Thứ tư, ngày 18 tháng 09 năm 2024
12:44 (GMT +7)

Chuyện nhuận bút

Nhuận bút luôn là mối quan tâm của những người viết văn, viết báo… Nhuận bút, nói nôm na là món tiền thù lao trả cho tác giả các công trình văn hóa, văn học nghệ thuật, báo chí, khoa học… được sử dụng, xuất bản, công bố. Vậy mà xưa nay lại thường có những chuyện phức tạp, nhiều khi bi hài. Chỉ nói riêng về nghề văn. Gọi là nghề nhưng nhà văn Việt Nam hiện tại có mấy ai có thể sống nổi bằng nhuận bút? Quá lắm thì cũng đủ tiền rau dưa, mắm muối. Người xưa còn có câu nói rất khắc nghiệt: “Nhà văn An Nam khổ như chó”, cơ bản cũng xuất phát từ đồng tiền nhuận bút mà ra.

Là nói vậy, nhưng nếu truy nguyên về các nhà văn đầu thế kỷ 20, như các cụ Tô Hoài, Nam Cao, Ngô Tất tố, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng… thì hóa ra nhuận bút ngày ấy khá tươm tất. Tiền bạc của nhà văn tuy không so nổi với mấy ông thương nhân, luật sư, bác sĩ hoặc các hiệu thuốc giang mai, kiết lị, nhưng cũng đủ sống một cách đạm bạc, thậm chí có nhà văn còn đủ tiền vào nhà thổ, cô đầu. Một điều bất ngờ nữa là vào những năm 60 thế kỷ trước, giá trị nhuận bút so với ngày nay là rất “khủng”. Đơn cử như nhuận bút tiểu thuyết “Đất làng” của nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú, có độ dày khoảng 500 trang nhưng đủ mua một căn nhà 2 tầng khá lớn tại Hà Nội, vẫn còn tiền thừa để gửi tiết kiệm.

Nhuận bút của ngày hôm nay, nói gì thì nói, nhưng quả là khá đáng buồn. Một truyện ngắn, nhìn chung, các tòa soạn từ Nam chí Bắc, trả khoảng trên dưới một triệu. Bài thơ từ một trăm đến bốn trăm. Rất hiếm các tờ báo trả tới sáu, bảy trăm. Còn nhớ, năm 1920, khi thể loại truyện ngắn bắt đầu bước vào thời đại hoàng kim, nhà văn Scott Fitzgerald (Mỹ) đã được tờ Saturday Evening Post (tạp chí hàng tuần có số lượng phát hành lớn nhất Hoa Kỳ) trả cho một truyện ngắn, quy ra tiền bây giờ là khoảng gần 2 tỷ Việt Nam đồng. Nhiều năm nay, các báo chí ở Trung Quốc, Thái Lan… cũng trả nhuận bút cho một truyện ngắn trên dưới 10 triệu tiền Việt, có tòa soạn còn hơn. Các nhà văn có sách riêng, nếu sách được mua đứt bản quyền thì có vài tỷ nhuận bút là chuyện thường thấy. Còn nhuận bút sách ở Việt Nam, nói chung là bi đát.

Theo Nghị định 61 của Chính phủ thì số nhuận bút mỗi cuốn sách xuất bản được hưởng sẽ từ 8 đến 10% tiền bìa sách nhân với số lượng được phát hành. Hầu hết xi nhê các cuốn sách đều ghi là in 1.000 bản. Vậy, cuốn sách có độ dày khoảng 200 trang (giá 60.000đ) sẽ được trả nhuận bút từ 5 đến 6 triệu. Nếu tác giả muốn mua sách thì được trên dưới 100 bản. Vậy, vẫn là chỉ có sách để tặng chứ không có nhuận bút. Nhìn chung, việc ra sách bây giờ, theo các nhà văn, là chỉ để chơi cho sang, chứ hoàn toàn không có giá trị kinh tế. Tất nhiên, cũng có một vài trường hợp hiếm hoi, do trong một điều kiện thuận lợi nào đó, cũng có những cuốn sách được hưởng thù lao tới dăm bảy chục triệu (đoạt giải thưởng, được hỗ trợ sáng tác…). Vì thế, ở nước ta, có một số nhà văn rất ít in sách mà chỉ viết truyện ngắn, ký, thơ… để đăng báo. Tuy ít, nhưng do năng nhặt chặt bị nên có nhà văn cũng kiếm được vài chục, thậm chí cả trăm triệu một năm. Nhưng rõ ràng đó là một công việc hết sức nặng nhọc cả về thể xác lần tinh thần. Thực ra, ở nhiều nước trên thế giới, tình hình xuất bản cùng giá trị nhuận bút cũng không hơn gì ta. Ở nước Pháp, những năm gần đây, số lượng xuất bản cho mỗi cuốn thơ cũng chỉ từ 500 cuốn đổ lại. Vậy thì cũng sẽ không có nhuận bút, hoặc không đáng kể.

Chuyện nhuận bút èo uột là vậy. Nếu cứ từ đó mà xét thì có lẽ sẽ chẳng có mấy ai dám quăng thân vào nghề viết lách, sáng tác. Ấy thế mà, theo thống kê chưa đầy đủ, hàng năm cả nước có tới vài nghìn cuốn sách văn học ra lò. Mỗi tỉnh vẫn có hàng trăm người viết truyện, làm thơ và mỗi người cầm bút thì đều có ý muốn ra sách. Để lí giải vấn đề này, có người cho rằng dân ta hám danh. Điều này không chính xác, hoặc chỉ chính xác ở một khía cạnh nào đó. Thực ra việc cầm bút giống như một duyên nợ - duyên nợ với chính mình. Có người nói, viết là sự giải tỏa, cũng đúng. Tâm hồn con người luôn có ý muốn giải tỏa, thể hiện những điều mình nghĩ với nhiều người (nó cũng phù hợp với chức năng giao tiếp trong lí luận văn học). Và đó cũng là điều đáng khuyến khích, vì nó hướng thiện. Được đóng góp một phần nào đó, dù rất bé nhỏ cho giá trị nhân văn, thẩm mỹ cũng là rất trân quý trong đời sống dân sinh. Nhuận bút, tuy không có hoặc rất ít ỏi nhưng người viết lại được “hưởng” giá trị nhuận bút từ một con đường khác.

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Người dẫn đường và con đường đã mở

Xem tin nổi bật 2 tuần trước

Chủ nhật yên tĩnh – nghĩ và mong…

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Nhà văn và xuất bản sách

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Đạo đức người làm báo

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Thực thần – dễ có ngày bán mạng

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Băn khoăn… chờ lương mới

Xem tin nổi bật 4 tháng trước