Thứ sáu, ngày 04 tháng 04 năm 2025
16:05 (GMT +7)

Chuyện nhuận bút

VNTN - Khoảng bốn, năm mươi năm về trước, người viết, nhất là những người viết nghiệp dư lại ở tận các huyện, xã khi có bài in báo thường không bao giờ cần biết là có được trả nhuận bút hay không. Bài được in là vui rồi. Ngay thời ấy, cũng có tòa soạn gửi trả nhuận bút rất nghiêm chỉnh, nhưng cũng có không quá ít các tòa soạn “dám xa xôi mặt mà thưa thớt… tiền”. Nhưng hầu hết người viết chẳng lấy thế làm buồn, các tòa soạn cũng chẳng vì thế mà động lòng, chỉ coi đó là chuyện dĩ nhiên. Những năm sau này, việc trả nhuận bút càng ngày càng tỏ ra nghiêm túc. Người viết hình như cũng “quan tâm” hơn. Có một số tác giả nếu lâu lâu không thấy quý báo gửi nhuận bút qua bưu điện là viết thư gợi ý. Mấy chục năm trước tác giả nào “cả gan” dám làm cái việc “tày đình” như vậy sẽ bị cười chê là viết văn, viết báo vì tiền (điều này theo quan niệm cũ là tối kỵ). Ngày nay mọi chuyện đã khác xa rồi. Chuyện “đòi” nhuận bút đã trở nên thường tình, giống như việc lao động thì phải được trả tiền công. Đấy là nói tình hình chung, chứ lác đác đây đó, ở tòa báo nọ, nhà xuất bản kia chuyện trả nhuận bút vẫn còn nhiều chuyện đáng phải bàn. Hiện nay, dù không mấy ai còn quan niệm ấu trĩ như năm mươi năm trước. Nhưng nói là nói vậy chứ cánh viết lách thường có thể diện cao, những tác giả mới lại thường hay e dè nên vẫn còn không ít các tác giả chịu thiệt thòi về nhuận bút. Mà sự thực thì chuyện đòi nhuận bút cũng không phải là một con đường bằng phẳng. Từng có một nhà văn khá nổi tiếng gửi thư về Ban Biên tập nhắc về chuyện nhuận bút nhưng chờ đến mấy tháng sau vẫn bặt vô âm tín. Bức xúc, nhà văn tìm cho được số điện thoại của Ban Biên tập và điện thoại hỏi trực tiếp. Được trả lời ráo hoảnh: “chuyện tiền bạc thì hỏi phòng tài vụ nhé!”. Lại tiếp tục viết thư về phòng tài vụ. Lại chờ thêm mấy tháng nữa. Tức khí, không phải vì mấy trăm nghìn mà vì cái sự không thể chịu đựng được lối làm ăn tắc trách, nhà văn nọ liền viết thẳng thư cho Tổng Biên tập trình bày mọi nhẽ. Lần này thì ông nhà văn được Tổng Biên tập viết thư tay hẳn hoi, lí lẽ trong thư tỏ ra vô cùng tiếc vì chuyện đã xảy ra và thành thật xin lỗi tác giả. Cuối thư còn tha thiết đề nghị nhà văn tiếp tục cộng tác. Vậy mà cũng đến cả tháng sau nhà văn mới nhận được nhuận bút. Trời ơi! Chì vì mấy trăm nghìn mà cuộc hành trình vòng vo đến vậy. Đấy là một người đã có tên tuổi, còn với các cây bút mới thì thế nào? Điều đáng buồn là tuy ông Tổng Biên tập có mời một cách rất chân tình rằng “tiếp tục cộng tác”, nhưng từ đấy, nhà văn nọ “cạch” không bao giờ dám gửi bài cho tòa soạn ấy nữa. Thực ra, không có chuyện tòa soạn “quỵt” nhuận bút, mà chủ yếu do sự làm ăn thiếu trách nhiệm của cán bộ thủ quỹ, từ đó gây ra những chuyện bất cập không đáng có, và nói cho cùng thì không bao giờ nên để xảy ra tình trạng này. Tác giả cũng là cực chẳng đã, tòa soạn thì cũng mất đi phần nào uy tín. Vì vậy, ban lãnh đạo ngoài việc chỉ đạo những công việc chính của tờ báo cũng nên quan tâm hơn đến việc chi trả nhuận bút, không nên coi nó là việc phụ. Có mấy ai sống nổi bằng nhuận bút, hoặc giả cũng chỉ sống rất đạm bạc, nhưng họ cần được tôn trọng, vả lại, trả nhuận bút cho tác giả là quy định của pháp luật. Trả nhuận cao còn là cách để thu hút cộng tác viên giỏi, những cây viết “cứng”… Bởi vậy, chuyện nhuận bút nghe qua có vẻ nhỏ nhoi, nhưng rõ ràng không thể xem thường.

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Phong bì mừng cưới

Xem tin nổi bật 2 ngày trước

Văn chương và các hội văn chương

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Ấn đền Trần không phải để thăng quan!

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Để dân không bị phạt

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Tinh giản… nghệ thuật

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Luật pháp có vô tình?

Xem tin nổi bật 3 tháng trước