Thứ ba, ngày 22 tháng 10 năm 2024
19:20 (GMT +7)

Có rất nhiều sự thật

VNTN

"Con ơi con, trái đất thì tròn

Mặt trăng sáng cũng tròn như đĩa mật

Tất cả đấy đều là sự thật

Nhưng cái bánh đa tròn, điều đó thật hơn!” 

 Đây là bốn câu thơ trong bài “Với con” của Thạch Quỳ, in khoảng năm 1979 trên Báo Văn Nghệ. Một bài thơ khá hay, nhưng có lẽ nhiều người nhớ tới không phải vì thơ, mà vì một câu chuyện khác: Bài thơ vừa in ra một thời gian ngắn thì có người “phát hiện” nó rất “phản động”, là “biểu tượng hai mặt”, với nhiều hình tượng ám chỉ xấu. “Qua đường đất đến con đường rải đá” là nói con đường cách mạng, đã qua đoạn êm đềm, giờ là gồ ghề, xóc nảy. “Nghe chim hót đừng nghe mê mải quá”, “chim hót” ở đây là đài, báo của Đảng, đừng nghe mê mải quá mà bị lừa. Tác giả dùng biểu tượng “con” trong bài thơ là ám chỉ nhân dân, có ý dạy nhân dân đừng ngây thơ, dễ bị lừa lắm v.v... Tác giả bài thơ sau đó bị rầy rà, bị kiểm thảo lên xuống, suýt bị kỷ luật... Rồi mọi chuyện cũng qua, bài thơ được in lại trên báo Nhân Dân, thành một chuyện vui văn nghệ một thời.

Bài thơ này là một chia sẻ của người cha nói với con của mình về những lựa chọn, giúp con hiểu biết, ý thức và dần mạnh mẽ hơn: Phải biết chọn việc thức dậy đi học mà không chọn nằm nghe chim hót, biết ngân hà và ánh sáng gồm bảy màu nhưng chọn việc khêu rạng ngọn đèn, biết khát vọng bay lên vũ trụ để chọn việc làm đêm nay là học toán và đọc thơ. Bốn câu thơ trích ở trên là nói về sự lựa chọn sự thật. Tuy có vẻ hơi lạc giọng, không phải là nói với con, mà chính là phải nói với cha, cha phải tạo dựng sự thật cái bánh đa cho con ấm bụng để học tập, biết trái đất tròn và ngắm mặt trăng tròn, nhưng vẫn nằm trong mạch chia sẻ, khuyên con biết chọn điều hữu ích và thiết thực để hướng tới những vời xa và mơ mộng.

Lựa chọn là câu chuyện thường ngày của đời người. Ta luôn luôn phải đứng trước tình huống lựa chọn hàng ngày, hàng giờ, từ việc nhỏ là sở thích, ăn uống, vui chơi, rồi việc làm, cách làm, hướng đi, giao tiếp, thái độ... cho đến nhiều lựa chọn lớn lao hơn. Trong đời, nhiều khi ta đã phải thỏa hiệp, không thể chọn được cái tốt nhất, mà chọn cái tạm ổn nhất có được. Đã nhiều lần ta lựa chọn sai, phải lựa chọn lại, phải trả giá đắt... Có nhiều người vì lựa chọn sai mà không bao giờ còn cơ hội lựa chọn tiếp nữa.

Và câu chuyện của người làm báo, của nhà báo: Làm báo là mang những tiếp nhận của mình để chia sẻ với bạn đọc của mình. Mỗi khi ta chuẩn bị một tác phẩm, dù là từ một dòng tin, ta cũng đứng trước nhiều lựa chọn. Những lựa chọn sẽ dần làm nên ấn tượng và tình cảm của bạn đọc, xấu hay tốt, tin tưởng hay ngờ vực là do bản lĩnh của ta thể hiện ở việc lựa chọn nội dung và thông tin ta mang tới cho bạn đọc của mình.

Câu nói “Có rất nhiều thứ gần giống sự thật, nhưng sự thật chỉ có một” đã nhắc nhở về khó khăn trong tiếp cận sự thật để phản ánh với bạn đọc của mình.

Hồi báo chí nổi lên phong trào chống tiêu cực, tạo nên một “cơn sốt” xã hội, nhiều vụ việc động trời được phơi bày, dường như không có vùng cấm, báo chí bỗng vang động sức mạnh và vẻ đẹp quyến rũ... Giữa những ngày đó, tôi nghe trên đài kể tội rất đanh thép một vị tổng giám đốc với đủ mọi loại tiêu cực, lộng quyền, mất dân chủ, tham ô, lãng phí... Tôi, và bao nhiêu người nghe như tôi, đã rất căm ghét vị tổng giám đốc này. Thế rồi có tin, ông ta đã dùng dây điện thắt cổ tự tử tại phòng làm việc để minh oan cho chính mình. Sau đó, có nhiều thông tin nói lại là ông tổng giám đốc ấy không tiêu cực đến như vậy, ông ta còn có công dám xé rào khi kinh tế thị trường bắt đầu có tín hiệu hình thành... Được minh oan thì ông tổng giám đốc kia đã chết. Liệu ông ta không tự tử thì có được minh oan?

Cách đây chưa lâu, tôi đọc trên một tờ báo vẫn có mấy bài viết về vụ Nguyễn Thanh Chấn giết người, cho rằng đây là một kẻ phạm tội rất tinh vi, lại còn kêu oan và kêu oan kiên trì. Vậy mà chỉ sau đó một thời gian ngắn, thủ phạm thật sự của vụ án lộ diện, ông Chấn được tạm tha, rồi chính thức được minh oan sau 10 năm bị kết án và tù giam...

Trong hai câu chuyện trên, tôi tin rằng các nhà báo khi tiếp cận đã không tự đánh lừa mình, không cố tình phản ánh sai sự thật. Họ đã, vì nhiều lý do chủ quan và khách quan, đã không tiếp cận đúng sự thật, đã lầm tưởng cái gần giống sự thật là sự thật. Đây cũng là ví dụ cho việc báo chí nguy hiểm như thế nào khi không nhận thức được đúng và phản ánh đúng sự thật.

Thời đại ngày nay còn phức tạp hơn rất nhiều. Bây giờ thì ta lại nhận ra thêm: Không phải chỉ có một sự thật, mà có rất nhiều sự thật. Con người có nhiều mặt như nhiều sự thật về anh ta. Ở nơi này, khía cạnh này, anh ta rất hào phóng, sống yêu thương và tình cảm, ở nơi khác, khía cạnh khác, anh ta lại rất bủn xỉn, bẩn thỉu và đáng ghét. Anh ta hèn nhát ở nơi này nhưng mạnh mẽ ở nơi kia. Một sự vật, hiện tượng đáng ca tụng, tung hô nếu nhìn ở góc độ này, nhưng ở góc độ khác, lại có thể phê phán, dè bỉu... Một công trình mang lại lợi ích cho rất nhiều người, nhưng nhìn góc khác, lại xâm phạm hoặc ảnh hưởng tới lợi ích của một nhóm người khác... Có rất nhiều ví dụ như thế. Xã hội ngày càng phát triển, càng phân hóa và càng khó tạo dựng đồng thuận hơn nếu tiếp cận từ nhiều phía khác nhau và bị chi phối bởi các nhận thức về các sự thật khác nhau về cùng một con người, một vấn đề, một sự kiện, hiện tượng...

Các nhà báo có thể đều nói lên sự thật, nhưng tiếng nói của họ nhiều khi trở nên đối lập nhau, chính là do cách lựa chọn sự thật khác nhau, và ai cũng có lý.

Tôi đã thán phục truyền thông của Nhật Bản và cách nước này tiếp cận với truyền thông thế giới khi phản ánh vụ thảm họa kép động đất và sóng thần năm 2011. Rất nhiều hình ảnh tan hoang, tàn phá ghê rợn nhưng tôi không thấy một hình ảnh nào về những đống xác người, về sự tuyệt vọng của con người... Khác hẳn sau đó, khi cơn bão khủng khiếp Haiyan tràn qua một quốc gia ở khu vực Đông Nam Á năm 2013, thì lại rất nhiều hình ảnh về những xác chết, về sự khốn khó, tuyệt vọng của con người... Chắc chắn thảm họa ở Nhật Bản không thiếu sự thật tuyệt vọng và nhỏ nhoi của con người trước thiên nhiên. Có điều các nhà báo đã không lựa chọn sự thật này để phản ánh mà thôi. Điều này làm cho thế giới càng tin vào sức mạnh của người Nhật, tin vào sự vươn dậy của Nhật Bản, họ cũng vẫn chia sẻ, hỗ trợ Nhật Bản khắc phục hậu quả không kém sau này khi xảy ra cơn bão Haiyan. Bây giờ, nếu được chọn đến một trong hai nơi đã xảy ra thảm họa này, chắc chắn tôi sẽ chọn đến Nhật Bản...

Tôi lục lại trí nhớ của mình về vụ khủng bố 11/9/2001 ở Mỹ: Cũng không có hình ảnh nào về sự tang thương và kinh hãi của con người. Không có máu me, chết cháy, đống xác người... Chỉ có vài hình ảnh người rơi ra từ tòa tháp đôi, đủ cho ta hình dung mức độ khủng khiếp nhưng không rơi vào tuyệt vọng...

Truyền thông nhiều nước phát triển, khi phản ánh các vụ bạo lực, xả súng giết người hay các vụ tai nạn ở mức thảm họa, họ đều cố tránh đưa các hình ảnh hạ thấp phẩm cách con người và sự ghê rợn của hiện trường. Nếu cần, họ dựng bằng các mô hình, đồ họa. Chắc chắn họ không thiếu những hình ảnh và video về sự thật này nhưng họ đã không lựa chọn.

Trong khi chúng ta thì sao? Nhiều khi trong bữa tối, ta xem truyền hình phản ánh về một vụ tai nạn hay đưa câu chuyện về dịch bệnh, ô nhiễm... ta phải dừng ngang bát cơm.

Có những doanh nhân thành đạt, vì tự hào mình là người Việt, vì hoài bão lớn với đất nước, đã đầu tư tại quê nhà, họ làm thay đổi bộ mặt của nhiều vùng đất nghèo khó, họ tạo dựng nên những giá trị thương mại lớn lao đến không ngờ cho những vùng núi, vùng biển bỏ hoang bao nhiêu đời nay. Nhưng không khéo lại trở nên “xấu xí” trên truyền thông vì họ, hay đối tác của họ, hay ngay cả chính quyền địa phương, khi chuẩn bị và hợp tác, trong quá trình triển khai, đã không bao quát hết, bao quát cho thật đầy đủ những ảnh hưởng tới mọi người liên quan. Trong thực hiện những dự án, có sự cố ngoài ý muốn, nếu không “quản lý” và “xử lý” kịp thời, có thể trở thành “thảm họa truyền thông” ngay.

Tại sao trong truyền thông của chúng ta lại nhiều câu chuyện đời tư, cả những câu chuyện phòng the, chuyện ăn mặc, mua sắm, phát ngôn hớ hênh của những nhân vật hot đến vậy? Và tại sao nó lại là câu chuyện hấp dẫn?

Bây giờ đã có một khoa học, gọi là ứng xử với truyền thông, rồi có đúc kết kinh nghiệm xử lý “khủng hoảng truyền thông”, rồi kỹ năng biến “đám cháy” thành “hoa đăng” trong môi trường truyền thông. Hay nhỉ? Nhà báo đã biến thành một đối tượng cần hết sức cảnh giác trong ứng xử từ bao giờ vậy?Nếu các nhà báo là những con người luôn biết lựa chọn các sự thật, không vụ lợi cá nhân, vì cộng đồng, vì hình ảnh và phẩm cách dân tộc mình, vì đổi mới, phát triển, thì xã hội đâu phải cần đến những kinh nghiệm và kỹ năng ấy?

Bởi vì có một sự thật là, có nhiều nhà báo chưa có phẩm cách cao hơn công dân, chưa có một trái tim nồng ấm, và còn thiếu nhiều hiểu biết và kỹ năng để dẫn đường cho tư duy và lựa chọn của mình, xứng đáng với nghề nghiệp cao quý của mình.

Nhà báo Nguyễn Thành Phong

(Báo Lao động và Xã hội) 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy