Cuộc chiến ở bên kia biên giới
(Đọc Apsara dưới trăng, tiểu thuyết của Đào Nguyên Hải)
VNTN - Đào Nguyên Hải là một cây bút đang thời kỳ sung sức của văn xuôi Thái Nguyên. Tuy mới nổi lên trong vài năm gần đây, nhưng thực tế thì anh đã viết văn từ những năm tám mươi. Năm 1984 anh đã nhận được giải Ba cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Năm 1985, anh đoạt giải Nhì cuộc thi truyện ngắn tỉnh Bắc Thái. Những năm sau đó anh tham gia quân đội, rồi đi chiến trường Campuchia, cuộc đời binh nghiệp gian khó, không có điều kiện viết tiếp. Gần đây, khi cuộc sống yên ả, anh đã cho công bố hàng loạt truyện ngắn trên các báo trung ương và địa phương. Và anh đã được giải Nhì truyện ngắn Báo Văn nghệ Thái Nguyên. Tập hợp các truyện ngắn đã đăng, anh xuất bản tập “Hoa tường vi”. Với tập truyện này, năm 2017 anh đoạt giải thưởng của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam.
Apsara dưới trăng là cuốn tiểu thuyết đầu tay của Đào Nguyên Hải. Nó như một cuốn tự truyện của đời mình trong những ngày chiến đấu ở bên kia biên giới.
Khi tôi đọc cuốn tiểu thuyết này, một phần vì tò mò về nội dung cuốn sách, một phần vì muốn xem “tay nghề” của tác giả. Nhưng rồi tôi bị cuốn hút ngay vì cái văn của tác giả giản dị chân thành, hiền lành mà hấp dẫn. Cái gì viết từ tâm ra bao giờ cũng thuyết phục độc giả là như vậy.
Cuộc chiến đấu của bộ đội ta giúp bạn chống lại bọn Pôn Pốt vô cùng gian khổ và khó khăn, chịu nhiều sự hy sinh xương máu để cứu một dân tộc đang bị hủy diệt thì không thể tránh khỏi sự ác liệt, cái sống và cái chết vô cùng mong manh.
Đó là một chế độ mà sinh mạng của người dân không còn được coi là gì cả. Chúng dồn dân vào rừng rồi đánh, đập đầu cho chết. Những đứa trẻ con bị chúng xé xác, khiến trong bản không còn một tiếng trẻ con nào. Người dân Campuchia chìm đắm trong đau thương và tang tóc.
Bộ đội tình nguyện Việt Nam sang giúp bạn trong hoàn cảnh như vậy, nên không tránh khỏi những hy sinh và gian khổ. Bọn tàn quân Pôn Pốt lợi dụng địa hình quen thuộc thường tổ chức những cuộc bao vây, đánh lén, rình mò làm cho lực lượng của ta tổn thương khá nhiều.
Ngoài mô tả cuộc chiến đấu chung của bộ đội tình nguyện Việt Nam giúp bạn chống lại Pôn Pốt, tác giả đi sâu vào công việc đặc thù của một Bệnh xá quân y tiền phương ở mặt trận. Các thầy thuốc còn phải giúp nhân dân địa phương cùng chống giặc, và những hoạn nạn, ốm đau liên tục xảy ra trong chiến tranh.
Các thầy thuốc đã cứu sống ba cô gái đã kiệt sức trong hang núi, do trốn bọn lính Pôn Pốt định bắt họ dâng lên làm quà cho Lục thum (bọn cầm đầu); mổ thành công một phụ sản, cứu một cháu bé sơ sinh, trong lúc dân bản và sư sãi đang quỳ ở ngoài sân, mong cho cháu bé ra đời được mẹ tròn con vuông; đón bệnh nhân vào điều trị, cho thuốc chữa bệnh, đặc biệt là bệnh sốt rét đã cướp đi nhiều người chẳng khác gì súng đạn. Rồi những cuộc chiến mà các chiến sĩ tình nguyện đã hy sinh thân mình cho sự sống của những người dân chưa hề quen biết… Những việc làm ấy đã để lại tình cảm sâu đậm của nhân dân địa phương với các chiến sĩ tình nguyện. Họ quý mến bộ đội Việt Nam đã mang lại sự hồi sinh cho người dân trong Phum của họ.
Trong tình cảm chung ấy, tác giả đã đi sâu vào diễn tả tình yêu của bác sĩ Hải với cô gái Sara; giữa bác sĩ Sấn và cô Bopa; giữa chiến sĩ Hoàng Yến và một cô gái cũng có tên một loài hoa đẹp của Campuchia, hoa Sara.
Sara yêu bác sĩ Hải đến sẵn sàng hy sinh cả tính mạng của mình. Cô đã nằm đè lên bác sĩ Hải đề tránh đạn cho anh trong một trận bị địch phục kích. Khi Hải bị thương thì cô Sara đã luôn bên cạnh giường bệnh. Và chính cô Sara đã làm nên điều kỳ diệu cho Hải không bị thần chết lôi đi. Ngày chia tay, Hải phải đi sâu vào chiến dịch, Sara gục đầu vào Hải thổn thức. Cô tặng anh chiếc khăn cà ma ướt đầm nước mắt, và tình yêu này được tác giả tả lại nhiều lần trong tác phẩm. Cho đến hết cuộc chiến, dù không gặp lại nhau nhưng tình yêu ấy vẫn nồng nàn trong lòng người chiến sĩ tình nguyện. Anh hình dung Sara trong điệu Apsara lấp lánh dưới trăng, đang cùng mình say điệu múa huyền thoại ấy. Anh luôn nhớ “Sara là một loài hoa trong chùa, một loài hoa linh thiêng. Ngửi hương hoa này con người trở nên rộng lòng tha thứ, trai gái yêu nhau hơn, kẻ ác thì biết sám hối”.
Cô Bopa thì yêu bác sĩ Sấn luôn cháy bỏng và chân thành. Nhưng rồi bác sĩ Sấn đã hy sinh trong một trận bị bọn Pôn Pốt tấn công vào bệnh xá. Cô gái đã chan chứa nước mắt mà mơ ước, giá như không có chiến tranh, đừng có tiếng súng thì cô sẽ không mất đi hạnh phúc của mình. Nhưng mơ ước của cô đã không thành sự thật. Quy luật của chiến tranh là như vậy.
Tiểu thuyết cũng đề cập đến những tình cảm thiêng liêng giữa các chiến sĩ tình nguyện với gia đình ở hậu phương và tình đồng đội cao cả.
Do cuộc chiến ở bên kia biên giới nên những người lính tình nguyện luôn nhớ gia đình cồn cào, nhớ mẹ già, vợ con. Nhớ người yêu da diết trong cái đêm hẹn hò ngoài cánh đồng, có vị lá thuốc lào say say trong gió, nhớ cái khờ dại của tuổi trẻ mà lúc chia tay người yêu vẫn chưa được hôn một lần nào để đến khi hy sinh mà chưa được hưởng cái hương vị nồng nàn của tình yêu. Nhớ những ngày tết ở quê nhà khi hoa đào, hoa cúc đua nhau nở, cây quất đã vàng rực sắc xuân. Những người lính ở đây, ngày tết, mỗi người được chia 5 gói mì Miliket, hai gói bột cá mặn và một bao thuốc lá hoa mai, cùng thưởng thức một ấm trà hiếm hoi của quê hương gửi sang. Họ ngả quà tết ra cùng chung vui. Nhưng rồi lại có thương binh về, đành bỏ lại mâm “cỗ tết” mà đi làm nhiệm vụ.
Tình đồng đội nơi đất bạn được miêu tả vô cùng cảm động. Các thương binh đưa về bệnh xá, đều được chăm sóc tận tình trong hoàn cảnh có thể. Nếu chân bị thương bị cắt thì cố gắng giữ lại cái khớp gối để rồi sau này còn có cơ đi lại được. Tôi rất cảm động hình ảnh một người lính không hề do dự băng qua bãi mìn để ngăn chặn tránh cho người dân khỏi gặp nạn. Nhưng mìn đã nổ. Anh ấy bị nát chân và làm mất đi cái quý giá của đàn ông. Thương binh ấy có hỏi thì vị bác sĩ đành nói dối là “cái ấy” vẫn còn, vì cả gia đình anh ấy chỉ mong có một đứa cháu để nối dõi tông đường. Nếu nói thật thì e rằng người lính ấy không còn hy vọng gì để sống. “Đó là lời nói dối đẹp nhất thế gian này”.
Mọi người trong Bệnh xá tiền tiêu ấy làm việc với hoàn cảnh vô cùng khó khăn, thiếu thốn mọi bề nhưng họ đã làm nên những điều tưởng như không thể. “Bác sĩ phi thường, bệnh nhân phi thường và làm nên những điều phi thường”.
Phần cuối truyện, tác giả đã nói về mối tình của cô gái cũng có tên loài hoa Sara, cùng anh lính tình nguyện có tên Hoàng Yến đã nên duyên và cho kết quả một cô gái có cái tên thật đẹp: Hoàng Yến Sara, để rồi sau này cô gái trở thành hoa hậu xứ trà. Cái kết của tình yêu cũng là cái kết của mối tình gắn bó hai dân tộc Việt Nam - Campuchia mãi vững bền, đó là lòng mong muốn của nhân dân hai nước.
Chỉ những người trong cuộc mới viết nên những trang văn chân thật, sống động như thế, và Đào Nguyên Hải đã có những thành công nhất định.
Phạm Đức
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...