Thứ bảy, ngày 04 tháng 05 năm 2024
07:13 (GMT +7)

Có một cách tôn thờ “Mẹ thiên nhiên” như thế!

Không hiếm những dân tộc và nền văn hóa trên khắp thế giới mang trong mình tư tưởng Tô-tem giáo riêng có của họ. Cho rằng, “vạn vật hữu linh”, do vậy, người ta quan niệm không chỉ duy nhất con người, động vật mà ngay cả các loài thực vật,… cũng đều có linh hồn; cũng tồn tại cùng lúc ở một thế giới tâm linh song song với thế giới trần tục của loài người.

Trong thời hiện đại, khi mà vật chất lên ngôi, thật khó để tưởng tượng sẽ vẫn còn có cộng đồng nào đó duy trì được tư tưởng nói trên như chính hơi thở của mình?! Có lẽ vì thế mà những bộ tộc người da đỏ tại Mỹ là một ngoại lệ.

Theo dòng lịch sử truyền thống người dân da đỏ có góc nhìn riêng về thiên nhiên, con người, những khái niệm như sự giàu có, v.v.. Sự khác biệt này xuất phát từ việc họ lấy sự tôn trọng dành cho vạn vật làm “kim chỉ nam” cho cuộc sống hằng ngày. Câu chuyện dưới đây phần nào thể hiện rõ sự cao quý trong niềm tin của người da đỏ trong việc tôn thờ “Mẹ thiên nhiên” một cách vô cùng thiêng liêng, đặc biệt của họ.

Người da đỏ và cây thần

Có bao nhiêu bộ tộc da đỏ khác nhau ở xứ cờ hoa, sẽ có bấy nhiêu cây thần. Cuộc sống gắn bó hữu cơ với thiên nhiên đã đưa dẫn tổ tiên người da đỏ đến chỗ tôn thờ cây cối như những vật tổ linh thiêng bậc nhất. Theo tín ngưỡng người da đỏ, linh hồn của con người ta khi chết sẽ trở về với đất mẹ. Người sống có thể qua cây cối mà trò chuyện với tổ tiên. Hoặc, nhờ cây cối mà họ có thể trân trọng gửi gắm những lời cầu khấn thiêng liêng của mình đến với thần Mưa, thần Gió, thần Mặt trời, v.v..

Bản thân đại lục Mỹ cũng không thiếu những cái cây khiến cho con người có cảm giác choáng ngợp không khác gì tượng thần. Mỹ là một quốc gia trẻ tuổi, nhưng mảnh đất này vốn dĩ đã có tuổi đời rất già. Chín trong số mười cái cây cổ nhất trên thế giới từng được ghi nhận sống tại Mỹ. Thú vị hơn, năm trong số mười cái cây có chiều cao nhất trên thế giới lại cũng được sinh tồn ở Mỹ. Ngoài việc được thiên nhiên ưu đãi đặc biệt, con người cũng là một lý do quan trọng giúp cây cối tại Mỹ có thể tồn tại và phát triển bền vững như thế.

Truyền thống xưa nay, người da đỏ không bao giờ chặt cây ngoại trừ vì mục đích phục vụ trực tiếp cuộc sống của mình. Còn nếu “cực chẳng đã” phải bắt buộc làm việc đó, họ cũng chỉ chặt những cây có tuổi đời non trẻ nằm ngoài bìa rừng chứ không bao giờ người ta đi sâu vào khu vực lõi tìm cây cổ thụ mà hạ. Các bộ lạc da đỏ ở Mỹ tuy sống du mục nhưng hằng năm, vào một thời điểm thành lệ, người ta chủ động quay về một số địa điểm nhất định trong rừng già để cộng đồng cùng chăm bón, tỉa cành,… cho các loài cây quý.

Chính nhờ vào “cái tâm” đầy trân quý của các bộ lạc da đỏ đối với thế giới môi sinh của mình như vậy, cho nên ở nước Mỹ hiện nay vẫn còn vô vàn những khu rừng tự nhiên dẫu đã hàng nghìn năm tuổi, nhưng vẫn tươi tốt. Đơn cử như khu rừng hồng sam tại công viên quốc gia Redwood, thuộc bang California. Loài hồng sam đã có từ thời nguyên thủy và là giống cây cổ thụ có chiều cao vượt trội nhất trong các cánh rừng tự nhiên tại nước Mỹ. Phỏng theo “di lệ kế thừa”, hàng năm vào một ngày đã định, con cháu của người da đỏ lại tập trung dưới bóng những cây hồng sam cao hơn 100m, tuổi đời hơn 700 năm để thực hiện những nghi lễ tôn giáo truyền thống.

Chuyện cây sồi thần

Bộ tộc Lenape ở thung lũng Olley, bang Pennsylvania (Mỹ) từ lâu đã truyền khẩu câu chuyện: “Vợ một vị tù trưởng Lenape bị ốm nặng. Bao nhiêu vị thầy cúng đã cho thuốc rồi làm lễ mà bệnh tình của người phụ nữ ấy vẫn không hề thuyên giảm. Vị tù trưởng mới tìm đến dưới gốc một cây sồi cổ thụ trong cánh rừng già để cầu khấn thần thánh phù hộ cho người vợ vô cùng xinh đẹp của mình. Và thần diệu làm sao, khi vị tù trưởng trở về đến trại, vợ ông đã đủ khỏe để trở lại.

Cây sồi thần của người Lenape

Thế rồi, nhiều năm sau đó, tộc người của vị tù trưởng có xích mích với một bộ tộc láng giềng. Vì mong muốn giành được chiến thắng, vị tù trưởng đến cầu khấn trước cây sồi xưa. Một giọng nói phát ra từ cây, nhưng thay vì phù hộ cho vị tù trưởng thắng trận, cây sồi lại khuyên ông đem quà đến giảng hòa với bộ tộc bên cạnh. Vị tù trưởng làm theo lời cây dặn mà nhờ đó thoát khỏi thảm cảnh đổ máu. Cây sồi cũng từ đó trở thành vật chủ với bộ tộc Lenape.

Kể từ đó, cuộc sống của người Lenape xoay quanh cây sồi thần. Bất cứ sự kiện cưới hỏi; tang lễ,… của họ đều diễn ra dưới gốc cây sồi. Người bị bệnh đến cầu cây chữa khỏi cho mình. Người gặp rắc rối trong cuộc sống tìm đến cây để xin lời khuyên. Họ cúng lễ cho cây sồi bằng cách nhét vào hốc cây những đồng tiền. Đến cuối năm số tiền này sẽ được phân phát cho trẻ con như một cách để cây ban lộc. Cứ thế, cây sồi và con người cứ dựa vào nhau như thế mà sống hàng trăm năm cho đến thời hiện đại…”.

Vào khoảng thập niên 70 của thế kỷ trước, bộ tộc Lenape rơi vào tình cảnh khó khăn. Chính sách phân biệt chủng tộc của nhà nước Mỹ khiến cho ngay cả việc canh tác trên mảnh đất của họ đã khó, chứ chưa nói gì việc tha hương đi tìm việc làm. Người Lenape buộc phải sống dựa vào việc chặt cây để bán. Chẳng mấy chốc mà khu rừng nơi họ sống bị chặt gần hết, chỉ chừa lại khu vực quanh cây sồi thần. Biết không thể chặt cây sồi thần, vị tù trưởng mới họp cả tộc Lenape lại để bàn bạc.

Cuối cùng, tại hội nghị quan trọng ấy, bộ tộc Lenape đồng thuận đưa ra mặc định: Phải sống dựa vào rừng! Nhưng mối quan hệ này không thể chỉ có “nhận” mà không hề “cho” đi! Điều thứ hai khiến bộ tộc Lenape “ngộ” ra: Có cách giúp họ hoàn toàn không phải chặt cây mà vẫn kiếm được thu nhập. Nhận thức mới này là động lực đẩy người Lenape lao vào việc toàn tâm toàn ý phục hồi lại toàn bộ các thảm thực vật của các khu rừng nhằm tạo ra những tầng sinh thái đa dạng. Họ không những chỉ trồng lại các loài cây, mà còn đi tìm những giống động vật bản địa trên địa bàn lân cận đem thả chúng vào rừng. Đây không hề là những công việc dễ dàng hay nhanh chóng, và phải đến thế hệ nối tiếp người Lenape mới được hưởng thành quả của mình.

Một lễ hội của bộ tộc Lenape diễn ra bên rừng

Cây sồi thần nói riêng và những khu rừng nguyên sinh nói chung trở thành điểm du lịch nổi tiếng tại bang Pennsylvania. Khách du lịch đổ đến thung lũng Olley trước hết để thăm cây thần, sau là cắm trại và tận hưởng môi sinh không thể tuyệt vời hơn của những khu rừng thường xanh vẫn giữ được vẻ hoang dã. Danh tiếng của cây sồi còn được nâng tầm lên sau khi xuất hiện một cảnh bộ trong phim “Khiêu vũ với bầy sói” nổi tiếng thế giới đã từng giành tới bảy giải Oscar vào năm 1990. Người Lenape thu lợi bằng cách cung cấp dịch vụ homestay, bán đồ thủ công, và giới thiệu nền văn hóa của riêng mình cho khách du lịch. Nhờ vào những hoạt động này mà không có hộ dân Lenape nào còn thuộc diện nghèo đói nữa.

Tất nhiên là bộ tộc Lenape không bị lợi nhuận che mờ mắt. Người ta tiếp tục bảo vệ cây sồi và những khu rừng như tổ tiên họ đã từng làm. Thậm chí, họ còn bảo vệ chúng chặt chẽ hơn cả thời cha ông mình. Lực lượng kiểm lâm địa phương toàn là thành viên thuộc tộc Lenape. Nhưng không chỉ có mình họ mà từ đứa trẻ đến người già đều mang trách nhiệm giữ gìn cho khu rừng lúc nào cũng được an toàn. Họ áp đặt những quy định rất nghiêm ngặt để bảo vệ cây rừng để chúng không chịu sự can thiệp vô tình hay hữu ý của khách du lịch. Nhờ vào công sức của người dân Lenape mà cây sồi thần vẫn tiếp tục lớn. Nay cây đã cao 26,5m và có đường kính khoảng 6,7m, được xếp vào hàng cây sồi to nhất nhì Bắc Mỹ.

Trong những năm gần đây, vì khói bụi từ các lò gạch lân cận mà cây sồi thần lẫn rừng cây có phần ít tươi tốt hơn. Sau khi mời các chuyên gia đến thăm khám cho cây, người Lenape đã đi đến một quyết định khó khăn: Mỗi năm họ sẽ đóng cửa rừng sáu tháng để cây cối có điều kiện hồi phục. Đóng cửa rừng tức là không có khách du lịch, không kiếm được lợi nhuận, nhưng người Lenape vẫn quyết làm vậy.

Họ hiểu rằng, bộ tộc chỉ tồn tại khi nào rừng còn tươi tốt. Điều này không chỉ giới hạn trong việc làm du lịch bền vững, mà còn liên quan trực tiếp đến niềm tin và lối sống bản thân. Có quá nhiều giá trị của người Lenape đan xen và hiện thân trong rừng. Giữ rừng vì vậy là cách giúp người lớn có cơ may để lại một món quà vừa mang tính vật chất, vừa mang tính nhân văn đầy vô giá cho các thế hệ sau.

Câu chuyện về cách người Lenape dành cho cây sồi thần và khu rừng nguyên sinh sự tôn thờ mang tính tâm linh đang từ vị trí “hiện tượng lạ” trở thành một cảnh quen thuộc trên khắp nước Mỹ. Ngày càng có nhiều cộng đồng thổ dân da đỏ tìm được cách vừa kiếm lời từ rừng, vừa bảo vệ được rừng. Mà không chỉ có mình người da đỏ, cả người da trắng nữa cũng đã - đang làm theo họ để nhận được sự che chở của “Mẹ thiên nhiên”.

Các cộng đồng thực hiện được cả hai việc nói trên cùng lúc đều trở nên giàu có hơn, mạnh khỏe hơn, bền vững hơn, vì họ có được sự che chở tuyệt vời của thiên nhiên. Theo một cách nào đó, trong thời đại văn minh công nghệ thỏa mãn mọi nhu cầu của loài người, có vẻ như những “cây thần” và những cánh rừng già vẫn luôn có cách che chở giúp đỡ; “phù hộ độ trì” cho con người, nếu như chúng được thế giới loài người thật sự tôn quý?!

Vĩ thanh

Dường như, cái cách “thần thánh hóa” với những “cây cao bóng cả”, với những cánh rừng già tự nhiên của người da đỏ tại nước Mỹ mà nhờ đó họ được sống trong một thế giới môi sinh đáng sống nhất. Đồng thời, cũng là được nhận về những lợi ích kinh tế giàu có, phong phú từ rừng. Và đặc biệt, biết tôn thờ thiên nhiên không bao giờ phải đón nhận những cơn cuồng nộ của “Mẹ thiên nhiên”, xem ra là những bài học kinh nghiệm vô giá, đầy thiết thực.

“Trông người lại ngẫm đến ta”. Có vẻ như, sau những trận đại hồng thủy khủng khiếp mà bà con hai miền Bắc – Nam, miền Trung và Tây Nguyên phải oằn mình gánh chịu trong những ngày vừa rồi thì cái cách tôn thờ cây cối và những cánh rừng già của người da đỏ nước Mỹ thật đáng được để tâm suy nghĩ một cách thật nghiêm túc. Để rồi, có cơ may chúng ta sẽ được đón nhận sự an lành nhờ sự bao bọc nhân ái của “Mẹ thiên nhiên” hùng vĩ. Âu là thế chăng?!

Lê Công Hội (tổng hợp)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy