Đám đông trù dập
“Trù dập” có lẽ là một trong những từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trong những ngày qua trên Google Việt Nam, xuất phát từ bức tâm thư 13 trang cùng nhiều clip và hình ảnh của một cô giáo tiểu học với nội dung kêu cứu vì bị nhà trường vùi dập, phụ huynh kì thị và học sinh chống đối, tấn công.
Những thành viên của cái gọi là “dư luận”, “xã hội”, “cộng đồng” cũng đang từng ngày, từng giờ góp phần tạo ra đám đông trù dập... Tranh minh họa. Nguồn: Internet
Câu chuyện gây bùng nổ mạng xã hội và các phương tiện truyền thông trong bối cảnh giáo dục nước nhà đang đứng trước nhiều sóng gió, nhất là xoay quanh vấn đề đạo đức sư phạm. Sự việc dẫu chưa ngã ngũ song không khó để nhận ra cục diện của cuộc chiến theo tiêu chí “thiện cảm cộng đồng” như các trang mạng xã hội và trang tin điện tử đang hiển thị. Phần đa người theo dõi tỏ thái độ ngạc nhiên, bức xúc, phẫn nộ trước những hình ảnh được cho là sự chống đối, thách thức, tấn công tinh thần lẫn thân thể giáo viên của các em học sinh còn chưa tốt nghiệp tiểu học.
Phản ứng dữ dội của cộng đồng xuất phát từ việc chúng ta ý thức rõ “sức mạnh đáng sợ” của sự trù dập. Đó là hành vi chèn ép, gây khó khăn, làm hại người hoặc nhóm người, xuất phát từ định kiến cá nhân hay những tổn thương sẵn có trong quan hệ. Thông thường, người bị trù dập yếu thế hơn về sức khỏe, tuổi tác, vị thế, uy tín, quyền lực và kinh tế. Do vậy, họ phải cam chịu trong phẫn uất hoặc gặp rất nhiều khó khăn để phản kháng bảo vệ chính mình. Tâm lí sợ trù dập còn khiến nhiều người co mình, “mũ ni che tai”, không dám lên tiếng chống lại cái xấu, với suy nghĩ: “chân lý thuộc về kẻ mạnh”, “tránh voi chẳng hổ mặt nào”. Vì thế, nó là nguyên nhân cản trở sự phát triển của một xã hội công bằng và đạo đức.
Tranh biếm họa của họa sĩ DAD. Nguồn: Báo Tuổi Trẻ
Trở lại câu chuyện của cô giáo tiểu học trên, sở dĩ, dư luận không kịp chờ kết luận của cơ quan thanh tra, tỏ ra bênh vực cô giáo và chống lại nhà trường xuất phát từ nhiều yếu tố. Thứ nhất, lâu nay, những bức xúc liên quan đến thu chi trong giáo dục đã hằn in trong định kiến cộng đồng. Những đơn thư tố cáo sai phạm của nhà trường “từ năm 2000”, “qua 4 đời quản lí” của cô giáo T khiến nhiều người có linh cảm, rằng cô là người chính trực. Thứ hai, việc học sinh lớp 5 “đấu tố” cô giáo với những ngôn từ rất “người lớn” khó có thể nhận được sự đồng cảm, theo chuẩn mực đạo đức truyền thống. Và không thể không kể đến nguyên nhân thứ ba: theo lời kể của “nạn nhân” thì sự trù dập ở đây mang quy mô tập thể, từ nhà trường, phụ huynh, học sinh và cả các cấp cao hơn nữa. Sự trù dập của cá nhân với cá nhân đã đáng sợ, sự trù dập của cả một đám đông còn đáng sợ hơn bội phần. Nó đẩy con người ta tới đường cùng của sự cô độc.
Nhưng đáng tiếc rằng chính những thành viên của cái gọi là “dư luận”, “xã hội”, “cộng đồng” cũng đang từng ngày, từng giờ góp phần tạo ra đám đông trù dập. Như ở sự việc này, khi tất cả còn chưa rõ đúng sai, không ít búa rìu đã bủa vây, quy kết hiệu trưởng “dựa vào gia thế khủng mà chèn ép người”, nhà trường “vì bị tố cáo sai phạm mà mượn tay trẻ con để làm việc phi đạo đức”, giáo viên trong trường “khom lưng, luồn cúi, cùng một bè với lãnh đạo”. Một số người kêu gọi các trường cấp 2 ở địa phương mau chóng tẩy chay học sinh trường tiểu học này bởi không nên dung nạp những mầm ác đã được tẩy não bởi nhóm lợi ích… Phản ứng thái quá, chủ quan, cảm tính ấy khiến ta liên tưởng đến nhiều vụ việc khác trên mạng xã hội. Một ý tưởng khoa học, một luận án tiến sĩ có vấn đề, một công trình du lịch tâm linh, một phát ngôn đi ngược lại đa số… đều có thể trở thành mục tiêu cho sự trù dập. Vũ khí ở đây không phải là súng nước, thước kẻ, đạn giấy mà là những like và share, những hình ảnh đả kích và ngôn ngữ cay nghiệt. Không cần “trùm chăn” hay “lấy áo che mặt”, đám đông trù dập trên mạng xã hội có thể tự tin phát ngôn bất cứ điều gì, quy tội bất cứ ai, theo cảm xúc riêng của họ. Người ta cũng tự cho mình quyền đấu tố người khác, ngay cả khi chưa hề biết gì về họ, về lĩnh vực của họ. Giả như, đấu tố sách giáo khoa Công nghệ giáo dục khi chưa bao giờ nhìn thấy nó, đấu tố chùa Tam Chúc khi chưa bao giờ đặt chân đến đó, đấu tố những đi xuống của “nghành giáo dục” làm hỏng nét đẹp của tiếng mẹ đẻ trong khi chữ “ngành” cũng không viết đúng chính tả...
Và trong khi câu chuyện của “cô giáo bị trù dập” vẫn chưa khép lại, thì vòi tấn công của đám đông lại đang hướng đến một con mồi tiếp theo: những học sinh phổ thông đoạt giải Khoa học kỹ thuật Quốc gia với những công trình bị trù dập vì “cao siêu và rỗng tuếch”. Thiết nghĩ, cùng lên tiếng trước sự phải trái là điều chính nghĩa, song nếu đi sai, đi quá một bước, cộng đồng công bình sẽ trở thành đám đông tàn nhẫn và u mê.
Thái Văn
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...