Cô giáo nhận lương hưu 1,3 triệu và “phản ứng nhanh” của đại biểu
VNTN - Tôi đã đến Bảo hiểm xã hội Việt Nam, xem toàn bộ lịch sử tiền lương của cô giáo Lan - Phó chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, đại biểu Bùi Sỹ Lợi trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, sáng 31/10.
Trường hợp được ông Lợi đề cập là cô giáo giáo mầm non Trương Thị Lan ở Hà Tĩnh, người mà theo phản ánh của báo chí là đã khuỵ ngã khi nhận lương hưu 1,3 triệu đồng/tháng sau 37 năm trong nghề.
Sáng 30/10, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ cũng đã đề cập với báo chí câu chuyện này và cho biết rằng ông "rất trăn trở".
Việc cô giáo Lan sau 37 năm công tác chỉ nhận được mức lương hưu 1,3 triệu đồng/tháng cho thấy chế độ tiền lương đang có vấn đề. Ông có bình luận gì?
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi: Tôi đã đến Bảo hiểm xã hội xem toàn bộ lịch sử tiền lương của cô Lan. Cô Lan đi dạy 37 năm, nhưng giai đoạn đầu không có lương, không có hợp đồng. Tính từ khi có hợp đồng đến lúc về hưu thì mới chỉ tham gia bảo hiểm xã hội được 22 năm 8 tháng,. Tiền lương tính bình quân của 22 năm 8 tháng, chia ra được hơn 1,8 triệu, khi nghỉ hưu được hưởng 69%, được chưa đến 1,3 triệu đồng/tháng. Nghị quyết năm 2015 của Quốc hội quy định tất cả người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, khi về hưu, nếu lương hưu thấp hơn mức lương cơ sở thì phải bù cho bằng lương cơ sở. Thế cho nên nhà nước đã bù thêm cho cô Lan hơn 37.000 đồng nữa mới đủ 1.300.000 đồng.
Như vậy, nguyên nhân đầu tiên là thời gian đóng ít. Thứ hai là tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội trên nền rất thấp – chỉ có 1,8 triệu. Bài toán đặt ra ở đây là nếu chính sách bảo hiểm của chúng ta như thế này thì sẽ không thu hút được người tham gia. Khi về hưu lương rất thấp, không đủ sống.
Bây giờ hệ thống mầm non của chúng ta đã tốt hơn, lương 5 – 6 triệu thì lương về hưu 70% cũng là được rồi.
Vì vậy, cần nâng nền mức đóng bảo hiểm xã hội trên tổng lương. Tăng thời gian đóng bảo hiểm, nữ là 30 năm, nam là 35 năm để đủ 75% thì mức hưởn khi về hưu sẽ cao hơn.
Sắp tới hội nghị Trung ương 7 sẽ nghe đề án cải cách đổi mới chính sách tiền lương thì phải thiết kế sao cho đảm bảo nâng mức đóng để mức hưởng cao. Kéo dài thời gian đóng và điều chỉnh thời gian đóng cho phù hợp.
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội
Nhưng lâu nay mỗi khi điều chỉnh mức đóng bảo hiểm thì cả doanh nghiệp và người lao động đều kêu ca?
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi: Nó có một nghịch lý như vậy bởi vì là khi mức đóng tăng thì người lao động và doanh nghiệp lại không muốn vì người lao động muốn “tiền tươi thóc thật” và sợ quỹ này không được bảo toàn.
Cho nên trong công tác tuyên truyền hiện nay cũng phải nói cho người lao động hiểu đây là quỹ tập trung quốc gia, do Bộ trưởng Bộ Tài chính là chủ tịch hội đồng quản lý .Tiền này mang ra đầu tư tăng trưởng và phải trở về để bảo toàn quỹ bảo hiểm xã hội để trả cho người lao động. Người lao động thực đóng, thực hưởng và đến một lúc người lao động hoàn toàn có thể có tài khoản cá nhân, đóng bao nhiêu, tăng trưởng bao nhiêu, cộng liền các năm là bao nhiêu… thì được hưởng cái đó.
Cũng phải nói thêm rằng không có nước nào lương về hưu vượt quá 75% của mức đóng như Việt Nam, cao nhất chỉ 50 – 60%. Nhưng tại sao Việt Nam tỷ lệ đóng thì cao nhưng mức tuyệt đối rất thấp vì mức đóng quá thấp. Người lao động chủ yếu đóng trên tiền lương tối thiểu vùng, chỉ hơn 3 triệu đồng chứ không trên tổng thu nhập. Vì vậy, đóng trên thu nhập, có thể tỷ lệ có thấp một chút nhưng số tuyệt đối vẫn cao.
Theo lộ trình có thể thực hiện nghiêm túc việc đóng bảo hiểm theo thu nhập không, thưa ông?
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi: Quy định là đến 1/1/2018 phải đóng theo tổng thu nhập, thì hiện các doanh nghiệp đang kêu nhưng nhiều doanh nghiệp cũng đã đóng ở mức đó rồi. Nên Việt Nam có câu chuyện người lương hưu cao nhất là 70 triệu vì họ đóng rất cao chứ không phải do mình tính cao cho người ta.
Từ câu chuyện cô giáo Lan, đặt ra sự bất cập giữa khu vực công, khi so sánh với các ngành nghề như công an, bộ đội nhận lương cao, vậy chính sách làm sao cho hài hoà hơn, thưa ông?
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi: Trong tư duy của chính sách tiền lương hiện nay có mâu thuẫn. Về nguyên lý, do đặc điểm ngành thì khi còn đương chức anh cứ hưởng cao hơn nhưng khi về hưu thì năng lực ngang nhau, cấp bậc ngang nhau phải hưởng như nhau. Không nên có sự chênh lệch qúa. Còn như hiện nay, Thứ trưởng về hưu lương chỉ bằng anh trung tá.
Bài toán đặt ra là muốn làm lĩnh vực nào cũng được, phần cứng của anh phải lớn. Đằng này của mình phần cứng lại nhỏ hơn phần mềm. Có tới 17 loại phụ cấp nên có ngành có thâm niên, có ngành không, rồi phụ cấp của các cơ quan Đảng cao hơn các cơ quan hành chính khác.
Có ngành có thâm niên, có ngành không có thâm niên. Nên có câu chuyện không bình đẳng.
Hội nghị Trung ương 7 phải đặt vấn đề để xem xét, người về hưu có mức sống tương đồng nhau. Không có đất nước nào công bằng được hết cả nhưng tối thiểu người về hưu ít nhất phải bằng mức sống tối thiểu chung của xã hội. Sau đó anh nào đóng góp cao hơn thì được hưởng nhiều hơn.
Trúc Bạch
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...