Thứ sáu, ngày 27 tháng 12 năm 2024
12:35 (GMT +7)

Đại dịch COVID-19, đại dịch… rác thải nhựa

Rác thải nhựa là vấn nạn, hay nói đúng hơn là một cuộc khủng hoảng môi trường nghiêm trọng mà cả thế giới đã, đang phải loay hoay tìm cách giải quyết trong nhiều thập kỷ qua. Việc này vốn đã chẳng dễ dàng, nay lại càng chồng chất khó khăn và thách thức khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Khủng hoảng rác thải nhựa trên toàn thế giới trong và hậu COVID-19, được dự báo sẽ tiếp tục “leo thang” trầm trọng, cao hơn gấp nhiều lần trước đó.

Có thể thấy, nguyên nhân làm gia tăng loại rác thải này, bắt nguồn từ sự thay đổi hành vi tiêu dùng của người dân trong đại dịch COVID-19, khi hình thức bán hàng online lên ngôi, việc đóng gói thực phẩm bằng túi nilon và đồ nhựa dùng một lần trở nên phổ biến. Ngay như Singapore được mệnh danh là đất nước sạch nhất thế giới, nay cũng đứng trước khó khăn trong việc giải quyết rác thải nhựa. Chỉ tính trong thời gian 8 tuần thực hiện giãn cách xã hội, 6 triệu dân của nước này đã xả thêm gần 1.500 tấn rác thải nhựa chỉ riêng cho việc đóng gói thực phẩm. Sự gia tăng này được lý giải, là do người tiêu dùng cảm thấy an tâm hơn khi sử dụng túi nilon và đồ nhựa dùng một lần trong thời gian dịch bệnh bùng phát.

Còn tại Việt Nam, theo một thống kê cho thấy, mỗi ngày ước tính cả nước có khoảng 2.500 tấn rác nhựa thải ra môi trường. Đó là con số trước khi có dịch bệnh. Còn trong thời gian này, khi người dân phải thực hiện các nghị định về cách ly xã hội, lệnh phong tỏa thành phố, cụm dân cư; trong bối cảnh mọi hoạt động kinh doanh dịch vụ gần như đóng cửa, việc mua đồ ăn trực tuyến và giao tận nơi bùng nổ, cùng với đó là lượng rác thải (túi nilon và hộp xốp/nhựa) đựng bữa ăn cho F0, F1, F2... cũng như lực lượng phục vụ tại các khu cách ly tập trung, trung bình mỗi ngày hàng trăm (vài trăm) ngàn hộp, đã khiến lượng rác thải nhựa tăng lên nhanh chóng.

Cốc nhựa dùng một lần được thải ra môi trường ngay sau khi sử dụng (ảnh minh họa, nguồn: internet)

Trong điều kiện bình thường, chúng ta rất ít (hiếm) người có thói quen mang vật dụng cá nhân/gia đình đi mua/đựng thức ăn. Do đó, các cửa hàng phải có túi, hộp đựng cho khách là đương nhiên. Nay trong bối cảnh dịch giã, có rất nhiều khách đặt hàng online, việc sử dụng đồ nhựa dùng một lần vừa rẻ vừa tiện lợi, dường như là giải pháp hữu dụng nhất của các hàng quán. Một đơn hàng giao đồ ăn qua mạng có thể tạo ra ít nhất 5 chất thải nhựa rắn như: túi nilon (xách ngoài), hộp xốp/nhựa dẻo (đựng đồ ăn), bịch gia vị, ly nhựa (đựng canh/súp), các dụng cụ ăn uống (ống hút, muỗng, dao, nĩa nhựa). Dẫu người bán biết mười mươi việc sử dụng đồ nhựa là không an toàn, nhưng nếu dùng các vật dụng thân thiện với môi trường (ống hút giấy/tre, hộp bã mía, túi giấy…) thì chi phí lại khá cao. Làm thế nào để có thể vừa sử dụng vật dụng an toàn, vừa không tăng giá bán, quả là bài toán khó với họ.

Bên cạnh rác thải nhựa trong sinh hoạt, tiêu dùng, thì sự gia tăng một lượng lớn rác thải y tế cũng là mối đe dọa khủng khiếp. Đó là các vật dụng phòng chống dịch như khẩu trang, găng tay, tấm che giọt bắn, đồ bảo hộ; các sản phẩm làm từ nhựa phục vụ công tác phòng chống, xét nghiệm và chữa bệnh; thiết bị bảo hộ cá nhân dùng một lần (PPE) đang đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống lại sự lây lan của COVID-19… “Chưa có tính toán chính xác về tổng lượng chất thải y tế trên toàn cầu từ khi COVID-19 trở thành đại dịch, nhưng thông tin từ các quốc gia và vùng lãnh thổ cho thấy sự gia tăng chóng mặt so với trước đó. Theo tờ The Verge (trang thông tin công nghệ Mỹ), chỉ tính riêng tại Vũ Hán (Trung Quốc), nơi khởi phát dịch bệnh, lượng rác thải y tế tại các bệnh viện đã tăng gấp 6 lần so với trước khi khủng hoảng xảy ra, ước tính mỗi ngày có tới 240 tấn rác. Đó chỉ là con số tại các bệnh viện ở một thành phố 11 triệu dân của Trung Quốc” (theo baochinhphu.vn).

Bên cạnh rác thải nhựa trong sinh hoạt, tiêu dùng, thì sự gia tăng một lượng lớn rác thải y tế cũng là mối đe dọa khủng khiếp (ảnh minh họa, nguồn: internet)

Đồ nhựa dùng một lần quả thật rất tiện lợi và rẻ, nhưng chúng tạo nên các loại rác không tái chế được, không thể tiêu hủy trong vài trăm năm. Theo dữ liệu nghiên cứu của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), thì có khoảng 75% rác thải nhựa phát sinh từ đại dịch COVID-19 có thể kết thúc vòng đời của mình dưới đáy biển, gây thiệt hại cho nghề cá, du lịch và vận tải đường biển khoảng 40 tỷ USD mỗi năm. Thiệt hại đó còn chưa tính toán hết các rủi ro mà rác thải y tế có thể gây ra như phát tán chất độc và nguồn bệnh do hoạt động xử lý, tiêu hủy bừa bãi. Và với nhu cầu sử dụng nhựa như hiện nay, việc tiêu hủy nhựa tới năm 2050 sẽ chiếm tới 12% lượng khí thải cacbon, làm hiệu ứng nhà kính trở nên trầm trọng hơn.

Sử dụng những hộp đựng thức ăn được làm bằng giấy, bã mía là một lựa chọn góp phần bảo vệ môi trường (ảnh minh họa, nguồn: internet).

Giải quyết vấn nạn rác thải nhựa vốn đã là một bài toán cũ và khó, nay lại càng nan giải hơn bởi sự ảnh hưởng của COVID-19. Có ý kiến cho rằng, việc chúng ta quay lại với thói quen lạm dụng sản phẩm dùng một lần đã khiến cho nỗ lực chung tay giảm rác thải nhựa dường như bị dập tắt. Nhận định khá bi quan, nhưng như thế không có nghĩa là chúng ta bế tắc trong khâu tìm kiếm các giải pháp nhằm giảm thiểu, thậm chí có thể ngăn chặn sự gia tăng rác thải nhựa. Chẳng hạn như: các hàng quán chủ động không đưa hoặc kêu gọi khách hàng không dùng nĩa, muỗng hay ống hút nhựa; có chính sách ưu đãi (giảm giá đồ ăn hoặc thức uống) nếu khách không lấy các vật dụng ấy; sử dụng loại hộp có nhiều ngăn để đựng chung cùng lúc nhiều thực phẩm thay vì đựng riêng lẻ…; dành thời gian phân tích (về sự tăng giá bán) và vận động khách hàng thay đổi thói quen sử dụng hộp đựng thức ăn có thể tái chế (khay giấy bạc), hoặc loại phân hủy sinh học được làm bằng giấy, bã mía…

Đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, bài toán rác thải nhựa tiếp tục phát sinh nhiều biến số. Nhưng nếu chúng ta có thật nhiều những hành động nhỏ vì môi trường và luôn thực hiện chúng một cách nghiêm túc, quyết liệt, tin rằng sẽ có sự thay đổi tích cực!

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Luật pháp có vô tình?

Xem tin nổi bật 1 tuần trước

Một cuộc cách mạng chưa từng có

Xem tin nổi bật 3 tuần trước

Sống chung với lũ

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Người dẫn đường và con đường đã mở

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Chủ nhật yên tĩnh – nghĩ và mong…

Xem tin nổi bật 4 tháng trước

Nhà văn và xuất bản sách

Xem tin nổi bật 5 tháng trước

Đạo đức người làm báo

Xem tin nổi bật 6 tháng trước