Thứ sáu, ngày 18 tháng 04 năm 2025
14:00 (GMT +7)

Công lý facebook

VNTN - Công lý facebook là một dạng công lý đường phố nhưng diễn ra ở trên không gian mạng. Để hiểu rõ vấn đề này chúng ta cần nhấn mạnh lại khái niệm công lý đường phố (street justice): đó là sự trừng phạt ngoại tụng hay một hình thức tư hình được thúc đẩy bởi sự thiếu vắng luật pháp và trật tự, hay sự không thỏa mãn với luật pháp. Cụm từ này cũng được sử dụng để diễn tả sự phán xét mang tính thành kiến.

Ảnh minh họa

Ở Việt Nam, lối hành xử kiểu công lý đường phố đang ngày càng khá phổ biến, đặc biệt trong việc bắt trộm, cướp… Kẻ trộm hoặc cướp có thể bị đánh tới chết bởi đám đông bạo lực tràn đầy sự căm thù với cái xấu. Vấn đề này thật sự còn nan giải đối với nhiều nước, khi người dân vẫn thường phải tự đi tìm công lý hay tự bảo vệ mình bằng các tổ chức săn bắt cướp. Sự thận trọng với công lý đường phố bởi tính chất bạo lực của nó là điều hết sức cần thiết. Tuy nhiên công lý đường phố không chỉ dừng ở đó, mà nay lan rộng trên không gian mạng và trở thành một dạng công lý facebook với đầy đủ những tính chất hung bạo vô luật pháp của nó. Vậy công lý facebook nên được nhận dạng như thế nào?

Trên các cộng đồng mạng hiện nay, bất kì một người chơi facebook nào cũng có thể thấy những hình ảnh bạo lực, những đám đông trong một group lăng mạ và chửi bới một cá nhân nào đó. Đó có thể là một người bán hàng online có ngoại hình không được ưa nhìn, một thanh niên đăng một status khiêu khích hay thủ phạm một vụ ngoại tình nào đó… Bất kì ai cũng có thể trở thành đối tượng để đem ra lăng mạ, chửi bới bất chấp đúng sai, bất chấp đó có phải là một fakenews (tin giả) hay không. Nếu thử vào một group bất kì trên mạng, chúng ta dễ dàng thấy những ngôn ngữ đầy thù địch, thậm chí là đe dọa giết người. Đó là mặt đen tối của không gian mạng, đòi hỏi chúng ta phải có sự phân tích, nhìn nhận thấu đáo.

Về bản chất, công lý facebook cũng như một dạng công lý đường phố nhưng tính chất của nó có khác đi một chút. Thứ nhất, không gian mạng với tính chất nặc danh cao nên người phát ngôn dễ dàng rũ bỏ trách nhiệm với phát ngôn. Người ta có thể dễ dàng xóa bỏ một bình luận hay một tài khoản. Cho nên, mức độ bạo lực của công lý facebook khá cao và phổ biến. Thứ hai, công lý facebook thỏa mãn cái tôi công lý. Người chơi có điều kiện phô bày mình là một người bảo vệ công lý trong một cộng đồng đông đảo. Nói cách khác, nó thỏa mãn cho một khát khao công lý rất chính đáng nhưng cũng rất bạo lực và điên cuồng. Thứ ba, công lý facebook thường hướng vào những vấn đề đạo đức suy thoái trong xã hội như tranh vợ cướp chồng, trộm chó, đánh ghen…, nhưng nó bảo vệ đạo đức và công lý bằng một cách không đạo đức chút nào!

Thảo luận về giải pháp cho các vấn đề nêu trên, có lẽ bên cạnh việc đảm bảo luật pháp được nghiêm minh thì việc kiểm duyệt có thể xem như một giải pháp. Gần đây những tranh luận về an ninh mạng diễn ra nóng bỏng. Ở đây người viết không đưa ra một kết luận nào. Bài viết chỉ đưa ra trường hợp của Jean-Jacques Rousseau như một kênh tham khảo. Jean-Jacques Rousseau (1712 - 1778), sinh tại Geneva, là một nhà triết học thuộc trào lưu Khai sáng có ảnh hưởng lớn tới Cách mạng Pháp 1789, sự phát triển của lý thuyết xã hội, và sự phát triển của chủ nghĩa dân tộc. Rousseau là một người ủng hộ kiểm duyệt để tránh tình trạng nặc danh trong việc xuất bản và muốn nhà văn chịu trách nhiệm với cây bút của mình, nhưng ông cũng đồng thời là một nạn nhân của kiểm duyệt.

Tư tưởng của Rousseau trong “Khế ước xã hội”, ông cho rằng trạng thái tự nhiên bị tha hóa trở thành một tình trạng dã man không còn luật pháp hay đạo đức, nên loài người cần một thể chế để tồn tại, vì bên cạnh sự cạnh tranh lẫn nhau, loài người cũng phụ thuộc vào nhau. Theo Rousseau, bằng cách sát cánh bên nhau thông qua một khế ước xã hội và từ bỏ các quyền tự nhiên, cá nhân sẽ giải thoát cả hai áp lực nói trên, tức là vẫn tồn tại và vẫn tự do.

Ở đây, vấn đề công lý facebook cũng như một sự hỗn loạn đầy bản năng. Nó cần có sự quản lý. Nhưng quản lý như thế nào và nó sẽ bảo vệ người dân ra sao lại là câu chuyện khác. Khó nhưng không có nghĩa là không thể tư duy về những giải pháp và thực thi.

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Phong bì mừng cưới

Xem tin nổi bật 2 tuần trước

Văn chương và các hội văn chương

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Ấn đền Trần không phải để thăng quan!

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Để dân không bị phạt

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Tinh giản… nghệ thuật

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Luật pháp có vô tình?

Xem tin nổi bật 4 tháng trước