Cứ viết đi, đừng tự trói buộc mình!
Trong khuôn khổ Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X do Hội Nhà văn tổ chức tại Đà Nẵng (diễn ra ngày 18, 19/6/2022), sáng 19/6 đã diễn ra hai hội thảo về thơ và văn xuôi với chủ đề “Vì sao chúng ta viết”. Tại đây, nhiều vấn đề đã được các nhà văn, nhà thơ tiền bối cùng các đại biểu trẻ chia sẻ, trao đổi, qua đó khích lệ, động viên những người viết trẻ tiếp tục thắp lên ngọn lửa đam mê trong lòng để vững bước trên con đường văn chương vốn gập ghềnh và đầy chông gai.
Tạp chí VNTN giới thiệu bài viết của tác giả trẻ Nguyễn Bích Hồng (đại biểu của tỉnh Thái Nguyên tham dự Hội nghị) về Hội thảo Văn xuôi.
Cởi bỏ mọi rào cản để tự do sáng tạo
Đó có lẽ là điều được chia sẻ, nhận định nhiều nhất tại Hội thảo Văn xuôi trước những trăn trở làm sao để vượt qua những định kiến, những đường biên, những rào cản mà người viết trẻ tự đặt ra cho mình?
Các nhà văn: Nguyễn Ngọc Tư, Lê Vũ Trường Giang, Nguyệt Chu, Nguyễn Đình Minh Khuê, Trần Đức Tĩnh (từ trái qua) đồng chủ tọa tại Hội thảo Văn xuôi
Liệu người trẻ có thật sự được tự do viết? Có dám viết những điều mình mong muốn hay vẫn bị chi phối bởi sự đón nhận của độc giả, sự đánh giá của giám khảo trong các cuộc thi văn chương?; Dường như có “cái biên” giữa các thể loại văn học và đến bao giờ “cái biên” ấy mới được dỡ bỏ để các thể loại văn học được tự do bay lên? - là những câu hỏi được đặt ra bởi hai tác giả trẻ Phát Dương và Mạc Yên đến từ TP. Cần Thơ.
Nhà văn trẻ Phát Dương với nỗi băn khoăn: “Liệu người trẻ có thật sự được tự do viết?”
Chia sẻ với các cây bút trẻ, nhà văn Khuất Quang Thụy - người gắn bó với nghiệp viết đã hơn 40 năm nhận định: “Bà đỡ, kẻ cứu cánh cho người viết suy cho cùng là tự do. Vậy nên các bạn đừng tự kiểm duyệt mình, đừng hạn chế tự do sáng tạo”.
Nhà văn Nguyễn Bình Phương (Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội) cũng cho rằng: “Những cuốn sách gai góc đều đã được xuất bản, những tác giả gai góc như Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh… đều đã xuất hiện và có chỗ đứng trên văn đàn. Vậy nên chúng ta hãy viết hết mình, thoát ly tất cả và không có rào cản nào”.
“Hãy viết hết mình, thoát ly tất cả và không có rào cản nào”, nhà thơ Nguyễn Bình Phương chia sẻ tại Hội thảo Văn xuôi
Quan điểm người viết cần cởi bỏ mọi rào cản để tự do sáng tạo của hai nhà văn tiền bối được nhiều nhà văn, tác giả trẻ đồng tình: “Chúng ta được tự do sáng tạo, vậy nên đừng tự tạo cái vòng kim cô cho mình!” (nhà văn Lê Vũ Trường Giang - Huế); “Rào cản đầu tiên và đáng sợ nhất với người viết là tự mình rào cản chính mình!” (tác giả trẻ Lê Quang Trạng - An Giang).
Thành danh khi mới ngoài đôi mươi, nữ nhà văn Đất Mũi Nguyễn Ngọc Tư đến nay đã sở hữu một sự nghiệp văn chương và giải thưởng đáng kể, là gương mặt người nổi tiếng được đông đảo công chúng và bạn đọc yêu mến. Trao đổi với vấn đề Phát Dương đặt ra, tác giả “Cánh đồng bất tận” bày tỏ: việc quan sát thế hệ đi trước nghĩ gì về mình, giám khảo đánh giá thế nào, công chúng đón nhận ra sao… là những thứ ngoài tầm kiểm soát, không nên là mối bận tâm của người viết. Thay vào đó hãy quan tâm đến việc làm thế nào để viết thật tốt.
Còn trả lời câu hỏi của Mạc Yên, nhà văn trẻ Nguyệt Chu (Hà Nội) cho rằng: Không có ai đặt ra biên cho người viết cả. Người viết có quyền viết về bất cứ điều gì mà mình quan tâm, tâm đắc. Bởi viết là lựa chọn riêng của bản thân mỗi người cầm bút. Chọn rồi thì hãy đi tới tận cùng ước muốn, đam mê của mình.
Hãy lặn sâu vào đời sống và viết theo cách của riêng mình
Cùng với việc phải vượt qua những định kiến, rào cản để tự do sáng tạo, thì vấn đề làm thế nào để có được những tác phẩm văn chương có giá trị, mang chiều sâu tư tưởng cũng là điều được các cây viết trẻ quan tâm.
Tác giả trẻ Mạc Yên cho rằng dù viết bằng bất kì hình thức hay thể loại nào thì đích cuối cùng của văn học nghệ thuật vẫn phải thể hiện được tư tưởng.
“Viết là một hành trình tư tưởng”, nhà văn trẻ Nguyệt Chu khẳng định. Song chị cũng chia sẻ mỗi nhà văn đều có quan điểm nghệ thuật riêng, có thể được bộc lộ trực tiếp cũng có thể là gián tiếp. Vậy nên khi viết đừng quá đặt nặng vấn đề phải thể hiện tư tưởng thế nào mà hãy cứ viết, trong quá trình viết và trong các tác phẩm tự nó sẽ thể hiện, bộc lộ ra tư tưởng của người viết.
Tiếp nối mạch trao đổi về vấn đề tư tưởng, tác giả trẻ Vân Khánh của đất Đà Thành cũng bộc bạch suy nghĩ: Tư tưởng của người viết không có bày biện ra như một mâm cơm để mọi người thưởng thức, mà cái xuất sắc của người viết là giấu nó đi, để những điều muốn nói, muốn truyền đạt, gửi gắm nó trở nên tự nhiên như hơi thở vậy.
“Chuyện mình có tư tưởng gì, thuộc trường phái nào, chuyện đó nó thuộc về các nhà phê bình văn học. Còn việc của mình là viết sao cho tốt mà thôi”, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư nói.
Mỗi người viết cần quan tâm đến giá trị tác phẩm của mình. Rằng nó đã thực sự là vẻ đẹp văn chương, là giá trị mang lại cái tốt đẹp cho xã hội? Bởi nếu không, tác phẩm tự khắc bị đào thải, đó là quy luật. Nhà văn Lê Vũ Trường Giang chia sẻ: “Chúng ta phải sống thật sâu để lắng nghe bi kịch của đời sống, bi kịch của con người. Phải trải nghiệm bằng tất cả các giác quan và nuôi dưỡng cảm xúc chân thành bằng cách sống thực với đời sống này. Hãy quan tâm tới những điều giản dị nhất, những giá trị tồn tại, hiện diện trong con người chúng ta thay vì lao vào những điều quá lớn lao, vượt tầm sức. Chúng ta đừng mặc chiếc áo quá rộng so với bản thân mình. Mỗi chúng ta là một con trai có hạt ngọc của riêng mình, hãy mài rũa nó!”.
Đồng tình với quan điểm của nhà văn xứ Huế rằng “Phải biết lắng nghe bi kịch của đời sống”, nhà văn Bích Ngân (Chủ tịch Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh) nói: Những tác phẩm vĩ đại nhất của thế giới đều viết về bi kịch của con người. Và để lắng nghe bi kịch của đời sống đòi hỏi ở người viết rất nhiều: đòi hỏi trí, đòi hỏi tâm, lúc nào cũng phải đau đáu về đời sống, về số phận con người. Nó biến thành ám ảnh và nó thôi thúc, gợi mở hướng đi cho người viết.
Nhà văn Bích Ngân chia sẻ cùng các tác giả trẻ tại Hội thảo Văn xuôi
Cùng với các nhà văn Khuất Quang Thụy, Nguyễn Bình Phương, Bích Ngân… chia sẻ với tư cách những người đi trước, nhà văn Y Ban - một trong những nữ nhà văn gai góc và cá tính của làng văn Việt Nam cũng đưa ra những lời nhắn nhủ với các cây bút trẻ: “Chúng ta viết văn giống như chúng ta đi vào khu rừng riêng biệt của mình. Trong khu rừng ấy, chúng ta tự hãy khai phá con đường đi cho mình”. Nhà văn cũng giãi bày rằng những người viết văn mang nặng một thân phận khủng khiếp mà nếu không viết ra đầu óc họ sẽ nổ tung, sẽ làm điều gì đó gớm ghiếc lắm. Thế cho nên họ buộc lòng phải mượn con chữ, sống cùng con chữ. “Cho dù không phải tất cả chúng ta đều thành công trên con đường mình chọn nhưng có một việc chúng ta đã làm được, đó là tự cứu rỗi mình. Bởi tất cả những người làm văn chương đều là những con người tử tế nhất, nhân văn nhất, bảo chúng ta có làm được cái ác không, chúng ta chẳng làm được đâu!”, nhà văn Y Ban nói.
Mỗi người viết có một hành trình riêng đến với văn chương. Và con đường văn chương của mỗi người cũng có nỗi nhọc nhằn riêng - mỗi người đau một nỗi đau riêng, trăn trở với một nỗi niềm riêng. Góp mặt tại Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X, cùng nhau trao đổi, chia sẻ, nói lên ý kiến, tâm tư, trăn trở xoay quanh chủ đề “Vì sao chúng ta viết” là cách những người trẻ cùng nhau thắp lên ngọn lửa đam mê trong lòng mình, để tiếp tục viết, tiếp tục đi trên con đường chữ nghĩa vốn đầy chông gai mà mình đã chọn lựa.
Bích Hồng
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...