COVID-19 và vaccine tự mỗi người
VNTN - Khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại ở trong nước, nhiều người trong chúng ta mới “sực nhớ ra”, rằng loại virus quái ác này chưa hề biến mất, thế giới vẫn đang phải hằng ngày hằng giờ gồng mình chống chịu với nó.
Trong bối cảnh buộc phải chờ đợi, sử dụng những liều vaccine do các đơn vị chuyên môn y tế nghiên cứu, sản xuất và cung cấp, thiết nghĩ rất cần nói về thứ “vaccine” mà chính mỗi người chúng ta có thể tự chuẩn bị cho mình - đó là ý thức về tính chủ động, trách nhiệm. (Ảnh minh họa, nguồn: Internet)
Khi số ca nhiễm và nghi nhiễm COVID-19 cũng như các vùng dịch được đều đặn cập nhật trong tin báo điện thoại trên tay, nhiều người trong chúng ta mới chợt nghĩ, rằng lẽ ra đợt nghỉ lễ vừa rồi mình không nên đi du lịch, gặp gỡ đông người, thì đến giờ đỡ phải lo lắng.
Khi điều không mong muốn nhất đã xảy đến là xét nghiệm COVID-19 cho kết quả dương tính, chắc hẳn mỗi người nhiễm mới ngẫm ngợi và mong muốn, rằng giá như trước đó mình được tiêm vaccine thì tốt biết bao.
Trong bối cảnh buộc phải chờ đợi, sử dụng những liều vaccine do các đơn vị chuyên môn y tế nghiên cứu, sản xuất và cung cấp, thiết nghĩ rất cần nói về thứ “vaccine” mà chính mỗi người chúng ta có thể tự chuẩn bị cho mình - đó là ý thức về tính chủ động, trách nhiệm. Đây có thể coi là những “kháng thể tinh thần” quan trọng để giúp ta phòng ngừa, giảm thiểu nguy cơ nhiễm và lây nhiễm, vượt qua một cách an toàn để tránh những hệ lụy khủng khiếp của COVID-19.
Chủ động bao giờ cũng là điều tốt bởi nó đem lại cho chúng ta những điều kiện thuận lợi nhất, khả năng sẵn sàng nhất trong mức độ có thể. Trong việc phòng, chống COVID-19, sự chủ động càng cần thiết hơn ở bất kì vấn đề nào khác. Trước hết, đó là việc chuẩn bị một nền tảng thể trạng tốt, có đủ sự mạnh mẽ dẻo dai nhất định để chống lại sự đe dọa của dịch bệnh. Sau nữa, đó là sự tìm tòi, nghiên cứu để có được những hiểu biết căn bản, cần thiết nhất về môi trường, cơ chế lây lan… của virus corona. Cụ thể hơn nữa, đó còn là việc thay đổi một số thói quen không tốt, thực hiện lối sống phù hợp hơn, như: Tạo một không gian sống, môi trường sống đảm bảo vệ sinh, khoa học, thông thoáng, tránh sự tù túng, ngột ngạt; giữ khoảng cách phù hợp trong khi giao tiếp trực tiếp, tránh sự tiếp xúc quá gần; hạn chế việc tham gia vào những cuộc gặp gỡ, tụ hội đông người không thật sự cần thiết…
Cần nói đến trách nhiệm của cơ quan chuyên môn, các cơ sở, trung tâm, bệnh viện, các y bác sĩ và nhân viên ngành y tế trong việc làm đúng làm đủ nhiệm vụ, làm một cách tận tâm tận tình vì sức khỏe của người bệnh và sự an toàn của cộng đồng. Nhưng có lẽ quan trọng nhất, phải nói đến trách nhiệm của tự thân mỗi người chúng ta. Trách nhiệm với bản thân, trách nhiệm với cộng đồng. (Ảnh minh họa, nguồn: Internet)
Trách nhiệm là điều vô cùng quan trọng, thậm chí không muốn nói là yếu tố mang tính quyết định đến hiệu quả của việc phòng, chống dịch bệnh. Trước hết, đó là trách nhiệm của các cơ quan quản lí nhà nước trong việc đưa ra những chính sách, phương án, quyết định đúng đắn và kịp thời. Sau nữa, cần nói đến trách nhiệm của cơ quan chuyên môn, các cơ sở, trung tâm, bệnh viện, các y bác sĩ và nhân viên ngành y tế trong việc làm đúng làm đủ nhiệm vụ, làm một cách tận tâm tận tình vì sức khỏe của người bệnh và sự an toàn của cộng đồng. Nhưng có lẽ quan trọng nhất, phải nói đến trách nhiệm của tự thân mỗi người chúng ta. Trách nhiệm với bản thân, trách nhiệm với cộng đồng. Nó thể hiện ở việc biết yêu quý và lắng nghe cơ thể, biết trân trọng và dõi theo sức khỏe, biết lo lắng cho sự an toàn của bản thân mình, thay vì để người khác phải nhắc nhở, khuyên nhủ, hỗ trợ. Nó còn là việc biết tôn trọng sức khỏe và sự an toàn của những người xung quanh, tuân thủ những quy tắc chung nơi công cộng, không gây ra những nguy cơ lây nhiễm cho người khác. Hạn chế liên quan các đầu mối có nguy cơ về dịch bệnh; nếu biết mình đã liên quan phải lập tức tránh tiếp xúc, khai báo và cung cấp thông tin để được hướng dẫn, hỗ trợ; nếu chẳng may bị nhiễm và nghi nhiễm phải tuyệt đối tuân thủ các yêu cầu của luật định… Những điều này hẳn không phải là quá khó thực hiện, vấn đề quan trọng là ta đã thực sự ý thức về trách nhiệm của mình hay chưa mà thôi.
Dưới cơn mưa tầm tã kèm sấm chớp ở TP. Thái Nguyên tối 10/5/2021, hình ảnh nữ cán bộ y tế vẫn đứng làm nhiệm vụ khiến nhiều cư dân mạng xúc động. (Ảnh: Beat Thái Nguyên)
Dịch bệnh là điều không ai mong muốn, nhưng sự xuất hiện, tồn tại của nó là điều không thể tránh khỏi. Lúc này là COVID-19, sau này có thể là những loại virus khác. Về lâu về dài mà nói, lúc này là dịch bệnh, sau này có thể là các vấn đề môi trường, hóa học, sinh học khác cũng phức tạp và đáng sợ không kém. Nhìn rộng ra nữa, những ẩn họa và bất trắc trong đời sống này là không bao giờ hết được, không lúc này thì lúc khác, không cách này thì cách khác, nó sẽ lại xuất hiện. Chúng ta không còn cách nào khác là phải đón nhận và đối diện, giải quyết nó như một vấn đề tất yếu. Vậy nên, thay vì nghĩ cách để né tránh được những điều không mong muốn, có lẽ tốt hơn là chúng ta nên chuẩn bị cách ứng phó với chúng.
Đôi lời góp bàn trên đây mới chỉ đặt ra những vấn đề xung quanh câu chuyện về “nhận thức”, còn câu chuyện hành động thực tế như thế nào thì lại cần bàn nhiều điều khác nữa. Chưa kể, như chúng ta đều biết, quãng đường từ nhận thức đến hành động bao giờ cũng xa và không dễ dàng chút nào.
Thái Văn
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...