Thứ năm, ngày 31 tháng 10 năm 2024
00:27 (GMT +7)

Có hay không tình yêu tay ba trong Truyện Kiều?

LTS: Sau khi được đăng tải, bài viết “Tình yêu tay ba trong Truyện Kiều” của tác giả Lê Đình Cúc (Báo Văn nghệ Thái Nguyên số 48, ra ngày 01/12/2015) đã nhận được sự quan tâm, chia sẻ từ phía độc giả.

Với tinh thần khách quan, tôn trọng sự khác biệt trong nghiên cứu khoa học, Tòa soạn xin trân trọng giới thiệu bài viết trao đổi của tác giả Vũ Đình Toàn, nguyên giáo viên trường THPT Chuyên Thái Nguyên.

 


VNTN - Đọc đầu đề bài viết của ông Lê Đình Cúc “Tình yêu tay ba trong Truyện Kiều”, tôi thấy nó lạ lẫm và trái ngược với cách hiểu, cách cảm của tôi cùng với nhiều người đối với bộ ba nhân vật Kim Trọng, Thúy Vân, Thúy Kiều trong tác phẩm của đại thi hào Nguyễn Du. Vậy tôi xin có một số ý kiến trao đổi như sau:

1. Từ đầu đến khi Thúy Kiều trao duyên cho em, không có tình yêu giữa Kim Trọng với Thúy Vân, do vậy không có tình yêu tay ba.

Tác giả Lê Đình Cúc dựa vào bốn câu thơ:

Vẫn* nghe thơm nức hương lân

Một nền Đồng tước* khóa xuân hai Kiều

Nước non cách mấy buồng thêu

Những là trộm dấu thầm yêu chốc mòng

 

để khẳng định ngay từ lúc chưa biết mặt nhau, mới chỉ nghe dư luận, Kim Trọng đã yêu Thúy Vân rồi. Ông viết:  “… chàng đã “trộm dấu thầm yêu”. Yêu ai? Yêu cả hai nàng Kiều”. Kết luận ấy được ông củng cố thêm bằng chi tiết Kim Trọng nhận xét nhan sắc của cả hai chị em khi nhìn thấy họ trong hội Đạp thanh

Bóng hồng nhác thấy nẻo xa

 

Xuân lan thu cúc mặn mà cả hai

Theo tôi, thông tin mà chàng Kim nghe được về hai người con gái xinh đẹp nhà Vương viên ngoại không chỉ gói gọn trong hai câu “Vẫn nghe thơm nức hương lân; Một nền Đồng tước khóa xuân hai Kiều” (Vẫn nghe dư luận nức nở ca tụng về hai cô con gái xinh đẹp, sống nền nếp trong khuôn khổ gia giáo).

Đây chỉ là cách kể vắn tắt để người đọc truyện hiểu rằng Kim Trọng đã biết khá rõ về hai nàng. Chàng đã biết rằng tuy nhan sắc hai chị em đều đạt đến độ hoàn thiện, không có khiếm khuyết nhỏ nào:

Mai cốt cách, tuyết tinh thần

 

Mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười

nhưng Thúy Vân chỉ sở hữu một vẻ đẹp đoan trang, đầy đặn, còn Thúy Kiều thì “sắc sảo, mặn mà; So bề tài sắc lại là phần hơn”. Cụ thể, Kiều có một vẻ đẹp mê hồn đến mức “hoa ghen”, “liễu hờn”, đến mức

Một hai nghiêng nước, nghiêng thành

 

Sắc đành đòi một, tài đành họa hai

Kiều là cô gái thông minh sắc sảo, giỏi cả cầm, kỳ, thi, họa, ca ngâm, đặc biệt tài năng âm nhạc bậc thầy:

Cung thương lầu bậc ngũ âm

 

Nghề riêng ăn đứt Hồ cầm một trương.

Có nghĩa là một tâm hồn, một trí tuệ, một năng khiếu tuyệt vời. Những điều này chắc chắn Kim Trọng phải biết và thực sự chàng đã biết. Trong cái đêm Kim Kiều tình tự, chính Kim Trọng đã thổ lộ điều đó và tỏ ý khao khát được thưởng thức tiếng đàn của Kiều từ lâu:

Rằng “Nghe nổi tiếng cầm đài

 

Nước non luống những lắng tai Chung Kỳ”.

Vậy thì đâu có chuyện “trộm dấu thầm yêu” cả chị lẫn em? Chả nhẽ một văn nhân hào hoa phong nhã như thế lại không đủ thông minh để định hướng đối tượng yêu, để chọn lựa giai nhân tri kỷ cho mình mà lại tham lam vơ cả cụm hay sao? Đấy là giai đoạn tình yêu mới được nhen nhóm từ xa, thông qua những lời đồn đại ngợi ca đã gieo vào lòng chàng trai những rung động và mơ tưởng đầu đời. Còn khi “gặp tuần đố lá thỏa lòng tìm hoa” thì cái nhìn đầu tiên chỉ là sự kiểm chứng tính xác thực của lời đồn về nhan sắc của cả hai chị em.

Bóng hồng nhác thấy nẻo xa

 

Xuân lan, thu cúc mặn mà cả hai

Nhận xét này không có ý nghĩa gì trong việc chứng minh tình yêu của Kim Trọng đối với hai nàng, trong đó có Thúy Vân. Còn những câu tiếp theo:

Người quốc sắc, kẻ thiên tài

Tình trong như đã, mặt ngoài còn e

Chập chờn cơn tỉnh, cơn mê

Rốn ngồi chẳng tiện, dứt về chỉn khôn

Bóng tà như giục cơn buồn

Khách đà lên ngựa, người còn ghé theo

Dưới cầu, nước chảy trong veo

 

Bên cầu, tơ liễu bóng chiều thướt tha

thì hoàn toàn miêu tả tâm trạng yêu đương giữa Thúy Kiều với Kim Trọng. Đây là những câu thơ tuyệt đẹp với ngôn ngữ giàu chất tạo hình, gợi cảm, diễn tả ấn tượng mối tình đắm say e ấp trong buổi gặp gỡ đầu tiên. Tác giả Lê Đình Cúc cho rằng chữ “người” được dùng hai lần trong đoạn thơ này không để chỉ một mình Kiều mà để chỉ cả hai chị em. Tôi nghĩ, hiểu như vậy rất là khiên cưỡng, bởi vì:

- Chữ người “chỉ số nhiều (từ hai người trở lên) thì, hoặc phải kèm từ chỉ lượng (những người, các người, mọi người…) hoặc mang nghĩa phiếm chỉ (người với người là bạn, người đâu sao chưa đến?...).

- Chữ “người” đặt trong thế đối xứng với “kẻ”, với “khách” thì luôn phải hiểu là số ít, tức một người - ở đây chỉ là Kiều. Xét về nghệ thuật tiểu đối trong câu thơ lục bát, lại càng không thể nói chữ “người” là để chỉ hai chị em Kiều.

Người quốc sắc/ kẻ thiên tài

 

Khách đà lên ngựa/ người còn ghé theo.

Hai vế đối nhau phải cân nhau. Thử tưởng tượng cái cân có hai đĩa, một bên có một người, bên kia lại có tới hai người thì còn cân ở chỗ nào? Hai vế đối  sẽ lệch hẳn nhau, cái cân sẽ siêu vẹo, câu thơ làm sao đứng nổi đây?

Tác giả Lê Đình Cúc còn dùng câu “Hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa” để cho rằng cả Thúy Vân cũng có tình ý với Kim Trọng. Ông viết rằng: “Nhưng là người xa lạ thì bất cứ cô con gái nào cũng sẽ đĩnh đạc ra chào bạn của em trai mình chứ việc gì phải “e lệ”, phải “nép vào dưới hoa” nếu không có rung động tình cảm, không có ý tứ gì? Nhưng lúc đó Nguyễn Du đã để cho hai người con gái cùng để ý đến Kim Trọng, rung động trước Kim Trọng. Và chính vì vậy Nguyễn Du viết: “Hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa” chứ không phải “Thúy Kiều e lệ…” hay “Thúy Vân e lệ…”.

Tôi xin hỏi: Nếu không có tình ý gì mà Thúy Vân bước đến trước mặt Kim Trọng chào hỏi một cách đĩnh đạc tự nhiên trong khi cô chị “e lệ nép vào dưới hoa” thì hình ảnh ấy có tức cười lắm không? Còn  đâu là hình ảnh quấn quít dịu dàng của một đôi chị em gái con nhà gia giáo giữa môi trường công cộng? Nếu cứ e lệ rụt rè trước nam giới là có tình ý, là đã yêu rồi hay sao? Nếu vậy thì càng là con gái nhà khuê các càng có lắm người yêu hay sao…?

Sau hội Đạp Thanh về nhà, Kim Trọng tương tư ai? Ông Lê Đình Cúc bảo chữ “nàng” trong câu “Nỗi nàng canh cánh bên lòng biếng khuây” không chỉ rõ nàng nào, và chính vì trong trạng thái chưa rạch ròi cho nên anh chàng mới tìm cách “xăm xăm đè nẻo Lam Kiều lần sang”. Có vẻ như từ suy diễn sai lầm này đã dẫn đến suy diễn sai lầm khác! Tình yêu Kim - Kiều nảy nở trong buổi chiều hôm tảo mộ đã có dấu hiệu đắm say đến thế thì chữ “nàng” ở đây còn là ai nữa ngoài Thúy Kiều? Ôi, nếu văn chương mà cứ phải rạch ròi “Nỗi Kiều canh cánh” hay “Nỗi Vân canh cánh…” mới hiểu được thì còn cần gì văn chương nữa đây!

Thực ra, Thúy Vân chỉ là cô em gái ngoan, hiền, vô tư bên cạnh chị gái sắc sảo đa tình. Chẳng thế mà đêm hôm đi tảo mộ về, trong lúc Kiều bị ám ảnh bởi bóng ma Đạm Tiên, phấp phỏng về kiếp hồng nhan bạc mệnh, trăn trở về tương lai của mối tình với Kim Trọng:

Người đâu gặp gỡ làm chi

 

Trăm năm biết có duyên gì hay không?

thì Thúy Vân vẫn ngủ rất say, chị gái khóc cũng chả biết! Đến lúc xảy cơn gia biến, Kiều bán mình chuộc cha, cả đêm sùi sụt vắn dài, đau đớn xót xa cho mối tình dang dở:

Một mình nương ngọn đèn khuya

Áo đầm giọt lệ, tóc se mái đầu

thì lúc ấy, Thúy Vân vẫn ngủ say, nghe tiếng chị khóc mới ngơ ngác hỏi:

Cớ chi ngồi nhẫn tàn canh

 

Nỗi riêng còn mắc mối tình chi đây?

Với tính cách hiền lành, thật thà của Thúy Vân, đây là thắc mắc thật, không phải giả bộ. Chứng tỏ cô bé chẳng biết gì về tình yêu của chị, chẳng quan sát nghi ngờ gì, chẳng để ý gì, và như vậy càng rõ là cô chưa hề có tình ý gì với Kim Trọng cho đến lúc chị trao duyên.

2. Từ sau khi Kiều trao duyên cho em cho đến ngày Kiều đoàn tụ với gia đình, có tình vợ chồng giữa Kim Trọng - Thúy Vân, những vẫn không có tình yêu tay ba.

 

Vì sao Thúy Vân chấp nhận lời khẩn cầu đau đớn của chị

Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa

Giữa đường đứt gánh tương tư 

 

Giao loan khắp mối tơ thừa mặc em!

Theo tác giả Lê Đình Cúc, có hai động cơ: Một là vì nghĩa với chị và hai là vì tình với Kim Trọng. Ông viết: “Nếu quả thật Thúy Vân không yêu Kim Trọng… thì có trói cổ nàng xích lại, nàng cũng không dễ dàng nhận lời yêu Kim Trọng đến vậy”.

Theo tôi, Lê Đình Cúc nhận định không hoàn toàn sai, song cũng chưa hẳn đúng. Chính xác hơn phải nói là: Thúy Vân nhận lời thay Thúy Kiều lấy Kim Trọng là vì nghĩa với chị, vì rất thương chị, kể cả thương Kim Trọng, mà Kim Trọng là mẫu người hoàn hảo, mẫu người lý tưởng trong xã hội đương thời cho nên hầu như không có điều gì phải băn khoăn vướng mắc. Về phía Kim Trọng, dù đứng ở vị trí khác Thúy Vân, song cũng cùng ý thức và tình cảm như Thúy Vân: tất cả là vì tình, vì nghĩa đối với Thúy Kiều; đón Vương Ông, Vương Bà về phụng dưỡng là vì Kiều, chấp nhận xe duyên với Thúy Vân cũng vì Kiều:

Thần hôn chăm chút lễ thường

 

Dưỡng thân thay tấm lòng nàng ngày xưa

Ý kiến cho rằng Kim Trọng đón hai ông bà về phụng dưỡng là đón bố mẹ vợ (ý nói bố mẹ Thúy Vân) là chưa đúng, bởi trước đó Kim Trọng cũng đã coi Kiều như vợ mình rồi:

Chưa chăn gối cũng vợ chồng

 

Lòng nào mà nỡ dứt lòng cho đang.

Tóm lại, việc Kim Trọng - Thúy Vân xe tơ kết tóc hoàn toàn không phải vì tình yêu vốn có giữa hai người mà chỉ do sức ép không thể cưỡng lại của hoàn cảnh, do tình nghĩa chị em của Vân với Kiều, do tình yêu sâu nặng của Kim Trọng với Kiều. Nhưng dĩ nhiên, một khi Kim Trọng - Thúy Vân đã tự giác chấp nhận chung sống thì không thể không nảy nở tình cảm vợ chồng trong khi họ đang thì xuân sắc và xét bề ngoài rất xứng đôi vừa lứa:

Người yểu điệu, kẻ văn chương

 

Trai tài, gái sắc, xuân đương vừa thì.

Không phải không có hạnh phúc, song đây chỉ là thứ hạnh phúc đời thường mà Kim Trọng phải vun đắp. Xin nhớ rằng anh chàng vẫn phải lo thi đỗ làm quan để nối nghiệp nhà, vẫn cần một gia đình nề nếp, một mệnh phụ phu nhân phong lưu đài các, và một đàn con để nối dõi tông đường. Nhưng còn thứ hạnh phúc trong tâm hồn, thứ tình yêu tri âm tri kỷ với Kiều thì vẫn chiếm trọn trái tim chàng:

Tuy rằng vui chữ vu quy

Vui này đã cất sầu kia được nào

Khi ăn ở, lúc ra vào

 

Càng âu duyên mới, càng dào tình xưa

Rõ ràng, đối với Thúy Vân là duyên, còn với Thúy Kiều là tình. Những khi thư phòng vắng vẻ, Kim Trọng lại “đốt lò hương, giở phím đồng ngày xưa”. Mỗi khi làn gió lay rèm, chàng lại nghe “tiếng Kiều đồng vọng” , lại thấy “bóng xiêm mơ màng”. Thúy Vân biết rõ điều đó, nhưng không hề ghen tuông, kể cả sau này khi Kiều đã đoàn tụ với gia đình, với Kim Trọng, vì sao? Có nhiều cách lý giải: Vì cô quá thương chị đã chịu nhiều đau thương mất mát trong khi cô được hưởng cuộc sống êm đềm, hay vì cô có bản tính hiền thảo, có đức hi sinh chịu đựng? Hay vì Kiều đã cự tuyệt chuyện chăn gối với Kim Trọng...? Theo tôi, tất cả đều đúng.

Nhưng còn một điều quan trọng nữa khiến cho câu chuyện giữa ba nhân vật này vẫn không phải là một chuyện tình tay ba, đó là tình yêu của Thúy Kiều đối với Kim Trọng đã không còn nguyên vẹn khi trong lòng nàng tình yêu chân thành, đắm đuối của anh chàng Thúc Sinh đã chiếm một vị trí đáng kể, nhất là ánh sáng chói lọi của người anh hùng Từ Hải đã làm lu mờ hào quang một văn nhân hào hoa phong nhã. Kỉ niệm về Kim Trọng giờ cũng chỉ còn là “chút nghĩa cũ càng”, còn hiện tại với Kim Trọng chỉ còn là tình bạn tâm giao không hơn không kém:

Khi chén rượu khi cuộc cờ

 

Khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên

* * *

Như vậy, xuất phát điểm không có mối tình tay ba, chỉ có mối tình Kim Trọng - Thúy Kiều. Từ sau cơn gia biến, chỉ có tình vợ chồng Kim Trọng với Thúy Vân. Buổi đoàn tụ, ngoài tình vợ chồng Kim Trọng - Thúy Vân chỉ còn mối tâm giao giữa Kim Trọng với Thúy Kiều mặc dù về bề ngoài, Kim Trọng lúc này có hai vợ. Trước sau, không có cái gọi là tình yêu tay ba trong Truyện Kiều.

 

* Bài của Lê Đình Cúc viết là “Trộm nghe…” và “Một đền đồng tước…” ; tôi xin đính chính theo tài liệu đáng tin cậy nhất.

Vũ Đình Toàn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy