Thứ tư, ngày 23 tháng 10 năm 2024
21:37 (GMT +7)

Chuyện về cái vỉa hè

VNTN - Theo tin các báo, mới đây Bí thư Thành ủy một thành phố lớn đã có cuộc kiểm tra một số tuyến phố của thành phố này, và thấy rằng, vỉa hè nhiều nơi vừa làm xong đã hỏng. Sau kiểm tra, ông đã nhắc nhở bốn giám đốc Sở có liên quan về tình trạng công trình đắt và chất lượng kém. Ông nói: “Tôi đã tận mắt chứng kiến, có những nơi dù đã được làm hơn 100 năm mà đá vẫn cứ nhẵn thín, không bị lún sụt. Còn ta vừa làm xong đã có biểu hiện xuống cấp. Mà cái này đâu phải đòi hỏi trình độ khoa học công nghệ gì quá cao, cũng không phải cần thợ tay nghề phải cao, hay chuyên gia nước ngoài vào mới làm được. Cái chính ở đây là vấn đề ý thức”.

Tiếp theo sự nhắc nhở của Bí thư Thành ủy, UBND đã chỉ đạo Sở Xây dựng kiểm tra, làm rõ từ khâu khảo sát, thiết kế, lựa chọn nhà thầu, thi công, giám sát và nghiệm thu công trình vỉa hè ở một đoạn đường cụ thể, qua đó làm rõ nguyên nhân khiến công trình này hư hỏng. Thì ra trong hoạt động xây dựng ngày nay vẫn còn tình trạng, công trình lớn có chuyện lớn, công trình nhỏ có chuyện nhỏ. Cũng có khi công trình nhỏ, lại có chuyện lớn.

Từ những thông tin trên, có người bảo chuyện “cái vỉa hè” vừa làm đã hỏng, địa phương nào mà chẳng có (!). Ai không tin, xin cứ dạo bộ qua bất cứ đường phố nào nơi mình ở, sẽ rõ ngay. Thật ra tình trạng trên ngoài nguyên nhân chính thuộc về chất lượng công trình thì còn có phần do người dân sử dụng. Người ta cho cả ô tô lên hè, làm vỡ hoặc long gạch. Người ta làm nghề rửa xe, nước phá vỡ mạch vữa, phá hủy nền hè, gạch lát long lên… Tuy nhiên, vấn đề đáng nói ở đây là ai cũng thấy, ai cũng biết, nhưng không ai làm gì để ngăn ngừa và khắc phục tình trạng đó.

Từ câu chuyện của thành phố nói trên, người ta nghĩ rằng chuyện “cái vỉa hè” bình thường thì chỉ ở tầm Giám đốc Sở và Chủ tịch UBND quận, huyện lo liệu là được. Nếu những vị này mà làm tròn phận sự của mình thì ông Bí thư Thành ủy chẳng cần phải “vi hành”, ông Chủ tịch UBND chẳng cần phải “ra tay”. Thời gian vật chất của các ông ấy được dùng vào những việc lớn hơn, ích nước, lợi dân hơn. Tuy nhiên, trong trường hợp có vấn đề, thì sự xuất hiện của các ông là cần thiết. Dù sao nó cũng còn hơn những nơi có chuyện mà các vị đứng đầu vẫn im lặng. Dẫu sao, một đất nước, một địa phương mà cấp trên luôn mất nhiều thời gian vào công việc thuộc phận sự cấp dưới, thì đó là một lãng phí không nhỏ.

Cũng cần nói thêm rằng, câu chuyện “cái vỉa hè” xét cho cùng là câu chuyện về kinh tế. ở đây, nhân dân bỏ tiền ra mua cái vỉa hè, dĩ nhiên là phải theo nguyên tắc ngang giá. Nếu người ta “bán” cho dân cái vỉa hè đã đắt, chất lượng lại thấp, là không ngang giá. Dĩ nhiên là dân không bằng lòng. Nhưng không bằng lòng thì dân làm được gì? Về lý thuyết, thì nhân dân là chủ, mà đã là chủ thì có quyền rất lớn, có thể làm được tất cả. Nhưng trong thực tế thì dân lại chẳng làm được gì ngoài việc phản ảnh tới các cấp lãnh đạo. Nếu các cấp lãnh đạo chẳng nghe, thì dân hết sách.

Nói những điều trên, là để thêm một lần mong những ai đang được giao việc chi tiêu tiền của dân, cần phải sử dụng những đồng tiền ấy sao cho có hiệu quả. Mọi sự thất thoát về tiền của đều là đáng tiếc và đáng trách.

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy