Cô gái có chữ viết đẹp
Ấn Độ. Ông hai lần được học bổng Fulbright (của trường Đại học Cornell và Harvard). Thơ của ông thường xuất hiện trên các tờ Kunapipi, Indian PEN, New Quest và Journal of Indian Writing in English.
Mridula Bhattacharya tỉnh giấc vì tiếng động do người làm vườn Abul dùng dao chặt các bụi rậm bên ngoài phòng ngủ của nàng. Nàng và chồng sống trong một ngôi nhà có khu vườn rộng. Khi họ chuyển đến đây, khoảng sáu tháng trước, khu vườn có những luống đất ngay ngắn, gọn gàng bởi gia đình sống ở nhà này trước họ có thuê một người làm vườn. Nhưng vợ chồng Mridula lại không lưu tâm đến khu vườn. Ở bang Assam này mưa rất lớn và thời gian này gió mùa thì ẩm ướt nhất trong nhiều năm nay. Vì thế chẳng mấy chốc cây cối mọc khắp nơi, các loại cây leo lan tràn, cỏ dại mọc rậm rạp. Tuần trước, một hôm khi đi làm về, Mridula đã dừng lại ở cổng, hoảng hồn vì vẻ hoang dại của khu vườn. Những lối đi trong vườn hầu như biến mất, cây cối chồm lên bên trên ngôi nhà, lá dày và rối rắm, đã bắt đầu che mất ánh sáng. Nhà của nàng, vườn của nàng là thế này sao? Tình trạng này nhắc nhở rằng nàng từ lâu đã không lưu ý đến khu vườn. Ôi, nàng chỉ quan tâm đến chính mình! Rồi nàng nghĩ rằng hàng xóm có thể thấy khu vườn hoang phế mà nghĩ rằng đôi vợ chồng sống trong nhà này không hạnh phúc. Hôm sau Mridula thuê Abul.
Đã tám giờ và nàng thì có giờ dạy lúc chín giờ. Thông thường chồng nàng lái xe đưa nàng đến trường, nơi nàng dạy môn tiếng Anh. Nhưng hôm nay nàng sẽ phải đi xe lam. Jayanta đã lấy xe đi lúc quá nửa đêm một chút và chưa trở về.
Nàng đã nằm thao thức suốt đêm và mãi đến gần sáng mới ngủ được. Từ sự yên lặng nặng nề bên phía chồng, nàng biết rằng anh cũng đang thức. Jayanta chắc cũng biết về sự thao thức của nàng nhưng anh đã không làm gì để vỗ về nàng. Họ đã nằm thức, im lặng, người này biết nỗi khổ tâm của người kia. Sau nửa đêm một chút thì mất điện làm cả thị xã chìm trong bóng tối. Rồi Jayanta ngồi dậy. Mridula nghe tiếng anh thay quần áo trong bóng tối. Chồng của nàng rất kỹ tính. Dân thị xã đã quen với cách làm việc không mấy hiệu quả của Sở Điện lực Assam nhưng Jayanta vẫn bắt thuộc cấp của anh luôn phải sẵn sàng. Anh rất thích đi kiểm tra bộ phận trực của Sở Điện lực bất ngờ lúc nửa đêm.
Mridula đi vào nhà bếp. Nàng không muốn ăn sáng nhưng bắt buộc mình phải ăn một cái bánh xăng uých và uống một ly sữa. Nếu nàng không ăn sáng, giọng của nàng sẽ run run khi đứng lớp. Mình không thể dạy Paradise Lost (1) với một cái bụng rỗng. Ý nghĩ đó làm nàng mỉm cười, cho dù đang buồn.
Nàng đã chọn lớp chín giờ sáng. Không ai trong các đồng nghiệp của nàng muốn nhận lớp chín giờ, bởi lúc ấy đàn ông thì phải đưa con đi học, nữ thì phải nấu nướng buổi trưa. Vậy là, trong cuộc họp của ban Anh Văn, có người đã đưa ra một đề nghị sáng suốt: “Giao cho Mridula các giờ dạy buổi sáng!”. “Vâng, cứ giao cho tôi các lớp buổi sáng”, Mridula nói bằng giọng khẳng định. “Cô có chắc không, Mridula?”, thầy hiệu trưởng hỏi. Vâng, nàng chắc chắn. Buổi sáng nàng thường rảnh rỗi. Nàng không có con để lo cho chúng đến trường.
Mridula mở cửa trước bước ra ngoài. “Abul”, nàng gọi. Anh vội vã đến trước mặt nàng chắp tay chào. Abul là một chàng trai trẻ chưa quá hai mươi hai tuổi mà đã gánh một gánh nặng một vợ hai con. Abul lo cho gia đình bằng cách nhận làm những việc linh tinh. Anh nghĩ công việc làm vườn là một việc làm ổn định và biết ơn Mridula vì đã thuê anh. Anh sống ở một ngôi làng cách đây năm dặm và đi bộ đến thị xã mỗi ngày.
Vào ngày làm việc thứ hai của mình, Abul phát hiện con dao của anh bị mất. Thay vì mang dao về nhà, anh đã giấu nó dưới một bụi rậm trong vườn. Ngày hôm sau thì con dao không còn ở đó nữa. Có người đã lấy cắp nó. Mridula đoán kẻ lấy con dao là một trong mấy thằng nhóc hay vào vườn vì mấy cây mít trong vườn thật hấp dẫn. Đối với Abul, vụ mất trộm là một thiệt hại. Anh rất thích con dao bản cong và cái cán dao bằng gỗ do chính tay anh làm. Anh là một người sử dụng dao thành thạo. Trong tay anh, con dao là một dụng cụ đáp ứng mọi mục đích. Ngày đầu tiên, Mridula ngồi trên hàng hiên nhìn Abul thầm khen ngợi khi anh để qua một bên cây kéo nàng đã đưa cho anh mà vung dao cắt tỉa gọn gàng bờ giậu.
Khi Abul nói về vụ trộm, Mridula muốn bù đắp cho anh sự mất mát đó. Nhưng nàng do dự, sợ chồng sẽ cằn nhằn. Sau đó, khi nàng nói với anh vào buổi chiều, Jayanta đã thẳng thừng bác bỏ đề nghị của nàng. Anh hỏi, sao họ lại phải chịu trách nhiệm về vụ mất trộm? Tại sao Abul lại bất cẩn như thế? Sao anh ta không cất dao vào nơi an toàn trong nhà? Ngoài ra, với những người như Abul thì không thể tin chắc được. Làm sao Mridula biết được thực sự là anh ta mất dao? Nếu anh ta nói láo thì sao? Vậy là cái ý nghĩ đền bù cho Abul trôi mất. Abul phải mượn một con dao từ một người bà con hay bạn bè của anh ta.
Giờ thì Abul đang đứng trước mặt nàng, Mridula cảm thấy anh ta muốn nói chuyện với nàng. Có vẻ như anh muốn yêu cầu gì đó. Có phải là về con dao? “Abul, tôi trễ mất”, nàng nói, giọng nàng có vẻ khàn khàn. “Gọi xe cho tôi”. Anh ta đi ngay rồi trở lại sau một lúc.
Abul cười và nhảy xuống chiếc xe lam anh đã gọi đến. Anh có vẻ tự hài lòng, như thể anh vừa tặng cho nàng một món quà. Quả vậy. Chiếc xe lam nhỏ sơn màu vàng - đen anh đưa về rõ ràng là còn mới. Rõ ràng là Abul đã đợi chiếc xe này mà bỏ qua những chiếc cũ hơn, những chiếc xe rung lắc mà thị xã có đầy. Mridula sẽ được một chuyến đi êm ái. Nàng xúc động vì hành động bất ngờ này của Abul. “Tôi trễ rồi, Abul”, nàng nói khi lên chiếc xe lam đang đợi. Lần này thì trong giọng nói của nàng có vẻ tiếc nuối.
“Trường đại học”, nàng nói với người lái xe lam. Đó là một thanh niên có vóc người gầy. Trên đường đi, Mridula bắt gặp anh ta nhìn nàng qua kính chiếu hậu bên hông xe. Nàng là một phụ nữ quyến rũ. Dù là trong tâm trạng buồn, nàng vẫn mặc đẹp. Nàng tự hỏi chàng trai lái xe lam đang nghĩ gì. Đây là một thị xã nhỏ. Ai cũng biết gia đình Bhattacharyas. Ông kỹ sư sở Điện lực và người vợ hiếm muộn của ông. Nàng nhìn cái cổ áo đã sờn của người lái xe lam. Có lẽ anh ta phải làm cả ngày lẫn đêm để nuôi gia đình. Và lúc này đây, có lẽ anh đang tội nghiệp cho tình trạng hiếm muộn con của nàng. Cái áp lực phải sinh đẻ con cái ở đất nước quá đông dân này là rất lớn. Một người sẽ là không hoàn hảo nếu không có đứa con nào.
Ở cổng trường, nàng đưa cho người lái xe lam mười lăm rupi và đợi trả lại tiền thừa. Anh ta lầm bầm gì đó và trả lại tiền.
Gopal, người bảo vệ ban đêm ở trường, lên tiếng chào nàng. Anh có vẻ già trước tuổi và mắt anh vằn đỏ vì thiếu ngủ. Nhưng không ai từng nhìn thấy anh ngủ, anh luôn sẵn sàng tất cả mọi lúc. Anh về thăm nhà ở làng Bihar mỗi năm một lần và luôn luôn trở lại chậm thời gian quy định. Thầy hiệu trưởng đe là sẽ sa thải anh nhưng lần nào cũng bỏ qua. Gopal là người làm việc vặt cho tất cả mọi người. Anh đi lấy trà từ căng tin của trường, lấy thư từ nhà bưu điện. Nếu có rắn bò vào phòng học, thì gọi Gopal. Và nếu bàn hay ghế cần sửa chữa, thì là lúc Gopal xuất hiện với búa và đinh.
Hàng tháng anh gửi tiền về cho gia đình. Những người lao động ở trường, những người nghèo, sống bằng khoản tiền lương ít ỏi, nói đến Gopal với vẻ kiêng nể vì anh gửi hầu hết tiền lương của mình về nhà. Anh ngủ trong một phòng học và ăn những gì còn lại ở nhà ăn tập thể của trường. Anh không tiêu phí xa hoa, không hút thuốc và chưa hề đi xem phim ở rạp. Mục đích duy nhất của đời anh là gửi tiền về nhà.
Gopal theo Mridula đến phòng của ban Anh văn, nghiêm chỉnh quét bụi trên bàn của nàng, rồi đi. Vài ngày trước, anh cũng đi theo nàng như vậy. Trong khi quét dọn phòng, anh đã kể với nàng về gia đình của mình. Mridula đợi cho anh nói. Khi nói xong anh xin nàng cho anh mượn một ít tiền. Mridula biết phải nói gì. Nàng bảo anh rằng nàng cần hỏi ý kiến Jayanta đã. Gopal chấp nhận như vậy. Chuyện nàng hỏi ý kiến chồng đối với anh là chuyện tự nhiên. Ngày hôm sau Mridula nói với Gopal rằng chồng nàng đã bảo nàng không cho mượn tiền. Thực ra nàng đã không hỏi ý kiến Jayanta.
Chuông reo nhưng Mridula vẫn ngồi ở bàn. Lớp chín giờ là lớp đầu tiên trong ngày và luôn có một, hai sinh viên đến trễ. Nếu nàng vào lớp và bắt đầu dạy, thì sẽ bị ngắt quãng bởi một giọng nói hụt hơi, “Xin cô cho vào lớp?”, hay “Xin lỗi cô”. Chuyện như vậy rất bất tiện, nàng thường nổi giận với những trường hợp đó.
Mridula cầm quyển Paradise Lost trên tay. Đó là một quyển sách cũ, góc trang sách bị cong và bạc màu, là một trong những thứ còn lại của nàng từ thời đại học. Đời sống ở trường đại học hồi đó khác biết bao! Trò chuyện ở căng tin trường, trong các phòng ký túc xá… Nàng và các bạn đã tranh luận sôi nổi về vấn đề tốt và xấu trong Paradise Lost, trong vũ trụ. Hồi ấy nàng có lòng nhân từ để khóc vì cuộc đời. Bây giờ lòng nhân từ ấy dường như đã xa mất rồi.
Nàng biết rõ cuốn sách của nàng, nàng có thể mở nó ra đúng chỗ nàng muốn. Hôm nay nàng mở cuốn sách ở phần đầu và mắt nhìn vào trang giấy nàng đã viết tên mình. Nàng luôn luôn nháy mắt khi nhìn những bức ảnh cũ của mình. Nhưng bây giờ khi nàng nhìn kiểu chữ viết tay hồi trẻ thì một nụ cười hãnh diện và sung sướng đột ngột hiện trên mặt nàng. Chữ viết của nàng hồi trước đẹp làm sao!
Cô gái có chữ viết đẹp. Đó là cách nàng nổi tiếng trong trường. Những người tốt, cha nàng đã nói với nàng, thì có chữ viết đẹp. Florence Nightingale (2) có chữ viết đẹp. Abraham Lincolt (3) cũng vậy. Mahatma Gandhi (4) thì không - ông đã không quan tâm đến chữ viết của mình hồi còn nhỏ và sau này cảm thấy xấu hổ. Chữ viết đẹp thể hiện sự quan tâm đến người khác. Mridula đã bỏ ra hàng giờ để luyện chữ viết của nàng. Nàng đã nhận những trận đòn và những hình thức phạt khác ở trường mà không hề oán giận vì nàng tin vào chữ viết đẹp.
Cha nàng đã không còn tin rằng con gái ông sẽ sinh được một đứa con. Mridula đã hết hy vọng. Bảy năm vừa qua là một cuộc thử thách chua chát: đi khám bác sĩ và gặp các chuyên gia, đi đến các đền cầu khấn và gặp các vị đạo sĩ, xét nghiệm và điều trị… Trong nỗi phiền muộn của mình nàng bắt đầu tìm một niềm vui ngược đời là cố tình làm cho chữ viết của nàng trở nên khó đọc. Thậm chí Jayanta đã nhắc nhở nàng một lần rằng chữ viết của nàng đã giống với chữ viết ngoằn ngoèo của bác sĩ.
Cuộc đời đã không công bằng đối với nàng. Đời đã làm cho nàng buồn phiền, đó là chuyện nàng không hề tin hồi còn ở trung học hay đại học. Nỗi đau khổ của nàng triền miên không nguôi. Tại sao lại là mình? Nàng tự hỏi cả chục lần mỗi ngày. Đây là điều làm nàng cay đắng. Nhưng bây giờ nàng đột ngột cảm thấy phấn chấn. Như thể là chữ viết của nàng đã làm cho nàng nhìn được vào trong những bí ẩn của cuộc sống. Mridula thấy mình trở thành một phụ nữ ghen tị, chua chát, và tự cảm thấy xấu hổ. Nàng cảm thấy hối hận về việc mình không còn khả năng cảm thông với người khác. Mắt nàng rướm lệ. Mặt nàng dịu lại. Nàng đã ngồi ở bàn lâu hơn dự định. Nàng đứng dậy đi đến lớp. Khi nàng vào lớp, các sinh viên vội vàng đứng dậy. Không ai có thể nói khi nào thì nàng nổi khùng. Nhưng hôm nay các sinh viên cảm thấy có sự thay đổi nơi nàng. Nàng có vẻ thanh thản, có một sự dịu dàng trong cử chỉ của nàng.
Khi Mridula bắt đầu dạy, nàng nghĩ đến Abul mặc váy xà rông màu xanh lá và áo vét sờn giữa những bụi cúc vạn thọ và thược dược, làm việc chăm chỉ để cho khu vườn trở nên đẹp và gọn gàng hơn. Khi nàng về nhà sẽ là trưa rồi. Nàng quyết định sẽ cho Abul về nhà anh bằng xe buýt hay xe lam. Hãy cho anh sử dụng phần còn lại của ngày với gia đình của anh. Nàng sẽ cho anh tiền để mua về nhà một con gà và mua cả con da.
Truyện ngắn. Prasanta Das
Võ Hoàng Minh dịch
(Theo “The girl with good handwritting”)
(1) Paradise Lost: tên bài thơ của nhà thơ Anh quốc John Milton (1608 -1674).
(2) Florence Nightingale (1820 - 1910) là nhà thống kê và là nhà cải cách xã hội người Anh nổi tiếng. Bà nổi tiếng khi là một nữ y tá tận tụy chăm sóc thương binh trong chiến cuộc Crimean War. Khi ấy bà được gọi là “The Lady with the Lamp Quý bà có ngọn đèn” vì thói quen đi trực vào ban đêm.
(3)Abraham Lincolt (1809 - 1865): tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ.
(4) Mahatma Gandhi (1869 - 1948): chính trị gia, anh hùng dân tộc của Ấn Độ, đã chỉ đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Anh, giành độc lập cho Ấn Độ. Ông nổi tiếng với chủ trương đấu tranh bất bạo động.
Nguồn:http://www.outofprintmagazine.co.in/archive/march-2012-issue/Prasanta_Das.html
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...