Thứ bảy, ngày 28 tháng 12 năm 2024
18:32 (GMT +7)

Chuyện về lao động nước ngoài

VNTN - Trong những năm gần đây, vấn đề xuất khẩu lao động trở thành một cụm từ toàn cầu. Có rất nhiều vấn đề cần tranh luận xung quanh hiện tượng người nhập cư như: sự bóc lột, nô lệ thời hiện đại, xâm hại tình dục cũng như xung đột văn hóa… Việt Nam là một trong những quốc gia có số lượng người xuất khẩu lao động khá lớn, nhưng dường như chúng ta chưa thật sự hiểu về tình trạng của họ. Nhắc đến hai từ “nước ngoài”, chúng ta đa phần nghĩ đến đời sống kinh tế phát triển, nguồn ngoại tệ cho đất nước, những trung tâm mua sắm, khu du lịch ăn chơi…, nhưng ít có những phân tích mổ xẻ vấn đề đời sống của người lao động nước ngoài. Trên thực tế, những khoảng tối đó vô cùng nghiêm trọng và cần được phô bày để chúng ta có thể hoàn thiện hơn những cơ chế quản lý cũng như bảo vệ họ. Người đi xuất khẩu lao động thường là những đối tượng có trình độ học vấn không cao, điều kiện gia đình khó khăn. Nước ngoài đối với họ là hy vọng để đổi đời. Tuy nhiên, sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ, cũng như tình trạng bóc lột tư bản, cò mồi khiến họ rơi vào những hoàn cảnh vô cùng tồi tệ. Một từ khóa khá phổ biến hiện nay về lao động nước ngoài đó là “lao động bỏ trốn”. Đó là những người lao động kí hợp đồng với những công ty nước ngoài thông qua môi giới. Họ phải vay nợ một số tiền lớn và trả cho môi giới để có thể tìm kiếm giấc mơ giàu sang. Tuy nhiên trên thực tế, họ không thể kiếm đủ số tiền đó trong thời gian lao động nên buộc phải trở thành lao động bất hợp pháp để kéo dài thời gian cư trú, kiếm tiền trả nợ. Họ phải làm việc trong những môi trường nguy hiểm, thường xuyên bị truy quét, bạo hành hay bị lừa. Trong mắt người bản địa họ trở thành thủ phạm của sự rối loạn trật tự xã hội. Còn trong mắt đồng bào thì họ là những kẻ tham lam, thiếu hiểu biết. “Không những vậy, do thiếu hiểu biết nên họ đang tự đánh cược tính mạng của mình vì miếng cơm manh áo và đẩy các ngành chức năng vào “thế khó” trong quản lí nhân sự cũng như quản lí hoạt động xuất nhập cảnh” (dantri.com.vn - Báo động tình trạng lừa đảo xuất khẩu lao động). Họ bị cô lập. Họ từ nạn nhân của nạn môi giới lao động trở thành thủ phạm của bất ổn xã hội. Để nhận thức hơn về vấn đề này, quốc gia Đài Loan tổ chức cuộc thi sáng tác văn học dành cho đối tượng là người nhập cư để họ có điều kiện cất lên tiếng nói của mình: “Hiện tại, Đài Loan có khoảng 660 nghìn di công đến từ các nước Đông Nam Á, 160 nghìn di dân di cư qua quan hệ hôn nhân và 50 nghìn di công mất liên lạc. Họ là cộng đồng người lớn thứ 5 không thể xem nhẹ đang cùng chung sống trên mảnh đất này; Họ làm những công việc cơ sở mà chúng ta không muốn làm, chính họ đã chống đỡ cho cơ sở hạ tầng của Đài Loan; Họ giúp gia đình chúng ta chăm sóc người già yếu và người bệnh tật trong thời gian dài mà không được nghỉ ngơi; Nhiều người trong số họ là mẫu thân sinh ra thế hệ sau của chúng ta.” Việc tổ chức Giải thưởng Văn học Di dân & Di công nhằm mục đích động viên và ghi lại quá trình lịch sử đáng quý này. Lấy Di dân và Di công làm chủ thể cho các tác phẩm sáng tác văn học, thể hiện phong cách văn học của giai đoạn sống lưu lạc nơi đất khách (di công), cuộc sống của con người hai quê (di dân), và những người con mang hai dòng máu (thế hệ người cư trú mới).” (http://tlam.sea.taipei/?page_id=436) Bản chất cuộc thi cho thấy ý thức của nghệ thuật trong việc can thiệp vào những vấn đề xã hội. Đây là một cuộc thi rất nhân văn trong hoàn cảnh toàn cầu hóa. Tuy nhiên, ở Việt Nam, chúng ta chưa thật sự có những nghiên cứu, hoạt động về lao động ở nước ngoài và cái nhìn cảm thông, thấu hiểu với hoàn cảnh của họ. Mặt khác, một vấn đề cũng rất đáng quan tâm là chúng ta cần có những cơ chế quản lý tốt hơn đối với việc môi giới lao động ở Việt Nam.

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tinh giản… nghệ thuật

Xem tin nổi bật 12 giờ trước

Luật pháp có vô tình?

Xem tin nổi bật 2 tuần trước

Một cuộc cách mạng chưa từng có

Xem tin nổi bật 3 tuần trước

Sống chung với lũ

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Người dẫn đường và con đường đã mở

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Chủ nhật yên tĩnh – nghĩ và mong…

Xem tin nổi bật 4 tháng trước

Nhà văn và xuất bản sách

Xem tin nổi bật 5 tháng trước