Thứ hai, ngày 06 tháng 05 năm 2024
11:41 (GMT +7)

Cọn nước đôi

Truyện ngắn – Bùi Thị Như Lan

Tôi dựa lưng vào gốc cây kháo già bên bờ suối Nậm Le, lặng lẽ nhìn ngắm không biết chán hai cái cọn nước đang nhẫn nại vòng quay. Những tiếng “cót… két…ụp…xòa…xòa” mạnh mẽ của cọn nước đôi bay bổng, phiêu diêu như muốn lấn lướt âm thanh réo dắt muôn đời của tụi nước nhàn hạ nô đùa, chạy đuổi nhau dưới lòng suối Nậm Le. Tôi đứng từ lúc những hạt nước li ti trốn vào đám mây trôi bồng bềnh, chốc chốc bị gió lôi kéo, tung từng đám bụi trắng đậu trên đám hoa mí mèng, đến lúc những bụi nước ngày một dày thêm, có vẻ như nặng nề khi bấu víu trên lá cây, ngọn cỏ, cánh hoa thì tôi vẫn mải mê nhìn ngắm, mặc cho vai áo chàm ướt dượt. Tôi muốn con mắt xuyên qua cọn nước đôi, nhìn thật lâu vào vòng tròn chắc chắn được kết nối bằng những gióng tre ngà vàng rực, để rồi mỗi vòng quay, nước đan xen, xòe nở màu trắng tinh khôi, thanh tao làm nên hai đóa hoa nước sống động, hòa quyện giữa bạt ngàn bụi phấn mưa xuân mà mỗi năm một lần đúng hẹn lại trở về. Năm nào hai cái cọn nước cũng phô diễn vẻ đẹp rực rỡ vào độ xuân sang, bởi khi ấy hai bên bờ con suối Nậm Le, những bông hoa mí mèng hé mắt, khe khẽ xòe nở những cánh hoa màu hồng, tỏa hương thơm dìu dịu làm thành thảm hoa rực rỡ, rộng ngút ngát. Thảm hoa hòa quyện vào vòng quay nhịp nhàng của cọn nước lung linh, kỳ ảo, hoang sơ giữa núi rừng.

Năm nay trời ấm lên, vì thế mùa xuân đến sớm, còn gần tháng nữa cái tết mới về, nhưng gió xuân đã nhẹ nhàng, hây hây gọi mí mèng lác đác nở hoa. Tôi chẳng biết điều này nên vui hay buồn. Từ lâu rồi, tính đốt tay đã qua gần năm mùa xuân đến, xuân đi, cái mắt tôi nhìn đôi cọn nước, chứng kiến mí mèng hồng rực mà dày thêm nỗi buồn. Nhiều lần, tôi đứng bên bờ con suối Nậm Le này ao ước, giá như ở cuối con dốc Sun bờ bên kia, cái bóng cao lớn của anh Sấn hiện ra, dù chỉ một lần thôi cũng được, anh về rồi anh lại đi, đủ để nhìn thấy thằng Di lớn lên đến chừng nào, đôi mắt to sáng, cái đầu húi cua giống anh ra sao… thế nhưng mong mỏi của tôi luôn rơi vào khoảng không lặng lẽ. Nhiều lần thằng Di nhìn thấy tôi đứng ở đây, cái mắt nhìn mà như không, cái đầu miên man mải nghĩ hết chuyện này đến chuyện khác, không nghe thấy tiếng nó gọi ời ời, cho đến lúc nó cầm tay tôi kéo mạnh thì tôi mới quay về thực tại, lúc ấy đôi mắt trong veo của thằng Di đã mọng nước. Tôi vội ôm  nó xuýt xoa, vỗ về, cù vào nách thằng bé cho nó cười ré lên…

*

*    *

Nhà tôi có ba người. Mé, anh Sấn và tôi. Anh em tôi không biết tại sao nhà mình không có cha. Muốn hỏi mé nhưng sợ mé đau lòng nên thôi. Trong nhà thì mé vừa làm cha, vừa làm mẹ. Mé có sự quyết đoán của người đàn ông trụ cột trong nhà, nhưng lại là người đàn bà rất đỗi dịu dàng, hiền hậu. Cái miệng cười tươi trên khuôn mặt trái táo, cùng tấm lưng ong thon thả dấu trong lần áo chàm kia nói lên rằng ngày trước, mé là người đàn bà đẹp. Người trong họ, ngoài bản chưa thấy mé to tiếng với ai. Có điều lạ, mé làm mẹ nhưng chưa biết hơi ấm của người đàn ông. Mé cũng không nếm trải cái nhọc nhằn của người đàn bà mang nặng, đẻ đau. Đấy là mé nói thế với anh, em tôi vào cái ngày giỗ ông ngoại cách đây sáu mùa con nước đầy, con nước lại vơi. Chuyện hôm ấy, không biết anh Sấn thế nào, nhưng nó làm tôi lần đầu biết đến cái khó ngủ trong đêm. Tôi cố nhắm mắt nhưng lời ké Pàng, trưởng họ cùng với lời của mé cứ âm âm trong đầu.

Tháng chín. Tuy mới ngang chiều nhưng sương đã sà xuống mái nhà. Gió hun hút thổi mang theo cái lạnh se se. Người trong họ đến ăn giỗ ở nhà tôi, lục tục rủ nhau ra về từ lúc bóng nắng tròn dưới chân. Nhà còn có ba mé con tôi với Ké Pàng quây quần bên cái sập gỗ trước ban thờ. Từ dưới bờ suối, tiếng cọn nước đôi vọng lên giai điệu ngân nga mà thủ thỉ. Ké Pàng nhìn hai anh em, thủng thẳng bảo:

- Cái cây đứng vững là nhờ gốc rễ. Là con người phải biết tổ tiên mình là ai. Giờ thì chúng mày có cái chữ hơn nhiều đứa trong bản, hai anh em phải sống tốt với mé mày.

Mé cúi đầu, giọng mé nói như hụt hơi:

- Trưởng họ à, hay là… để cái giỗ sau cho chúng nó biết vẫn chưa muộn mà.

Ké Pàng lắc đầu nhẩn nha:

- Ây da! Cho chúng biết sớm thì tốt mà. Để trong bụng mãi thì nặng lắm. Sau này nó biết thì nó lại trách ta sao không nói sớm.

Hai anh em tôi hết nhìn mé, lại chăm chắm ngó sang ké Pàng không hiểu, không biết vì sao? Có chuyện gì mà mé không muốn nói thế? Tôi nghe rõ tiếng thở ngắt quãng, khó nhọc như cố nén điều gì đó của mé.

Ké Pàng nhẩn nha nói. Giọng ké trầm xuống.

Anh Sấn với tôi là con của hai gia đình khác nhau, được mé cưu mang, nuôi nấng. Sấn là con của một gia đình ở bản Pháy, cách đây mấy ngàn nhịp chân thả bộ. Cái chuyện bố mé đẻ của anh Sấn cho con trai ở với mé thì dài lắm, khó có thể kể ra. Chỉ biết rằng, cái ngày Sấn cất tiếng khóc chào đời, chưa kịp hé mắt nhìn ánh mặt trời thì thầy mo bấm ngày giờ sinh của anh bảo, tuổi của anh xung khắc với tuổi bố đẻ, sau này gia đình lụi bại, nuôi lợn chết lợn, nuôi trâu thì trâu bỏ đi. Người với của trong nhà cứ đội mũ, nón khắc đi thôi. Phải cho anh làm con nhà khác. Chuyện đến tai mé, cứ như ông “Phạ” xui giục, mé cuống lên, chạy đi tìm ké Pàng,  nói với dòng họ Lý đón anh về làm con trong nhà. Ké Pàng bảo cái ngày anh về, họ Lý làm cơm cúng tổ tiên, ông bà. Trong mâm cúng có đĩa xôi bảy màu, bảy thứ quả hái trong rừng, bảy bông hoa đang nở chúm chím… nhiều thứ lắm, mỗi thứ đếm đủ đến con số bảy, đấy là tượng trưng cho bảy vía của anh. Chính ké Pàng đã đứng trước nhà thờ dòng họ mà khấn rằng:”…. Ơi thần núi, thần rừng, ơi ông bà tổ tiên, về đây chứng dám cho dòng họ Lý từ hôm nay có thêm sinh linh bé bỏng, mong các vị thần linh, tổ tiên phù hộ cho nó hay ăn, mau lớn thành thằng trai cứng cáp, khỏe mạnh…”. Hôm ấy mé lội xuống cạnh cọn nước đôi, múc chậu nước giữa nguồn, thả vào bảy giọt rượu nếp nương, rửa mặt cho Sấn. Khi mé rửa xong thì Sấn cất tiếng khóc to, người trong họ bảo cái tiếng khóc vang núi như thế, cho biết nó sẽ là chàng trai tốt. Sau ngày cho Sấn đi làm con mé, gia đình bố mé đẻ của Sấn đã chuyển nhà đi xa lắm, vào làm ăn sinh sống mãi trong Nam. Dường như họ ra đi là để chạy trốn…

Còn chuyện tôi về ở với mé, với anh thì như là định mệnh. Một buổi sáng mé xuống chợ huyện, vào cái lúc mặt trời bơi trên ngọn cây mác kham, thả những ngón tay vàng xuống, cũng là lúc chợ đông người lắm. Khi bán xong hai thạ đỗ tương, còn mấy chai mật ong rừng, có người phụ nữ trẻ, đẹp đến hỏi mua. Cứ nhìn cách ăn mặc cũng biết không phải người vùng núi. Trên tay người ấy ôm đứa trẻ con bé xíu đang ngủ. Mua xong mật ong người ấy nhờ mé bế đứa trẻ, dúi vào tay mé cái túi đựng nhiều đồ trẻ con, bảo với mé đi tìm mua cái túi to. Mé bế đứa trẻ bụ bẫm ngóng trông, đợi đón mãi mà không thấy người ấy quay lại. Mấy chai mật ong vẫn còn ở đấy, nhiều người hỏi mua mà mé bảo của người ta gửi. Mé hết nhìn ngược, lại nhìn xuôi, trong bụng nóng như có lửa đốt. Đến lúc chợ tan, người ta về hết, mé mới vội vàng cùng đứa bé ngược núi. Đứa bé ấy là tôi.

Nghe chuyện ké Pàng kể, anh Sấn mặt đỏ như uống rượu, anh mím môi bảo:

- Ké Pàng với mé à, con là người họ Lý, con không biết ai khác.

Còn tôi, tự nhiên thấy cái buồn tủi dâng lên tưng tức trong ngực. Mắt tôi cay xè, ứa nước.

Nhưng rồi cái chuyện buồn ấy cũng nhanh chạy theo gió. Ba mé con còn nhiều việc phải lo, không ai muốn nhớ đến cái chuyện không vui ấy. Cái gì không hay, không tốt thì cho qua đi. Mà cũng đừng trách người mang nặng, đẻ đau ra mình. Dù sao thì chuyện cũng đã xảy ra lâu rồi mà. Giờ thì chúng tôi chỉ biết có mé thôi.

Nghe người bản nói, cái lúc anh Sấn về ở với mé, thì mé là người con gái đếm gần ba chục mùa mưa, nắng. Không biết là do số phận hay do người trai hò hẹn đi bộ đội không trở về mà mé không gắn đời mình với ai. Tuy mé không nói, nhưng tôi biết, mé phải tần tảo, vất vả lắm mới nuôi hai anh em tôi thành người.

Đứng từ trên sàn nước đầu nhà tôi, ngước cái mắt về phía dãy núi Phja Leng, thấy dòng nước trắng màu bạc, ở đâu đó trong bụng núi, trào ra ngoài qua miệng hang to, rộng, ào ào tuôn xuống chân núi làm nên đầu nguồn suối Nậm Le. Tụi nước kéo nhau chạy đến bãi đá mẹ, đá con đầu bản Pẻn thì cọn nước đôi chặn lại bằng những bàn tay lực lưỡng làm từ cật tre ngà, vốc nước vào những cái máng vầu. Theo như người già trong bản thì  đôi cọn nước này không có tuổi, đấy là vật báu của bản, nó có lâu lắm rồi, từ lúc các cụ tiên tổ lên vùng núi Phja Leng này khai khẩn, lập bản. Không biết bao nhiêu mùa mưa, nắng, từ hạ sang đông, từ xuân qua hè trôi đi, hai cọn nước vẫn miệt mài đứng giữa đầu nguồn con suối, đưa nước về bản gần, bản xa, đến từng nếp nhà sàn trong bản, đổ đầy biết bao cái “lìn” đựng nước. Dòng nước từ những cái máng vầu đá còn chảy vòng vèo ngược lên, nhảy xuống, bước sang lớp lớp thửa ruộng bậc thang, làm nên những ruộng lúa trĩu hạt, chắc bông, nương ngô xanh mướt trổ cờ…nuôi người bản cái chân đi vững, cái tay chắc khỏe, con người rắn rỏi. Đôi cọn nước này được người trong vùng gọi bằng cái tên cọn poò và cọn meè. Theo tiếng địa phương ở đây cọn poò là cọn đực và cọn meè là cọn cái. Cọn poò làm bằng những ống tre ngà tốt lấy từ cây tre đực, còn cọn meè làm bằng cây tre ngà cái. Nhìn vào đôi cọn nước này thì biết, cái cọn nước poò bao giờ cũng có những vòng quay chắc khỏe, từng gióng tre đực hất tung nước lên cao, mạnh mẽ mà dứt khoát, tạo nên âm thanh “ụp…xòa…ụp xòa” trầm hùng mà kiêu hãnh. Riêng cọn nước meè uyển chuyển như múa, mỗi khi vớt nước nó như nghiêng mình, soi bóng rồi mới từ từ, nhẹ nhàng đổ nước vào máng, tiếng “cót…két…ụp…xòa” thanh thoát, bay bổng như là tiếng reo mừng vui.

Mỗi khi cái đầu ngơi việc học chữ, cái tay không làm giúp mé việc nhà là hai anh em tôi lại ra bờ suối thỏa thuê ngụp lặn, vẫy vùng rồi thi nhau đếm vòng quay của cọn nước. Anh Sấn nói với tôi, cọn nước poò là anh, cọn nước meè là tôi. Thường thì những lúc ấy, tôi tròn mắt, nhỏ nhẹ bảo anh đừng có ví vật báu của bản với hai anh em, như thế không tốt đâu, nhỡ ra các thần linh phạt thì sau này sẽ khổ nhiều đấy. Anh Sấn cười vang núi, bảo ví như thế vì muốn hai anh em mãi ở bên nhau. Sau này tụi trẻ trong bản có nhiều chữ, sẽ cùng nhau đắp đập, chặn dòng nước, làm thành cái trạm phát ra ánh sáng giống như dưới phố huyện, rồi bản cũng có vô tuyến, có đài điện… Rồi nơi đây sẽ là khu du lịch sinh thái giống như trong sách cô giáo dạy, có nhiều người đến tham quan, đông vui nhiều đấy. Ôi da! Những việc ấy của anh Sấn sao mà xa thế? Tôi nghĩ anh hào hứng nên nghĩ ra đủ thứ chuyện viển vông, cái ngày ấy biết bao giờ đến?

*

*    *

Đêm. Sương rơi lộp độp trên mái nhà. Dưới suối tiếng cọn nước đôi đánh nhịp vọng lên, nó không hát vui như mọi hôm, mà cất lời tỉ tê, thủ thỉ, trầm đục, buồn buồn. Tụi nước chảy vào máng lớn, máng bé không réo rắt mà lặng lẽ, rầm rì. Bên cái bếp vuông đỏ lửa, mé bực mình lấy tay dúi mãi gốc củi to vào lòng bếp, cho tàn than đốm đỏ quấn quít cùng đám khói theo gió bay lên, tản mát khắp nhà. Mé nói mãi, nói nhiều. Những lời của mé sao xót xa, nghiệt ngã đến thế? Từng câu, từng lời có vị mặn mòi của mồ hôi, nước mắt, có nỗi nhọc nhằn, gian truân của người đàn bà vừa làm cha lại vừa làm mẹ. Nhưng biết mấy lời mé là tình yêu thương con đến thắt ruột, thắt gan…. Mé nói nhiều rồi mé khóc. Tiếng khóc của mé cứa vào thịt, vào da anh Sấn và Tôi. Mé khóc. tôi khóc. Anh Sấn cắn môi, miệng đắng ngắt, cái mắt sẫm lại. Ba người trong nhà từ sáng đến giờ chưa có cái gì lót bụng, nhưng cũng không thấy đói. Còn đâu bụng dạ mà ăn uống nữa, chuyện đã đến nước này thì cũng không ai nuốt nổi cơm mà ăn. Cái nồi cơm tôi đặt từ sáng sớm vẫn vần bên bếp, chốc chốc bén than tỏa ra mùi khen khét. Tôi rùng mình ớn lạnh, có cái gì đó nhộn nhạo trong bụng, ứ đầy lên cổ muốn trào ra ngoài. Tôi cố nuốt khan để ngăn nó lại. Khổ nỗi, mỗi khi mùi khét của cơm cháy thoảng bay là tôi lại sởn gai ốc…

Mé dằn giọng: - Hai đứa mày có chữ mà sao lại nghĩ tối như thế? Con người khác cái cây, con thú là biết nghĩ cái phải, cái hay. Giờ chúng mày muốn bôi nhọ vào người hay sao? – Sau phút ngưng lời mé thở dài: - Mà chúng mày nói đi, không dám cạy răng ra a?

Tôi sợ. Mắt nhìn mãi xuống sàn nhà dát gỗ, tôi cố thu người cho nhỏ lại trong dáng ngồi so ro. Tôi sao dám nói gì bây giờ? So với anh Sấn thì mé giành tình thương yêu cho tôi hơn. Có miếng ngon mé chia cho tôi nhiều, nếu tôi mắc lỗi thì mé cũng nói ít. Từ nhỏ tôi chưa biết cái đau của roi vọt quất vào người. Mé dạy tôi từ cái nết ăn, nết ngủ, đến dệt vải, nhuộm chàm, thêu thùa… Mé vẫn thường nói, là đàn bà, con gái thì phải khéo cái tay, giỏi cái làm, nếu không thì thành gái đoảng thôi. Thế mà bây giờ tôi nỡ làm mé đau lòng. Tôi mang lửa đốt bụng mé rồi.

Từ lúc nghe mé hết than vãn, lại trách mắng, cái miệng anh Sấn dính lại không thốt ra lời. Tuy thế, cái đầu anh không đổi nếp nghĩ. Nhìn vào khuôn mặt cương nghị của anh đủ nói lên rằng, cái việc anh thương yêu tôi thì làm gì có tội? Cho dù mé có nói những lời khó nghe, anh cũng cho là mình đúng. Khổ nỗi, ké Pàng trưởng họ thúc giục mé quá, ké bắt phải họp họ Lý. Mà đã họp họ là chuyện lớn rồi. Nghe mé nói còn hai hôm nữa là người trong họ kéo đến đây. Mỗi nhà một người thì đông lắm. Vùng núi Phja Leng này người họ Lý không nhiều bằng các họ khác, nhưng khi có việc trong họ thì người chủ trong từng nhà, dù có bận đến mấy cũng phải thu xếp mà đến. Đây là cái nếp có từ thời ông bà rồi, đời này sang đời khác cứ theo như thế. Mỗi năm thường niên họp họ một lần trong dịp cái tết về để nhớ là người trong họ, còn nhà ai có việc cưới xin, ma chay mới được xum vầy cùng nhau. Nhà nào xảy ra chuyện lớn thì họp họ để khuyên giải. Nghe nói lâu lắm rồi, trong họ không có chuyện trái chiều xảy ra làm họ hàng phải để mắt, lưu tâm. Bây giờ chuyện nhà tôi phải để họp họ là bị phạt nặng đấy. Phải bày ra cái ăn giống nhà có đám, có việc. Như thế thì khổ rồi. Có con bò, con lợn nào trong chuồng cũng phải thịt làm cỗ thôi. Biết thế, nhưng trong bụng anh chỉ có tôi thôi. Nghĩ sâu xa thì anh với tôi kết thành đôi cũng được mà, có làm sao đâu?

Đầu tôi nhức nhối, tai ù ù như có gió quẩn. Tôi nghe mé nói mà bụng đau nhói như có ai đó cầm nứa nhọn cứa cắt. Anh Sấn nhăn mãi cái trán lại, hai chân lông mày muốn dính vào nhau. Dường như anh đang cố vắt óc ra nghĩ cách nói để mé thương hai đứa. Anh vân vê xoáy hai bàn tay vào nhau, ngập ngừng:

- Mé à, tụi con có lỗi làm mé buồn bực, héo hon, nhưng… nhưng con thương em Liển. Không có em, con sống cũng như chết thôi. Tụi con có gì sai đâu mà dòng họ phạt nhà ta?

Mé bực mình, đứng bật dậy như dẫm vào lửa, chỉ tay vào anh bảo:

- Mày dám nói thế a? Mày muốn đi bằng cái chân hay muốn đi bằng đầu? Mày sắp được đi học làm bộ đội nhớn rồi sao nghĩ quẩn thế? Bao nhiêu đứa gái bản, mày ưng ai tao hỏi nó làm vợ cho mày. Còn cái Liển tao cấm!

Anh nài nỉ: - Mé, mé đừng thế, con chịu dòng họ phạt mà. Con mong mé gật đầu thôi.

Bỗng dưng, mé dậm chân thình thịch, sàn nhà rung bần bật, mé trợn mắt, quát to:

- Mày u mê, lú lẫn rồi. Mày ra khỏi nhà, đi cho khuất mắt tao. Tao không có thằng con như mày.

Tôi ôm chân mé, nước mắt đầm đìa:

- Mé! Con xin mé, mé đừng… mé đừng đuổi anh con. Tại con mà, tại con…

Mé cúi xuống, hất mạnh tay, gạt tôi ra, dằn giọng: - Còn con này nữa, cướp công tao, chúng mày là cú, là cáo cả rồi, đừng có gọi tao là mé nữa.

Nói xong, mé bậm bịch đi vào trong buồng. Đến vách ngăn bằng nứa, mé quay lại, bảo:

- Tao cho chúng mày suy ngẫm, đến lúc tụi “cáy cúm” nó gọi sáng thì cho tao biết cái điều chúng mày nghĩ. Nhớ là đi vào đường sáng, đừng lao xuống vực sâu mà khổ.

Càng về đêm, trời càng lạnh. Lửa trong bếp không đủ để sưởi ấm. Cái lạnh từ trong bụng người lan tỏa ra, ngọn lửa cháy to cũng không làm ấm lên được. Anh Sấn nhẹ nhàng ôm tôi. Người tôi run lên lẩy bẩy như cái hôm cách đây một mùa con trăng.

… Trưa tháng tám, nắng vàng tưới đẫm nương trên, nương dưới. Nắng miên man chạy từ trên núi xuống rừng. Tụi chim noộc thúa, từng cặp, từng đôi ríu rít cất lên bản hoan ca trên những vòm cây, chúng sà xuống vạt bắp, nhảy lên đầu hồi chòi canh, lách tách nhẩy nhót, ngó những cặp mắt đen lay láy nhìn tôi. Hai anh em tôi hái xong vạt bắp, xếp đầy mấy cái thạ mang vào chòi canh trên nương. Ui da! Tôi vừa bê cái thạ lên thì anh Sấn chạy tới, anh bảo để anh làm. Những cái thạ ngô nặng trĩu, thế mà anh nhấc lên nhẹ nhàng, loáng cái là xong. Anh cười hồ hởi:

- Việc nặng để anh nha, đừng có làm cố không tốt đâu.

Bỗng nhiên, anh ngẩn mặt nhìn tôi. Cái mắt anh lạ thế? Nó như có lửa.

Tôi đỏ mặt: - Anh à, mặt em có…có nhọ đúng không?

Anh lắc đầu, đôi bàn tay to chắc cầm lấy tay tôi: - Em là người đẹp nhất vùng này đấy Liển à.

Anh nói qua hơi thở gấp gáp:

- Anh muốn nổi xung khi thấy những thằng trai theo em.

Người tôi như có gió chạy vào, tôi rùng mình ớn lạnh. Thật ra, linh cảm của người con gái mách bảo tôi nhiều lắm. Những việc anh làm cũng vì tôi thôi. Mới cái tết tháng bảy vừa qua, hai anh em tôi xuống nhà ké Pàng, tụi trai bản Páy theo chân tôi, thả lời ong bướm bị anh chặn lại, không biết anh nói gì mà chúng nó tản ra, nhìn anh nem nép. Hôm nay, nghĩ đến chuyện ấy tôi thấy bụng cồn lên nỗi lo…

Đúng lúc tôi đang mải mê nghĩ thì từ trong bìa rừng, tiếng ầm ào nổi lên, mỗi lúc một gần, rồi gió rú rít, quăng quật, bẻ cành cây dẻ răng rắc, lá rụng rào rào. Anh Sấn căng con mắt nhìn lên, anh chỉ về phía trên nương cao, kêu thất thanh:

- Trăn gió!

Tôi hoảng hốt, run rẩy nhắm nghiền mắt lại vì sợ. Anh vơ vội những đám cỏ khô, mấy cành cây, nhen lửa. Khi ngọn lửa bén cành, anh kéo tay tôi, chạy nhanh vào chòi canh, đốt khói bếp bay lên. Cứ theo lời già bản thì đi rừng mà gặp con trăn gió nếu không mang theo lửa thì nguy lớn rồi. Trăn gió nó sợ mùi khói, sợ cái nóng rừng rực của lửa. Tiếng gió quăng mỗi lúc một gần, chòi canh rung bần bật. Tôi ôm chặt anh, mặt tái mét. Anh thầm thì:

- Nó đi ngay thôi, em đừng lo, có anh mà.

Anh ôm tôi trong vòng tay khỏe khoắn, nằm lăn ra sàn chòi canh, lấy những túm rơm nếp dành để bện chổi trong góc chòi phủ đầy hai người. Tôi nằm sát bên anh, mùi rơm nếp thơm nồng hòa trong mùi mồ hôi của anh làm tôi như ngấm thứ men say kỳ lạ. Nó làm tôi chếnh choáng. Tôi cố thu mình lại sao cho tôi có một chút khoảng cách với anh mà không thể. Trống ngực tôi đập từng nhịp, từng hồi như sắp vỡ. Tôi run lên, ấp úng nói với anh mà như tự răn mình:

- Anh! Mình là anh em mà.

Anh ôm tôi chặt hơn, ghì tôi vào vồng ngực khỏe mạnh, tràn căng của anh mà nói nhiều lắm. Anh bảo, tôi với anh không phải là anh em ruột. Rằng anh yêu tôi lâu lắm rồi, rằng tôi sẽ là vợ anh… Tai tôi ù đi, người tôi mềm như muốn tan chảy thành nước. Anh ghì chặt tôi. Hai thân thể bừng bừng sức sống như muốn hút vào nhau. Đôi môi nồng nàn, bỏng cháy của anh mơn man tìm bờ môi trái chín của tôi. Anh đam mê, khao khát và mãnh liệt. Không biết từ lúc nào, tôi với anh quấn vào nhau như dây mây bện xoắn. Anh đưa tôi phiêu diêu bay trong gió, rồi lại êm ái nhẹ lướt trên mặt đất bồng bềnh. Tôi mê đi trong vòng tay anh, cho đến lúc tiếng chim nháo nhác gọi chiều về, sương buông lành lạnh, chúng tôi mới giật mình tỉnh giấc. Và chúng tôi cũng không biết, con trăn gió ấy bỏ đi từ khi nào…

Đêm dần tan, trong buồng mé trằn trọc trở mình. Cái mắt mé dường như không nhắm nổi để gọi giấc ngủ về. Con “cáy cúm” đầu đàn trong bản đã cất tiếng gọi trời sắp rạng. Anh vuốt nhè nhẹ mái tóc tôi, lấy đôi môi lau nước mắt đầm đìa trên khuôn mặt buồn của tôi, anh dặn tôi phải thương mé, mé ngày một yếu không để mé làm việc nặng nữa, ở nhà tôi thay anh đối tốt với người trong bản. Anh bảo, tôi cố mà học xong cái chữ, còn một năm nữa thôi, rồi thi vào trường sư phạm, làm cô giáo dạy chữ cho tụi trẻ trên quê. Còn anh, các giấy tờ gọi nhập học, hồ sơ lo đầy đủ rồi, còn chờ đến ngày nhập trường nữa thôi. Học trong Trường Sĩ quan Lục quân 1 thì không phải lo gì cả, đã có quân đội lo cho rồi. Anh dặn đi, dặn lại  rằng tôi phải đứng vững như cái cây trước gió to, cố đợi anh trở về. Anh thầm thì:

- Em à, anh phải ra đi thôi, anh đi là mọi chuyện êm mà, dòng họ nhà mình không đòi nộp phạt nữa.

Tôi lắc đầu quầy quậy mà không thốt lên lời, nước mắt tong tả đầy vơi.

Anh lấy cái áo chàm sờn vai, bạc màu của mé cùng cái khăn mặt của tôi treo ở trên dây phơi, ấn vào tay nải. Anh bảo để có hơi ấm của mé, của tôi, và cũng để anh vơi đi cái nhớ thương đang đè nặng trong người. Đeo cái nải vào vai, anh thở dài nặng trĩu:

- Bao giờ anh học làm bộ đội xong, mé hết buồn, dòng họ cho anh lấy em thì anh về.

Nói xong anh lướt nhẹ xuống cầu thang. Tôi cuống cuồng chạy theo anh mà không thể cất lên tiếng gọi. Bóng tối cùng hơi sương duềnh lên của trời đêm về sáng như nuốt trôi anh. Tôi chạy đến chỗ cọn nước đôi, nhoáng nhoàng lội ào xuống. Nước lạnh ngắt làm chân tôi tê cứng. Đá cuội trơn truội khiến tôi ngã dúi dụi, quần áo ướt sũng. Mặc, tôi phải chạy theo anh, để nói anh biết trong bụng tôi có gì đó đang hình thành và lớn dần lên. Anh đừng bỏ mé với tôi ở lại trong nếp nhà trống vắng mà đi biền biệt. Đôi chân trần ran rát của tôi mải miết chạy mãi, đến khi vấp vào hòn đá trên dốc Sun, ngã lăn ra triền hoa mí mèng tỏa mùi ngai ngái, thơm nồng, thì tôi không thể chạy nổi nữa. Tôi nằm gục xuống, úp mặt vào những cây mí mèng, tiếng thổn thức của tôi lẫn vào nhịp vòng quay của cọn nước mãi không thôi. Đến khi có tiếng khỏa nước của ai đó, tôi mới vùng dậy, ào qua suối. Trời ăm ắp sương mù. Mé đứng ở bậc đá chỗ cây kháo già nhìn tôi. Mắt mé đỏ như quả vả rừng trên khuôn mặt đầy âu lo. Mé thở dài, tiếng mé như lạc đi:

- Nó không thương tao, thương mày con ơi. Nó mang tro trấu đổ đầy nhà rồi.

Cái mắt mé trào nước. Tôi run lẩy bẩy. Mé cầm tay tôi:

- Về thay quần áo đi, cảm lạnh bây giờ.

Tôi bước về nhà mà cái chân trĩu nặng. Đầu tôi đầy ắp cái lo. Tôi phải nói với mé thế nào đây? Chuyện đã như thế này rồi làm sao dấu nổi mé? Liệu mé có tha thứ cho tôi, cho anh không? Mé và tôi sẽ nói thế nào với họ hàng, người bản khi cái bụng tôi ngày một to ra? Còn cái chữ nữa, tôi phải bỏ dở dang giữa chừng rồi. Biết làm sao bây giờ? Mé đã khổ, giờ tôi lại làm mé khổ thêm. Tôi lo mà không biết phải làm thế nào. Còn con tôi nữa, liệu cái ngày tôi sinh nó ra thì anh có biết lối mà về không? Nếu anh không về thì tôi sẽ đứng trước những cái khó, cái khổ của người làm mẹ. Thế thì cũng cố mà cắn răng chịu thôi. Nói ra không có ai thương mà người ta còn cười thêm.

*

*    *

Nước suối trong vắt nhìn rõ tụi rong rêu đung đưa, nhún nhảy lẫn giữa bạt ngàn đá cuội trắng, cuội đen. Mà sao hôm nay tụi nước réo rắt mãi thế? Nó như muốn cùng cọn nước poò, cọn nước meè tấu lên giai điệu nhân nga, vời vợi. Mưa bụi ngày một dày lên, mây trắng từ trên núi, trong rừng sà xuống suối, quấn quít lấy tôi. Hương hoa mí mèng nồng nàn. Cái tụi hoa này đến lạ, càng về tối lại càng ngát hương. Ngày ấy anh Sấn thường nói, người tôi đẫm ướp hương thơm mí mèng. Tôi không biết anh nói có đúng không? Mới đấy mà đã mấy mùa mí mèng qua đi, anh không về. Cũng không biết vì sao nữa. Tôi muốn đi tìm anh, để nói với anh là anh đã làm cha, rằng thằng Di ngoan lắm, nó mới ăn được gần năm mùa lúa mà đã biết ghép vần, đọc chữ trong những quyển sách ngày xưa của anh với tôi học rồi. Nó luôn mồm hỏi sao cha đi đâu mà không về nhà? Tôi cũng muốn khoe với anh, năm trước, cho dù thằng Di còn bé, nhưng tôi đã thi xong Trường Trung học phổ thông, nghe lời anh thi đỗ vào Trường Cao đẳng sư phạm tỉnh rồi. Kết quả này, tôi xin được bảo lưu để sang năm thằng Di cứng cáp thêm, tôi sẽ xuống trường nhập học. Nhưng bây giờ tôi biết anh ở đâu mà tìm? Anh cũng lạ thật đấy. Cái chân đi là đi thẳng một mạch, anh không nhớ tôi không sao, nhưng anh không thể mang tiếng là người con không có hiếu thuận. Bao năm nay mé vẫn ngóng chờ anh đấy thôi. Mé không nói ra, nhưng mỗi khi thằng Di nghịch ngợm, mé mắng:

- Dà! Cái thằng này cái nết giống hệt cha mày.

Như thế đủ biết mé nhớ anh đến chừng nào rồi.

Mà tôi rất sợ, một ngày nào đấy, thằng Di nó biết anh bỏ đi từ lúc nó là một sinh linh bé bỏng trong bụng tôi, thằng bé sẽ buồn nhiều đấy. Tôi tủi thân vì cha mẹ bỏ rồi, giờ tôi không muốn con tôi lại gặp cái chuyện buồn ấy. Hằng đêm, tôi vẫn mong mỏi anh trở về. Bây giờ thì họ Lý cũng không bắt tội anh nữa. Ngày tôi sinh thằng Di, mé nộp phạt cho dòng họ và người bản hai con trâu, ba con lợn tạ rồi. Tôi bỗng thở dài day dứt…

Thằng Di đến bên bờ suối từ khi nào tôi cũng không biết, nó nhẫn nại vớt những viên đá cuội đủ hình thù đẹp mắt từ suối lên, xếp thành hình tròn. Nó chọn những viên đẹp nhất, ngắm nghía một lúc lâu và nói:

- Đây là đá bà, đá pò, đá mé và đá Di.

Thằng Di chợt đứng phắt dậy, chạy ào đến bên tôi, bàn tay bé xíu, ướt dượt của nó chỉ sang thảm hoa mí mèng. Tôi dụi mắt, ở giữa đám hoa, có ai đó không mặc quần áo chàm của người bản, mà mang bộ quân phục màu xanh, vai đeo cái ba lô to tướng đang ve vuốt những cánh hoa hồng rực. Trước mắt mé con tôi, dáng cao cao của người trai ấy nhòa trong vòng quay của cọn nước đôi, quấn quít cùng thảm hoa mí mèng, làm nên đóa hoa lung linh rực rỡ sắc màu. Bất chợt, từ trên vòm trời đầy mây trắng, từng bầy chim rừng nghiêng cánh, ríu rít rủ nhau bay về tổ trong bóng chiều chạng vạng.

Thái Nguyên – Quân khu 1

 Tháng 11/2012

  B.T.N.L

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Một số tác phẩm của Trần Văn Chín 

Thư viện tác phẩm 2 năm trước

Phạm Thị Thanh Xuân

Thư viện tác phẩm 2 năm trước

Một số tác phẩm của Phạm Văn Quý

Thư viện tác phẩm 2 năm trước

Một số tác phẩm của Nguyễn Thị Tứ

Thư viện tác phẩm 2 năm trước

Một số tác phẩm của Nguyễn Thị Kim Ngân

Thư viện tác phẩm 2 năm trước

Một số tác phẩm của Nguyễn Long

Thư viện tác phẩm 2 năm trước

Một số tác phẩm của Nguyễn Anh Hòa

Thư viện tác phẩm 2 năm trước