“Có cán bộ tâm sự rằng thà đứng trước Hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước Hội đồng xét xử”
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) đã nêu thực tế trên trong phiên thảo luận được truyền hình trực tiếp sáng 27/10 của Quốc hội.
Quang cảnh phiên thảo luận sáng 27/10
Nội dung được đặt lên bàn nghị sự là kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023.
Các đại biểu đều đánh giá cao kết quả khá toàn diện của năm 2022 với GDP dự kiến tăng 8%, 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch Quốc hội giao.
Tuy nhiên, còn khá nhiều hạn chế được chỉ ra, trong đó có tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động còn thấp, xuất hiện tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, nhất là trên lĩnh vực y tế và giáo dục.
Theo thống kê trong hai năm rưỡi có 39.552 người nghỉ việc, kỷ luật, kỷ cương hành chính có lúc có nơi còn chưa nghiêm, còn một số cán bộ, công chức vi phạm bị xử lý kỷ luật, thậm chí bị xử lý hình sự.
"Cùng với những tồn tại, hạn chế khác mà Chính phủ nêu trong báo cáo, theo tôi, đó là những thách thức hết sức lớn cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 mà Chính phủ đưa ra là tăng trưởng GDP 6,5%. Con người là trung tâm, là nhân tố quyết định của mọi sự thành công cũng như là sự thất bại, nhất là cán bộ lãnh đạo, trong thực tiễn năm 2022 vừa qua đã cho chúng ta thấy", đại biểu Nguyễn Hữu Thông nhấn mạnh.
Để tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 như đã đề ra, đại biểu Thông đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm, giải quyết có hiệu quả một vấn đề, đó là tình trạng bất an, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, kể cả cán bộ lãnh đạo, quản lý. "Có cán bộ tâm sự rằng thà đứng trước Hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước Hội đồng xét xử", ông Thông phát biểu trước Quốc hội và cử tri.
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận)
Nguyên nhân dẫn đến vấn đề trên thì rất nhiều, nhưng theo vị đại biểu Bình Thuận thì có 2 nguyên nhân chính.
Một là, chưa có sự đồng bộ của hệ thống pháp luật, đối với vấn đề này thì áp dụng luật này thì đúng, nhưng khi thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra thì lại sai, áp dụng vào thời điểm này thì đúng nhưng sau đó kiểm tra thời điểm khác thì lại sai.
Đại biểu cho rằng, một trong những vấn đề dễ sai nhất đó là xác định giá đất, theo quy định hiện hành thì việc xác định giá đất hầu như bằng các yếu tố giả định nên không chính xác.
"Tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 16/3/2022 đối với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường liên quan đến đấu giá đất, tham gia làm rõ những ý kiến của đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Tài chính có phát biểu là phương pháp xác định giá đất, giá khởi điểm theo quy định tại Nghị định 44 và Thông tư 36 ngày 30/6/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường là không chính xác và đề nghị phải sửa đổi. Tuy nhiên đến nay các quy định trên vẫn chưa được sửa và thực tế ở rất nhiều các địa phương có rất nhiều dự án lớn và rất lớn chưa xác định được giá đất để triển khai đầu tư. Nếu như Chính phủ không có những giải pháp quyết liệt thì việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2023 là khó hoàn thành", ông Thông nhấn mạnh.
Nguyên nhân thứ hai, theo đại biểu là cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung đã được Bộ Chính trị ban hành tại Kết luận số 14 ngày 22/9/2021 nhưng chủ trương đúng đắn đó lại chưa được cụ thể hóa bằng các văn bản quy phạm pháp luật nên cán bộ rất ngại trong quá trình công tác, họ làm cầm chừng, không dám đột phá.
Dùng quyền tranh luận, đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) cũng đồng ý với nhận định về hạn chế là hiện nay cán bộ, công chức đùn đẩy, né tránh, ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai thực hiện nhiệm vụ và phục vụ Nhân dân.
Tuy nhiên, theo đại biểu, nếu như chỉ nói vướng mắc là do chính sách pháp luật là chưa đủ. "Qua nghiên cứu, tìm hiểu tôi thấy rằng nguyên nhân chính là do con người, do khâu công tác tổ chức thực hiện, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ", ông Hạ nhấn mạnh.
Vị đại biểu này cho biết, qua tiếp xúc cử tri thì có 3 loại đối tượng: Đối tượng thứ nhất là với cán bộ có năng lực hạn chế thì đúng là có tình trạng sợ không dám làm. Đối tượng thứ hai là đối với lại cán bộ có năng lực nhưng rõ ràng là ý thức, tinh thần cũng còn hạn chế, không phải là tất cả nhưng có chuyện nghe ngóng, né tránh. Đối tượng thứ ba, khi tôi đặt câu hỏi là tại sao Luật Đất đai có từ năm 2013, Luật Đấu thầu cũng triển khai từ năm 2013, tại sao trong suốt quá trình đó không thấy vướng mắc như bây giờ và làm bằng cách nào. Có một số người trả lời rất thẳng thắn là bây giờ không muốn làm và không dám làm, bởi vì trước làm đã không đúng, làm ẩu, làm thiếu trách nhiệm, cho nên nếu bây giờ làm đúng như vậy sẽ phát sinh ra những vấn đề trước đây đã làm, chính vì vậy cho nên, đến bây giờ là cầm chừng, hạn chế và không dám làm.
Từ phân tích trên, đại biểu Hạ đề nghị Chính phủ có giải pháp quyết liệt, chấn chỉnh lại và càng sớm càng tốt để làm sao không được ảnh hưởng đến chất lượng thực hiện nhiệm vụ và phục vụ Nhân dân.
Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ chăm chú lắng nghe ý kiến của đại biểu
Nhìn hiện tượng cán bộ, công chức ào ạt nghỉ việc ở góc độ tiền lương, đại biểu Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) nói, lần tăng lương cơ sở gần nhất là ngày 1/7/2019 và do nhiều nguyên nhân, đặc biệt là ảnh hưởng trầm trọng của đại dịch COVID-19, mức lương cơ sở vẫn giữ nguyên cho đến nay, điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công việc và thậm chí dẫn đến tình trạng nghỉ việc và chuyển việc thời gian qua.
Kỳ họp này, Chính phủ đã đề xuất phương án tăng lương cơ sở. Đại biểu Thái nhìn nhận, vừa tạm yên đại dịch, việc điều chỉnh tăng mức lương cơ sở là thấu tình, đạt lý trong sức chống chịu của nền kinh tế và sức chịu đựng của ngân sách, đây là điều rất đáng trân trọng.
"Tuy nhiên, để cho niềm vui của người làm công ăn lương trọn vẹn hơn và cũng là để nhanh chóng bù đắp những trượt giá trầm trọng của đồng lương eo hẹp bấy lâu nay, từ những kiến nghị của rất nhiều cử tri, tôi xin trân trọng kiến nghị Quốc hội và Chính phủ thực hiện tăng lương cơ sở sớm hơn dự định là 6 tháng, thay vì thực hiện từ 1/7/2023 thì thực hiện ngay từ đầu năm, tức là từ 1/1/2023. Chắc chắn rằng, đây sẽ là món quà vô cùng ý nghĩa dành cho những người làm công ăn lương đã gần 3 năm qua gồng mình chống chọi, nguồn sống bị bào mòn bởi đại dịch toàn cầu", ông Thái phát biểu.
Trong một câu chuyện liên quan, lương cơ sở tăng có giữ chân được công chức, viên chức trong khu vực công hay không, vị đại biểu Bạc Liêu phản ánh, nhiều ý kiến cho rằng lương tăng là tín hiệu đáng mừng nhưng không phải là giải pháp dài hơi để công chức, viên chức gắn bó với nghề ở khu vực công. Đẩy nhanh tiến độ cải cách chính sách tiền lương mới thực sự là giải pháp căn cơ, điều mà lẽ ra nếu không phải quay quắt để phòng, chống dịch thì đã được thực hiện từ năm 2021.
Đại biểu Thái phân tích, lương cơ sở tăng lên 1,8 triệu đồng một tháng thì tiền lương thu nhập của công chức, viên chức và người lao động sẽ được cải thiện đáng kể. Người làm công ăn lương có thêm điều kiện để lo cho cuộc sống. Tuy nhiên, với mức tăng ấy trong điều kiện không thể cao hơn nữa ở thời điểm hiện tại cũng vẫn chưa thể đáp ứng đời sống của người làm công ăn lương. Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động nhận mức lương thấp sẽ không phản ánh đúng giá trị sức lao động mà mình đóng góp. Bên cạnh đó, tiền lương thấp không đủ bù đắp cho quá trình tái sản xuất giản đơn, đó là chưa nói đến tái sản xuất mở rộng, cũng chưa thể bù đắp được quá trình đào tạo và tự đào tạo của cán bộ, công chức, viên chức để toàn tâm, toàn ý với công việc được giao.
Đại biểu Huy Thái (Bạc Liêu)
"Tại kỳ họp này, Chính phủ đề xuất Quốc hội chưa thực hiện cải cách tiền lương trong năm 2023. Nếu năm 2023 đất nước phát triển kinh tế - xã hội tốt, tăng trưởng kinh tế vĩ mô ổn định, bền vững, không bị tác động bởi các yếu tố khách quan như 3 năm vừa qua thì có thể triển khai chính sách cải cách tiền lương. Đây là thông tin mà cử tri đang đặc biệt quan tâm. Cử tri đang rất quan tâm đến lộ trình thực hiện cải cách tiền lương, rất trông mong đề án này sớm được thực hiện. Bởi vì, cải cách tiền lương đang là vấn đề vô cùng cấp thiết. Mức lương cơ sở tăng như phương án Chính phủ vừa đề xuất với Quốc hội là rất quý ở thời điểm hiện tại nhưng về thực chất thì chưa đủ để xóa bỏ chênh lệch giữa lương khu vực công và lương khu vực tư, giữ lương khu vực nhà nước và lương ngoài thị trường", ông Thái nhấn mạnh.
Vẫn theo vị đại biểu Bạc Liêu thì điều chỉnh tăng mức lương cơ sở và thực hiện cải cách tiền lương là một trong những giải pháp cơ bản, cùng với những giải pháp căn cơ khác nữa để khắc phục tình trạng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động từ khu vực công nghỉ việc và từ khu vực công chuyển sang khu vực tư. Khi thị trường kinh tế lao động phát triển thì giữa khu vực công và khu vực tư tất sẽ có sự liên thông, tương tác và cạnh tranh để cùng phát triển. Vậy nhưng chấp nhận sự điều tiết của thị trường lao động thì cũng đồng thời phải cạnh tranh, phải giữ chân những người tài, những người có năng lực, những người thực sự có tâm huyết ở khu vực công bằng chính sách tiền lương phù hợp. Lương đủ sống, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động sẽ làm việc theo đúng giá trị của tiền lương mà họ được trả và cử tri đang rất trông chờ điều đó sớm được thực hiện thông qua cải cách tiền lương.
Vĩnh An
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...