Chuyện chiều cao của người Việt
“Người Việt Nam lùn nhất châu Á, nằm trong top 15 nước lùn trên thế giới”, đó là kết quả các tổ chức nước ngoài đưa ra sau khi khảo sát về chiều cao trung bình đầu người của các quốc gia. Cụ thể là, trên tờ Insider (Anh) có bài viết công bố Việt Nam lùn thứ 15 thế giới với con số trung bình 159,01cm. Đàn ông 164,44cm và phụ nữ 153,59cm. Đáng buồn hơn, Tạp chí Dân số thế giới cung cấp dữ liệu cho thấy người Việt Nam chỉ có chiều cao trung bình là 157,1cm (nam 162,1cm, nữ 152,2cm), xếp “hạng” lùn thứ 4 thế giới. Còn con số từ Viện Y học ứng dụng trong nước, Việt Nam đứng trong top 20 nước lùn nhất thế giới. Trong đó, nam đứng thứ 19, với chiều cao trung bình là 164,4cm, nữ đứng thứ 13 với chiều cao trung bình là 153,6cm. Thử so với các quốc gia lân cận thì thấy, Thái Lan: nam 169,1 và nữ 157,9cm; Trung Quốc: 171,83 và 159,71 cm; Singapore 172,57 và 160,32 cm; Hàn Quốc 174,92 và 162,34 cm. Ngay như người Nhật Bản, xưa mệnh danh là “Nhật lùn” hiện đã có chiều cao cho nam là 172 và nữ là 158 cm. Điều đáng nói là trong khi các quốc gia khác đang cao lên “trông thấy” thì tốc độ cao lên của người Việt Nam khá chậm. Kết quả nghiên cứu từ năm 1914 tới 2014 của các nhà khoa học tại Đại học Hoàng gia London, công bố năm 2016 cho thấy, chiều cao trung bình của người Trung Quốc tăng 10 cm, còn chiều cao của nữ giới Hàn Quốc tăng 20,2 cm sau 100 năm. Trong khi, theo số liệu Tổng điều tra và giám sát Dinh dưỡng nước ta, năm 1975, chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam là 160 cm ở nam và 150 cm ở nữ, không thay đổi so với 100 năm trước đó. Từ 1975 đến nay (44 năm), chiều cao tăng 4,4 với nam và 3,4 cm với nữ. Chiều cao có tầm quan trọng đặc biệt đối với mỗi người. Cao lớn thường đi với khỏe mạnh, hấp dẫn và có nhiều cơ hội hơn trong cuộc sống. Chất lượng của lao động Việt Nam chưa được các doanh nghiệp nước ngoài đánh giá cao do “thấp bé nhẹ cân”, sức khỏe và năng suất làm việc kém. Thế nên, việc làm thế nào để cải thiện chiều cao, đưa tầm vóc người Việt Nam ngang hàng với các nước phát triển là điều nhiều người trăn trở. Các khảo sát mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy, con người phát triển mạnh nhất ở 3 giai đoạn: 9 tháng bào thai, 3 năm đầu đời và giai đoạn dậy thì (nữ từ 10 - 16 tuổi, nam từ 12 - 18 tuổi). Đặc biệt, ở giai đoạn này, nếu ăn uống tốt, vận động khoa học và nghỉ ngơi hợp lý, trong một năm bất kỳ của thời điểm dậy thì có thể tăng chiều cao lên khoảng từ 8-12cm. Qua giai đoạn dậy thì, chiều cao sẽ phát triển chậm dần và dừng hẳn ở tuổi 20. Như vậy, ngoài yếu tố di truyền (23%) không tác động được, thì 77% còn lại có thể tác động được là chế độ dinh dưỡng, vận động và cách sống liên quan đến chiều cao. Hiện, tỉ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi của trẻ em Việt Nam dưới 5 tuổi là 24%, cao hơn so với tỉ lệ của thế giới. Những đứa trẻ thấp còi thường không đạt được chiều cao tốt ở tuổi trưởng thành. Mức sống thấp, bữa ăn không đủ chất là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến hạn chế chiều cao. Từ năm 2013, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra một số chương trình với số tiền đầu tư lên tới 285 triệu USD nhằm cải thiện dinh dưỡng, sức khỏe và tăng chiều cao. Mục tiêu đến năm 2030, chiều cao trung bình của phụ nữ là 157,5 và nam giới là 168,5 cm. Người Việt Nam hiểu tầm quan trọng của thức ăn đối với phát triển thể chất. Bởi thế, khi đứa trẻ mới ra đời đã nhận được lời chúc “hay ăn chóng lớn”. Tuy nhiên, ăn gì và không ăn gì để trẻ cao lớn mà không thừa cân béo phì và dậy thì trước tuổi là kiến thức không phải ai cũng hiểu và áp dụng được. Khoảng 50% trẻ em ở T.P Hồ Chí Minh và 41% ở Hà Nội bị thừa cân béo phì, con số này năm 1996 chỉ 12%. Hơn nữa, trong 3 giai đoạn “vàng” liên quan đến phát triển chiều cao, có 2 giai đoạn do gia đình quyết định (9 tháng mang thai và 3 năm đầu đời), còn 1 giai đoạn dài nhất (6 năm ở tuổi dậy thì) lại chủ yếu do chính mỗi cá nhân quyết định. Ăn uống thất thường, sinh hoạt thiếu điều độ, lười vận động… là cách sống của không ít thanh thiếu niên hiện nay. Theo nghiên cứu của Bộ Y tế, khoảng 46% học sinh trung học cơ sở và 39% học sinh tiểu học ở Hà Nội và T.P HCM không hoạt động thể chất đủ theo tiêu chuẩn. Việt Nam nằm trong số các quốc gia ít hoạt động thể chất nhất thế giới. Một người trung bình chỉ đi bộ khoảng 3.600 bước mỗi ngày, con số này ở Philippines là 4.000 bước, Hàn Quốc là 5.800 và Trung Quốc 6.200. Con số quốc tế đưa ra là 10.000 bước. Mỗi cá nhân khỏe mạnh sẽ tạo nên một đất nước khỏe mạnh. Nếu mỗi gia đình, mỗi cá nhân đặt ra mục tiêu: Con trai phải cao hơn bố, con gái phải cao hơn mẹ từ 3-4cm và quyết tâm thực hiện mục tiêu đó, thì chiều cao của người Việt Nam sẽ được cải thiện tận gốc và sẽ thoát được “top lùn” thế giới hiện nay.
Thái Văn0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...