Thứ tư, ngày 30 tháng 10 năm 2024
16:26 (GMT +7)

Chuyện của núi rừng

(Đọc Chuyện tình Phja Bjooc, tiểu thuyết của nhà văn Bùi Thị Như Lan,

Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 2017)

1. Tôi muốn gọi Bùi Thị Như Lan là nữ nhà văn gắn với con số 10. Chuyện tình Phja Bjooc là tác phẩm văn xuôi thứ mười (8 tập truyện ngắn, 1 tập bút ký, 1 tiểu thuyết) của nữ nhà văn quân đội khá hiếm hoi, có thể đếm đầu ngón tay trong văn giới hiện nay. Chị cũng là cây bút có duyên với các giải thưởng văn học (đã nhận 10 giải thưởng các cấp). Vốn là phóng viên Báo Quân khu I, cái nghề buộc chị phải đi nhiều, phải viết nhiều, luôn phải ứng phó, cập nhật theo yêu cầu của nghề báo. Lại còn gia đình và cuộc sống riêng tư của một người phụ nữ không thể nói là đơn giản. Nhưng viết văn thì phải lùi lại sau sự kiện, phải lắng đọng chiêm nghiệm và thể nghiệm. Nên tôi cứ vân vi về việc chị đã viết vào lúc nào? Có đôi lần gặp chị về Thủ đô nhận giải thưởng văn học cấp này cấp kia, tôi thấy chị cứ tất bật vội vã, miệng nói tay làm, chân đi đầu nghĩ. Và hay cười như thể sự đời này “trăm nghìn đổ một trận cười như không”. Ai chỉ sơ giao thôi thì sẽ nghĩ cái cô nhà văn này giỏi lắm chỉ viết được thể ký mà thôi. Nghĩa là thuần túy việc. Còn người viết truyện ngắn và tiểu thuyết với sự hư cấu, tưởng tượng và “bịa đặt” thỏa thích thì... là một cô nhà văn tên Lan khác chăng? Không ít người trong nghề đã “bé cái nhầm”. Tôi cũng ít có điều kiện giao lưu với các cây bút Thái Nguyên nói chung, Bùi Thị Như Lan nói riêng. Nhưng đọc họ thì không nề hà và sơ sài. Cái câu “văn là người” áp vào trường hợp Bùi Thị Như Lan, tôi nghĩ, rất sát hợp. Đằng sau cái bề ngoài giản dị, đôi khi có vẻ như đơn giản, bình tĩnh là một khối sục sôi, phức tạp, cả nghĩ, nhạy cảm, thậm chí có tiềm ẩn sự phá cách. Cái văn hóa căn cốt - sự nguyên sơ, sự trong lành, sự vị nhân - là uống từ bà mẹ thiên nhiên hùng vĩ của quê hương xứ sở nhưng lại được chan hòa với trải nghiệm trường ốc, thị thành, văn giới nên không hề lạc hậu. Giữa bảo lưu truyền thống và giao duyên với hiện đại là nét cá tính trong ngòi bút Bùi Thị Như Lan. Tác phẩm thứ mười của nhà văn mà quý vị độc giả đang tiếp nhận phát lộ đầy đủ nhất những gì đặc trưng cho một cây bút nữ ở độ chín ở cái trào tuổi đã “tri thiên mệnh”.

2. Nói Chuyện tình Phja Bjooc là chuyện của núi rừng là có cái lý và cái tình của nó. Nhân vật chính là những người phụ nữ dân tộc Tày ở một địa phương cụ thể - bản Nộc Nhùng, xã Pù Nhài, huyện Pó Liểng (dĩ nhiên là đã hư cấu), vùng Mường Vang. Mười chín chương của tiểu thuyết xoay quanh những câu chuyện tình của mấy thế hệ phụ nữ bản Nộc Nhùng. Thế hệ bà Ngần, bà Xa đều đã trải qua nhiều chia ly, chờ đợi, mất mát. Như bà Ngần có chồng (Phái) hi sinh. Nén chặt nỗi đau mất mát vào trong lòng, bà năng nổ hoạt động xã hội, đã là tiểu đội trưởng dân quân tay cày tay súng. Những tưởng thế hệ trước lắm nỗi truân chuyên cho thế hệ sau nhẹ gánh hơn. Nhưng nào có hết. Lớp sau như chị Hái có chồng (Gắng) cũng hi sinh trên chiến trận. Những vành khăn tang trắng có chừa ai đâu khi chiến tranh vẫn luôn lơ lửng trên đầu nhân gian. Nỗi đau này không của riêng ai. Nhưng người phụ nữ Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh luôn xứng đáng với danh hiệu “anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang”. Mỗi một cặp vợ chồng là một câu chuyện tình sinh sắc nơi miền rừng núi. Bà Ngần với ông Phái là một kiểu. Bà Hái với ông Gắng là một vẻ. Họ tiêu biểu cho một thế hệ dấn thân vào cuộc đấu tranh cách mạng một cách nhẹ nhàng, giống cái tâm thế của người chiến sỹ cách mạng trong thơ Tố Hữu “Vui vẻ chết như cày xong thửa ruộng / Lòng khỏe nhẹ anh dân quê sung sướng/ Ngửa mình trên liếp cỏ ngủ ngon lành/ Và trong mơ thơm ngát lúa đồng xanh/ Vui nhẹ đến trên môi cười hy vọng” (Trăng trối, 1940). Cũng lại có một lớp con cháu kế sau thênh thang hơn các mẹ, các chị ngày trước. Đó là lớp những cô gái xinh tươi như Ri, Rinh (là con đẻ của mé Hái, con nuôi của mé Xa, mé Ngần). Họ vô tư hơn. Họ nhiều khát khao bay nhảy hơn. Nhưng đường đời của họ cũng không bằng phẳng, trơn tru hơn đời các mẹ các chị. Cả Ri và Rinh đều có giấy báo đi đại học nhưng bị chính quyền địa phương “găm” lại vì rất nhiều lý do… không có lý do. Nhưng họ là lớp người mới luôn biết “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Họ không chịu bó tay than thân trách phận. Bằng nhiều con đường khác nhau họ cải tạo cuộc sống của mình, hạn chế tối đa cái gọi là số phận. Phải nói rằng, trong tiểu thuyết "Chuyện tình Phja Bjooc" nhà văn có sự ưu ái, chăm sóc với bộ ba Ri - Hợp - Rinh (một người con đẻ và hai người con nuôi của một bà mé). Có những nét tâm lý tế nhị và tinh vi giữa Hợp, một trang thanh niên tuấn tú với người em gái Ri (cùng sống trong gia đình). Những trang viết về chuyện tình của những cặp trai gái ở Mường Vang đều hấp dẫn không phải vì chuyện lạ đường rừng mà vì những cái “cắc cớ”, “lên bổng xuống trầm” của tình cảm. Mà chuyện tình cảm thì mênh mang như núi rừng, vô vàn như lá cây, bí ẩn như sông suối.

Chuyện của núi rừng không đơn thuần chỉ là chuyện trai gái, tình yêu, buồn vui hờn giận, đợi chờ, ghen tuông, trách cứ, hiểu lầm lẫn nhau đôi khi xót xa. Còn có cả những chuyện mà ở đâu cũng có thể xảy ra - chuyện lao động sản xuất, chuyện bắn máy bay Mỹ, bắt biệt kích, chuyện đam mê quyền lực, chuyện oan trái, chuyện ngồi lê đôi mách, chuyện vô tình hay hữu ý hại nhau,…Chuyện người chết và người sống (như trường hợp mé Xa gặp lại Hợp trong trung tâm điều dưỡng và cái vòng tay anh này đeo, ở đoạn kết tác phẩm). Có tình tiết sau 13 năm bà Ngần mới được giải tỏa cái nghi án có liên hệ với kẻ xấu. Những biến cố kiểu này được nhà văn khai thác sâu, để từ đó cho độc giả cảm nhận đầy đủ hơn cái thực trạng đời người là phải “trải qua một cuộc bể dâu”, và nhà văn viết là theo sự gợi ý của “những điều trông thấy mà đau đớn lòng”.

Chuyện của núi rừng dĩ nhiên trước hết là chuyện của con người. Nhưng cũng là những câu chuyện của bà mẹ thiên nhiên hùng vỹ. Riêng tôi nghĩ, thiên nhiên trong cuốn tiểu thuyết này là một nhân vật. Một nhân vật có ý nghĩa tượng trưng cho cái đẹp - cái cao cả - cái trác tuyệt. Cuộc sống hiện đại đang bứt con người khỏi thiên nhiên, ném nó vào những bê tông, nhà kính, khói bụi ô nhiễm, từ trường của máy tính, điện thoại di động. Vào những “mê lộ” toan tính, bon chen, vị kỷ… Não bộ con người hiện đại đang có vấn đề khi nó bị thiếu “ô-xy thiên nhiên”. Những trang viết về thiên nhiên gợi cảm xúc thanh cao, trong sáng, trinh nguyên với độc giả: “Tháng Chín. Nắng thu trong vắt, vàng sánh như mật mía trôi từ đỉnh núi Phja Biooc ngút ngát mây, tràn xuống bản Nộc Nhùng. Nắng kéo nhau nhảy nhót tưng bừng trên những vòm lá ken dày trong rừng rậm, đến rừng thưa, thổi vào da quả mác cọt sậm màu nâu bóng, miên man dắt díu nhau qua những mái nhà sàn đứng dựa lưng vào núi, thong thả chạy ra vườn, nhuộm vàng chùm quýt, thắp lửa quả hồng, ùa xuống dòng Nậm Khao, thỏa thê nhí nhảnh chơi trò tung hứng trên mặt nước rộng lớn, lấp lánh tơ vàng”. Phải nói công bằng rằng, những trang viết về “cảnh” hay hơn những trang viết về “người” trong Chuyện tình Phja Bjooc. Vì sao? Có thể giải thích như sau: Mỗi nhà văn có sở trường và sở đoản khác nhau. Quý vị cứ lật lại những tác phẩm đã in của nhà văn Bùi Thị Như Lan sẽ rõ hơn: Tiếng chim kỷ giàng, Mùa hoa mắc mật, Hoa mía, Lời sli vắt ngang núi, Bồng bềnh sương núi, Cọn nước đôi, Mùa hoa Biooc phạ, Tiếng kèn pílè,… nghĩa là nhà văn này tìm được, hút được, nhân lên được cảm hứng viết trước hết là từ bà mẹ thiên nhiên. So sánh thì bao giờ cũng khập khiễng. Nhưng tôi thấy trong văn Chu Thị Minh Huệ, một cây bút viết về dân tộc mới nổi dăm năm nay, thì “người” sắc nét hơn “cảnh”. Giá như hai cây bút nữ này điều hòa được cho nhau (?!). Nhưng, như người ta nói, vì hai chữ “giá như” đôi khi lịch sử còn có thể thay đổi huống hồ văn chương. Riêng tôi, vẫn mê những trang viết về cảnh thiên nhiên núi rừng tráng lệ và hùng vỹ trong văn Bùi Thị Như Lan. Đọc văn Bùi Thị Như Lan tôi hay nhớ tới văn Phạm Duy Nghĩa, Đỗ Bích Thúy - những cây bút nổi trội viết về núi rừng hiện nay.

3. Chuyện tình Phja Bjooc là cuốn tiểu thuyết đầu tay của Bùi Thị Như Lan. Viết 8 tập truyện ngắn, tay nghề của chị đã lão luyện. Nhưng viết tiểu thuyết là sang hẳn một lĩnh vực khác. Đâu phải chuyện đơn giản lấy kinh nghiệm của “ngắn” sang viết “dài”. Viết truyện ngắn là hướng tới cái “chốc lát”, “khoảnh khắc”. Viết tiểu thuyết là hướng tới cái dòng chảy, cái chu trình cuộc đời. Nên cách quan sát là rất khác nhau, cách xử lý chất liệu và cách viết càng khác nhau. Sau khi đọc hết trang cuối cùng của tiểu thuyết "Chuyện tình Phja Bjooc" tôi có thể "đúc kết": Nhà văn Bùi Thị Như Lan là một cây bút khá chững chạc trong sử dụng thủ pháp nghệ thuật đồng hiện. Giữa quá khứ và hiện tại, giữa ảo và thật đan xen nhau, làm nên bề dày tác phẩm có chiều sâu, cuốn hút độc giả: "Cảnh tượng kinh hoàng, kỳ dị không tin nổi. Căn nhà sàn năm gian vững chãi làm bằng gỗ lim to nhất bản Nộc Chao của nhà Chủ tịch Khùng, nằm trên sườn đồi cây trái xum xuê, mặt ngó xuống sông Nậm Khao mất dạng. Mọi thứ đều thành nước. Ông Khùng cùng bà vợ dở người, đồ vật cùng lợn, gà, ngựa... không còn hình hài. Tất cả hóa thành một vực nước hình con rắn sâu hoắm, đen sì. Từ miệng con rắn đen sủi trào bọt than nóng rừng rực. Nước trong vực xoáy quẩn nhiều vòng trong bờ đá xám, rồi len lén mang màu tro bếp, nhỏ như cành cây còi cọc, thoát thân men theo bờ trái của sông Nậm Khao, nhỏ dần, nhỏ dần rồi mất hút giữa lau sậy". Đặc biệt, với cách sử dụng ngôn ngữ tinh tế mà hiện đại, vận dụng khai thác triệt để tâm lý nội tâm nhân vật, đồng thời phản ánh sắc nét nền văn hóa của tộc người vùng cao trong tác phẩm viết về miền núi, đã tạo nên hướng đi riêng, không trộn lẫn của Bùi Thị Như Lan trên văn đàn đương đại.

Tuy nhiên, kỹ thuật tiểu thuyết là không thể xem nhẹ khi viết nếu muốn tác phẩm của mình chinh phục được nhiều độc giả ngày nay vốn rất thông minh, nhưng khó tính và đôi khi còn rất …đỏng đảnh (!?). Tác phẩm của Bùi Thị Như Lan, tôi nghĩ, hợp với người sống chậm. Vì chị cứ thích nhẩn nha “kể” chuyện. Có vẻ như chị chưa chú ý đúng mức đến ý nghĩa “đồng sáng tạo” trong quá trình viết văn của độc giả ngày nay với nhịp điệu cuộc sống nhanh hơn, sôi động hơn. Chị có vẻ như mới chú ý đến “cái lý của người miền núi” hơn là cái lý con người nói chung. Thế nên văn của Bùi Thị Như Lan khá "kén chọn" độc giả vì lẽ đó. Tôi, với tư cách một độc giả có kinh nghiệm, cứ xin được thẳng thắn như thế.

Dân gian hay nói “có hoa mừng hoa có nụ mừng nụ”. Riêng tôi thấy, văn Bùi Thị Như Lan nói chung và Chuyện tình Phja Bjooc nói riêng, đã có cả hoa, đã có cả nụ. Và tôi tin đây là một bước thử thách lớn, để rồi nhà văn sẽ đi xa hơn nữa với riêng tiểu thuyết.

Bùi Việt Thắng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy