rồi tập kết ra Bắc. Sau bảy lăm, chú trở về quê thì ba má, người thân ruột thịt đã mất hết. Căn nhà lá xưa kết bằng những tàu dừa nước bên dòng kinh không còn dấu tích. Nhưng mảnh vườn ruộng kế bên thì vẫn còn. Um tùm rậm rạp hơn xưa. Người vợ cưới trước khi tập kết của chú ôm hai đứa con riêng với người chồng sau đã vượt biên, về dựng lại ngôi nhà lá trong vườn bên dòng kinh xưa, làm ruộng. Người vợ lấy ngoài Bắc của chú vốn là giáo viên theo chồng vào ở trên thị trấn huyện làm nghề dạy học. Hồi chiều ngồi nhậu với chú, tôi đã đùa, đời giai chú quá hoành tráng, diễn cảnh như cổ tích một ông hai bà hoặc là tuồng cải lương hiện đại chuyện ba người còn gì! Chú cười bảo, hoàn cảnh cuộc đời nhiều khi nó éo le lắm bây ơi. Bỏ thì thương vương thì tội. Mà xét cho cùng chẳng ai có tội. Chẳng qua là do cái sự chiến tranh loạn lạc mấy chục năm trên nước mình. Thôi tao cũng đành lấy chữ thương mà gánh đỡ cho cái tội! Chú sống đời thương hồ đi lại hai nơi. Thế rồi bà vợ quê của chú sinh thêm một đứa con gái. Lúc ấy hai thằng con riêng của bà vẫn đang lít nhít đứa năm, đứa bảy tuổi. Giải pháp được cả đại gia đình đưa ra là cô lớn, Anh Thư năm đó mười một tuổi, chuyển về quê vừa học vừa đỡ đần chăm em giúp má.
“Em không hiểu nổi tại sao mẹ em lúc đó cũng đồng ý với ba để em phải về dưới miệt vườn ở với bả má đó. Mà mẹ em dạy văn, biết câu chuyện Tấm Cám có xuất xứ từ quê mình ngoài đó chớ! Ba em từ ngày bỏ nghề giáo, sang đi làm thương lái tính tình như đổi khác. Ổng vẫn thương bọn em. Nhưng ổng nóng nảy và độc đoán hơn. Nên em không dám ho he gì, lên xuồng chạy cả buổi mới về đến một vùng chao ôi là buồn...”
Cách đây mấy chục năm, vùng ấp Cái Lá vẫn mênh mang là dừa nước. Ngôi nhà của má - Anh Thư và các em gọi vợ đầu của chú Cơ là vậy, còn mẹ đẻ của mình thì vẫn gọi theo cách ngoài Bắc quê tôi: mẹ. Ngôi nhà được kết bằng những tàu lá dừa nước, nền bằng đất sét đắp cao, nằm bên cạnh con kinh nước quanh năm đục ngầu. Những khóm dừa nước mọc như rừng ken san sát mép nước. Cô bé mười một tuổi mảnh mai trắng trẻo bắt đầu một cuộc sống mới đầy lạ lẫm trên một nơi xa lạ nhưng được quy ước là quê hương mình. Nhìn bóng ba cùng chiếc ghe máy nổ phành phạch rồi mất hút ra phía sông lớn, cô bé rớt nước mắt. Nhưng cô bé cũng chẳng có thời gian mà chùi những giọt nước mắt vừa tự nhiên tràn ra kia. Cô phải bắt đầu ngay cuộc sống mới: sáng đến trường học, chiều ở nhà bế em bé, trông em lớn để cho má đi làm ruộng, đi công chuyện. Tắm rửa giặt giũ cho các em. Tóm lại Anh Thư phải làm hết mọi việc như bây giờ chúng ta hay dùng từ “osin”, để chỉ người làm việc nhà. Nhưng mà đằng này không công. Nó được khoác lên vai cô gái nhỏ ấy một mớ nghĩa vụ, trách nhiệm, tình thương... Và như là có một chút của con tin nữa. Làm cho cô bé không có cách gì thoái thác.
“Anh có biết bữa cơm đầu tiên ở ấp em ăn món gì không?”
“Sao anh biết được!”
“Trưa ấy về đến nơi em say lử lả người đi vì sóng to xuồng lắc. Bả má đi nấu cơm cho hai ba con ăn. Bả bứt nắm rau đắng bên đầu hồi nhà, nấu nồi canh mắm cá lóc... Trời ơi, lúc đó em đói muốn chết mà không sao nuốt nổi cái món đó! Đắng nghét cổ họng. Đành ăn cơm không cho qua bữa.”
“Ối trời! Thế thì đấy lại là những món nhậu anh khoái nhất ở miền Tây! Lẩu mắm cá lóc, rau đắng... thôi rồi là ngon!”
Anh Thư dùng những ngón tay dài trắng muốt, cầm chiếc dìa nhỏ khuấy nhẹ ly cà phê. Tiếng nhạc trong quán rất nhẹ, mơ hồ. Tiếng nước từ các dòng suối con thác nhân tạo róc rách hòa vào tiếng lanh canh của dìa va chạm với thành cốc, với những viên đá lạnh nho nhỏ xinh xắn dập dờn trong cốc nước nâu thơm lừng. Nâng ly lên uống một ngụm nhỏ rồi đặt xuống, Anh Thư hầu như không nhìn tôi. Em đang chìm trong những kỷ niệm thời thơ dại. Nhìn ngắm em, tôi không hình dung ra có một thời em đã lam lũ. Đã từng phải sống chung với muỗi mòng, với rắn đỉa, với nước phèn và bùn lầy ngập ngụa quanh năm...
Đường từ nhà đến trường khá xa, khoảng hai cây số, lội bộ qua những bờ ruộng trơn trượt, vài con kinh nhỏ với những cây cầu khỉ đong đưa. Nhưng gay go nhất là một con kinh lớn. Không có cầu. Phải tự chèo ghe qua. Mà Anh Thư lúc đó không biết chèo. Không hiểu sao bọn trẻ cùng lứa ở vùng đó hồi đầu rất ác cảm với em. Có lẽ do em khác chúng quá chăng? Do chưa có thời gian hòa nhập chăng... Anh Thư thường phải đi vòng lên phía trên con kinh lớn, nơi có một con đập khi nước ròng chỉ cần vén cao quần là lội qua để sang trường. Một hôm gặp con nước lớn, mà cô bé ngoài Bắc mới vô đâu có biết thế nào là nước lớn nước ròng, nên vẫn cứ lội qua đập. Nước to, một con sóng trào tới bất ngờ đẩy cô bé chới với, sa chân ngã xuống. Và dòng nước đục mầu bùn kia cuốn cô đi...
“Kinh khủng anh ạ! Cái cảm giác sắp chết ngạt dưới dòng nước ngầu bùn ấy ám ảnh em chắc chắn không thể nào quên được. Lúc đó như có sức mạnh từ bản năng sống trỗi dậy mãnh liệt nên em nhao được lên khỏi mặt nước hét cứu. Dân xung quanh bờ đổ xô ra vớt được em lên thì đã mê man no nước bùn rồi...”
“Sau vụ đó thì ba mẹ em đón đi à?”
“Không. Hồi đó thông tin kém, ai biết gì đâu. Vả lại dân miền Tây sông nước coi cái chuyện trẻ con ngã uống tí nước bùn là chuyện nhỏ xíu à, ai để ý. Chỉ là mình ám ảnh mãi đến sau này thôi!”
Tôi chợt nhớ ngày xưa, bọn trẻ trai chúng tôi cũng hay ra cái ao sen đầu phố tập bơi. Cũng từng uống no nước bùn. Lại còn mấy lần trốn nhà chạy sang bãi sông Đuống vầy vầy phù sa mỗi mùa nước lên. Cũng khối lần suýt chết đuối. Ngày chưa xa ấy hình như trẻ em chết yểu vì các lý do nhiều lắm. Nếu mà có phương tiện thông tin như bây giờ thì có lẽ cả nước lúc nào cũng lên cơn sốt, giật đùng đùng cả ngày mất...
“Thế nhưng rồi em vẫn cứ phải sống ở đó. Sau vụ em chết đuối hụt thì các thầy cô giáo đã có ý kiến nên bọn trẻ ở đó đã đợi cho em đi ghe sang cùng. Rồi em tập bơi. Tập chèo ghe. Và em tập... ăn mắm lóc, rau đắng! Em quyết phải học cho giỏi để được về thành phố, thoát ra khỏi cái vùng sình lầy đó.”
Từ ngày đi học trên thành phố Anh Thư không trở lại ấp Cái Lá lần nào. Lúc đầu thì do đường sá xa xôi cách trở. Từ thành phố Anh Thư bươn về tới được thị trấn thăm mẹ ruột là đã hết sức rồi. Sau này mọi sự thông thương dễ dàng thì không còn lý do. Cái đại gia đình hơi bất bình thường của chú Cơ đã không còn như xưa. Hai bà đã quy tiên. Con cái, như lời chú Cơ, “ba thứ con”, ơn giời đều trưởng thành và phiêu diêu ra khỏi ấp Cái Lá sống cuộc đời mình. Nhưng mọi sự ổn cả. Cuộc đời nhiều khi là vậy, lý do to hơn mục đích. Mục đích có khi rất cao cả to lớn, nhưng chỉ vì một lý do nhỏ nhoi cũng chẳng nên. Và cũng có khi chỉ một lý do vô cùng ất ơ nào đó lại thành ra một mục đích cao cả hoành tráng. Phải chăng đó là lẽ đời...
Anh Thư kể: “Đêm đầu tiên theo mẹ về Nam, gặp ba, gặp bà má, vợ cũ của ba. Đêm ấy em không ngủ được. Em đã bí mật theo ba người ra vườn để nghe xem họ nói gì với nhau. Và những điều nghe được đã như một cú giáng mạnh vào đầu. Hình như em trưởng thành, thành người lớn luôn từ lúc đó. Em chợt nhận thức được hoàn cảnh éo le của gia đình mình. Em thấy thương ba em. Em vốn hợp ba nhất nhà. Rồi nhìn ba em đang từ một thày giáo trung học chỉn chu lúc nào cũng sơ mi quần tây, áo bỏ trong quần, thành ra một ông thương lái đường sông áo bà ba quần cụt đen cháy... Em thấy xót xa! Nên em đã nuốt nước mắt vào trong để ở lại ấp Cái Lá trông các em cho má đi làm, cho ba đỡ lo. Món canh rau đắng nấu mắm cá lóc ấy em đã bịt mũi vào để chan cơm lùa vào miệng nuốt. Riết rồi thành quen. Rồi ngon. Cái món rau lạ lùng, mới đầu ngăm ngăm lưỡi, sau lại thấy vị đắng ngọt hậu lưu lại nơi cổ họng. Lần sau anh vô Sài Gòn, em sẽ đưa đi đãi một bữa lẩu mắm rau đắng đã đời nhen!”
Tôi nhìn Anh Thư mỉm cười.
Bỗng từ dàn loa của quán vọng ra văng vẳng tiếng hát
“Nắng hạ đi
Mây trôi lang thang cho hạ buồn
Coi khói đốt đồng để ngậm ngùi chim nhớ lá rừng
....
Nhớ lũy tre xanh dạo quanh khung trời kỷ niệm
Chợt thèm rau đắng nấu canh...”*
Tôi thấy hình như trong miệng mình vẫn còn nguyên cái vị đắng đót ngọt hậu lạ lùng của một loài rau dại miền Tây Nam đất nước...
*Lời bài hát “Còn thương rau đắng mọc sau hè” của Bắc Sơn.
Trần Thanh Cảnh
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...