Cốt cách chân thành, dung dị sẽ còn mãi
Nhận tin nhắn của chị Huyền ở Thái Nguyên báo tin nhà văn, nhà báo Lê Thế Thành đã mất, cảm giác đầu tiên ập đến trong tôi là sự hẫng hụt. Dẫu biết mấy năm nay ông đau bệnh, sớm muộn thì ngày biệt ly này cũng đến, nhưng không đừng được những nghẹn ngào, xót xa.
Nhà văn, nhà báo Lê Thế Thành
Tôi gặp ông năm 2015 để thực hiện bài phỏng vấn cho mục Khách mời của Văn nghệ Thái Nguyên. Nhưng trước đó tôi đã biết ông qua những lần gặp gỡ tại các sự kiện của cơ quan Hội Văn học nghệ thuật (ông là hội viên, nguyên Phó Tổng biên tập tờ Văn nghệ Bắc Thái), và qua những tác phẩm truyện ngắn, bút ký đăng trên báo Văn nghệ Thái Nguyên.
Tôi nhớ đó là một ngày se lạnh, đưa vào tay tôi cốc nước sấu nóng, sự hóm hỉnh, thân tình ông dành cho giúp tôi bớt phần lo lắng. Vì khi đó tôi mới làm nghề được 4 năm, không lo sao được khi người mà mình sắp “đối thoại” là một nhà báo kì cựu, một người viết đầy vốn sống, và là một người lính kinh qua cuộc chiến nữa. Năm ấy ông 75 tuổi, và sống một mình, vợ con ở trong Tân Cương, thỉnh thoảng mới ra vào thăm nom. Vậy nên ông cho sinh viên thuê trọ, chỉ vài người cho có người có tiếng bớt phần hiu quạnh. Ông kín đáo không chia sẻ gì nhiều, song tôi phần nào cảm nhận có gì đó rất hoang hoải, cô đơn trong cái bắt tay vừa mềm vừa chặt, như muốn nắm níu và thao thiết tìm sự sẻ chia của hơi ấm tình thân.
Ngày hoàn thành bài phỏng vấn, tôi mang bản thảo đến để ông xem lại trước khi gửi duyệt. Ông khảng khái bảo, những gì ông chia sẻ chỉ có một mà thôi, nên không cần phải thêm, bớt hay sửa sang gì nữa cả. Tôi nhớ lời dặn dò của ông, rằng “khi làm bất cứ việc gì, sống hay viết đều phải chân thành. Phải có sự rung động thật sự với những gì mình viết ra, bởi cảm xúc bao giờ cũng “chạm” được vào cảm xúc”.
Đó là một bài học lớn mà tôi đã học được từ ông. Để rồi quãng thời gian làm nghề từ đó về sau, tôi luôn thường trực trong mình tâm thế tiếp cận với sự việc, con người bằng sự chân thành, mộc mạc vốn có. Và tôi nhận ra, trong quá trình tác nghiệp, nhiều người (cơ sở) khi tôi liên hệ qua điện thoại có vẻ khó hay miễn cưỡng, nhưng khi gặp và cảm nhận sự chân thành, dịu dàng của tôi, tất cả đều trở nên cởi mở và dễ chịu. Khi đi và viết bằng sự chân thành, tôi cảm nhận những giá trị to lớn mà nó mang lại cho cảm xúc và tình yêu nghề nghiệp của mình. Và tôi luôn cảm thấy biết ơn ông vì lời chia sẻ ngày hôm đó.
Lê Thế Thành viết nhiều về cuộc chiến, về người lính, và điều đặc biệt trong văn ông là nét văn hóa Nam bộ đậm đặc. Đó là sự tuôn chảy rất đỗi tự nhiên của những gì mà “ngày cũ” đã ăn sâu nơi xương máu. Ông viết bởi nỗi lo thường trực, rằng không phải là thế hệ bây giờ mà là những thế hệ từng đi qua chiến tranh, sau những “ưu đãi” về quyền lợi của hòa bình thì quên cống hiến, hi sinh của nhân dân. Ông đặt để tình yêu cho Nam bộ vì văn hóa nơi đây đã in đậm vào tiềm thức. Giai đoạn ông trưởng thành nhất đã sống, làm báo ở đó. Con người nơi đây khoáng đạt, không cầu kỳ lễ nghĩa. Họ chân thực và mộc mạc trong cách nghĩ, cách làm. Viết về vùng đất, con người xứ ấy, như một cách để ông đem tình cảm của mình mà ứng xử với con người và những tinh hoa văn hóa đặc biệt ấy một cách thành thực nhất.
Với quan điểm sáng tác rất rõ ràng, nhận diện rõ trách nhiệm của văn chương là phải cho con người ta sức sống, trên trang viết ông thường ca ngợi, nêu gương những người đã cống hiến một cách xứng đáng, đồng thời cũng cảnh báo nguy cơ về sự suy thoái nhân cách… Nhưng đọc ông, ta tuyệt nhiên không thấy ông lý giải dưới con mắt tiêu cực, ảm đạm mà theo hướng tươi sáng tích cực. Ông là người đề cao trách nhiệm đối với bản thân mình trước những thứ trách nhiệm khác như trách nhiệm xã hội hay trách nhiệm của văn chương.
Nhiệt huyết với văn chương và đau đáu bao nỗi trăn trở trước hiện thực đời sống nhiều biến động, có lẽ đối với những người mang nghiệp chữ như ông, đến cuối đời vẫn đa mang. Nhưng tôi tin, với cốt cách chân thành, dung dị, với những gì đã làm được, đã giãi bày thành thật trên trang viết, ông sẽ không hối tiếc điều gì khi rời cõi tạm này. Kính tiễn ông, mong ông thanh thản mà đi…!
Lê Đình
1 đã tặng
0
0
1
0
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...