Thứ tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024
17:35 (GMT +7)

Con người qua góc nhìn của văn và báo

VNTN - Trước tiên, cần phải phân biệt văn và báo. Văn được hiểu là tất cả các tác phẩm ngôn từ nghệ thuật, sử dụng ký hiệu, hình ảnh, hình tượng, có tính đa nghĩa, nói bằng ngôn ngữ bên trong (gián tiếp). Báo là các bài viết, hình ảnh có tính chất thông tấn, chuyển tải thông tin, sự kiện, rõ ràng, chính xác và đơn nhất về nghĩa (dĩ nhiên, trong bối cảnh hiện nay, trên báo có văn, trong văn có báo, nhưng tính chất loại hình cụ thể của nó thì không thay đổi). Điều gì văn làm được mà báo bất lực? Những nghiên cứu, phân tích về chức năng, vai trò của văn học (thẩm mỹ, giáo dục, nhận thức, giải trí, dự báo…) đều đem đến hình dung về một loại hình ý thức đặc thù, thông qua thế giới nghệ thuật, hướng đến tinh thần, tư tưởng, tình cảm, tri thức của con người từ góc độ thẩm mỹ. Văn học không phải là giải pháp, mà là nguồn năng lượng nhân bản từ sâu bên trong, khơi dậy phẩm tính người, làm thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi của họ gắn với việc “lựa chọn” khả năng hiện diện một cách nhân văn. Bởi thế, từ nhân bản đến nhân văn, nhân ái, nhân đạo… đều xuất phát từ nhân tính, nhân phẩm. Phần người (thuộc về văn hóa) chi phối, kiểm soát, chế ngự, cảm hóa phần “con” - biểu hiện của bản tính tự nhiên, sinh học. Văn học đặt mình vào một trong những vị trí trọng yếu nhất để xây dựng nhân tính, đắp bồi các giá trị người trong cái nhìn chăm chú vào Chân - Thiện - Mỹ. Chẳng hạn, chiến tranh là đau thương, chết chóc, bạo tàn. Nhưng, văn học viết về chiến tranh không phải để tô thêm vẻ bạo tàn ấy. Văn học giúp con người nhận ra sự bạo tàn, cái giá của hòa bình, sự sống. Văn học đem đến sự thay đổi từ bên trong với những rung cảm sâu xa về lẽ phải, chính nghĩa, tình yêu, thân phận con người. Bởi vậy, đằng sau những trang văn mịt mù khói lửa chiến tranh là cái nhìn đau đáu, thấp thỏm về sinh mệnh con người, sinh mệnh hòa bình. Từ nỗi lòng của người chinh phụ hướng về kẻ chinh phu nơi chiến địa trong Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn đến Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Văn tế nghĩa sĩ trận vong Lục tỉnh của Nguyễn Đình Chiểu; từ thơ ca chống Pháp, chống Mỹ, và đến hôm nay là những tác phẩm hậu chiến (nhìn về thời chiến), chúng ta nhận ra văn chương đã đem đến giữa lòng người những rung động mãnh liệt về giá trị của sự sống, giá trị của hòa bình, hình tượng con người với tình yêu đất nước, nhân dân một cách cao cả: Anh chẳng để lại gì cho riêng Anh trước lúc lên đường/ Chỉ để lại dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ/ Anh là chiến sĩ Giải phóng quân/ Tên Anh đã thành tên đất nước/ Ôi Anh Giải phóng quân!/ Từ dáng đứng của Anh giữa đường băng Tân Sơn Nhứt/ Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân (Dáng đứng Việt Nam - Lê Anh Xuân). Anh giải phóng quân đã trở thành biểu tượng cho sức mạnh, ý chí của cả dân tộc. Dáng đứng hiên ngang trong tư thế tiến công của anh là dáng đứng của Việt Nam trong bão táp chiến tranh. Văn học gieo vào lòng người ý chí, niềm tin, hào khí và tư thế ấy, để tiếp thêm sức mạnh cho mọi người, cho dân tộc đi qua những cuộc thử lửa đầy cam go của lịch sử. Cũng từ văn học, chúng ta nhận ra thân phận con người trong chiều dài lịch sử, trong những chìm nổi, vui buồn của tồn tại từ hồng hoang đến hiện tại. Nhìn về văn chương Việt Nam, nếu thời chiến nổi bật với hình tượng người lính hiên ngang, lẫm liệt, thì thời bình, văn học nhìn về họ với cái nhìn gần gũi, đời thường, khắc họa những nét dáng riêng tư gắn với sinh hoạt hàng ngày. Từ truyện ngắn của Thái Bá Lợi (Hai người trở lại trung đoàn) đến Nguyễn Minh Châu (Bức tranh, Cỏ lau, Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Bến quê, Chiếc thuyền ngoài xa), rồi Nguyễn Huy Thiệp (Tướng về hưu, Huyền thoại phố phường, Không có vua), Bảo Ninh với tiểu thuyết (Nỗi buồn chiến tranh)…; từ những trang thơ đầy khí thế, niềm tin, phơi phới lạc quan cách mạng của Tố Hữu, Phạm Tiến Duật đến Lối nhỏ của Dư Thị Hoàn và sau một chút là thơ Nguyễn Lương Ngọc, Dương Kiều Minh, Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn… chúng ta nhận ra văn chương đã tiếp nạp thêm khía cạnh đời tư, với hơi thở bộn bề của thế tục, của thân phận con người: Khối óc tôi tàn tật/ Bởi tiếng kêu cứu dai dẳng/ Từ những thân phận đang thoi thóp sống/ Từ những thân phận đang đợi chờ (Trước ban thờ - Dư Thị Hoàn). Phải thừa nhận rằng, trong chiều kích sâu xa nhất của tồn tại người, văn học chính là một phương tiện, một cầu nối, một gợi dẫn hay một chìa khóa mà con người có thể có, nhằm tiệm cận được với thế giới ấy. Dù thời chiến, thời bình, dù ở Đông hay ở Tây, con người vẫn là giá trị cao cả nhất. Văn chương xuất phát từ lòng hiếu sinh để bảo tồn, làm sáng hơn phẩm chất người. Văn chương xoáy sâu vào thân phận con người, đánh thức nhân tính, hướng về những điều cao đẹp. Đó là sứ mệnh tự thân của nó. Vậy, điều gì báo chí không làm được, nếu đặt vào tương quan với văn chương? Báo chí có nhiệm vụ chính là thông tin, với tính chất chính xác và đơn nghĩa (không tạo ra sự mơ hồ hay đa nghĩa bởi có thể tạo ra sự hiểu lầm). Dĩ nhiên, báo cũng hướng đến con người, hướng đến việc khai minh, nhưng vì tính chất thông tấn của nó, những diễn biến sâu thẳm, đa chiều, phức tạp của lòng người không phải là thế mạnh của báo chí. Khi nói rằng, báo chí che đi con người, nghĩa là nó phản ánh cái bề mặt của đời sống xã hội, mà nhường lại cái bề sâu, bề xa trong việc kiến tạo chân dung tinh thần con người cho văn học - nghệ thuật. Báo gắn với cái hiện tại, chính xác, nên không có thời gian cho những dằn vặt, suy tư, tưởng tượng, hư cấu. Từ một mẩu tin hay một bài xã luận, một phóng sự điều tra, một vấn đề cụ thể của đời sống, chính trị, xã hội… báo chí mang đến cho con người thông tin, tri thức, để nhận diện bối cảnh - không gian sống thực hữu. Không gian sống ấy gắn với con người, nhưng là con người xã hội, luân lý, pháp luật. Tuy nhiên, con người không chỉ sống và hiện ra ở thì hiện tại. Con người là một thực thể có ký ức, có mộng mơ, hy vọng, tưởng tượng; có sự chi phối của quá khứ, sự hoài vọng về tương lai, có ý thức và vô thức, có sự đan xen bản năng sinh học và định chế văn hóa… Chính vì thế, như một sự phân chia nhiệm vụ, đặc trưng, mỗi loại hình tìm thấy cho mình một lối riêng để đến với con người. Báo chí bất lực khi đứng trước việc biểu tả con người trong trạng thái toàn nguyên nhất. Đó là con người được hình dung một cách trọn vẹn với tất cả đặc tính làm nên tồn tại. Văn chương, như Mộng Liên Đường chủ nhân đã từng viết, khi đọc Truyện Kiều: phải có con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt ngàn đời, mới có thể nhận ra con người trong thăm thẳm thời gian, trong mênh mông không gian, trong trùng trùng những tương quan lịch sử, văn hóa, xã hội và trong chính vũ trụ nội tâm không bao giờ lường hết đường biên, giới hạn. Báo chí có vai trò trọng đại trong việc kiến tạo không gian xã hội, còn văn chương đích thực, lặng lẽ đi vào trái tim con người. Dĩ nhiên, nếu hình dung một cách tổng thể, mọi nỗ lực của văn chương nghệ thuật và báo chí, cuối cùng cũng đi đến chỗ làm cho đời sống, xã hội loài người trở nên tốt đẹp hơn. Cái khác nhau căn bản ở đây chính là con đường, mức độ, phạm vi và những khả năng thuộc về đặc tính loại hình. Do vậy, không loại hình nào có thể thay thế nhau. Đặt ra vấn đề khả năng của văn chương và giới hạn của báo chí, mục đích bài viết này nhằm hình dung về vai trò, sứ mệnh của văn và báo trong việc tiếp cận con người. Từ cơ sở đó, chúng ta thấy được vẻ đẹp, sức mạnh của văn cũng như ý nghĩa của báo trong đời sống, văn hóa và trong lịch sử. Không thể phủ nhận vai trò của từng loại hình, càng không thể biện biệt văn và báo như là hai thế giới đóng kín. Trong diễn biến của văn học nghệ thuật và báo chí đương đại, sự đan xen, lồng nhập, sử dụng loại hình này như là công cụ trong một loại hình khác là điều hoàn toàn bình thường, nhằm mục đích cuối cùng là thể hiện được tư tưởng, ý đồ của người viết văn, làm báo. Chính bởi thể, một hình dung ngược trở lại về sứ mệnh hay đặc trưng của văn - báo, giúp chúng ta định hình tư cách tồn tại của chúng trong xã hội truyền thông hiện nay. Nguyễn Thanh Tâm

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy