Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
22:18 (GMT +7)

Đặc sắc “Vũ khúc Tày” của Y Phương

(Đọc tập thơ song ngữ “Vũ khúc Tày” của Y Phương)

Nhà thơ Y Phương

VNTN - Y Phương là một trong số ít những nhà thơ xuất sắc của bộ phận thơ dân tộc thiểu số hiện đại nói riêng, của nền thơ Việt Nam hiện đại nói chung. Sau những tập thơ nổi tiếng: Tiếng hát tháng giêng; Đàn then; Thơ Y Phương; Nói với con…, Vũ khúc Tày là tập thơ mới nhất của nhà thơ người Tày này. Điểm đặc biệt ở tập thơ song ngữ Việt - Tày này là cả 108 bài thơ trong tập hầu hết đều là thơ tình. Thực ra, trong các tập thơ trước, ta đã gặp rải rác không ít những bài thơ tình của Y Phương. Vậy, nếu so sánh với những bài thơ viết về tình yêu lứa đôi, tình cảm vợ chồng, tình yêu quê hương của Y Phương trước đây, tập thơ tình này có gì khác biệt, có gì đặc sắc? Theo cảm nhận của tôi, tập thơ này có một số điểm đặc sắc và khác biệt sau đây:

1. Triết luận đôi khi ngậm ngùi về tình yêu chứ không chỉ mô tả đắm say về tình yêu.

Với bài thơ Em - Cơn mưa rào - Ngọn lửa in trong tập thơ Tiếng hát tháng giêng, chúng ta gặp những câu thơ tuyệt hay của Y Phương:

“Em về cấy gặt

Có em rồi làm ngắn ngày tháng chạp

Bàn tay mềm ra suối lại thơ ngây

Bàn tay mềm nẩy búp trên cây

 

Cầm ngọn khói dựng lên trời thẳng tắp”

Những câu thơ ấy diễn tả thật tài hoa một tình yêu nồng nàn, mang theo lòng biết ơn của nhà thơ dành cho nhân vật trữ tình “em” - người vợ: Bàn tay mềm mại kia, như có phép thần kì chạm vào cây thì búp non tơ nảy lộc - một hình ảnh tượng trưng cho sự sống, cũng bàn tay ấy “Cầm ngọn khói dựng lên trời thẳng tắp” - ngọn khói bếp tượng trưng cho hạnh phúc gia đình, nhờ có bàn tay em mà hạnh phúc được vẹn nguyên trước dông bão cuộc đời. Khi viết những câu thơ này, Y Phương còn rất trẻ.

Còn trong Vũ khúc Tày, khi tuổi trẻ đã đi qua, nhà thơ viết những bài thơ tình giản dị mà nặng trĩu hơn, đó là sự chiêm nghiệm về tình yêu, để từ đó dồn nén bao triết lý nhân sinh dù buồn đau vẫn lấp lánh hi vọng và niềm tin:

“Khi tình yêu mủn rồi

Những nụ hôn ra sao

Ồ không sao!

Khi mặt trời rời bầu trời

Những đứa con của họ bắt đầu chín”

 

         (Buồn lấp lánh)

Sự tiếp nối các thế hệ chính là sự tiếp nối tình yêu vĩnh hằng trong trái tim con người. Đó chính là triết lí mà Y Phương muốn gửi gắm qua chùm hình ảnh tượng trưng mang kích thước và sắc màu kì vĩ: cha mẹ như mặt trời với bầu trời. Khi mặt trời lặn vào bóng tối thì các con như những vì sao sẽ bắt đầu hành trình sống và yêu của mình. Bởi các vì sao đã nhận sự trao gửi ánh sáng từ mặt trời và bầu trời, để tạo ra một hành trình vĩnh cửu không bao giờ đứt quãng. Bài thơ Gọi vía của Y Phương trùng tên với một bài thơ nổi tiếng của một nhà thơ người Tày khác là Mai Liễu. Đọc gần hết bài thơ, ta vẫn tưởng Y Phương đang lặp lại tứ thơ của Mai Liễu: “trên đường đời gian khó, vía đã đi lạc mất rồi”, với Mai Liễu thì “chốn đô thành - ai gọi vía cho tôi?”, với Y Phương thì “thân xác này từng lên rừng xuống bể - gọi vía”. Nhưng khi đọc đến khổ thơ kết, ta mới ngỡ ngàng nhận ra sự chuyển hướng của tứ thơ, sự đa tình giấu kín của hồn thơ Y Phương:

“Giờ này

Thân xác tôi mỏi mệt

Vía ơi

Ơi vía

Về đi

Về đi mà

Về mau mà yêu nhau kẻo vía già”

 

(Gọi vía)

Đặc sắc của bài thơ nằm ở câu kết với ý nghĩa sâu xa: Sốt ruột không phải vì lo thân xác già mà lo hồn vía già không kịp yêu nữa. Đặc sắc ở triết lí hàm ẩn trong câu thơ: Hồn vía già thì tình yêu mới không còn nữa, đâu phải là chuyện tuổi tác hay thân xác. Yếu tố tinh thần mới quyết định chúng ta già hay trẻ và còn yêu thì còn trẻ bất cứ ở tuổi tác nào.

 

Với thể thơ tự do được sử dụng linh hoạt, với sự dồn nén suy tư trong câu chữ ngắn, hàm súc, kiệm lời, tình yêu quê hương, gia đình và lứa đôi trong tập thơ này của Y Phương là tình yêu ngẫm ngợi. Một số bài có hàm ẩn sự ngậm ngùi, tiếc nuối, mang theo những triết lý nhân sinh nhiều khi không mới mà vẫn khiến chúng ta giật mình bởi nhận ra cuộc đời và tâm hồn mình trong đó:

“Ta thương người cửa trước

Sao người mênh mông xa

Ta yêu người cửa sau

Sao người bung buồn ta”

 

(Bung buồn)

Hai câu đầu là hai câu trung bình, người làm thơ nào cũng viết được, nhưng chỉ cần một chữ lạ - động từ “bung” ở câu kết, cả khổ thơ đã sáng lên một vẻ đẹp tài hoa. Chúng ta chỉ nói đến “bung ngô” chứ chưa bao giờ nói “bung buồn” - “bung” là đun nấu thật kĩ, làm nhừ một loại thức ăn khó ninh nhừ (thường là hạt, quả). Vậy thì “người” là một đầu bếp vô tình nhưng kiên nhẫn, đời ta như chiếc nồi vô hình, nỗi buồn như những hạt ngô vô hình, thời gian như ngọn lửa vô hình “người” đã kiên trì “bung” cho nhừ nhuyễn nỗi buồn trong suốt cuộc đời “ta” đấy. Chưa có nhà thơ nào có cách viết mới và lạ đến thế.

 

Còn đây là những câu thơ có cách viết và vẻ đẹp tương tự như thế:

“Mặn ngọt không cùng nhà

Nhạt nhòa chung mái bếp

Tình yêu như tôi biết

Xò xè đời răng cưa”

 

        (Tình yêu răng cưa)

Hay là:

“Em ơi em

Tình yêu con đường dài

Càng đi càng biết mình

Càng cho càng đầy mãi”

 

 (Tình yêu càng cho càng đầy)

Thơ Y Phương giản dị như suối nguồn trong và sâu, nhìn xuống đáy thi thoảng gặp những hạt vàng lấp lánh - đó là những biểu tượng độc đáo có tính mơ hồ đa nghĩa. Người tri âm gọi đó là vàng mười. Người vô tình gọi đó là hạt cát. Nhưng chính những biểu tượng ấy là minh chứng cho tính hiện đại và cá tính sáng tạo, độc đáo của nhà thơ, bên cạnh tính truyền thống biểu hiện trong đề tài quen thuộc, trong hệ thống thi ảnh đậm sắc thái văn hóa miền núi nói chung, văn hóa Tày nói riêng như: “Gió thổi ớt vào mặt”; “Ai có thấy vía tôi lang thang đâu không?”; “Ta hát điệu Hà Lều - Cong vênh trời và đất”…

2. Đặc sắc ở một số thủ pháp nghệ thuật yêu thích quen dùng: Điệp cấu trúc và cách nói tăng cấp hay còn gọi là “Bồi thấn”

Trong bài thơ có nhan đề và tứ thơ, hình ảnh thơ độc đáo: Xé, nhà thơ đã sử dụng thủ pháp điệp cấu trúc “Ta nhớ - Ta quên - Ta yêu…” và cách nói tăng cấp để đẩy khát vọng yêu lên dần đến cao trào:

“Ta nhớ em đến chín

Ta nhớ em đến sống

Ta quên mình đang thai

Ta yêu em sớm mai

 

Ta yêu em trùng điệp…”

Và cao trào ấy lên tới đỉnh điểm qua một cấu trúc câu được điệp lại hai lần với cặp hình ảnh độc đáo có hai động từ vừa tượng hình vừa biểu cảm mạnh mẽ đến dữ dội:

“Ta xé thịt bắp đùi

 

Ta dâng lên em yêu”

Hai thủ pháp nghệ thuật kể trên cũng xuất hiện ở một loạt bài thơ khác trong tập thơ này:

“Khi lời nói bất lực

Lập tức

Âm nhạc xuất hiện

Khi âm nhạc bất lực

Lập tức

Em yêu xuất hiện

Khi em yêu bất lực

Lập tức

Sự im lặng xuất hiện…”

 

  (Cảm tác)

Hay là:

“Rơm

Tự làm đời mình tan nát

Rơm trở thành mùi thơm

Rơm tự làm đời mình tan nát

Để giữ nguyên những hạt vàng”

 

 (Những thiên thần của tôi từ rơm đi ra)

Trong bài thơ Ta lên xe đi chơi, cấu trúc “Đời ta như…” được điệp lại sáu lần:

- Đời ta như miếng bánh

- Đời ta như bình thở

- Đời ta những chuyến xe

Cấu trúc câu được điệp lại nhiều lần, lại được tổ chức theo nguyên tắc tương phản: khi không có bạn bè thì “miếng bánh” phải ăn dè, “bình thở” phải tiết kiệm, “những chuyến xe” đều mục nát phải giữ gìn; khi đã có bạn bè thì “quên luôn” miếng bánh, bình thở, còn xe thì “Gỡ nó xuống rồi bơm căng hơi”. Thơ viết về tình bạn của Y Phương làm ta xúc động bởi sự quên mình ấy.

 Với bài Trăng muộn, cấu trúc câu “Trăng muộn - Trăng không muộn” được điệp lại hai lần để tứ thơ được đẩy lên đỉnh điểm, từ “Sớm muộn do mắt người” đến “Dùm dìm trăng trôi qua muôn mây đen”.

 

Các bài thơ Nghĩ về nhau, Mưa ngâu, Lãi, Câm, Sa mạc yêu, Ngơ ngác… đều sử dụng rất thành công hai thủ pháp nghệ thuật trên để gửi tới người đọc những triết lí nhân sinh sâu sắc, cao đẹp về quê hương, người thân, về những vui buồn, được mất, vinh nhục của đời người. Và có lẽ bài thơ sử dụng thành công nhất hai thủ pháp trên là bài Chiết:

“Từ ngày tôi rời làng Tày

Xa hun hút

Xa thăm thẳm

Cứ thế miên man nhớ làng

Tôi mài tôi

Tôi đang nhỏ hơn một hạt bụi

Tôi sắp nhỏ hơn nửa hạt bụi

Nhỏ hơn

Nhỏ hơn nữa

Tôi tan loãng trong bầu không khí

(…)

Bỗng thấy

 

Chất Tày tôi đầy lên”

Cấu trúc “tôi mài tôi - tôi đang nhỏ…” cả trực tiếp và gián tiếp được điệp lại tới 6 lần để khẳng định một thực tế đáng buồn: Rời làng Tày về thành phố, đời sống đô thị đang mài mòn dần “tâm hồn Tày” trong nhà thơ. Cách nói tăng cấp liên tiếp đẩy sự mài mòn nhỏ dần ấy đến tận cùng: “Tôi đang nhỏ hơn một hạt bụi” - sắp nhỏ hơn nửa hạt bụi - nhỏ hơn - nhỏ hơn nữa…”. Và khi chạm đến tận cùng của sự mài mòn ghê gớm thì “tôi tan loãng trong bầu không khí”. May mắn thay, đến khổ kết của bài thơ một sự hồi sinh kì diệu đã xuất hiện, gặp lại quê hương, gặp lại tiếng nói thân thương ấy thì “Bỗng thấy - chất Tày tôi đầy lên”. Nguyên tắc tương phản được sử dụng biến hóa, linh hoạt cũng là một nét đặc sắc trong tập thơ này của Y Phương.

Còn rất nhiều điều để viết về những đặc sắc trong Vũ khúc Tày của Y Phương như yếu tố tự sự, nguyên tắc tương phản, những bước “nhảy cóc” về liên tưởng, những từ mới và lạ, nguyên tắc tổ chức tứ thơ, tâm trạng “tha hương”… mà một bài viết không thể ôm chứa hết. Nhưng nổi bật trong tập thơ này là một tâm thế khát khao yêu thương, đa phần hồi cố, hoài niệm để bâng khuâng trân trọng, pha chút ngậm ngùi, một phần nhỏ dành cho tình yêu trong hiện tại vẫn cháy rừng rực một ngọn lửa trẻ trung và mãnh liệt. Không thể không nhắc tới trong Vũ khúc Tày có một số lượng bài thơ không nhỏ viết về quê hương và con người miền núi với bao ngợi ca và tự hào. Nhưng sâu thẳm trong bài ca song ngữ Vũ khúc Tày này, rất kín đáo và không dễ nhận ra là nỗi cô đơn của một thi sĩ đã tự gọi mình là “Người đá”, “Người sông”, “Ông già trăm năm cô đơn”… Điều đáng quý và đáng trân trọng là nỗi cô đơn ấy cũng như suối nguồn Cao Bằng quê hương ông: Suối dù vui hay buồn, giận hay thương, khổ đau hay hạnh phúc đều trong vắt, mát lành!

Ngày Đông chí năm 2015

 

Nguyễn Đức Hạnh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy