Covid-19 với sự gia tăng nợ xấu của ngân hàng
Dịch COVID-19 xuất hiện không chỉ khiến các ngân hàng khó tăng trưởng dư nợ cho vay, mà còn đứng trước nguy cơ gia tăng nợ xấu. Nếu như trước năm 2020, tỷ lệ nợ xấu trên địa bàn tỉnh thường ở mức 0,7 - 0,8% trên tổng dư nợ, thì tính đến đầu tháng 7/2021, tỷ lệ này đã lên mức trên 1,1%. Và theo nhận định của đại diện lãnh đạo nhiều ngân hàng trên địa bàn tỉnh, nợ xấu sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.
Theo ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh: Nợ xấu thường lộ diện chậm hơn một bước và có độ trễ rất dài nên đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp bắt đầu rơi vào tình trạng đuối sức, mất khả năng trả nợ. Tính đến tháng 7/2021, tổng nợ xấu trên địa bàn tỉnh là 742 tỷ đồng, chiếm 1,11% tổng dư nợ. Tuy so với mặt bằng chung toàn ngành, nợ xấu trên địa bàn tỉnh thấp hơn đáng kể, song lại tăng tới gần 300 tỷ đồng so với cuối năm 2019. Có nhiều nguyên nhân khiến nợ xấu gia tăng trong thời gian qua. Trong đó, dịch COVID-19 kéo dài, phức tạp được xem là một trong những nguyên nhân chính. Cùng với đó là dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm khiến nhiều người chăn nuôi trang trại, gia trại bị thua lỗ, mất vốn. Ngoài ra, giá cả leo thang của các mặt hàng vật liệu xây dựng cũng dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực kết cấu, xây lắp…
Đồng tình với quan điểm này, ông Hà Mậu Quý, Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) Chi nhánh Thái Nguyên phân tích: Dịch COVID-19 đã khiến phần lớn hoạt động kinh tế bị ảnh hưởng, nhất là trong các lĩnh vực: Vận tải, nhà hàng, khách sạn, du lịch, nông nghiệp, xuất nhập khẩu… Đáng chú ý là đợt dịch lần thứ tư, kể từ cuối tháng 4/2021 trở lại đây. Dịch đã khiến một số nhà máy trên địa bàn tỉnh phải ngừng sản xuất do công nhân bị nhiễm COVID-19 hoặc có nhà máy không xuất khẩu được do phụ thuộc vào đối tác đang bị ảnh hưởng bởi dịch. Trong bối cảnh này, BIDV Thái Nguyên cũng đã và đang chịu ảnh hưởng không nhỏ. Tính đến cuối tháng 7, tỷ lệ nợ xấu của Chi nhánh là 52 tỷ đồng. Tuy chỉ chiếm 0,4% trên tổng dư nợ, song so với đầu năm thì tăng tới 3,5 lần. Ở một góc độ khác, ông Hà Mậu Quý cũng cho rằng: Mặc dù BIDV Thái Nguyên hiện có tổng dư nợ lên tới 13.339 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm, nhưng mức tăng này không bền vững. Trong khi đó, đây là chi nhánh có số dư nợ cho vay doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh lớn nhất trên địa bàn tỉnh và chiếm tới khoảng 90% tổng dư nợ của Chi nhánh.
Làm rõ hơn về những khó khăn mà doanh nghiệp đã và đang phải đối mặt, ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại và Du lịch Hà Lan chia sẻ: Dịch COVID-19 đã khiến cho phần lớn doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải nói riêng trở nên điêu đứng. Nhiều tháng nay, chỉ khoảng 1/3 số xe của Công ty hoạt động nhưng công suất cũng chỉ bằng 30% so với bình thường. Hiện chúng tôi đang rơi vào tình cảnh càng hoạt động, càng thua lỗ nhưng vẫn phải chấp nhận chỉ vì để giữ chân khách hàng, nếu không, Công ty sẽ bị phá sản. 2/3 số xe còn lại, tương ứng với hàng trăm xe của Công ty phải nằm phơi mưa, phơi nắng từ nhiều ngày nay dưới nền nhiệt độ cao.
Thực trạng này cũng khiến Công ty chịu thêm những thiệt hại vô hình do nội thất của xe nhanh bị hư hỏng. Trong khi đó, Công ty vẫn phải duy trì việc trả lương để giữ chân người lao động và nhiều khoản chi phí khác, trong đó có lãi suất ngân hàng. Nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài thì khoản vay gần 200 tỷ đồng mà Công ty hiện còn dư nợ rất dễ trở thành nợ xấu.
Còn theo bà Nguyễn Thị Thanh, giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh sắt thép, phường Gia Sàng, TP. Thái Nguyên chia sẻ: Mặc dù không bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch COVID-19 như vận tải, du lịch, khách sạn, nhà hàng… song với việc nhiều tỉnh, thành phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thì nhiều lĩnh vực khác như sắt thép cũng đã và đang chịu ảnh hưởng không nhỏ. Bà Nguyễn Thị Thanh phân tích: Với một lượng lớn khách hàng ở các tỉnh như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội nên khi những địa phương này thực hiện giãn cách đã khiến cho doanh số bán hàng của Công ty giảm mạnh. Cùng với đó là sự tăng giá đột biến của mặt hàng này cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến sức mua của thị trường. Những điều này làm cho người kinh doanh sắt thép không tránh khỏi những thiệt hại.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế cũng như lãnh đạo nhiều ngân hàng: Trong thời gian tới, nợ xấu của ngành ngân hàng sẽ còn tăng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 tiếp tục căng thẳng, kéo dài. Ngoài ra, do nhiều tỉnh, thành tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16, khiến việc đi lại, tiếp xúc của ngân hàng với khách hàng và các cơ quan hữu quan bị hạn chế, nên việc xử lý cũng sẽ trở nên khó khăn, phức tạp hơn.
Trước bối cảnh này, làm thế nào để kiềm chế nợ xấu, đang được các ngân hàng đặc biệt quan tâm. Theo ông Hà Mậu Quý và đại diện lãnh đạo một số ngân hàng: Giải pháp mà nhiều ngân hàng đang chú trọng thực hiện, đó là theo dõi sát sao tình hình diễn biến của dịch COVID-19, chủ động nắm bắt hoạt động sản xuất, kinh doanh của khách hàng; phân tích, đánh giá, dự báo mức độ thiệt hại của khách hàng do ảnh hưởng của dịch, nhất là những ngành, lĩnh vực có thể bị ảnh hưởng nhiều, nhằm kịp thời thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng theo quy định của pháp luật. Chủ động nhận diện các khoản nợ tiềm ẩn nguy cơ trở thành nợ xấu để có các giải pháp ngăn chặn nợ xấu mới phát sinh, đảm bảo kiểm soát tỷ lệ nợ xấu và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu theo đúng định hướng của Ngân hàng Nhà nước và hội sở chính; hạn chế tối đa và kiên quyết không để nợ xấu mới phát sinh. Thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo đúng các quy định tại Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 và các văn bản sửa đổi bổ sung nhằm giúp khách hàng có điều kiện thuận lợi vượt qua khó khăn. Ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp có hệ thống quản trị tốt, có khả năng phục hồi sản xuất, kinh doanh. Tiết giảm chi phí để tập trung hỗ trợ giảm lãi suất cho vay cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đối với các khoản vay hiện hữu và các khoản vay mới theo quy định của từng ngân hàng.
Có thể nói, với một ngành được ví như mạch máu của nền kinh tế, hoạt động của ngành ngân hàng luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp cũng như từng doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh quan tâm. Trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế hiện nay, chất lượng hoạt động của ngành ngân hàng nói chung, vấn đề xử lý nợ xấu nói riêng lại càng được xã hội quan tâm hơn bất cứ lúc nào vì nó không chỉ tác động trực tiếp đến hoạt động của bản thân doanh nghiệp, mà còn liên quan mật thiết đến việc thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch kinh tế - xã hội của địa phương, trong đó có vấn đề lao động, việc làm. Chính vì thế, việc xử lý nợ xấu như thế nào để vừa đảm bảo được lợi ích của ngân hàng, vừa giúp cho doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh duy trì được hoạt động sản xuất, kinh doanh, hạn chế tối đa tình trạng phá sản… đang rất cần sự hợp tác của cả ngân hàng và khách hàng. Cùng với đó là sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền trong việc giúp doanh nghiệp yên tâm, thuận lợi trong hoạt động. Chỉ khi tất cả cùng vào cuộc và cùng trách nhiệm thì khi đó nợ xấu của ngành ngân hàng mới được hạn chế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội cũng như thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch khác.
Hoài Vy
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...